Cần cha hơn bao giờ hết!

Thứ Tư, 26/12/2012, 14:53
Nguyễn Thị Bảo Ngọc năm nay vừa tròn 14 tuổi. Em còn quá nhỏ để phải chịu đựng cảnh đơn độc trong cuộc đời. Ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đã chứng kiến cuộc đời bi kịch của em và cái chết của mẹ em vì cơn bạo bệnh. Trong cái xóm nhỏ đã đùm bọc mẹ con em không có một ai không thương em hết, nhưng tình thương ấy không thể nào khỏa lấp nỗi nhớ của em về người mẹ tần tảo đã nuôi em khôn lớn.

Nỗi đau mất mẹ

Gặp Ngọc khi mẹ em vừa qua đời chưa được bao lâu, tôi không thể tưởng tượng nổi cô bé tuổi ô mai với gương mặt xinh xắn như thiên thần ấy lại phải chịu đựng một cuộc đời bi kịch như thế. Căn nhà đang thờ di ảnh mẹ em là căn nhà của người dì ruột cho mẹ con Ngọc ở nhờ khi đi làm ăn xa.

Đến tận bây giờ, sau 14 năm từ khi được mẹ sinh ra, hai mẹ con em vẫn chưa thể cất nổi một chỗ trú mưa trú nắng dù chỉ là tạm bợ. Nói đó là căn nhà cũng không phải, chỉ là một chiếc chòi lá dựng lên xập xệ kê đủ bàn thờ đơn sơ của mẹ, trong căn nhà lá ấy không có một thứ gì có giá trị hơn những cuốn sách giáo khoa đã cũ của Ngọc. Mẹ mất, nỗi nhớ mẹ xâm chiếm trong tâm trí của cô bé. Ngọc nhớ về những ngày còn có mẹ.

Đã từ lâu cuộc sống của Ngọc chỉ biết có hai mẹ con. Nói về cha, em chỉ biết rưng rưng nước mắt. Đó là nỗi đau của cả hai mẹ con em khi cha em bỏ đi không ngó ngàng tới người vợ ốm yếu và đứa con gái nhỏ. Mẹ em là một người phụ nữ yếu ớt, bệnh tật liên miên. Từ lúc còn nhỏ em đã thấy mẹ hay ốm đau, khi thì sốt, khi thì đau chân đau tay, có những khi mẹ ngất xỉu không có lý do.

Cha em đi làm thỉnh thoảng mới về nhà, bữa cơm cũng chưa khi nào có món thịt. Từ khi mẹ bệnh, cha lại càng ít về nhà hơn, bóng cha thưa dần trong căn nhà lá. Mẹ chỉ nói với em rằng cha đi làm xa. Thỉnh thoảng Ngọc thấy mẹ trằn trọc không ngủ được, gọi tên cha và khóc trong bóng tối. Rồi Ngọc nghe những người hàng xóm nói rằng cha bỏ mẹ con em vì mẹ bị bệnh, em mới nhận ra rằng cuộc sống mẹ con em không có một người đàn ông đứng ra che chở.

Nữ sinh 14 tuổi mất mẹ và cuộc chiến với bi kịch cuộc đời.

Bệnh tật , ốm đau là thế nhưng Ngọc chưa bao giờ thấy mẹ nghỉ ngơi. Công việc hằng ngày của mẹ là đi mò hến đem ra chợ bán và đủ thứ công việc làm thuê làm mướn khác. Công việc càng cực khổ bao nhiêu, mẹ càng chịu đứng bấy nhiêu. Mò hến dưới dòng nước ngày một ô nhiễm, ngày may mắn thì có hến, cũng có ngày về tay không, nhưng chưa một lần em thấy mẹ than mệt.

Những ngày bình thường mẹ kiếm được khoảng 40 nghìn tiền bán hến. Số tiền đó mẹ dành mua gạo và dành dụm cho em đi học. Hai mẹ con ngày nào cũng ăn cơm với rau và muối, có khi chỉ lấy gạo nấu cháo loãng, rau thì hái xung quanh căn nhà lá. Nhớ đến những ngày đó, cuộc đời em dù khổ cực nhưng có mẹ là em vẫn đang còn hạnh phúc.

Năm đó em đang học lớp 9, cứ mỗi lần đi học về là có sẵn cơm mẹ nấu. Ngoài đi học, em phụ việc nhà giúp mẹ như giặt quần áo và rửa những chiếc chén sứt mẻ của hai mẹ con. Mẹ chưa bao giờ để em phải nghỉ học phụ mẹ đi làm. Câu nói mẹ em luôn nhắc nhở là: "Cố gắng học đi con".

Em thương mẹ vô cùng và tâm hồn của một cô bé hiếu thảo hiểu rằng mẹ đang sống chỉ vì lo cho em. Ngọc tranh thủ khoảng thời gian quý báu để học tập. Em thường vừa giặt quần áo vừa đọc và nhẩm thuộc bài học ở lớp. Thấy mẹ cực khổ, ngoài giờ học em cũng kiếm thêm một vài việc nhỏ người ta mướn để phụ bớt gánh nặng cho mẹ. Tuổi còn quá nhỏ mà em đã thấu hiểu hết nỗi cô đơn, nghèo đói, thiếu thốn và bấp bênh.

Một năm trước khi mẹ qua đời, sức khỏe mẹ Ngọc yếu đến nỗi không thể ngồi dậy được. Bắt buộc phải nằm một chỗ vừa chịu đựng bệnh tật giày vò thể xác, vừa cám cảnh nhìn đứa con gái nhỏ dại không biết lấy tiền đâu để sống và đi học. Căn bệnh tiểu đường hiểm nghèo ập đến.

Không có tiền chữa từ đầu, tiểu đường bệnh ngày càng nặng và biến chứng sang nhiễm trùng máu. Một lần đi mò hến, mẹ Ngọc bị ngã rách chân, vết rách nhỏ bị nhiễm trùng rồi loét dần ra. Không nghĩ đến việc phải đến trạm xá sát trùng và băng vết thương, mẹ con Ngọc tự cuốn những mẩu giấy vệ sinh rẻ tiền đắp lên chỗ loét.

Nhiễm trùng ngày càng trầm trọng. Từ ngày mẹ nằm một chỗ, Ngọc mấy lần phải nghỉ học, em đi trông trẻ, rửa bát thuê… kiếm tiền mua gạo và mấy viên thuốc giảm đau hằng ngày cho mẹ. Hàng xóm láng giềng cũng thương cho số phận của hai mẹ con nên cũng cho mẹ con Ngọc vay tiền. Đến giờ khi mẹ đã mất, số tiền nợ gần 10 triệu vẫn chưa trả hết...

Những ngày đơn độc

Những ngày cuối cùng của mẹ bé Ngọc trên giường bệnh, tôi có đến thăm thì vết loét đã lan ra khắp cả đùi. Mấy ngày sau Bảo Ngọc mất mẹ, chịu cảnh mồ côi. Phút cuối cùng, những người hàng xóm kể lại chị vẫn mong ước có tiền chữa khỏi bệnh để tiếp tục đi làm lo cho con gái. Mong ước chẳng thành, Ngọc mất đi chỗ dựa yêu thương của mình.

Chị Như Hảo - một người bạn của tôi ở Mỹ đã đứng ra giúp đỡ bé Ngọc tiếp tục được đi học. Mỗi tháng chị đóng học phí cho bé Ngọc và hơn tất cả tình cảm là những lá thư tâm sự, những món đồ nhỏ bé nhưng vô cùng thiết thực. Ngọc vui lắm mỗi khi nhận được quà của chị Hảo, tình thương quanh em vẫn còn rất nhiều, nhưng trong tâm hồn cô bé mười bốn tuổi ấy vẫn là niềm tổn thương rất lớn. Ánh mắt chực òa khóc khi nói về cha của mình.

Không biết bao nhiêu lần em đi tìm cha, lần nào gặp cha cũng là ánh nhìn vô vọng. Gọi cha, cha không nhận em là con. Năn nỉ thế nào người cha vô tâm ấy cũng không mảy may thương tình đứa con gái. Em không thể nhầm cha mình với người đàn ông khác, huống hồ cha cũng đã gắn bó với em một thời gian. Nhưng cha nói em nhận nhầm người, những lần ấy cay đắng lắm nhưng chưa bao giờ Ngọc dám giận cha. Mẹ mất rồi, em cần cha hơn bao giờ hết.

Cuộc đời quả là quá tàn nhẫn với một đứa trẻ như bé Ngọc. Tôi không biết làm gì để Ngọc quên đi tuổi thơ bất hạnh của mình. Ngọc ước mơ làm bác sĩ, mong muốn lớn nhất là để chữa bệnh cho mẹ. Nhưng mẹ đã qua đời, nghề bác sĩ cũng có thể cứu giúp được vô vạn người nghèo như em. Một mình chống chọi với cuộc đời đầy rẫy những cạm bẫy, cô bé mười bốn tuổi bỡ ngỡ như chú chim non lạc mất cha mẹ nhưng vẫn tin rằng Ngọc có đủ lòng quả cảm để vượt qua

Cẩm Huyền
.
.
.