Bí thư mang cơm nắm xin đường cho dân

Thứ Năm, 08/01/2015, 18:15
Người dân xóm Ngọc Lâm nói riêng và xã Cao Răm nói chung còn kể cho nhau nghe chuyện Bí thư xóm Lí Kim Hương mang cơm đùm, cơm nắm lên tỉnh tìm cách xin mở đường rộng cho dân.

Được giới thiệu về một Ngọc Lâm phát triển nhưng chúng tôi vẫn đi với nhiều nghi ngại. Với ấn tượng về người Dao quần chẹt thường sống khép kín, ít bộc lộ tâm tư với những "luật tục" nặng nề, chúng tôi tới xã Cao Răm -  bản người Dao quần chẹt. Hôm trước trời mưa, đường trơn, có háo hức, quyết tâm đến mấy chúng tôi sẽ bò qua dốc núi cheo leo thế nào đây? Nhìn con đường đầy ngán ngẩm. Nhưng thật may, chúng tôi vẫn được gặp Bí thư Lí Kim Hương vừa  “xuống núi” tới xã họp Đại đoàn kết. Nhìn chiếc xe máy của đồng chí Bí thư xóm Ngọc Lâm bám đầy bùn đất với các bánh xe được cuốn thêm xích hòng xuống núi  cho an toàn mới thấy hết được nỗi khó khăn của người dân nơi đây.

Trước những câu hỏi của chúng tôi, anh Lí Kim Hương chia sẻ: “Đúng là rất khó khăn khi tới Ngọc Lâm chỉ có duy nhất một con đường dốc đất, trơn trượt. Đi vào lúc trời tạnh ráo đã khổ, vào lúc trời mưa thì khỏi phải nói. Trời mưa, đường trơn, chỉ những chiếc xe được quấn xích đặc chế như thế này mới có thể đi qua con đường ngắn. Người Dao trước vốn quen du canh du cư, từ khi có chính sách định canh, định cư của Nhà nước, người Dao cũng mới dừng bước du mục. Chúng tôi vốn trước ở Kim Bôi đã có bản, có làng, sinh sống lâu đời. Nhưng trước tình trạng một số hộ người Dao ở Lương Sơn đơn lẻ du canh, năm 1991, già Lương Tài Khoa đã đưa chúng tôi tới đây lập xóm. Tên xóm Ngọc Lâm và bản người Dao quần chẹt ở xã Cao Răm, huyện Lương Sơn được khai sinh như thế.

Ngày đó, 7 hộ dân ít ỏi chúng tôi đẻ có thể ra đến xóm Vai Đào xã Cao Răm không hề có một con đường dân sinh nào. Để giao lưu, sinh sống, chúng tôi chỉ có thể đi bộ men theo những con đương trâu đi. Đến năm 1995, chúng tôi mới chính thức được lập xóm, có trưởng  xóm, có Công an viên.

Không đầu hàng trước khó khăn, chúng tôi bảo nhau từ mở rộng đường trâu đi, phát quang bụi rậm, mở đường từ Ngọc Lâm tới Vai Đào dài 4km để xe máy, xe đạp có thể đi được. Biết bao khó khăn với con đường hẹp gập ghềnh dài 4km để tới xóm người Dao quần chẹt. Chẵn hai mươi năm – tính từ khi chính thức có trưởng xóm với 1 đảng viên là già Lương Tài Khoa, người dân xóm Ngọc Lâm đã từng bước vượt qua khó khăn với con đường độc đạo như thế. Nhưng, người Dao không quản gian khó, quyết tâm biến ước mơ, kì vọng được già Lương Tài Khoa gửi gắm vào tên gọi Ngọc Lâm thành hiện thực”.

Anh Lí Kim Hương (Bí thư xóm Ngọc Lâm).

Cũng từ năm 1996, anh Lí Kim Hương được bầu làm trưởng xóm và chính thức trở thành một đảng viên. Với tư cách là một đảng viên, một trưởng xóm, anh cùng già Khoa động viên bà con trong xóm chịu khó làm ăn, không bỏ rừng hoang, đồi trọc để phát triển kinh tế.

Người dân xóm Ngọc Lâm nói riêng và xã Cao Răm nói chung còn kể cho nhau nghe chuyện Bí thư xóm Lí Kim Hương mang cơm đùm, cơm nắm lên tỉnh tìm cách xin mở đường rộng cho dân.

Đó là vào năm 2002, với tư cách Bí thư xóm Ngọc Lâm, thay mặt già Khoa, thay mặt dân bản, anh Lí Kim Hương đã tự mang đơn xin mở đường lên tỉnh để nộp. Anh Hương kể chuyện vui: Lần đó, lên tỉnh, xin gặp Chủ tịch Hà Công Dậu, nhân viên thường trực trả lời Chủ tịch đi vắng, anh đã nói vui với họ: “...Cái mình từ bản Ngọc Lâm tới đây, có mang theo cơm nắm đây này. Cái mình xin ở dây đợi Chủ tịch cho bằng được đấy…”.

Cho tới những ngày đầu năm 2014, bản Dao Ngọc Lâm mới có điện về bản... Kéo được điện lưới cũng là nhân dịp đồng chí Đinh Thế Huynh về Lương Sơn tiếp xúc cử tri. Thay mặt người dân Ngọc Lâm, anh Lí Kim Hương lại mạnh dạn gửi đơn, đề đạt nguyện vọng được kéo mạng lưới điện. Người đảng viên người Dao quần chẹt đã cùng người dân nơi đây mở cõi, vượt qua gian khó để phát triển đời sống kinh tế, gìn giữ, bảo tồn đời sống tinh thần lành mạnh, bền  vững.

Xong câu chuyện vui về gói cơm nắm, anh chia sẻ niềm hân hoan của người dân xóm Ngọc Lâm: “Kể từ khi nộp đơn xin mở đường, tới năm 2005, được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh, người dân chúng tôi đã được cấp kinh phí cho máy ủi về thông tuyến, mở đường đất rộng để ôtô có thể tới tận xã Ngọc Lâm. Con đường đất dù còn vô vàn gian khó nhưng đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc giải quyết bài toán no cơm, ấm áo”.

Chỉ có thể xuống núi với bánh xe quấn xích như thế này.

Xóm người Dao luôn luôn xác định không chỉ giải bài toán no cơm, ấm áo mà phải quyết định hướng để bà con sống tốt, sống văn minh. Vì thế, trong tất cả các cuộc họp, cán bộ đều thống nhất với bà con quyết tâm thực hiện "3 không'': không mê tín - dị đoan, không tảo hôn, các gia đình trẻ không sinh con thứ 3... Mọi người ai cũng ghi nhớ 8 chữ: "Đẻ nhiều, của ít, thiệt mình, hại chung”. Chính vì vậy, từ năm 1996 trở lại đầy, ở bản Dao Ngọc Lâm rất ít trường hợp tảo hôn, 95% các gia đình trẻ không sinh con thứ 3, tình trạng ép gả cũng không còn, bà con chủ trương trẻ hợp nhau là lấy, không phân biệt dân tộc. Trong các ngày tết, lễ, ngày cưới cũng được giảm bớt những thủ tục rườm rà, tốn kém. Thành quả thu được đáng kể nhất trong việc thực hiện lối sống văn minh chính là từ năm 2002 tới nay, trong bản người Dao quần chẹt xóm Ngọc Lâm không có hộ nào sinh con thứ ba. Không chỉ có thế, năm 2006, bản Ngọc Lâm liên tục được công nhận là làng văn hóa cấp huyện với thành tích “nói không” với các tệ nạn xã hội.

Nói về việc chăm lo cho công tác giáo dục, anh Lí Kim Hương cho biết: Năm 2004, bản Ngọc Lâm có 30 cháu trong độ tuổi đi học đều đã được đến trường. Hiện 23 cháu đang theo học cấp l tại bản, 3 cháu học cấp II dưới xã, 3 cháu học cấp III trường huyện. Con em của bản đi học có nhiều cháu là học sinh khá, học sinh giỏi được nhà trường tặng giấy khen.

Chia sẻ về mong muốn và những khó khăn, anh Lí Kim Hương chỉ nhắc lại một việc: Người dân xóm Ngọc Lâm luôn mong chờ một con đường cấp phối từ Cao Răm tới xã thay cho con đường đất hiện tại để người dân nơi đây có điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn, để trẻ con tới trường dễ hơn vì hiện ở bản chỉ có trường mầm non và cấp I. Người Dao quần chẹt không khép kín, luôn mong chờ hội nhập để phát triển kinh tế mà vẫn giữ được lối sống văn hóa, văn minh của mình.

Vũ Nguyên
.
.
.