Cái tâm của vị bác sĩ thú y

Thứ Hai, 26/02/2018, 08:37
Đến với nghề bác sĩ thú y từ duyên nợ đặc biệt với loài chó, rồi trở thành bác sĩ thú y đầu ngành nhưng bác sĩ Hoàng Ngọc Báu vẫn tự nhận mình chỉ là một người yêu động vật bình thường như bao người khác. Một ngày đầu năm mới ngồi trò chuyện cùng ông, chúng tôi hiểu thêm được nhiều điều về công việc cũng như tấm lòng của ông với những loài vật được nhiều người yêu mến.


"Món nợ" với loài chó

Với nhiều người, khi đến với bất kỳ một công việc nào đều xuất phát từ một niềm đam mê, hay một định hướng có sẵn của gia đình. Còn riêng với bác sĩ Hoàng Ngọc Báu, ông đến với nghề thú y như một duyên nợ. Ông kể, năm ông lên 8 tuổi,  trong một lần đi vệ sinh vào ban đêm thì chú chó nhà sủa gắt lên dứt khoát không cho ông ra vườn.

Nghe chó sủa nhiều, bố ông mới dậy cầm đèn pin ra soi thì phát hiện trong bụi cây có con rắn cạp nong đang bành mang thè lưỡi. Ngay lập tức, ông cụ hô hoán mọi người trong nhà cầm gậy và đập chết được con rắn nhưng cũng chỉ 10 phút sau, chú chó nhà lăn ra chết. Lúc đó mọi người mới biết trước đấy chú chó nhỏ đã bị rắn cắn, nhưng trước khi chết nó vẫn trung thành bảo vệ cậu chủ.

Bác sĩ Báu luôn bận rộn với công việc khám chữa bệnh cho chó mèo.

Cái chết của chú chó nhỏ khiến bác sĩ Báu khóc suốt một đêm vì thương xót. Nếu không có nó liều mình bảo vệ thì có lẽ hôm ấy ông cũng trúng độc của con rắn cạp nong kia. "Từ lúc đó tôi ngộ ra rằng, mạng sống của mình có thể đã gặp nguy hiểm nếu không có chú chó thế thân. Tôi cảm thấy mang món nợ với loài chó. Sau này lớn lên muốn làm điều gì đó có ích với động vật nên theo học bác sĩ thú y", bác sĩ Báu trải lòng.

Và thế là sau khi tốt nghiệp cấp ba, trong khi bạn bè đều chọn ngành xây dựng, tài chính thì ông quyết định học chuyên ngành bác sĩ thú y Trường Đại học Nông nghiệp khiến nhiều người bất ngờ. Đang là học sinh giỏi toàn diện, trong khi thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, nghề bác sĩ thú y vẫn là một điều gì đó xa lạ với mọi người thế nên quyết định của bác sĩ Báu còn khiến gia đình phản đối kịch liệt. Thế nhưng cuối cùng với ý chí và quyết tâm cao độ, ông vẫn theo đuổi đến cùng đam mê và cũng là duyên nghiệp của mình.

Sau khi tốt nghiệp đại học, bác sĩ Báu về công tác tại Cục Thú y - Bộ NN&PTNT. Năm 1990, ông nhận được học bổng của Liên hợp quốc sang Cộng hòa liên bang Đức nâng cao về ngành chăm sóc thú cưng. Về nước một thời gian, ông xin nghỉ ở Cục Thú y, làm công tác cho các văn phòng đại diện nước ngoài về các vấn đề thú y từ năm 1993. Sau đó chuyển ra ngoài làm tự do.

Những kỉ niệm khó quên

Nghề bác sĩ thú y mới phát triển chục năm trở lại đây ở Việt Nam khi đời sống nâng cao, nhu cầu nuôi thú cưng phát triển. Thế nhưng, ở nước ngoài, thú cưng được ưa chuộng từ khá lâu. Nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ, trẻ em và thú cưng là những đối tượng được bảo vệ tuyệt đối.

Thế nên mới có câu chuyện mà bác sĩ Báu ấn tượng và nhớ mãi trong cuộc đời làm bác sĩ thú y của mình. Đó là câu chuyện ông Tây "hâm" trong gần ba tháng, ngày nào cũng dạo qua cái góc phố đầu chợ Long Biên để thăm nuôi hai con mèo con bị nhốt trong một cũi sắt rỉ, đói ăn và khát nước. Ông ta còn mua cả thức ăn cho mèo.

Bác sĩ Báu thường xuyên chia sẻ những câu chuyện cảm động về thú cưng lên mạng.

Hai con mèo này bị chủ nhốt để lấy tiếng kêu dọa lũ chuột. Một lần con mèo sổng chuồng, bị tai nạn do xe máy quệt phải, đúng lúc ông Tây đến thăm.

Không thể nói được tiếng Việt, người đàn ông ngoại quốc tìm mọi cách ra hiệu để nói cho mọi người biết rằng: con mèo phải được đưa đi cấp cứu ngay và ông ta có quyền được làm việc này. Mọi người xung quanh cuối cùng cũng hiểu và để cho ông Tây mang mèo đến gặp bác sĩ Báu. Rất may chú mèo bị gãy chân nhưng không tổn thương phủ tạng và bình phục sau vài ngày điều trị.

Suốt thời gian chú mèo điều trị, ông Tây đều đến thăm thường xuyên và lo mọi chi phí. Sau khi chú mèo khỏi bệnh, ông Tây chắp tay khẩn khoản nhờ bác sĩ Báu đến gặp người chủ thuyết phục cho ông ta mua lại con mèo và lại khẩn khoản nhờ vị bác sĩ đi tìm một người chủ mới thật tốt bụng để ông ta đem tặng vì hai vợ chồng ông ở khách sạn, không thể nuôi mèo được. Và cuối cùng, bác sĩ Báu cũng tìm được cho chú mèo một ngôi nhà mới là gia đình người đồng nghiệp của ông tại quận Long Biên cũng là những người rất yêu động vật.

Một kỉ niệm khác khiến bác sĩ Báu không thể quên là ca đỡ đẻ đúng đêm mùng 1 Tết cách đây 2 năm. Sau khi nhận được điện thoại từ một chàng trai trẻ với giọng lo lắng, cầu khẩn cấp cứu mổ đẻ "sản phụ" là chú chó giống Pitpull ở Lĩnh Nam (Hà Nội), ông lập tức bắt taxi trong đêm, chỉ kịp chợp mắt trên xe.

Vừa đến nơi, chủ nhà luôn miệng xin lỗi vì đã làm phiền ông vào mồng 1 Tết. Ca mổ đẻ kéo dài đến gần sáng, cả nhà phấn khởi khi thấy "mẹ tròn con vuông". Lúc ra về, chủ nhà rất cảm động, cầm tay ông liên tục nói cảm ơn.

Ông bảo, ngày hôm ấy, ông hoàn toàn có quyền từ chối lời khẩn cầu của gia chủ vì giữa đêm hôm muộn màng, lại vào ngày Tết, nhưng nếu đêm đó ông không đi thì không biết mẹ con Pitbull sẽ ra sao? Ông nhận lời không phải vì tiền mà chỉ đơn giản là tình yêu với loài vật để thấy rằng, mình vẫn còn có ích cho xã hội khi tuổi đã cao, sức đã yếu. Vì thế mà hầu như Tết năm nào ông cũng bận rộn nhất vào mồng 1, mồng 2 khi các phòng mạch đều nghỉ.

Quan trọng vẫn là tình yêu với động vật

Trước đây, người ta nuôi chó chỉ đơn giản là để giữ nhà. Còn lại khâu chăm sóc, phòng bệnh cho chó và các loài vật khác đều bỏ ngỏ, chó mèo bị ốm bị bỏ đói, bệnh tật, bị bỏ mặc như mèo hoang chó dại thì giờ đây quan niệm nuôi chó, nuôi thú cưng đã khác. Không phải chó đắt tiền là quý, mà với chủ nuôi nó đều yêu quý, chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ.

Thế nhưng, dù thị trường thú cưng phát triển song sách về về chăm sóc chúng rất hiếm. Bác sĩ Báu chính là một trong số người hiếm hoi dịch, sưu tầm và tổng hợp đầy đủ các bệnh lý liên quan tới thú cưng. Tất cả đều được ông đăng tải miễn phí trên mạng Internet.

Từ năm 2000, bác sĩ Báu bắt đầu viết tin, bài đăng lên trang web Vietpet. Ở thời điểm nào "nóng" về dịch bệnh nào, ông lại tìm đọc sách quốc tế, kết hợp với kiến thức thực tiễn rồi tổng hợp thành bài viết ngắn gọn, dễ hiểu.

Gắn bó một đời với thú cưng, trở thành bác sĩ thú y có tiếng nhưng điều đáng quý nhất đó là bác sĩ Báu luôn giữ cho mình ý niệm "sống để cống hiến". Đó cũng là lý do ông không mở phòng mạch thú cưng để kinh doanh, bởi một khi đã dấn thân vào kinh doanh sẽ không còn sự trong sáng, không còn vô tư chia sẻ  kiến thức chuyên môn với tất cả đồng nghiệp, bàn bè nữa.

Bác sĩ Báu và chú chó cưng của mình.

Không ít phòng khám đưa ra đề nghị mời bác sĩ Báu về hợp tác, thậm chí có ông chủ ngoại quốc đề nghị ông chỉ cần đứng tên phòng khám, không cần đến làm việc thường xuyên vẫn được trả lương hậu hĩnh. Thế nhưng, vị bác sĩ thú y vẫn  khéo léo từ chối. Cũng có nhiều cá nhân, nhà xuất bản đề nghị bác sĩ Báu hợp tác xuất bản sách về thú cưng, song ông không nhận lời. Ông tâm sự: "Tất cả những gì tôi biết đều công khai trên mạng xã hội, ai có nhu cầu cứ vào mạng tìm là có chứ không nhất thiết phải mua sách".

Hiện nay, quan niệm về thú cưng ở Việt Nam đã được mở rộng, những trạm cứu hộ chó mèo được lập ra, nhiều thông tin về thú cưng được chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội. Ngày càng nhiều người từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo là những tín hiệu vui thể hiện tình yêu với loài động vật nuôi trong nhà. Điều quan trọng nhất của những người chủ khi xác định nuôi thú cưng vẫn là tình yêu thật sự dành cho chúng. "Một khi đã yêu động vật cần biết chúng cũng có quyền như con người.

Ngược đãi động vật đã sai nhưng yêu quý không đúng cách, tội cũng không thua gì. Phải luôn áp dụng quy tắc ứng xử "5 không" với vật nuôi: Không bỏ mặc vật nuôi để chúng bị đói, khát; không trêu chọc, hành hạ vật nuôi; Không gây đau đớn, tổn thương và để vật nuôi mắc dịch, bệnh; Không làm thay đổi tập tính và bản năng vốn có. Và cuối cùng, không đe doạ gây tổn thương tinh thần", bác sĩ Báu tâm sự.

Hằng ngày khám chữa bệnh cho thú cưng, bác sĩ Báu đều ghi chép tỉ mỉ những câu chuyện cảm động rồi đăng tải lên mạng xã hội. Ông mong muốn mỗi câu chuyện như thế sẽ giúp con người thêm yêu quý động vật, từ đó tránh những hành động làm hại chúng.

Ngọc Trâm
.
.
.