Cảm động chuyện cựu binh nghèo hiến hàng nghìn mét vuông đất

Thứ Ba, 07/07/2015, 16:30
Trong xu thế "tấc đất tấc vàng", con người luôn bị chi phối bởi ý nghĩ thực dụng. Việc hiến cả nghìn mét vuông đất để làm đường, xây dựng nông thôn mới quả thực là điều hiếm gặp. Vốn là một thương binh nặng, gia đình được liệt vào dạng khó khăn nhưng ông Phùng Mạnh Thực (thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, Quốc Oai, Hà Nội) đã làm điều tưởng chừng như không thể ấy với tâm thế vô cùng giản dị: "Đó là thể hiện lòng yêu nước trong thời bình".
"Hiến một quả thận cho đất nước thì có đáng gì"

Ngôi nhà cấp 4 nhỏ nhưng khá gọn gàng, cây cối xung quanh vườn luôn tươi tốt đơm hoa kết trái. Từng đó đã đủ thấy chủ nhân của ngôi nhà là người lạc quan và rất yêu đời. Mấy ngày nay trở trời, ông Thực lên cơn đau dữ dội - di chứng từ những vết thương hồi chiến tranh. Hai con bò phải nhờ người chăm sóc, mấy sào vườn cỏ dại đã bắt đầu mọc cao.

Người làng bảo, ông Thực chẳng đi đâu được xa vì rất hay đau ốm do vết thương tái phát. Biết nhà có khách, ông Thực gượng dậy mà như thể chẳng có bệnh tật gì trong người. Dù đau yếu nhưng ông Thực vẫn khiến chúng tôi ngạc nhiên bởi nụ cười hiền hậu và cách ăn nói dí dỏm lạc quan của mình. Ông bảo: "Mấy hôm nắng cháy trời, rồi lại mưa bão ầm ầm nên vết thương cũ hành hạ. Được cái tôi hay ốm theo giời, ông giời khỏe là tôi lại khỏe…".

Ông Thực có ba anh em nhưng tất cả đều xung phong đi bộ đội. Người anh cả và em trai đều cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước khi còn rất trẻ. Còn ông may mắn được trở về quê hương nhưng cũng chịu hậu quả rất lớn từ cuộc chiến tranh tàn khốc. Một phần cơ thể của mình để lại nơi chiến trường, đặc biệt là mảnh bom găm trong người ông 40 năm nay.

Mới bước sang tuổi 18, ông Thực tình nguyện viết đơn xin tham gia Thanh niên xung phong ở tỉnh Nghệ An. Đơn vị ông được giao nhiệm vụ sửa chữa cầu đường tại huyện Diễn Châu. Đang lúc miết mải sửa chữa đường thì bất ngờ máy bay địch quay lại tiếp tục trận càn quét cả một vùng rộng lớn.

Rất nhiều đồng đội của ông hy sinh trong trận bom của địch. Bản thân ông Thực cũng bị cho là đã hy sinh. Thế nhưng khi bom ngừng, mọi người đã tìm được ông với vết thương rất nặng ở bụng. Mảnh bom đã găm rất sâu vào bụng bên phải. Trong lúc nguy cấp, các bác sĩ buộc phải phẫu thuật và cắt một bên thận để cứu sống ông.

Ông Thực kể lại với nụ cười bình thản: "Chẳng hiểu thế nào, lúc làm phẫu thuật cắt thận cho tôi các bác sĩ bỏ quên cả cái kẹp trong bụng. Phẫu thuật xong, khâu vết thương đâu đấy, cô y tá mới bàng hoàng phát hiện thiếu một chiếc kẹp khi cô ấy rửa dụng cụ. Mọi người hoảng hồn lật tung cả phòng mổ, bới hết đống bông băng vẫn không tìm thấy.

Thế rồi các bác sĩ mới cho rằng chiếc kẹp vẫn nằm trong bụng tôi. Họ rạch vết thương vừa khâu chưa đầy chục phút để lấy chiếc kẹp ra. Vết mổ dài 18cm vừa khâu xong lại rạch khiến tôi đau như muốn chết luôn. Có lẽ do khâu vào mổ ra nên trái nắng trở trời tôi lại thấy đau buốt từ vết mổ đó".

“Mình gương mẫu làm trước mới vận động được bà con làm theo”.

Do bị thương nặng, năm 1970 ông Thực được xuất ngũ về địa phương, xây dựng gia đình. Gần 30 năm sau, tận cuối năm 1999 đầu năm 2000 ông Thực thường xuyên thấy đau dữ dội khu vực cột sống. Lúc ấy, ông chỉ nghĩ rằng mình đau yếu là do tuổi già và là hậu quả của việc cắt một bên thận.

Thuốc thang đủ nơi nhưng bệnh tình chẳng hề thuyên giảm. Cuối cùng đi kiểm tra ông Thực mới biết có vật lạ bằng kim loại găm vào đốt sống của mình. Lại lên bàn mổ thêm một lần nữa. Các bác sĩ đã tìm thấy một mảnh bom găm vào đốt sống thứ ba của ông. Suốt gần 40 năm qua, mảnh bom dài 1,5cm, rộng 0,5cm đã "chung sống" trong cơ thể khiến ông Thực đau đớn.

Ông Thực cười chia sẻ: "Thế mà không chết cô chú ạ. Không hiểu sao mãi 40 năm sau nó mới đau như vậy. Nhiều người hỏi tôi có lo lắng khi mình chỉ còn một quả thận không? Tôi chỉ bảo là có biết bao nhiêu người bỏ cả tính mạng ở chiến trường, tôi mất có một quả thận thì đáng gì? Không chết là may mắn lắm rồi. Dù bị nhiều vết thương nhưng tôi còn khỏe lắm, vẫn chăn bò, làm vườn phăm phăm".

Và câu chuyện hiến đất

Trở về quê hương vào năm 1970, ông Thực xây dựng gia đình và sinh được 5 người con. Cuộc sống khó khăn bám riết lấy người cựu thanh niên xung phong. Thời ấy đất đai còn hoang sơ nhiều, hai vợ chồng ông Thực bới đất lật cỏ trồng sắn lo cho gia đình. Ông Thực nhớ lại: "Thời ấy đất cỏ dại mọc nhiều lắm, hai vợ chồng nhổ cỏ khai hoang mà tứa cả máu".

Bàn tay của hai vợ chồng ông Thực chai sạn bao nhiêu thì đất càng thêm dài rộng. Cả gia đình bám trụ vào những mảnh đất khai hoang để sống. Cho đến nay cuộc sống gia đình ông Thực cũng chẳng dư dả gì. Hơn nữa vợ chồng ông hằng ngày phải lo cho cô con gái út (34 tuổi) bị thiểu năng trí tuệ. Thế nhưng ông Thực vẫn được bà con làng xóm yêu mến bởi sự hy sinh và phẩm chất lạc quan của người lính bộ đội Cụ Hồ.

Khi chúng tôi hỏi về việc 3 lần ông hiến đất trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, ông Thực cười nhẹ nhàng: "Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Nhà nước. Nhà nước và nhân dân cùng làm mới có thể hoàn thành được. Là chủ tịch của Hội Cựu chiến binh, tham gia hội TNXP lại còn là Ủy viên của Ủy ban MTTQ xã thì phải gương mẫu chứ. Chỉ có làm trước, gương mẫu thì nhân dân mới làm theo. Có như vậy mới sớm hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới".

Bằng khen treo kín trên tường.

Nói là làm, đầu năm 2013, ông Thực đã hiến 758m2 đất nông nghiệp để mở đường giao thông nội đồng. Đến cuối năm 2013, ông tiếp tục hiến thêm 232m2 đất. Chưa dừng lại ở đó, sang năm 2014, ông Thực tiếp tục hiến cho thôn Bạch Thạch 90m2 đất. Tổng 3 lần hiến đất của ông Thực lên tới 1.080m2 đất nông nghiệp. Ông Thực chia sẻ: "Hai vợ chồng tôi vẫn cấy hơn 5 sào ruộng, vài năm nay sức khỏe tôi cũng đi xuống nhiều nên việc đồng áng bà ấy lo là chính. Tôi chỉ loanh quanh chăm 2 con bò và mấy chục gốc bưởi. Gọi là có đồng ra đồng vào thôi, tuổi già rồi tiêu pha đáng là bao".

Với việc làm của mình, ông Thực được người dân tin tưởng tuyệt đối. Trước đây nói đến việc hiến đất, hiến ngày công thì mọi người đều gãi đầu gãi tai tỏ vẻ không đồng ý thì nay mọi người đều tự nguyện. Như ông Hoàng Văn Ngàn (79 tuổi) còn xin hiến thêm 500m2. Đoạn nào vướng tường bao, bờ dậu, chủ nhà tự động phá, xây lùi vào trong. Xã Hòa Thạch đã hoàn thành việc dồn ô đổi thửa, đường giao thông nội đồng được xây dựng khang trang.

Ông thực cười mãn nguyện: "Từ việc tình nguyện hiến đất, tôi đã tham gia vận động nhân dân trên địa bàn thôn, xã đồng sức, đồng lòng tham gia xây dựng nông thôn mới bằng mọi hình thức như ủng hộ bằng tiền, ngày công lao động, hiện vật, hiến đất… hầu hết đều nhiệt tình, hăng hái tham gia. Bây giờ ôtô, máy gặt, máy bừa có thể đi tới bất cứ thửa ruộng nào trong thôn Hòa Trúc. Ruộng đồng trước đây chỉ cấy được vụ chiêm thì nay có thể làm được thêm vụ mùa. Đời sống bà con chúng tôi khá lên nhiều rồi".

Vết thương hành hạ, thương tật lên tới 21%, cuộc sống cũng chẳng khá giả nhưng chưa khi nào ông Thực mất đi phẩm chất "người lính Cụ Hồ". Biết gia đình ông Thực còn khó khăn, ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, xuống cấp, xập xệ (xây dựng từ năm 1981), Ủy ban MTTQ huyện và Hội Nông dân huyện Quốc Oai đã trợ giúp gia đình ông 60 triệu đồng để sửa sang lại ngôi nhà. Thế nhưng ông Thực chỉ ghi nhận, cảm ơn sự quan tâm của Đảng, chính quyền.

Ông bảo: "Tôi rất xúc động vì được quan tâm như vậy. Gia đình tôi không cần số tiền lớn ấy. Vẫn còn bao đồng đội của tôi vất vả hơn rất nhiều. Có đồng chí còn không có sức khỏe để lao động, cuộc sống rất khó khăn. Tôi vẫn còn sức, còn bươn chải, tự lo liệu cho cuộc sống gia đình mình. Số tiền ấy hãy để cho những người khó khăn hơn tôi".

Nói về người cựu Thanh niên xung phong Phùng Mạnh Thực, ông Đỗ Văn Cảnh, Chủ tịch UBND, kiêm Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thạch cho biết: Ông Thực là tấm gương sáng cho các thế hệ tại địa phương noi theo. Không chỉ hiến diện tích đất khá rộng của gia đình mà ông còn vận động cả trăm hộ dân tham gia hiến đất để xây dựng nông thôn mới. Hiện nay số diện tích đất mà ông Thực vận động của bà con hiến lên tới 15 nghìn mét vuông để làm đường giao thông.

Có thể nói đây là kết quả vô cùng đáng mừng, góp phần vào thành công việc triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa và thực hiện chương trình nông thôn mới giai đoạn 2012- 2020 của xã.

Phong Anh
.
.
.