Cậu bé tật nguyền theo đuổi giấc mơ đến trường

Thứ Năm, 10/01/2013, 14:48

Khi thấy cậu bé nỗ lực tập viết bằng chân để có thể được đi học, mọi người trong gia đình đều rơi nước mắt xót thương nhìn bàn chân bị chuột rút co quắp, những giọt mồ hôi ướt đầm đìa trên áo, trên mặt. Nhưng rồi, bằng sự nỗ lực phi thường, cậu bé ấy đã đến trường trước sự ngỡ ngàng của bè bạn, thầy cô và tất cả những người được chứng kiến.

Cậu bé sinh ra từ bệnh tật

Đồng cảm vì cùng cảnh nghèo với nhau, anh Nguyễn Tấn Trãi và chị Đỗ Thị Bé đến với nhau giữa cuộc sống nhọc nhằn mưu sinh. Một năm sau, chị Bé sinh hạ được bé trai đầu lòng, thế nhưng niềm vui của hai vợ chồng chưa đầy 3 năm thì phải gánh chịu nỗi đau con mất vì bệnh bại não. Lần thứ hai mang thai, một lần nữa hai vợ chồng khấp khởi mừng thầm, hy vọng cuộc sống luôn có luật "bù trừ". Bé trai sinh ra lành lặn, bụ bẫm, đến khi tròn tháng hai vợ chồng đặt tên con là Nguyễn Tấn Sang với ước nguyện đời con giàu sang, phú quý không còn cơ cực, khốn khổ như cha mẹ nữa.

Hồi họp chờ đợi, đến tháng thứ 10, thấy con nằm mãi không trườn, không lật, phát hoảng, hai vợ chồng tất tả ôm con đến bệnh viện khám thì mới biết đứa con trai lại bị bệnh bại não. Quyết không lùi bước, hai vợ chồng anh chị bắt đầu chuỗi ngày ôm con gõ cửa khắp các bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng ở khắp nơi mong cố giành lại sự sống cho đứa con trai của mình. Cuộc sống vốn dĩ khó nghèo, con bị bệnh tật càng khiến cho gia đình anh Trãi lâm vào cảnh khốn cùng.

Trong lúc cậu bé Sang bắt đầu chập chững đi trong xe đẩy, khi đôi chân càng bước đi trên mặt đất cứng cáp, vững chãi bao nhiêu thì đôi cánh tay lại co rút, cong queo không thể cầm vật gì được. Thấy con sinh ra không được bằng người, vợ chồng anh Nguyễn Tấn Trãi và chị Đỗ Thị Bé luôn sống trong sự giày vò tâm can bởi trong nỗi đau thiệt thòi của con trẻ. Chị Bé thút thít vì rất buồn và thương con. Anh chị đã nghĩ nhà nghèo mà con lại bị khuyết tật như vậy, rồi sẽ làm được gì. Nhưng bằng nỗ lực của bản thân, Sang đã làm yên lòng bố mẹ.

Chị Bé kể, Sang bị bệnh khi mới chào đời. Vợ chồng anh chị làm việc cật lực kiếm tiền chạy chữa cho con, chồng bán cá viên chiên, làm rẫy, vợ chăm lo việc đồng án, nuôi heo, bò và đi làm công. Cả hai không cho phép mình nghỉ ngơi. Chạy chữa nhiều, nợ nần nhiều, thế mà bệnh của con vẫn không hề thuyên giảm.

Trong ngôi nhà sâu hun hút giữa xóm ở thôn Phước Lộc, cậu bé cứ thẫn thờ mỗi sáng khi thấy các bạn được đến trường đến lớp. Không được đến trường, suốt những năm tuổi thơ bé dại, hàng ngày Sang vẫn đều đặn mang cặp sách đến bên cửa sổ nhìn vào bên trong lớp học. Thầy cô giáo, bà con lối xóm chứng kiến cảnh cậu bé khao khát cái chữ nhưng không được đến lớp bình thường như bao đứa trẻ khác, họ ngậm ngùi, lúng túng nhưng không còn cách nào để giúp đỡ.

Chị Bé ngậm ngùi: "Năm 2003, cháu tròn 6 tuổi, tôi đưa đi học mầm non, hiệu trưởng từ chối tiếp nhận chỉ vì con tôi là trẻ khuyết tật. Năn nỉ mãi, cô giáo ở điểm trường lẻ trong thôn thấy thương tình cho học. Sau đó cháu được vào học lớp 1, rồi đến lớp 2 thì đành nghỉ vì nhà trường không nhận dạy trẻ khuyết tật nữa".

Trong những ngày cuối năm 2011, được người quen giới thiệu, chị Bé đã lặn lội đạp xe chở con vượt hơn 30km đến trường khuyết tật của tỉnh để xin cho con vào học. Kiểm tra trí nhớ, khả năng viết chữ bằng chân của Sang, lãnh đạo trường khuyết tật Quảng Ngãi đã đồng ý tiếp nhận cậu bé. Tuy nhiên Sang chỉ được học tập ở trường với thời gian bán trú chứ không ở nội trú, với lý do cậu bé không thể tự lo cho sinh hoạt của bản thân mình.

Người mẹ chỉ còn biết ôm con khóc, xin trường tạo điều kiện cho chị vừa làm tạp vụ tại đây vừa chăm sóc con ở nội trú để học tập. Do vướng cơ chế, lời khẩn cầu của chị Bé không được chấp thuận. Chị đành "ngậm đắng, nuốt cay" đưa con về. "Nhà tôi ở cách trường khuyết tật của tỉnh đến hơn 30km thì làm sao có thể sáng đưa đi, chiều đưa về. Lúc đó, tôi đã dự tính ra TP Quảng Ngãi kiếm việc gì đó làm thuê để con có thể học bán trú ở trường khuyết tật!", người mẹ nghèo thổ lộ.

”Chiến thắng chính mình là chiến thắng tất cả”

Hiện tại, Nguyễn Tấn Sang là cậu học trò duy nhất ở Quảng Ngãi hiện đang viết chữ bằng chân. Cậu bé học lớp 1, Trường Tiểu học Đức Phú (Mộ Đức, Quảng Ngãi). 16 tuổi đời, giờ Sang mới được hưởng quyền được đến trường như bao đứa trẻ khác. Nghị lực đã giúp cậu bé làm nên điều kỳ diệu. Nhưng để làm được điều kỳ diệu ấy, Sang đã phải vượt qua không biết bao nhiêu vất vả.

Chị bé kể, khi Sang lên 7 tuổi, thấy ai trong nhà làm gì, Sang cũng để ý làm theo. Khi thấy vở của anh bạn nhà bên cạnh đi học về để ở bàn, Sang tò mò xem và xin người anh cây bút chì, cuốn vở để tập viết chữ. Lúc đầu, Sang tập trung cao độ để luyện tập viết bằng ngón chân. Khi viết, nét chữ còn méo mó, hàng lối còn ngoằn ngoèo, nắn nót mỏi chân mà cả buổi chưa viết được chữ nào hoàn chỉnh. Ngày đầu tập viết, người Sang cong lên theo từng nét chữ, trong khi mồ hôi chảy dài trên má. Đặc biệt, những tháng đầu mới tập viết, hai ngón chân kẹp bút của Sang rướm máu nhưng vẫn không chịu dừng bút.

Nhưng sự kiên trì của Sang đã không uổng. Dần dần, Sang luyện cầm bút bằng chân thành thạo, viết chữ đẹp, gọn nét và thẳng hàng hơn. Thấy con ham học, chị Bé đã dò hỏi các giáo viên tiểu học mua sách về hướng dẫn cho con tập đọc, tập viết bằng chân trên tấm bảng đen treo ở một góc nhà. Từ những nét phấn nguệch ngoạc đầu tiên, giờ đây bàn chân phải của Sang đã có thể kẹp được viên phấn viết được chữ cái lên bảng. 

Nỗ lực không biết mệt mỏi trong khi học chữ.

Sang nói: "Ngày nào cháu cũng tập viết bằng chân, thích được đến trường học tập như các bạn. Cháu ước ao được đến trường trở lại, đôi tay cháu bị tật nhưng đôi chân cháu có thể tập viết chữ được mà. Cháu viết đẹp lắm đấy!". Nói rồi Sang đưa bàn chân phải kẹp viên phấn cong người cần mẫn tập viết trên chiếc bảng đen treo ở tường như để minh chứng cho chúng tôi thấy. Ngày nào cũng chứng kiến đứa con tật nguyền của mình ham học chữ như vậy, lòng người mẹ là chị Đỗ Thị Bé xót xa, nước mắt chảy dài vì thương đứa con phải chịu thiệt thòi.

Cô giáo Lê Thị Tiên (giáo viên chủ nhiệm của Sang tại Trường Tiểu học Đức Phú) bùi ngùi cho biết: "Ngày đầu em mới đi học, chúng tôi lúng túng không biết bố trí em ngồi chỗ nào thích hợp. Lúc đầu nhà trường bố trí em ngồi ở góc phòng, dưới nền xi măng lót áo mưa vì bàn học cao quá không phù hợp với em. Khi học, hễ gặp chữ nào khó em Sang đều cố gắng hết sức như thế. Khó nhưng em cố viết cho bằng được. Em Sang viết chữ đẹp, rõ nét, mềm mại. Em học giỏi môn Toán và tiếng Việt. Vẽ cũng rất đẹp. Sang thường chỉ bài cho các bạn trong lớp…”. Nghe cô giáo Tiên ngợi khen, Sang nở nụ cười hồn nhiên.

Cô giáo Tiên cho hay, chính nghị lực, lòng ham muốn đến trường tột bực của Sang đã thôi thúc cô không ngừng cố gắng đồng hành cùng em trong từng nét bút. “Mỗi lần nhìn thấy Sang viết bài tháo mồ hôi hột là mỗi lần cảm thấy thương em nhiều hơn. Mỗi lần nhìn thấy Sang cười khi được điểm 10 cũng là mỗi lần tôi không cầm được xúc động. Trên đời này đâu phải có nhiều người làm được điều đó!”, cô giáo Tiên bộc bạch. Nhìn các học trò trong lớp viết được con chữ trông nhẹ tênh. Còn với Sang, em dồn sức vào bàn chân, mồ hôi rơi lã chã đầm đìa, đầu cúi sát bàn chân, đôi tay co quắp, cái giơ cao phía đằng sau, cái ngặt ngoẹo phía trước. Trông Sang như chú chim sắp sửa cất đôi cánh thiên thần, đôi cánh ấy mang theo khát vọng cắp sách đến trường.

Bây giờ, ngày ngày cậu bé khuyết tật Nguyễn Tấn Sang vẫn đều đặn đến trường. Chẳng đếm xuể những lần em vấp ngã, mình mẩy tứa máu bởi những bước đi xiêu vẹo. Trường học luôn là mục tiêu để cậu bé vực dậy. Em lại tiếp tục chặng đường đến trường với những bước đi đầy niềm đam mê. “Té đau lắm, nhưng cháu thích đi học, cháu không nghỉ ở nhà đâu”, khát vọng đến trường chất chứa trong câu nói không tròn tiếng của cậu bé khuyết tật Nguyễn Tấn Sang.

Anh Trãi (cha của Sang) tâm sự: "Cuộc đời hai vợ chồng tôi đã khốn khổ nhiều rồi, bao nhiêu cơ cực cũng có thể chịu đựng được. Chúng tôi chỉ cầu mong các con học hành đến nơi, đến chốn trở thành người có ích cho xã hội. Nhất là đứa con trai tật nguyền được đến trường để biết được mặt chữ, biết viết biết đọc để sau này có thể lo được cuộc sống của mình". Học tập, rèn luyện không ngừng chỉ để chứng minh với những người đồng cảnh ngộ một điều: Trên những nẻo đường của cuộc sống, chông gai không phải là trở ngại với những người khiếm khuyết về thể xác. Chiến thắng chính mình là chiến thắng tất cả!

Hiện tại, ngoài cậu bé Sang, hai vợ chồng chị Bé còn sinh hạ thêm hai bé gái: Nguyễn Đỗ Thủy Tiên, đang học lớp 2 Trường Tiểu học Hòa Lộc và Nguyễn Đỗ Thúy Tiễn, đang học lớp mầm non trong thôn. Hoàn cảnh kinh kế gia đình chị Bé - anh Trãi đang gặp nhiều khó khăn, nhưng hai vợ chồng anh chị vẫn tâm niệm: “Cuộc sống không có con đường cùng. Chỉ có những giới hạn mà ta phải vượt qua. Ai có ý chí sẽ thấy lối mở sau con đường cùng!”, và nghị lực của cậu bé có “bàn chân kỳ diệu” như tấm gương Nguyễn Ngọc Ký năm nào mãi là hình ảnh đẹp, đáng trân trọng, nể phục trong cuộc sống này

Hữu Cường – Thanh Thảo
.
.
.