Cái tâm với văn hóa của một cựu Trưởng Công an huyện

Thứ Sáu, 25/07/2014, 18:30
“Là một người con của xứ Mường Vang huyền thoại, từng có trên ba mươi năm là một chiến sĩ Công an, trước sự xâm lấn của văn minh đô thị khiến văn hóa dân tộc mình đang bị mai một đi, ông Bùi Văn Nỏm luôn suy nghĩ, trăn trở. Không chỉ dừng lại trong suy nghĩ, trăn trở, ông đã biến những suy nghĩ đó thành hành động giữ gìn bảo lưu và phát triển truyền thống văn hóa dân tộc mình – đặc biệt là văn hóa ứng xử…”.

Giữ văn hóa trong nếp nhà

Tôi muốn nhắc lại nghĩa hiểu văn hóa là gì trước khi bắt đầu bài viết về một người con nơi xứ Mường có suy nghĩ và hành động thiết thực với vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc mình. Và tôi hoàn toàn đồng ý với định nghĩa của F. Boas rằng: Văn hóa là tổng thể các phản ứng tinh thần, thể chất và những hoạt động định hình nên hành vi của cá nhân cấu thành nên một nhóm người vừa có tính tập thể vừa có tính cá nhân trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên của họ, với những nhóm người khác, với những thành viên trong nhóm và của chính các thành viên này với nhau”.

Là một người con của xứ Mường Vang huyền thoại, trước sự mai một của văn hóa dân tộc, ông Bùi Văn Nỏm cũng như những người con đất Mường yêu dân tộc mình khác luôn băn khoăn, trăn trở. Không chỉ dừng lại trong suy nghĩ, trăn trở, ông đã biến những suy nghĩ đó thành hành động giữ gìn bảo lưu và phát triển truyền thống văn hóa dân tộc mình – đặc biệt là văn hóa ứng xử. Những gì con người đó đã, đang và sẽ làm nhằm gìn giữ, bảo tồn văn hóa của dân tộc mình tới thế hệ mai sau là bài ca lành lẽ được cất nên nơi núi rừng Mường Vang, bên nếp nhà sàn xinh xắn.

Phần đa mọi người thường nghĩ: khi một người quan tâm tới đời sống tinh thần, đến giá trị tinh thần là lúc đời sống vật chất của con người đó đã ổn thỏa, dư dả. Nói một cách hình tượng hơn thì khi sự réo gào của dạ dày tạm ngừng cuộc tuyên chiến, người ta mới quan tâm tới đời sống tinh thần, tới các giá trị văn hóa . Có thể, khi nhìn vào căn nhà sàn của Bí thư Huyện ủy huyện Lạc Sơn hiện tại, bạn và tôi cùng thoáng nghĩ tới điều này. Nhưng, lặng lẽ theo chủ nhân bước hết các bậc cầu thang, bạn sẽ thấy nhận định ban đầu của mình có phần hồ đồ, phiến diện.

Tới thăm nhà ông, tôi không chú ý nhiều tới các hiện vật cổ được chủ nhân sưu tầm, lưu giữ. Mặc dù nó hiện diện trong ngôi nhà này trước hết xuất phát từ mong muốn gìn giữ, bảo tồn văn hóa, hiện vật mà cha ông nơi đất Mường xưa đã tạo dựng, thiết lập mà hình thành vốn văn hóa vật thể cho dân tộc mình. Vì, để làm được điều đó cũng còn kể tới tiềm lực kinh tế của chủ nhân. Nhưng, trong âm thanh binh bùng bong của tiếng cồng, tiếng chiêng, theo giới thiệu của ông trước từng món đồ, tôi đặc biệt chú ý tới căn tủ kính nhỏ. Khi cánh cửa tủ mở ra, bạn cũng sẽ như tôi lập tức có cảm giác đang được chạm tới một thế giới nội tâm ở một người đàn ông Mường mà bạn không dễ gặp trong cuộc đời.

Đồng chí Bùi Văn Nỏm - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện trao học bổng của Huyện ủy, HDND, UBND huyện cho các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Ngăn tủ kính nhỏ không phải là nơi cất giữ những hiện vật có giá trị được quy đổi thành tiền hay vàng bạc. Nhưng, nó là ngăn tủ có giá trị nhất đối với ông và thế hệ sau mình trong mái nhà đầm ấm. Ngăn tủ đó được ví như bảo tàng lịch sử về hai cô con gái của ông. Nơi đó, người cha của hai cô con gái cất giữ các hiện vật thiêng liêng của hai người con mình. Đó là hai cuống rốn của hai cô con gái được người cha phơi khô, bảo quản trong lọ thủy tinh nhỏ từ những năm tám mươi của thế kỉ trước. Khi đó, ông đang công tác tại Công an huyện Lạc Sơn. Là chiếc phù hiệu tên trường của con, là chiếc đồng hồ đeo tay đã cũ. Là tờ giấy bé ngoan từ khi hai cô con gái ở tuổi mẫu giáo.vv.  Tất cả được người cha luôn ý thức về văn hóa, xây dựng lối sống, ứng xử văn hóa ngay trong gia đình mình cất giữ như giữ gìn những vật linh.

Vậy là hai người con khi trở về với nếp nhà sàn của cha mình sẽ chạm tay tới kỉ niệm ấu thơ. Gia tài ông để lại cho con vì thế mà trở nên quý giá vô ngần. Tình cảm của người cha dừng lại bên ngăn tủ kính nhỏ trong gian giữa của nếp nhà sàn. Cốt cách văn hóa, trong giao tiếp ứng xử được ông hình thành, nuôi dưỡng ngay trong nếp gia đình như thế. Và bạn hẳn phải đồng ý với tôi rằng tinh thần của chủ nhân căn nhà sàn đẹp vào loại bề thế nằm nơi bức tranh chữ khiêm nhường, giản dị mà ông treo cạnh căn tủ vừa được nhắc đến: “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/  Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”

Giữ văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng

Cùng với sự phát triển và xâm nhập của văn minh đô thị, nếp nhà sàn xưa đây đó trong cộng đồng người Mường bị dỡ bỏ. Nếp nhà sàn bị dỡ bỏ, kể như không gian thiêng gắn với sinh hoạt của con người xứ Mường, phong tục, tập quán, nét ứng xử cũng theo đó mà mai một đi. Trước nạn chảy máu nhà sàn với những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi chảy về miền xuôi, với cương vị là một người con yêu tha thiết vùng Mường, ông Bùi Văn Nỏm thốt lên: Cứ đà này, chẳng mấy mà nhà sàn ở đất Mường Vang sẽ biến mất. Nhà sàn lũ lượt về xuôi, không lẽ con cháu người Mường sau này cũng theo về đó mới thấy được nếp nhà của cha ông, tổ tiên dân tộc mình?

Một cách sâu sắc nhất, Bí thư Huyện ủy từng có thâm niên trên ba mươi năm là một chiến sĩ công an, từng đảm trách chức vụ Trưởng Công an huyện càng thấy rõ hơn ai hết vai trò của văn hóa trong ứng xử cộng đồng. Với ông, thời gian là một chiến sĩ Công an, được tiếp xúc với đủ mọi thành phần trong xã hội là thời gian hết sức quý báu. Những năm tám mươi của thế kỉ trước, khi đời sống còn khó khăn thì người dân Lạc Sơn vẫn dành cho cán bộ, chiến sĩ sự chăm sóc, động viên, giúp đỡ với suy nghĩ giản dị mà hết sức đẹp đẽ rằng: người với người trước lạ, sau quen.

Học tập nét giao tiếp, ứng xử trong đời sống cộng đồng, vị Trưởng Công an huyện nương theo đó mà xây dựng lối sống văn hóa trong cơ quan với nhận thức về tầm quan trọng của ứng xử văn hóa trong công tác vận động quần chúng  cũng như việc đấu tranh, phòng chống tội phạm... Từ suy nghĩ này, người lãnh đạo đã phát động, động viên chiến sĩ trong cơ quan có ý thức tìm hiểu vốn văn hóa cổ truyền trong giao tiếp ứng xử để hoàn thành tốt nhất trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Trong thời gian công tác tại Công an huyện Lạc Sơn, ông cũng chính là tác giả của các mô hình như: Bảo vệ an ninh làng bản theo phương thức ổ nhà tự quản; thành lập hòm thư tố giác tội phạm tại địa phương… Theo ông thì công tác đảm bảo an ninh, trật tự giữ gìn bình yên cuộc sống, không có cách thức nào vững chắc hơn việc dựa vào việc phát huy vẻ đẹp của văn hóa ứng xử.

Nay với  cương vị là một lãnh đạo cao nhất của huyện Lạc Sơn, nói về phương hướng phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của huyện mình, ông chia sẻ: Cùng với việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế -xã hội, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân thì cấp ủy và chính quyền huyện sẽ bám sát NQTƯ V (khóa VIII) về phát triển văn hóa  để xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Để thực hiện mục tiêu này, đến nay Đảng bộ và nhân dân huyện Lạc Sơn đã phát triển, bồi dưỡng hơn 3.000 tuyên truyền viên, xây dựng 373 đội văn nghệ xóm bản. Hằng năm, huyện tổ chức không dưới 300 buổi tuyên truyền, dàn dựng để biểu diễn văn nghệ… Tất cả nhằm mục đích không chỉ  phục vụ nhu cầu văn hóa, văn nghệ của nhân dân. Thông qua các tiết mục văn nghệ, các câu hát ví... mà truyền cấy vào cộng đồng người Mường, làm sáng lại nét văn hóa ứng xử đẹp của cha ông trước sự xâm lấn của đời sống thị trường và công nghệ thông tin. Xây dựng văn hóa trong cội nguồn, hành vi ứng xử của dân tộc mình là cách thức để vị lãnh đạo Bùi Văn Nỏm hoàn thành tốt trọng trách của mình.

Người đàn ông, vị lãnh đạo có tâm huyết, uy tín xứ Mường Vang đã để lại trong chúng ta một ấn tượng tốt lành như thế!

Vũ Nguyên
.
.
.