Bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm: Người thầy thuốc Nhân dân

Thứ Hai, 10/09/2018, 11:09
“Tình yêu của tôi đối với nghề y là một tình yêu tự nguyện, không ép buộc, nên theo thời gian tình yêu ấy do được tiếp xúc và chữa trị cho nhiều bệnh nhân cứ thế lớn dần lên, không khi nào vơi nhạt”, đó là tâm sự của Bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Siêm, đã công tác trong ngành y tế hơn 40 năm, kể từ năm 1975 đến nay.


Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm sinh năm 1956, quê ở Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Trong những năm đầu công tác trong ngành Y, bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm được điều về công tác tại Trung tâm Y tế thị xã Cam Đường, tỉnh Lào Cai. 

Tại đây, ông thường đến các bản ở vùng sâu, vùng xa vừa chữa bệnh, vừa giúp người dân nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe, cũng từ đó mà ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nghiên cứu ra những bài thuốc hay kết hợp điều trị giữa Đông và Tây y.

Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm.

Sau 9 năm công tác tại Bệnh viện thị xã Lào Cai, bác sĩ Siêm được điều chuyển về công tác tại khoa Y học cổ truyền (YHCT), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tây (nay là Bệnh viện Đa khoa Hà Đông). 

Thời gian này, ông đã có điều kiện nghiên cứu, sàng lọc và phân loại các phương pháp chữa bệnh. Bằng YHCT dùng thuốc và không dùng thuốc như châm cứu, cấy chỉ, châm tê để mổ, cùng sự kết hợp tài tình giữa Đông - Tây y, ông đã chữa trị thành công cho hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh nan y như: liệt sau hội chứng não cấp, teo gai thị, xoang…

Đặc biệt, chỉ riêng trong năm 1988, ông đã chữa khỏi cho hơn 100 ca phục hồi di chứng vận động tâm thần sau hội chứng não cấp.

Bên cạnh đó, ông tham gia cùng một số tác giả biên soạn, biên tập, chịu trách nhiệm xuất bản 8 đầu sách chuyên môn về YHCT như: “Sinh bệnh lý và luận trị 5 tạng: tâm, can, tỳ, phế, thận”; “Danh nhân Hoàng Đôn Hòa”; “1.000 bài thuốc và đề tài nghiên cứu khoa học của thầy thuốc đông y Hà Nội”; “Cẩm nang chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng bằng YHCT kết hợp y học hiện đại”… và tham gia viết bài trên nhiều ấn phẩm chuyên môn khác. 

Ông cũng là chuyên gia tư vấn chuyên môn về phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân bằng YHCT trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không những vậy, ông còn là người điều hành, thực hiện nhiều chuyến khám chữa bệnh từ thiện của Hội. Trực tiếp là người đào tạo, truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm, nhiệt huyết cho nhiều hội viên, học trò, những người thực sự có “tâm” với YHCT.

Chia sẻ về “chuyện nghề” của mình, bác sĩ Siêm cho biết y học dân tộc có những điều rất tuyệt vời và nhiều câu chuyện quanh nó mà đến bây giờ ông cũng chưa lý giải được, đó là một trường hợp ông gặp vào những năm 1980. Khi đó, một bệnh nhân có khối u bằng quả trứng vịt ở phổi và được nhiều bác sĩ danh tiếng ở các bệnh viện lớn chẩn đoán là ung thư. Bệnh nhân sau đó chuyển về nằm “chờ chết” ở Bệnh viện Hà Đông vì hết hy vọng. 

Thời điểm ấy, ông đang làm Chủ nhiệm khoa Đông y của bệnh viện và có cắt 10 thang thuốc Đông y với công dụng giải độc, tiêu u cho bệnh nhân này. Điều kỳ diệu xảy ra sau một tháng, những triệu chứng ho, khó thở, sút cân chấm dứt, bệnh nhân ăn được, ngủ được. 

Sau đó, khi người bệnh đến bệnh viện chụp lại thì thấy khối u đã tiêu mất. Ông cứ đơn giản cho rằng rất có thể là do trước đó bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm, từ u lành thành u ác tính...

Hơn 40 năm công tác trong ngành Y, bên cạnh niềm say mê với nghề, nghiên cứu khoa học, bác sĩ Siêm còn có nhiều đóng góp cho hoạt động từ thiện, nhân đạo, mở các trung tâm chữa bệnh cho người nghèo. 

Hàng năm, ông phối hợp với Hội Đông y các quận, huyện tổ chức chương trình khám chữa bệnh cho trên 1 triệu lượt người, hàng vạn người được khám/cấp thuốc miễn phí mà không để xảy ra sai sót chuyên môn. 

Đặc biệt, ông còn triển khai mô hình “Tuệ Tĩnh Đường”, mở phòng khám tại chùa để khám chữa bệnh miễn phí cho người dân.

Bác sĩ Siêm chia sẻ: “Trước tình hình quá tải tại các bệnh viện, nhu cầu được khám, chữa bệnh của người dân tăng cao, Hội Ðông y TP Hà Nội kết hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Hà Nội xây dựng các phòng chẩn trị y học cổ truyền tại chùa để khám, chữa bệnh nhân đạo, miễn phí cho người dân, nhất là các gia đình chính sách, người nghèo, người tàn tật”.

Phòng khám Tuệ Tĩnh Đường đầu tiên được khánh thành tại chùa Vạn Phúc, xã Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vào tháng 10-2017. Sau 3 tháng, Tuệ Tĩnh Đường I đã khám, chữa bệnh cho hơn 1.000 lượt người bệnh, với số tiền trợ giúp người bệnh hơn 150 triệu đồng. 

Đầu năm 2018 này, Trung tâm khám chữa bệnh Tuệ Tĩnh Đường II tại chùa Ðại Phúc, phường Ðại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng đã chính thức khai trương. Tại đây, có 2 bác sĩ, 6 y sĩ trực khám, chữa bệnh vào cuối tuần và tiến tới sẽ khám chữa bệnh cả tuần.

Bác sĩ Siêm cho biết: “Nếu mô hình hiệu quả, tôi sẽ cố gắng kết hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND TP triển khai mỗi năm 3 phòng khám ở 3 quận, huyện, để 10 năm sau 30 quận, huyện trên địa bàn TP đều có Tuệ Tĩnh Đường để mỗi quận, huyện có một trung tâm trợ giúp người bệnh”.

Chia sẻ lý do chọn theo đuổi ngành Y, bác sĩ Siêm cho biết chính mẹ đã truyền cho ông niềm say mê với ngành y cho ông. Thế nên ngay từ nhỏ, ông đã khao khát trở thành một bác sĩ. Và khi ước mơ thành sự thật, ông đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu và cống hiến cho nền y học Việt, đặc biệt là YHCT. 

Giờ đây mặc dù đã bước qua tuổi 60 nhưng bác sĩ Siêm vẫn ngày đêm làm việc, chưa có lúc nào ngơi nghỉ. Với ông niềm vui và hạnh phúc là khi nhìn thấy mọi người khỏi bệnh và khỏe mạnh. Mong rằng tình yêu và nhiệt huyết của ông đối với ngành Y được lan tỏa đến tất cả các nhân viên ngành y, để các “lương y” đúng là “từ mẫu” trong lòng mọi người.

Nguyễn Lan Phương
.
.
.