Cả đời "đi xin" cho người nghèo

Thứ Ba, 17/11/2015, 16:59
Hơn 80 tuổi bà vẫn sống neo đơn một mình trong căn nhà lụp xụp chẳng có gì đáng giá. Sức khoẻ đã yếu, nhưng cứ khi hết bệnh, quyên góp được nhiều đồ từ thiện, bà lại mướn một chuyến xe của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kon Tum đi đến tận những bản làng xa xôi, hẻo lánh nhất để làm từ thiện. Hơn 20 năm nay, bà đã rong ruổi khắp các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum, đem niềm vui đến cho những người nghèo khó. Tấm lòng của bà khiến nhiều người khâm phục.

Ở cái thành phố Kon Tum này, người ta đều gọi bà Đặng Thị Phương với cái tên thân thương là "Má Sáu từ thiện", bởi hơn 20 năm nay, bà đã vận động, quyên góp tiền bạc, của cải để đi khắp các vùng xa xôi, hẻo lánh trao tặng cho bà con dân tộc nghèo của tỉnh Kon Tum. Hôm chúng tôi về thăm, bà Sáu vừa mới ốm dậy sau một cơn bệnh nặng. Năm nay bà Sáu đã 81 tuổi. Tuổi cao cùng những căn bệnh của người già sầm sập ập tới khiến bà Sáu yếu đi nhiều. Giọng nói vẫn còn yếu ớt, nhưng bà bảo, bà lại đang lên kế hoạch chuẩn bị đi từ thiện tiếp. Trước trận ốm nặng này, bà vừa mới đi từ thiện ở huyện Sa Thầy trở về.

Trong căn nhà nhỏ ở tổ dân phố 8, phố Duy Tân chẳng có gì đáng giá nhưng chất đầy đồ đạc, quần áo mà bà Sáu mới quyên góp được. Bà Sáu tâm sự, cứ khi nào quyên góp được nhiều đồ, bà lại mướn một chuyến xe của Hội Chữ thập đỏ của tỉnh để chở hàng đến tận các vùng sâu, vùng xa. Trên chuyến xe ấy thường có 1 đến 2 người của Hội, nhưng bà chỉ mượn danh nghĩa của Hội Chữ thập đỏ, còn tiền thuê xe bà tự bỏ ra hết. Đồ đạc cũng do bà đi "xin" được.

Chuyện làm từ thiện của bà Sáu bắt đầu từ những năm 1996. Ngày ấy, khi thấy Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Kon Tum, Ngục Kon Tum ít người hương khói, bà thấy chạnh lòng lắm. Cũng là một người lính vào sinh ra tử, từng bị giặc bắt và bị tù đày nên bà thấy mình may mắn hơn những liệt sĩ nằm kia khi còn sống được đến tận ngày hôm nay. Vì thế mà cứ mùng 1, hôm rằm, bà lại mang hoa quả đến thắp hương, mong làm ấm lòng những người đã khuất.

Bà Sáu trong một chuyến đi từ thiện ở Sa Thầy.

Thấy tỉnh Kon Tum vẫn còn nhiều nơi thực sự khó khăn, thiếu thốn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên từ năm 2002, bà nảy ra ý tưởng đi đến những vùng sâu, vùng xa để giúp đỡ đồng bào dân tộc nghèo khó. Nhưng vì hoàn cảnh của bà cũng thực sự khó khăn, một mình bà sống neo đơn trong căn nhà chật hẹp, không con cái, không người thân thích, một tháng chỉ có 600 nghìn đồng tiền hỗ trợ người có công với cách mạng và 400 nghìn đồng chế độ người già neo đơn.

Số tiền bà cho thuê hai gian nhà nhỏ của mình cũng chẳng đáng là bao nếu muốn giúp những người khó khăn hơn. Vậy là bà lặn lội đến từng nhà vận động bà con nhân dân trên địa bàn thành phố Kon Tum quyên góp quần áo và những vật dụng cũ, mang về nhà sửa chữa, giặt giũ và đóng gói cẩn thận để làm quà tặng cho người nghèo.

Ngày ấy, thấy bà sống một mình nên nhiều người tỏ ý nghi ngờ. Người thì bảo bà đi buôn đồ cũ; kẻ lại cho rằng bà rỗi hơi làm những việc không đâu, có người bán tín bán nghi cho rằng bà già rồi nên thay tính, đổi nết, vì nghèo, không có tiền, không có người chăm sóc nên phải đi xin đồ về nhà dùng.

Nhưng rồi những chuyến đi từ thiện của bà Sáu cùng tấm lòng của bà dần khiến mọi người thay đổi cách nghĩ và họ càng cảm phục bà hơn. Lẽ ra ở cái tuổi xế chiều được quây quần bên con cháu thì ngày ngày, bà Sáu vẫn còng lưng đạp xe ra khỏi nhà từ sáng sớm để đến tận những hang cùng, ngõ hẻm của thành phố Kon Tum xin đồ và vận động bà con quyên góp đồ dùng, quần áo để đem về làm từ thiện.

Chiều về, bóng dáng nhỏ bé của bà cụ lại khuất sau những bao đồ, những thùng mì tôm cồng kềnh trên yên xe. Hôm nào khoẻ, bà chở được đồ về đến tận nhà, nhưng có hôm yếu quá, đạp xe không nổi, bà Sáu phải thuê xe thồ chở cả người lẫn xe đạp và số hàng quyên góp được về nhà. Trời nắng hay trời mưa, bà cũng chẳng chịu ngồi yên ở nhà. Cứ có người gọi có đồ là bà lại lóc cóc đạp xe tới lấy.

Bà Sáu bên ngôi nhà đơn sơ của mình.

Đã thế, về đến nhà bà Sáu còn dỡ ra phân loại cẩn thận. Với những quần áo cũ, bà hì hụi giặt giũ, phơi phóng cẩn thận, rồi mới đóng gói gọn gàng trước khi đem đi làm từ thiện. Trong căn nhà chật chội lúc nào cũng tràn ngập những thùng đồ và bao quần áo.

Nhà nào ở gần có hoàn cảnh khó khăn, bà còn mua cả thức ăn mang đến. Nghe ai mách có trường hợp thực sự đáng thương, bà cụ lại chuẩn bị sẵn quà và phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện tìm đến thăm, tặng quà. Nhưng đâu phải sự việc lúc nào cũng suôn sẻ như mong muốn. Có những khi người nọ người kia mách trường hợp này đang rất cần sự giúp đỡ, nhưng lúc ấy bà lại cạn tiền.

Chưa chuẩn bị kịp, không muốn đi vay mượn ai, bà Sáu lại mang chính sổ đỏ của nhà mình đi làm tin, vay nóng vài triệu đồng mua mì tôm, nước mắm, cá khô, quần áo… tặng người nghèo. Hai gian nhà ngoài rộng rãi, bà đều cho thuê để lấy tiền đi làm từ thiện. Cảm phục tấm lòng của bà Sáu, nhiều người mang đồ quyên góp đến tận nhà cho bà. Có anh chị trong khu phố còn đến tận nơi giúp đỡ bà phân loại, đóng gói, rồi vận chuyển đồ đạc lên xe khi bà chuẩn bị đi làm từ thiện.

Năm nay đã 81 tuổi, chẳng còn ai thân thích, nên mọi tình thương bà Sáu đều dồn hết cho những người có hoàn cảnh khó khăn và những chuyến đi từ thiện. Thời niên thiếu, bà Sáu tham gia cách mạng tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, từng bị địch bắt giam, tù đày.

Năm 19 tuổi, bà kết hôn với ông Trần Ngọc Sanh. Chưa kịp hưởng hạnh phúc của cặp vợ chồng mới cưới thì ông phải ra Bắc tập kết. Một mình bà Sáu cũng tìm đường lên Kon Tum lập nghiệp. Suốt những năm tháng chiến tranh, vợ chồng xa cách biền biệt không một lần được gặp nhau. Tin tức về nhau cũng lúc có lúc không nhưng bà vẫn luôn chờ đợi và hi vọng ông sẽ trở về. Niềm tin thuỷ chung sắt son của bà cuối cùng cũng được đền đáp.

Năm 1978, ông Sanh trở về trong sự mừng vui khôn xiết. Lúc này, ông bà đều đã đứng tuổi, việc sinh con đẻ cái đã quá muộn nên ông bà quyết định sống nương tựa vào nhau đến cuối đời. Rồi năm 1999, do tuổi cao sức yếu, ông Sanh ra đi, để lại mình bà đơn côi giữa cõi đời. Từ ấy, bà lấy việc chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kon Tum và những chuyến đi từ thiện làm niềm vui lúc tuổi già.

Căn nhà nhỏ chủ yếu để chứa đồ làm từ thiện của bà Sáu.

Từ năm 2005 đến nay, thông qua Hội Chữ thập đỏ các huyện Kon PLông, Sa Thầy, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum... đã có hàng chục chuyến hàng, hàng nghìn bộ quần áo, chăn màn, giày dép cũ được bà Sáu mang đến trao tận tay người nghèo. Ở phường Duy Tân, hễ có gia đình nào có người ốm đau, gặp phải rủi ro bất trắc đều tìm đến bà. Nhà chị Tâm ở gần đấy hoàn cảnh rất khó khăn. Anh Sơn, chồng chị bị bệnh nặng không có tiền chữa trị. Bà Sáu đã lặn lội về tận huyện Phù Mỹ (Bình Định) mời thầy thuốc lên Kon Tum chữa trị cho anh. Biết anh chị không có tiền, bà trả luôn cả tiền khám bệnh. Khi anh chị ngỏ ý sau này sẽ hoàn trả cho bà, bà đều xua tay, coi đó là tấm lòng của mình.

Chị Lý cũng ở ngay phường Duy Tân hoàn cảnh khó khăn không kém. Khi nhận được tin con gái mình đỗ đại học cũng là lúc chị lo lắng nhất vì trong nhà chẳng còn gì đáng giá để có thể bán lấy tiền, làm lộ phí cho con gái vào thành phố Hồ Chí Minh học tập. Lúc ấy chị đã tìm đến nhà bà Sáu vay 1,7 triệu đồng tương đương với gần 3 chỉ vàng ngày ấy.

Đã bảy năm trôi qua, chị Lý vẫn chưa thể hoàn trả nhưng bà Sáu cũng xua tay coi đó là sự giúp đỡ của mình vì tương lai của bọn nhỏ. Khi hay tin bà con dân tộc thiểu số Bahnar ở làng Kon Sơ Lam, thuộc xã Đăk BLà (thành phố Kon Tum) góp tiền xây dựng nhà Rông văn hóa chào mừng ngày Quốc khánh (2/9/2006), bà đã cầm một triệu đồng đến tận làng Kon Sơ Lam để đóng góp.

Người ta thường nói "lá lành đùm lá rách", nhưng với tấm lòng "lá rách ít đùm lá rách nhiều" như của bà Sáu thật khiến người ta cảm phục. Bà bảo, còn sức bà còn đi đến nhiều vùng sâu, vùng xa hơn nữa để giúp đỡ người nghèo nhiều, chỉ đến khi nào không còn đi được nữa bà mới thôi.

Ngọc Mai
.
.
.