Bác sĩ Hà Thúy: Cánh chim không mỏi giữa đại ngàn

Chủ Nhật, 10/03/2019, 13:03
“Mày chữa cho trẻ em không khỏi, làng bắt đền mày”, “Cha tôi không hết bệnh, tôi sẽ đánh đuổi anh…” - những lời nói đầy ám ảnh của người dân miền cao huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) không làm cho bác sĩ Hà Thúy (người Trin, hiện làm Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Khánh Lê, trực thuộc Trung tâm y tế huyện Khánh Vĩnh) nản trí.


Ngược lại, anh xem đó là thử thách đáng tự hào phải vượt qua. Được mệnh danh là người “3 nhất”, lăn lóc ở nhà dân chữa bệnh nhiều nhất, leo núi khỏe nhất, nhiều lần từ chối làm lãnh đạo nhất, bác sĩ Hà Thúy luôn tâm niệm, tận lực cống hiến cho nghề là hạnh phúc của mình. 

Rèn chạy để tìm bệnh nhân

Những ngày đầu năm, đôi chân bác sĩ Hà Thúy lại tất bật luyện chạy đèo. Anh chia sẻ: “Vùng sơn thẳm này còn nhiều buôn làng xe đạp cũng không luồn được, phải chạy bộ”. Mỗi lần đến chân đèo 723 (đèo nối Lâm Đồng với Khánh Hòa), bác sĩ Thúy nhói lên những ám ảnh mà mình từng trải qua.

Khát khao chinh phục tri thức của bác sĩ Hà Thúy là để bám trụ nơi hẻo lánh.

Bác sĩ Thúy tâm sự: “Tôi luôn sống trong nỗi thôi thúc lạ kỳ lắm. Không lý giải rõ ràng được nhưng đó là cảm giác sợ đôi chân mình chạy chậm. Với bác sĩ nơi hẻo lánh này, chạy chậm trên dốc đứng hay đường mòn luồn vào buôn sâu có khi người bệnh nặng thêm, mình cứu không kịp. Ít năm trước thôi, đèo 723 ngoằn ngoèo, nguy hiểm bậc nhất miền Trung, nhất là dịp đầu xuân, người gặp nạn liên tục.

Gần 10 ngàn hộ dân ở 4 xã Yang Ly, Sơn Thái, Cầu Bà, Liên Sang (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vượt núi, luồn rừng đi lấy cây đót, đi trỉa bắp, trồng sắn… ngày nào cũng xây xước, gãy chân, gãy tay, mình còn phải đi tìm bệnh nhân thường xuyên”.

Hiện bác sĩ Thúy vẫn giữ thói quen để sẵn lương khô và vài bộ quần áo trong ba lô. Anh lý giải: Sau Tết, người dân đi du xuân, đi chơi nhiều, sợ họ gặp sự cố hay uống rượu quá đà ngộ độc, hoặc đi xe không an toàn… nên mình phải chuẩn bị tư thế sẵn sàng lao đến bất cứ địa điểm nào để chỉ đạo tuyến và trực tiếp cứu chữa.

Mấy chục năm nay, hầu như không có ngày lễ, Tết nào ở nhà cả. Có thời điểm liên tục trên đèo cao, trong buôn sâu cùng bệnh nhân. Đèo 723 là con đèo độc đạo nối liền Lâm Đồng với Khánh Hòa, Phòng khám đa khoa khu vực Khánh Lê lại nằm ngay ở chân đèo nên hàng ngàn khách du lịch cũng được bác sĩ Thúy cứu chữa tận tình.

Hiểu rõ tâm lý người dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Ranglay và Trin) khi bệnh nặng mới tìm đến phòng khám nên bác sĩ Thúy dặn các già làng nếu thấy trong buôn mình ai mệt mỏi thì báo ngay để anh tìm đến chữa trị kịp thời.

Ngược về những năm tháng ăn trên đèo, ngủ trong rừng, bác sĩ Hà Thúy bộc bạch: “Là người Trin, từ bé tôi đã nuôi khát vọng làm bác sĩ cứu người. Những năm 1990-1991, là học sinh giỏi của huyện, được lãnh đạo định hướng đưa đi học lâm nghiệp xong sẽ về làm quản lý mảng lâm nghiệp cho huyện, nhưng tôi nhất quyết không chịu, mà thích đến nơi gian khổ nhất để cứu người. Có lúc, UBND huyện lại ngỏ ý muốn đưa lên làm quản lý lĩnh vực khác nhưng mình không quen, lại chối từ.

Tận tình thăm khám bệnh cho các đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Vĩnh.

Năm 1993 tốt nghiệp y sĩ xong, tôi xung phong về công tác vùng hẻo lánh này. Có giai đoạn cao điểm dịch tả và sốt xuất huyết bùng phát, trong ba lô luôn có bạt ngủ rừng. Nhà cách phòng khám chưa đầy 10km nhưng có khi cả tháng mới về vài lần. Ngoài những giờ khám, chữa bệnh ở phòng khám tôi lao ngay lên các cung đèo, các lán rẫy để thăm khám cho người dân”.

Năm 1995, có hàng chục lần băng bó, tiêm kháng sinh cho người dân ở các buôn sâu dọc đèo 723 xong, bác sĩ Thúy giật mình khi thấy vai áo anh rách và bị trầy xước do té ngã lúc chạy vượt đèo. Ông Cao Trung, từng làm cán bộ lâm trường ở Khánh Vĩnh nhớ nhứ in: “Bản thân tôi cũng được bác sĩ Thúy vượt đèo đứng trong đêm để cứu chữa vì bị lâm tặc tấn công. Có những đêm đi tìm người dân để chữa bệnh đến mệt lả, bác sĩ Thúy nằm thiếp bên bìa rừng. Chúng tôi đưa anh ấy lên xe chở gỗ đến các buôn làng khám chữa tiếp cho bà con”.

Động lực từ những tiếng kêu

“Hà Thúy cứu vợ tôi đi, nó không thở được nữa rồi, Hà Thúy cứu cha tôi đi, toàn thân tím tái hết rồi, Hà Thúy cứu con tôi đi, nó co giật rúm hết châm tay rồi…”, vào những năm 1995-2000, những tiếng kêu này liên tục dội vào tai Hà Thúy, khiến nỗi trăn trở trong anh ngày càng lớn dần. Anh xem đó là động lực để cố gắng cứu người.

Ngước nhìn ra phía nghĩa trang huyện Khánh Vĩnh, mặt rũ buồn, Hà Thúy kể: “Ngày ấy gian khó lắm. Người dân chở bệnh nhân bằng xe trâu hoặc cáng bộ là chính. Có hôm đang băng bó, mổ ung nhọt cho hàng chục người trong phòng khám, nghe tiếng kêu thất thanh ngoài cổng, chạy ra thì thấy có vài người đang nguy kịch trên xe trâu rồi.

Cứu chữa không nổi, đưa về trung tâm huyện cũng không thể nào kịp. Trình độ của mình khi ấy còn hạn chế, thiết bị phòng khám cũng vậy nên bệnh nhân bị sốt rét ác tính hay ngộ độc rượu đến sân phòng khám vài phút tử vong xảy ra liên tục. Có trường hợp, ngộ độc rượu nặng, trước khi chết, bệnh nhân còn bảo: “Cứu tôi đi, từ nay tôi sẽ nghe lời Thúy không tối ngày say xỉn nữa”.

Nhiều đêm thức trắng, Hà Thúy nung nấu quyết tâm phải đi học thêm nâng cao trình độ của mình để xử lý nhiều tình huống khó hơn. Nhưng trước khi đi phải xoay chuyển tâm lý người dân để họ tự phòng tránh một số căn bệnh.

Sau những giờ làm nhiệm vụ ở phòng khám, Hà Thúy miệt mài đến từng nhà tuyên truyền tác hại của việc uống rượu cồn quá nhiều, đừng ăn đồ sống mất vệ sinh, hãy đẻ ít và đưa trẻ đi tiêm phòng… Cứ đến 10 nhà thì 8 nhà đóng sập cửa lại, đuổi Hà Thúy đi. Họ bảo: “Rượu cồn cũng được, cứ phải uống cho mềm môi, đẻ nhiều cho vui, không cần tiêm chủng, có bệnh thì tự khỏi, không tin Hà Thúy”.

Một đêm mưa như trút nước giữa năm 1996, khi biết có 3 đứa trẻ ở xã Yang Ly sốt cao do viêm phổi mà người dân vẫn chỉ cho uống nước lá cây, Hà Thúy tức tốc mang dụng cụ và thuốc đến. Trước hàng trăm người Trin, người Ranglay, Hà Thúy chỉ vào ngực mình quả quyết: “Tôi là thầy thuốc, là người Trin, trái tim tôi không biết nói dối, hãy tin y sĩ, bác sĩ. Hãy để tôi cứu người”. Ba đứa trẻ thoát khỏi cơn co giật, lớn lên khỏe mạnh. Từ đó người dân bắt đầu tin Hà Thúy, đưa con đi tiêm chủng, biết diệt loăng quăng, biết vệ sinh nơi ăn, chốn ở.

Rảnh lúc nào là bác sĩ Thúy lại đi tuyên truyền cách phòng, chống bệnh cho người dân.

Buổi trưa hè năm 1997 ở thôn Bố Lang (xã Sơn Thái) cũng để lại cho nhiều thanh niên miền sơn thẳm này bài học đáng nhớ. Đó là ngày nghỉ lễ, họ uống rượu cồn xuyên ngày đêm. Có người ngộ độc, lòa mắt, nhưng lại tin lao xuống dòng suối mát sẽ khỏi, nhưng càng ngụp lặn càng nặng thêm.

Hà Thúy tìm đến cược rằng, hãy đến bệnh viện chữa trị nhanh, nếu bệnh không giảm, anh sẽ bắt đền cho, muốn đánh gãy chân anh cũng được. Nhiều thanh niên nghe theo Hà Thúy đã thoát khỏi cơn ngộ độc hành hạ.

Một trong những bí quyết tuyên truyền phòng chống bệnh hiệu quả nhất mà bác sĩ Hà Thúy đúc rút ra, đó là nắm vững lịch sinh hoạt và tâm lý của người dân. Phải “đột nhập” ban đêm hay giữa trưa thì mới đông đủ người ở nhà. Lúc ấy hiệu quả tuyên truyền mới cao được. Anh bảo: Mình cứ mang tất cả lòng yêu thương và chân thật ra thì người dân sẽ thương mình mà bảo vệ sức khỏe của họ thôi. 

Muốn học cao để chữa bệnh cho đồng bào

Không chỉ luyện chạy để cứu người, mà bác sĩ Hà Thúy còn liên tục nghiên cứu các đề tài khoa học liên quan đến; dập dịch trong cộng đồng; phác đồ chống sốt rét ác tính… Các đề tài của anh đều có tính thực tiễn và được đánh giá cao. Mục đích lớn nhất của việc miệt mài nghiên cứu là để được bám trụ ở nơi khổ ải nhất. 

Thấy hiệu quả từ các đề tài của Hà Thúy, năm 2002, anh được cử ra Đại học Y Huế học và lấy bằng bác sĩ đa khoa vào năm 2007. Về lại phòng khám, bác sĩ Hà Thúy dùng tất cả thời gian nghiên cứu các phác đồ điều trị sốt xuất huyết, sốt rét và dịch tả ở các xã vùng sâu huyện Khánh Vĩnh.

Làm nhiệm vụ cứu chữa bệnh cho người dân các xã phía Tây huyện Khánh Vĩnh, mỗi ngày phòng khám đa khoa khu vực Khánh Lê đón hằng trăm bệnh nhân nên Hà Thúy nảy ngay ra sáng kiến huấn luyện cho gần 20 y tá, bác sĩ trong phòng khám cách tuyên truyền biện pháp phòng chống dịch bệnh tại chỗ cho bệnh nhân. 

Dù đã có nhiều tiến triển tốt về cơ sở vật chất cũng như trình độ y, bác sĩ, nhưng mỗi lần có bệnh nhân tai biến hoặc gặp sự cố đáng tiếc ở những nơi hẻo lánh, lòng bác sĩ Thúy lại trỗi dậy những ray rứt. Anh thổ lộ rằng: “Biết sự học là vô cùng nhưng nếu mình nghiên cứu, chinh phục, thu nhận được càng nhiều tri thức thì mình càng chữa cho nhân dân tốt hơn.

Vậy nên, ngoài việc tự mày mò nghiên cứu các đề án dập dịch tại chỗ, tôi còn học và hoàn thiện chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa I vào năm 2015. Đến các bản làng hiểm trở, nhiều căn bệnh khó trước kia mình không chẩn đoán được thì nay đã chẩn đoán được”.

Gần 30 năm gắn bó với ngành y, bác sĩ Hà Thúy vẫn sống giản dị trong căn nhà đơn sơ. Anh bảo rằng: “Nhiều khen thưởng của Trung ương lẫn địa phương cũng tiếp cho tôi động lực. Và, khát vọng cháy bỏng của tôi là học hỏi thêm từng ngày để bám trụ miền sơn cước này, giúp dân vơi đi những nỗi đau vì bệnh tật. Chỉ mong rằng từ năm 2019 này, đường sá ở các thôn buôn sẽ được đầu tư làm tốt hơn vì mình đã gần 50, chân chạy kém xưa, có đường tốt, các phương tiện chạy đến nhanh hơn”.

Tuấn Hà
.
.
.