Đại úy Nguyễn Trọng Tùng – một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô 2014:

Sứ mệnh bảo vệ mùa xuân của người chiến sĩ trẻ

Thứ Tư, 18/02/2015, 13:00
Được vinh danh là một trong 10 Gương mặt tiêu biểu của Thủ đô năm 2014, đối với Đại úy Nguyễn Trọng Tùng, đó không chỉ là niềm vui, niềm vinh dự mà còn là sứ mệnh của một công dân khi được cống hiến và bảo vệ trái tim của đất nước.

Người chồng chưa một lần đón giao thừa cùng vợ con

Sinh ra ở mảnh đất Hải Dương, sau khi tốt nghiệp Trung học Cảnh sát năm 2003, chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Tùng được nhận quyết định về Công an quận Đống Đa, Hà Nội công tác. Trở thành một người lính trinh sát xông xáo, nhiệt huyết của Đội Cảnh sát hình sự, cho tới tháng 4/2013, sau hơn chục năm gắn bó, nhờ những thành tích nổi bật trong công tác trấn áp tội phạm cùng với kinh nghiệm ngày một dày dạn, anh được giao trọng trách làm “thuyền trưởng” của Công an phường Văn Chương (Đống Đa).

Nói về địa bàn phường Văn Chương, Đại úy Tùng chia sẻ: “Đây là khu vực đông dân cư, tỉ lệ tiểu thương chiếm số lượng lớn, hàng quán mọc ra như nấm, dẫn tới những mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp về địa điểm buôn bán, mối hàng... nếu không sát sao, quản lý chặt chẽ có thể khiến tình hình rối loạn. Trên thực tế, trong năm 2014, số vụ việc liên quan tới tranh chấp, buôn bán giảm đáng kẻ so với năm 2013. Vụ việc nghiêm trọng gần như không có. Phường Văn Chương được đánh giá là địa bàn yên ổn, cư dân sống chan hòa. Những ngày áp Tết, anh em trong đơn vị được tăng cường xuống địa bàn, nắm bắt tình hình dân cư, khi xảy ra sự cố sẽ tiến hành xử lý ngay lập tức… tránh kéo dài, ảnh hưởng tới công việc làm ăn, buôn bán của nhân dân”.

Đối với người chiến sĩ Công an nhân dân, ngày Tết lại là những ngày bận rộn nhất. Đơn vị sẽ phân công lịch trực phù hợp cho anh em, riêng với trách nhiệm của Trưởng Công an phường như anh, hầu như ngày nào anh cũng có mặt ở đơn vị dù không có lịch trực để nghe báo cáo tình hình của các ca trực luân phiên trước đó.

Đại úy Tùng chia sẻ, 11 năm khoác sắc phục Cảnh sát của lực lượng Công an, cũng là chừng ấy năm anh “làm bạn” với điện thoại. Anh tuyệt đối không bao giờ dám tắt điện thoại, cũng không dám mở nhỏ chuông, để khi có án, có sự việc bất ngờ xảy ra thì còn tiếp ứng kịp thời. Nghề này được ví như một nghề mạo hiểm, luôn ở tư thế sẵn sàng trực chiến, sẵn sàng lên đường khi có nhiệm vụ.

Anh nhớ, có trưa mùng một Tết, khi đang ở nhà sum vầy cùng vợ con, gia đình thì nhận được điện thoại của đồng đội, báo có vụ xô xát, đâm chém trên địa bàn. Anh lại tất tả lên đường, đành để vợ con tự đón Tết với nhau. Bởi anh hiểu, ngay khi vụ việc xảy ra, nhiệm vụ của người chiến sĩ Công an là phải đến hiện trường một cách nhanh nhất. Chỉ cần chậm trễ năm, mười phút có thể làm xáo trộn hiện trường, dấu vết, bằng chứng bị phi tang hoặc làm mờ bởi các tác nhân bên ngoài, sẽ gây ảnh hưởng tới công tác điều tra, phá án.

Anh bảo, những ngày Tết càng thấy thương vợ và con nhiều hơn. Bởi, không giống như những gia đình khác, được quây quần, đầm ấm bên nhau, thì những người vợ công an phải làm quen với việc tự tay lo toan, sắm sửa Tết nhất, dọn dẹp nhà cửa, thậm chí đón Tết một mình… vì chồng phải trực, phải đi đánh án… hoặc vì ti tỉ lý lo liên quan tới công việc.

Anh cười bẽn lẽn, mang tiếng ở Hà Nội được hơn chục năm, nhưng chưa năm nào được nếm vị giao thừa bên gia đình, chưa năm nào đưa vợ con đi ngắm pháo hoa ở Bờ Hồ giống như các gia đình Thủ đô khác. Đêm giao thừa, anh thường về nhà lúc 2-3h sáng. Sau khi đi tuần một vòng, chắc chắn tình hình an ninh đã ổn định, Đại úy Tùng mới về nhà, và cũng chính anh luôn là người “xông đất” cho gia đình nhà mình luôn.

Có lần vừa dọn bữa cơm tân niên, chưa kịp ăn thì nhận được điện thoại của đơn vị, báo có vụ ẩu đả trên địa bàn, Đại úy Tùng lại phải buông bát buông đũa, vội vã lên đường. Cho tới tận mùng 3, sau khi công việc giải quyết ổn thỏa, anh mới trở về cùng ăn miếng cơm nóng bên vợ con. Thế nên, điều Đại úy Trọng Tùng cảm thấy may mắn trong cuộc đời mình là có người bạn đời thấu hiểu và giàu lòng cảm thông. Hiểu rõ tính chất phức tạp trong công việc chồng đang theo đuổi, nên chị luôn ủng hộ niềm đam mê nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm của anh mà chưa một lần kêu ca, phàn nàn nửa lời.

Chiến công thầm lặng của người chiến sĩ trẻ

Nhắc về những vụ án từng tham gia công tác phá án, Đại úy Nguyễn Trọng Tùng khẳng định: Đặc thù của nghề Công an là tinh thần làm việc tập thể. Mỗi cá nhân đều là mắt xích quan trọng trong quá trình điều tra, phá án. Cho nên, chiến công anh có được đều có phần lớn công lao của đồng đội – những người cộng sự đồng cam cộng khổ, cùng anh vượt rừng băng núi, lần theo dấu vết tội phạm, mà như cách nói của Đại úy Tùng: “những người cộng sự ấy là bạn chiến đấu, là bằng hữu, là anh em ruột thịt của tôi”.

Vụ án từng để lại cho anh rất nhiều trăn trở về mối quan hệ của những người trẻ trong xã hội hiện đại, đó là vụ án giết người, cướp tài sản từng gây chấn động Hà Nội trong những ngày hè nóng bỏng tháng 6/2013.

Tối muộn 24/6, một người phụ nữ tới trụ sở Công an trình báo về việc có một cô gái người bê bết máu lê từ ngõ 157 phố Chùa Láng kêu cứu. Sự xuất hiện bất ngờ trong trạng thái vô cùng thảm thương của cô gái khiến người phụ nữ tốt bụng và những người dân ở đó hoảng hốt, một mặt nhanh chóng sơ cứu cho nạn nhân, mặt khác lên trình báo Công an phường về vụ việc.

Theo đó, danh tính nạn nhân được xác nhận. Cô tên Nguyễn Thị Y. (SN 1990, là sinh viên Đại học Quốc gia) bị đánh và cướp tài sản. Theo thông tin từ quần chúng nhân dân, ngay trong đêm, Đại úy Tùng cùng các trinh sát khác đã tới hiện trường vụ án. Đó là một bãi đất hoang đổ phế liệu. Một mũi trinh sát rà soát các mối quan hệ của Y., được bạn bè của Y. cho biết, khoảng 20h cùng ngày, sau khi đi liên hoan với lớp, cô thay đồ và lấy chiếc Piaggio LX chưa đăng kí biển số đi chơi. Nhưng, Y. đi chơi cùng với ai thì không một ai biết cụ thể. Kẻ thủ ác gây án trong đêm và sau đó biến mất không để lại chút dấu vết nào giống như hắn biết thuật tàng hình thường gặp trong các tiểu thuyết trinh thám.

Lần theo các mối quan hệ của nạn nhân, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát phát hiện Nguyễn Duy Quang (sinh viên Đại học Xây dựng) là người cuối cùng gọi điện cho Y. và đó là nghi phạm lớn nhất trong vụ án xôn xao này. Ngay lập tức, Đại úy Trọng Tùng cùng 10 trinh sát khác được phân công truy tìm nghi can số 1, Nguyễn Duy Quang. 1h sáng 26/6, khi mới bước vào nhà nghỉ Nguyên Ngọc ở phường Bồ Đề cùng bạn gái, Quang đã bị các trinh sát bắt giữ trước sự ngỡ ngàng của bạn gái.

Tại cơ quan điều tra, ban đầu Quang chối bay chối biến tội lỗi gây ra, nhưng khi chiếc xe của nạn nhân được các trinh sát thu giữ được thì hắn không còn “mạnh mồm” phủ nhận được nữa.

Nguyễn Duy Quang quê ở Đồng Xoài (Bình Phước), ra Hà Nội học Đại học Xây dựng. Tại cơ quan điều tra, Quang khai nhận, hắn và Y. quen nhau qua mạng. Hai bên trở thành bạn bè và thi thoảng gặp nhau. Biết Y. có điều kiện, Quang đã nảy sinh ý định cướp tài sản để có tiền tiêu sài. Khoảng 17h ngày 24-6, gã đã chuẩn bị sẵn một đoạn dây thừng giắt trong người và rủ Y. đi chơi.

Quang đón Y. ở ngõ 157 phố Chùa Láng, sau khi đi sâu vào trong và giả vờ nhầm đường, hắn cố tình nghiêng xe để chiếc xe mới đổ ra đường. Sau khi nhờ Y. cầm lái, Quang đứng sau lấy sợi dây thừng thít cổ nạn nhân. Bị tấn công bất ngờ, Y. nhanh chóng rơi vào thế bị động mà không kịp chống trả. Dù Y. bị siết cổ tới thoi thóp, Quang vẫn chưa yên tâm, hắn còn dùng gạch đập nhiều nhát vào đầu nạn nhân, tới khi Y. không còn động đậy được nữa.

Sau khi ra tay với nạn nhân, Quang đã giật dây chuyền, lấy điện thoại và cướp chiếc xe máy LX rồi nhanh chóng tẩu thoát. Trước khi bỏ đi, hắn không quên lấy chiếc bao tải gần đó phủ lên người nạn nhân.

Gã đem bán chiếc điện thoại được 2,4 triệu đồng rồi ung dung đi chiếc xe gây án đến đón người yêu đi sinh nhật. Quang khai nhận, vì gần đến sinh nhật bạn gái, muốn tổ chức sang trọng nên hắn nghĩ tới Y. – một người bạn quen trên mạng để cướp tài sản. Điều đặc biệt, sau khi sát hại Y., Quang vẫn đến trường thi môn Giải tích như không hề có chuyện gì xảy ra, thậm chí tiếp tục đưa người yêu đi bar, vũ trường, nhà nghỉ.

Phần về nạn nhân, nhiều người nói đúng là chị Y. mệnh lớn nên thoát khỏi cửa tử qua chân tơ, kẽ tóc, dù vậy dư chấn của vụ tấn công nghiêm trọng dẫn tới đa chấn thương, phù não và tâm lý rơi vào trạng thái hoảng loạn.

Đại úy Tùng buồn bã bảo, vì theo vụ án từ đầu tới cuối, điều tra hồ sơ, nhân thân của đối tượng Nguyễn Duy Quang, anh không khỏi tiếc nuối cho gã sinh viên này. Hắn là con thứ hai trong một gia đình khá giả ở Đồng Xoài (Bình Phước). Từng đạt danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền, trong đó giỏi nhất môn Lý, cánh cửa đại học đối với Quang không quá khó khăn.

Khi Quang học hết cấp 3, cả gia đình chuyển về Thái Nguyên sinh sống. Khi bước chân vào Đại học Xây dựng, Quang xuống Hà Nội ở cùng chị gái, đang làm việc ở một ngân hàng có tiếng. Được chị gái lo cơm ăn, áo mặc trong khi bố mẹ vẫn chu cấp tiền sinh hoạt đều đặn, cuộc sống sinh viên của Quang khá sung túc so với bạn bè.

Đáng lẽ tương lai của Quang sẽ vô cùng rộng mở và hứa hẹn, nhưng khi sa vào yêu đương, ăn chơi sa đọa, chính tay hắn ta đã hủy hoại cuộc đời mình và gây nên vụ trọng án.

Tại cơ quan điều tra, Quang đã khóc rất nhiều vì ân hận. Nhưng tất cả những giọt nước mắt lúc này không thể cứu vãn được tội lỗi Quang đã gây ra. Đại úy Tùng nói rằng, anh tiếc nuối cho Quang, cho một người trẻ tự tay chôn vùi tuổi thanh xuân của mình sau song sắt nhà giam bởi kim tiền và hào nhoáng.

Vụ án khép lại, kẻ tội nhân phải chịu mức án nghiêm khắc của pháp luật, song với người trực tiếp phá án như Đại úy Tùng, những trăn trở hãy còn đó. Điều anh cảm thấy lo lắng là sự vô cảm, lạnh lùng của con người với con người trong xã hội hiện đại, đặc biệt là một bộ phận người trẻ.

Họ bị lôi kéo, làm mờ mắt bởi đồng tiền, bởi những cuộc ăn chơi chớp nhoáng để khẳng định thương hiệu phù phiếm của bản thân, mà quên đi giá trị đích thực tạo nên nền tảng xã hội, đó là tình yêu thương, nhân ái giữa con người với con người. Nhìn những giọt nước mắt ân hận của Quang, những giọt nước mắt bàng hoàng choáng váng của cha mẹ Quang, Đại úy Tùng không khỏi chua xót và đau lòng. Nhưng quy luật nhân – quả ở đời là thế, gieo nhân nào gặt quả ấy, không thể tránh được!

Ngoài những trăn trở trong vụ trọng án từng gây xôn xao Hà Nội kể trên, Đại úy Nguyễn Trọng Tùng còn nhớ mãi ấn tượng trong lần đối đầu với “sưa tặc” từng gây nhức nhối Thủ đô. Trong thời gian từ tháng 12/2011 – 3/2012, trên địa bàn quận Đống Đa xảy ra nhiều vụ trộm cắp gỗ sưa đỏ - một loại cây quý. Vì lợi ích bản thân, các đối tượng trộm cắp đã xâm hại tới tài sản Nhà nước và xâm phạm tới môi trường tự nhiên, gây nên bức xúc lớn trong quần chúng nhân dân. Thực hiện ý kiến chỉ đạo, Đội CSHS, trong đó có Đại úy Nguyễn Trọng Tùng đã xác lập chuyên án trinh sát để đấu tranh.

Qua công tác trinh sát và kết quả khám nghiệm hiện trường, xác định nhiều khả năng vụ trộm cắp gỗ sưa đỏ do một nhóm đối tượng tỉnh ngoài gây ra, vì vậy việc triển khai biện pháp trinh sát phối hợp với biện pháp tuần tra, mật phục tại các địa bàn trọng yếu nhằm phát hiện, bắt giữ các đối tượng gây án được tiến hành gấp rút, quyết liệt.

Sau thời gian dài theo dõi, khoảng 4h sáng 5/3/2012, lực lượng CSHS Công an quận Đống Đa, Công an phường Trung Tự phối hợp với tổ công tác Phòng CSTT Công an TP Hà Nội phát hiện một số đối tượng có hành vi trộm cắp tài sản tại vỉa hè trước nhà số 4 Tôn Thất Tùng. Tại đây, tổ điều tra đã bắt được đối tượng Đinh Văn Tuyến (SN 1988, trú tại thôn Bái Đang, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Qua đấu tranh khai thác, đối tượng Tuyến khai nhận thêm hai đối tượng đồng bọn nữa tên Hiến và Vân (ở Nho Quan – Ninh Bình).

Được sự phân công của lãnh đạo, đồng chí Nguyễn Trọng Tùng đã cùng đồng đội lên đường đi Ninh Bình, Thanh Hóa để xác minh và bắt giữ các đối tượng còn lại có hành vi trộm cắp gỗ sưa trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các đối tượng bị bắt giữ gồm Lượng, Thời, Thao, Tuấn.

Ngay sau đó, cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tạm giam với 12 đối tượng về hành vi trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Ngay sau đó, ban chuyên án tiếp tục truy bắt 5 đối tượng còn lại và mở rộng vụ án để có thể sớm hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị truy tố (xử điểm) các bị can phục vụ việc răn đe và phòng ngừa chung.

Việc những chiến sĩ Công an tóm gọn những tên “sưa tặc” đã được quần chúng nhân dân đồng tình, khen ngợi. Bởi, ngoài việc gỗ sưa quý hiếm, cần được bảo vệ, bảo tồn, thì nó còn góp phần tạo nên lá phổi xanh cho Thủ đô, điều hòa bầu khí quyển nơi trái tim Tổ quốc.

Đại úy Tùng chia sẻ: “Dù không phải sinh ra ở Hà Nội, nhưng với tôi, Hà Nội là quê hương thứ hai, là nơi giúp tôi gặp gỡ được những mối duyên tốt lành trong nghề nghiệp và trong đời sống riêng. Chứng kiến những kẻ đang tâm phá hoại môi trường, tàn phá Thủ đô khiến tôi vô cùng giận dữ và phẫn nộ. Bởi thế, khi được phân công vào ban chuyên án, tôi đã tự nhủ sẽ làm tận lực hết sức mình để góp một phần nhỏ bé bảo vệ mảnh đất nghìn năm văn hiến này”.

Chuyên án ma túy những ngày cận Tết

Một ngày cuối năm 2013, Đội CSHS, Công an quận Đống Đa nhận được nguồn tin: có một đối tượng tên là Báu, quê ở huyện Phú Lương, Thái Nguyên cùng một số đối tượng trên Thái Nguyên thường xuyên mua bán và vận chuyển số lượng lớn ma túy từ huyện Vân Hồ, Sơn La đi qua Hà Nội và Thái Nguyên. Qua xác minh nhận thấy nguồn tin do cơ sở cung cấp là chính xác. Đại úy Nguyễn Trọng Tùng cùng tổ trinh sát tìm hiểu, được biết Báu là đối tượng nghiện ma túy nặng, đã có tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy. Mọi hành tung của chúng đều rất bí ẩn và vô cùng cảnh giác.

Sau nhiều ngày theo dõi, tổ công tác nắm được thông tin Báu sẽ thực hiện một đơn hàng vào ngày giáp Tết. Sau thời gian mật phục và nghiên cứu kỹ địa bàn mà chúng sẽ đi qua, tổ công tác quyết định bám theo Báu ngay từ lúc hắn di chuyển lên Sơn La lấy hàng. Trong chuyến đi này, Báu đi cùng một người phụ nữ, cải trang thành một cặp vợ chồng đi thăm họ hàng, nhưng thực chất tất cả ma túy đều được chúng găm kỹ trong người, dự định sẽ mang ma túy về phân phối trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Là một tên cáo già lọc lõi, dọc đường di chuyển, Báu đổi xe liên tục để tránh theo dõi của lực lượng chức năng. Nhưng đúng 7h ngày 18/12 (âm lịch), nhận thấy thời cơ đã chín muồi, tổ trinh sát áp sát mục tiêu, bắt quả tang Báu và người đàn bà đi cùng. Tại cơ quan điều tra, danh tính hai kẻ vận chuyển được làm rõ: Trần Quang Báu (SN 1980, trú tại Sơn Cẩm, Phú Lương, Thái Nguyên), có hai tiền án về tội cưỡng đoạt tài sản và mua bán trái phép chất ma túy.

Ra tù vào tội, “tuổi đời” ngục tù chẳng kém cạnh tuổi đời, thế nhưng, thay bằng việc làm ăn đàng hoàng, Báu tiếp tục dấn sâu vào con đường phạm tội, trở thành nô lệ của ma túy và gieo rắc “cái chết trắng” cho đồng loại. Còn người đàn bà đóng vai vợ của Báu là Nguyễn Khánh Nguyệt (SN 1971, trú tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), cũng có một tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ tang vật gồm 344 gam ma túy cùng 4.000 viên ma túy tổng hợp. Qua đấu tranh, khai thác, đối tượng Báu và Nguyệt khai nhận số ma túy trên Báu cùng Nguyệt lên Vân Hồ (Sơn La) mua giúp cho đối tượng tên Nguyễn Văn Bắc (SN 1964, trú tại Hóa Thượng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Qua điều tra, xác minh thông tin, được biết Bắc có 1 tiền án năm 2005 về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Theo tính toán của chúng, ngày 18/12, đối tượng Nguyễn Văn Cường (SN 1985, cùng quê với Bắc) chở Nguyệt và Báu đi Sơn La. Nhưng, sau khi mua được ma túy, Báu và Nguyệt sẽ bắt taxi về trước và hẹn gặp Bắc tại Hà Nội.

Nhận được nhiệm vụ mới, ngay lập tức Đại úy Tùng và hai tổ công tác đi Sơn La để phối hợp bắt giữ Bắc và Cường. Vụ phá án ma túy những ngày giáp Tết đã khép lại với thành công vang dội, sau đó mở rộng điều tra vụ án, còn bắt thêm được Hà Văn Nam (SN 1993, quê ở bản Tà Láng, thị trấn Trường Sơn, Mộc Châu, Sơn La), kẻ cung ứng ma túy cho đường dây tiêu thụ ở Thái Nguyên và các tỉnh lân cận, và Phạm Văn Chung (xã Chiềng Sơn, Mộc Châu, Sơn La), kẻ chuyên nhập ma túy từ Lào để phân phối cho các đại lý ở Việt Nam. Sau khi bóc gỡ đường dây ma túy xuyên quốc gia, cơ quan điều tra tiến hành hoàn tất hồ sơ vụ án để xử lý nghiêm minh những kẻ có tội trước pháp luật.

Đại úy Nguyễn Trọng Tùng chia sẻ: “Đường dây ma túy do Nguyễn Văn Báu cầm đầu được triệt xóa là nhờ công sức của toàn thể anh em trong đơn vị. Họ sẵn sàng lên đường, tổ chức mật phục, theo dõi hàng tháng mọi di biến động của đối tượng, dù gần Tết, việc nhà, việc đơn vị bận rộn, nhưng những ai được phân công vào tổ công tác đều cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, coi đó là “món quà” chào xuân mới ý nghĩa, thiết thực”.

Một mùa xuân nữa lại về, nắng vàng nhẹ trải dài từ thành thị tới làng quê, gió hây hây mơn man trên từng tà áo mới. Cuộc sống chảy trôi trong những cung bậc dung dị, bình yên. Nhưng, có ai biết rằng để nhân dân có được 365 ngày yên ả, thanh bình, đoàn tụ bên gia đình cũng là 365 ngày bộn bề vất vả, thậm chí phải đối mặt với cam go, có khi đối mặt cả với cái chết của những người chiến sĩ Cảnh sát.

Sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ của họ để bảo vệ mùa xuân tươi đẹp cho đất nước, bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân vừa là sứ mệnh thiêng liêng, cao cả, vừa là niềm hạnh phúc lớn lao của những người chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ trật tự xã hội.

Anh Tú
.
.
.