Bác sĩ nhân từ 8 năm châm cứu, bốc thuốc miễn phí cắt cơn cho người nghiện

Thứ Hai, 04/07/2016, 22:02
Hơn 8 năm qua, ngôi nhà nhỏ ở phường Vân Giang, TP Ninh Bình luôn tấp nập người ra kẻ vào. Họ là những bệnh nhân đặc biệt được bác sĩ Đinh Tự Khuyên châm cứu và bốc thuốc miễn phí. Cuốn sổ bệnh án của vị bác sĩ già ghi chép tới gần 3000 trường hợp bệnh nhân khác nhau, nhưng tất cả họ đều mắc chung một bệnh, đó là nghiện ma túy.


Bệnh nhân đến đây không những được bác sĩ Khuyên châm cứu, bốc thuốc cắt cơn nghiện miễn phí, mà còn được ông tận tình theo dõi tiến triển bệnh những năm về sau. Nhiều người đã trìu mến gọi bác sĩ Khuyên là "tiên ông" giữa đời thường.

Từ quân nhân trở thành bác sĩ

Chúng tôi tìm đến nhà gặp bác sĩ Khuyên đúng lúc ông đang châm cứu cho một bệnh nhân. Ông cười đôn hậu bảo: "Chờ mình chút nhé, ca này sắp xong rồi". Cứ nhìn cái cách ông tận tình chăm chút, vừa làm vừa cười nói vui vẻ với bệnh nhân mới thấy không có một khoảng cách nào giữa vị bác sĩ và người nghiện.

Chuyện trở thành thầy thuốc với bác sĩ Khuyên như một cơ duyên. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng trai trẻ này đã thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa động lực và chế tạo máy.

Bác sỹ Khuyên nguyện làm việc thiện đến hơi thở cuối cùng.

Nhập học được chưa đầy 6 tháng, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng tân sinh viên đã tạm gác bút nghiên lên đường vào Nam chiến đấu.

Được sắp xếp vào đơn vị đặc công, đôi chân người lính trẻ đã chinh chiến khắp các chiến trường miền Nam, thậm chí sang cả đất nước Lào. Trong 5 năm máu lửa ấy, ông bị thương tới 6 lần nhưng vẫn tình nguyện ở lại quân ngũ. Năm 1971, do vết thương quá nặng ông được luân chuyển ra Bắc để điều trị. Ông bảo, đó cũng chính là cơ duyên để ông đến với nghề bác sĩ.

Ông nhớ lại: "Hồi ở đơn vị mình từng được học và tham gia khám chữa bệnh cho các đồng đội bằng phương pháp châm cứu. Sau đó lãnh đạo đơn vị phát hiện mình có khả năng về nghề này nên đã cử đi đào tạo để trở thành một bác sĩ chuyên nghiệp".

Từ năm 1972 đến năm 1978, ông theo học tại Học viện Quân y. Ra trường, ông được điều về công tác tại chuyên khoa Thần kinh Bệnh viện 103. Năm 1980, bác sĩ Khuyên được đưa đi đào tạo sau đại học, chuyên khoa cấp I để nâng cao tay nghề.

Tại khóa học này ông đã may mắn được trở thành học trò của Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu. Ông tâm sự: "Mình có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ công lớn của Giáo sư - người đã tận tình chỉ dạy cho mình từng huyệt đạo, nâng đỡ mình từng mũi kim".

Cắt cơn nghiện thành công nhờ châm cứu

Nói về cuộc đời chữa bệnh cứu người của mình, bác sĩ Khuyên chia sẻ: "Mình có thể chữa được nhiều bệnh bằng phương pháp châm cứu. Nhưng điều khiến mình cảm thấy vui và hạnh phúc nhất là có thể dùng mũi châm để cắt cơn cho những người nghiện ma túy.

Với nhiều người quan niệm, đã mắc nghiện thì chỉ có thể là đồ bỏ đi, nhưng mình không nghĩ thế, ai cũng có thể mắc sai lầm. Quan trọng là họ có muốn sửa chữa sai lầm của mình hay không".

Bác sĩ Khuyên kể rằng, duyên cớ để ông đến với những người nghiện cũng rất tình cờ. "Năm 2007, một người bạn của mình có con bị nghiện lâu năm đã đến nhờ mình chữa giúp. Nhìn cảnh đứa con của bạn vật vã khi lên cơn lại nhìn gương mặt bơ phờ, tuyệt vọng của bạn mình thật không đành lòng.

Nhưng trước đó mình chưa từng châm cứu cho người nghiện bao giờ nên bảo với bạn là sẽ thử song không chắc kết quả ra sao. Nhưng thật không ngờ, những mũi châm của mình đi đến đâu, sự vật vã của con bạn giảm xuống đến đấy. Sau khoảng 1 tuần châm cứu thì thằng bé cắt cơn" - bác sĩ Khuyên kể lại.

Tủ thuốc với nhiều dược liệu quý.

Kể sau lần đó, tiếng về bác sĩ Khuyên châm cứu có thể cắt cơn nghiện cứ 1 đồn 10, 10 đồn trăm khiến các gia đình có con nghiện cứ nườm nượp đưa con đến. Có ngày ông phải châm cứu cho gần chục trường hợp.

Ông bảo: "Tuổi mình cao rồi nhiều lúc làm việc quá sức cũng thấy thở ra đằng tai. Nhưng cứ nhìn thấy sự hy vọng của gia đình có người nghiện đặt cả vào mình nên mình lại cố. Nhiều bệnh nhân họ tiến triển tích cực không ngờ cũng giúp mình có thêm động lực".

Ban đầu, nhiều người nghiện đến phòng khám của ông với một tâm lý e dè, lo lắng. Họ lo lắng vì sợ không có đủ tiền để trả cho một bác sĩ giỏi như ông. Lúc ấy chính ông lại là người phải động viên họ rằng ông chỉ lấy sức của mình ra để giúp đỡ những người bệnh mà thôi. Ông kể, một lần có một cụ già chừng 80 tuổi, lưng còng rạp lọ mọ tìm đến phòng khám của ông.

Nhìn thấy ông, bà cụ cứ rưng rưng nước mắt rồi rút từ trong cái ruột tượng những đồng bạc lẻ quăn queo ra đưa cho ông. Bà cụ nói, nhà nghèo quá, thằng con trai lại mắc nghiện thâm niên nên chả còn gì đáng giá, vợ nó chán cũng bỏ đi, để lại đứa con nhỏ cho bà nuôi. Giờ bà đã tuổi gần đất xa trời mà người con trai không thể nào cai được nghiện, bà lo lắng cho tương lai đứa cháu nội nên đánh liều đến gặp bác sĩ.

"Thấy bà cụ tội nghiệp quá mình bảo bà cất tiền đi, ở đây chỉ chữa miễn phí thôi. Thế mà bà cụ còn đưa đẩy tiền cho mình một hồi mới dám cất vào túi. Cụ cứ khóc và nói tương lai của cả con, cháu cụ đều nhờ cả vào mình. Cũng may, sau khi cắt được cơn, anh con trai cụ đã quyết tâm cai nghiện thành công" - bác sĩ Khuyên vui mừng chia sẻ.

Phương pháp cắt cơn cai nghiện mà bác sĩ Khuyên đang thực hiện dựa trên phác đồ điều trị của Giáo sư Nguyễn Tài Thu kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của bản thân ông. Thường thì, mỗi đợt cắt cơn chỉ diễn ra trong vòng 4 ngày, dài nhất cũng chỉ một tuần là dứt. Sau khi cắt cơn, cai được thành công hay không còn phụ thuộc vào nghị lực, sự quyết tâm của mỗi người.

Trong thực tế, những người nghiện nếu muốn cai nghiện thường hay dùng phương pháp "cai khô". Phương pháp này chính là trói người nghiện lại một chỗ để họ tự vật lộn với cơn đói thuốc.

Song phương pháp này thường chỉ có tác dụng tức thời mà người nghiện lại phải trải qua nhiều đau đớn, vật vã. Ngược lại phương pháp châm cứu hiệu quả khá lâu dài. Nếu được người nhà động viên, khích lệ thì tỉ lệ thành công có thể lên tới 80%.

Nhiều con nghiện những ngày đầu đến với phòng khám của ông thường có bộ dạng rất dữ dằn, mắt trắng, môi thâm, người gầy như cây sậy. Nhiều người sau khi đã cắt cơn da dẻ hồng hào trở lại, tính tình cũng thuần hơn rất nhiều.

Bác sĩ Khuyên cho biết: "Trước khi chưa có chương trình điều trị bằng Methadone thì rất nhiều người người tìm đến với mình. Nhưng kể từ sau khi có Methadone ra đời nhiều người đã quay sang điều trị chương trình đó.

Đó là một chương trình bản chất rất tốt đẹp nhưng khi đi vào thực hiện nó cũng nảy sinh nhiều tiêu cực. Mặc dù là phát thuốc miễn phí, nhưng nhiều nơi vẫn phải "lót tay" cho bác sĩ mới có được thuốc. Do những tiêu cực đó nên nhiều người lại quay lại phòng khám của mình để châm cứu cắt cơn".

Chụp ảnh cùng người thầy - Giáo sư Nguyễn Tài Thu.

Suốt 8 năm qua, người bác sĩ này đã châm cứu, cắt thuốc miễn phí cho hơn 200 người nghiện. Ông tâm sự: "Chữa cai nghiện ma túy, không phải cứ châm cứu, cho uống thuốc là xong. Điều quan trọng là người thầy thuốc phải tâm sự, chia sẻ, động viên với tất cả tình cảm chân thành. Có vậy mới giúp người nghiện vượt qua được những cơn đói thuốc và yên tâm điều trị".

Với những người nghiện đến với phòng khám của mình, bác sĩ Khuyên không chỉ châm cứu, bốc thuốc cho họ cắt cơn mà còn bỏ thời gian theo dõi họ tới nhiều năm sau.

Có người thời gian theo dõi lên tới 8 năm nhưng cuối cùng ông lại phải thốt lên đầy bất lực: "Cai được 8 năm rồi mà anh ta vẫn còn có thể tái nghiện. Quả là để cai dứt điểm cho một người nghiện là một hành trình gian nan, không nói trước được".

Không chỉ cắt cơn và bốc thuốc miễn phí cho người nghiện mà bác sĩ Khuyên còn chữa bệnh miễn phí cho những người thuộc hộ nghèo, thương binh, gia đình chính sách. Trong cuốn sổ ghi chép tên tuổi của người bệnh đã lên tới hơn 3.000 người.

Con số này chắc chắn chưa dừng lại đó, bởi ông quan niệm: Còn sống ngày nào ông còn cố gắng làm những việc có ích cho xã hội. Giờ đây đã sắp bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, mái tóc đã bạc nhiều nhưng cái tâm của người bác sĩ vẫn ngời sáng.

Phong Anh
.
.
.