Câu chuyện giản dị về “Người lái đò” cần mẫn đi qua gian khó

Thứ Tư, 19/12/2012, 10:14

Cô giáo Nguyệt đến với Tây Bắc trong đoàn thanh niên xung phong với những con người có chuyên môn giỏi, là đoàn viên của đội Thanh niên cứu quốc. Cô giáo Hà Nội trở thành cán bộ Ty Giáo dục Yên Bái đúng vào thời gian khu Tự trị Thái Mèo được thành lập.

Căn nhà hạnh phúc của vợ chồng cô giáo Nguyệt

Chúng tôi tới thăm căn nhà của cặp vợ chồng đã cùng chung sống hạnh phúc hơn sáu mươi năm vào một ngày đầu mùa đông Hà Nội. Căn hộ nhỏ nhưng tình yêu bền chặt, nghĩa vợ chồng mặn nồng thủy chung của họ khiến chúng tôi có cảm giác như nó đựng đủ thênh thang trời đất và nồng ấm tình yêu. Hơn nửa thế kỷ kết nghĩa vợ chồng, hai ông bà - một ngoài chín mươi, một tám mươi vẫn dành cho nhau tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc như thuở ban đầu…

Bà là cô giáo Nguyễn Thị Như Nguyệt, sinh ra trong một gia đình trí thức, đẹp người, đẹp nết. Con gái Hà Nội xinh xắn, lại tốt nghiệp Sư phạm tiểu học nên cô giáo Nguyệt có không ít người con nhà danh giá muốn dạm hỏi. Vậy nhưng khước từ mười lăm đám dạm hỏi, cô giáo Nguyễn Thị Như Nguyệt quyết định nhận lời người học trò của cha mình vốn là một nông dân vùng ngoại thành Hà Nội xưa.

Khi được hỏi vì sao chỉ là một anh nông dân, học trò của cha người con gái xinh đẹp lại có thể vượt qua mười lăm đối thủ khác để cưới được cô giáo Nguyệt, bác Hạnh mỉm cười thay cho câu trả lời. Trong nụ cười đó, âm thầm nở ra bông hoa hạnh phúc đẹp đẽ, viên mãn.

Kết hôn năm trước, năm sau, hai người cùng đi công tác xa, mỗi người mỗi nơi. Thời gian bác gái công tác tại Yên Bái cũng là thời gian bác trai làm việc tại Sơn La với cương vị một Tỉnh ủy viên. Vợ chồng mới cưới, xa nhau, thi thoảng mới gặp. Bác Hạnh tin vào vợ mình, không lo cô giáo Hà Nội xinh đẹp nơi xa xôi, hẻo lánh vì yếu đuối mà thay lòng đổi dạ.

Tình yêu, nỗi nhớ ông gửi vào trong những câu thơ, tự đọc cho mình, viết gửi người vợ hiền. Giờ đây, khi đã cùng nhau đi qua nửa thế kỉ tình nghĩa vợ chồng, hai ông bà vẫn nhớ, vẫn còn ngâm ngợi: “Không biết làm sao cứ nhớ nhau/ Nhớ nhau đằng đẵng suốt đêm thâu/ Bốn phương trời biển người đôi ngả/ Hai chữ tương tư một gánh sầu”.

Sau năm năm trời sống xa nhau (từ 1952- 1957) hai vợ chồng mới có điều kiện sống bên nhau. Hơn sáu mươi năm kết nghĩa vợ chồng, có với nhau ba mặt con - hai trai, một gái, trong mái nhà của họ không hề xảy ra chuyện to tiếng. Sáu mươi mùa xuân qua đi êm đềm, hạnh phúc.

Vợ chồng cô giáo Nguyệt.

Tuổi cao, con cái trưởng thành, có gia đình riêng, hai người bạn đời thủy chung đó cùng nhau ôn kể kí ức trong niềm vui và hạnh phúc vô bờ. Trên tường, treo những tấm ảnh thời hai ông bà còn trẻ. Mới đó đã sáu mươi năm. Lắng nghe hai ông bà kể chuyện, nhìn vào những ánh mắt lấp lánh hạnh phúc, người viết bài có cảm tưởng đám cưới của họ như vừa diễn ra ngày hôm qua.

Kí ức đẹp đẽ của cô giáo gần năm mươi năm gắn bó với nghề

Năm 1952, sau khi xây dựng gia đình được một năm, cô giáo Nguyệt theo chương trình đào tạo hướng dẫn viên vỡ lòng của Bộ Giáo dục nhận công tác tại miền Tây Bắc. Là con gái Hà Nội, mới lấy chồng, lại nhận nhiệm vụ ở khu Tự trị Thái Mèo xa xôi, hẻo lánh, với cô giáo Nguyệt một phần vì nghĩa vụ cao cả của thanh niên tri thức trong phong trào thanh niên xây dựng miền núi những năm sau Cách mạng Tháng 8/1945. Một phần là tiếng gọi tự trong cá nhân cô muốn đi theo con đường Tây Tiến mà người anh trai đã chiến đấu, cống hiến và dũng cảm hi sinh vào năm 1948.

Cô giáo Nguyệt đến với Tây Bắc trong đoàn thanh niên xung phong với những con người có chuyên môn giỏi, là đoàn viên của đội Thanh niên cứu quốc. Cô giáo Hà Nội trở thành cán bộ Ty Giáo dục Yên Bái đúng vào thời gian khu Tự trị Thái Mèo được thành lập.

Kể về thời điểm đó, cô Nguyệt tâm sự: “Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đi xây dựng miền núi, tinh thần hăng hái và lòng quyết tâm cao độ nhưng không phải không có những băn khoăn, lo sợ. Nào là nghe truyền miệng, cô cũng lo đi vùng cao sẽ bị người miền núi chài ếm, lo rừng thiêng nước dộc, lo thú dữ…. Nhưng, hòa mình với cuộc sống, làm việc với người dân miền núi thì nỗi lo sợ trên cũng dần tiêu biến đi”.  Nhớ về thời gian đó, trong tâm trí người giáo viên yêu nghề là những kí ức đẹp đẽ, sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết.

Đến với Ty Giáo dục Yên Bái khi đó ngoài cô còn có một giáo viên tên Thuận. Nhưng, sau ít thời gian, cô Thuận về xuôi. Giáo viên Tiểu học đã ít, giáo viên dạy đầu cấp vỡ lòng còn ít hơn. Nay cán bộ làm công tác đào tạo giáo viên của Ty Giáo dục Yên Bái còn lại có một mình cô. Nếu không tìm được đối tượng đủ tiêu chuẩn đứng lớp, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ ngay thì sẽ không có lớp, có trường. Với người làm công tác cán bộ giáo dục như vậy là hoàn toàn thất bại.

Với suy nghĩ đó, cô Nguyệt soạn thảo ngay kế hoạch thống nhất với lãnh đạo Ủy ban Tỉnh, kết hợp với đoàn thể phụ nữ, hội thanh niên các huyện Văn Chấn, Văn Bàn, Lục Yên, Nghĩa Lộ… tổ chức tuyển, bổ túc giáo viên, mở lớp vỡ lòng cho học sinh độ tuổi từ sáu tuổi trở lên.

Ngay từ lúc đó, cô Nguyệt cùng với các cán bộ huyện chủ trương mở lớp, mở trường với các tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng: Lớp phải được tổ chức ở khu trung tâm, gần trẻ, đường dễ đi…. Phòng học, lớp học phải gọn gàng. Bàn học phải phù hợp với độ tuổi v.v…

Lập kế hoạch như thế nhưng bắt tay vào thực hiện nó thì phải đối mặt với vô số những khó khăn. Ngay như tiêu chuẩn chọn giáo viên để bổ túc cũng khó, mặc dù tiêu chuẩn đề ra là ứng viên phải có trình độ lớp 3 trở lên, yêu trẻ, nhưng không phải dễ tìm. Vì đồng bào miền núi thời điểm đó ít người theo học văn hóa, thanh niên trí thức miền xuôi lên thì lại càng hiếm hơn. Cô Nguyệt phải cùng cán bộ tới tận các bản làng vận động thanh niên tới lớp học bổ túc, đào tạo chuyên môn để về dạy cho chính con em tại bản làng mình.

Tổ chức được lớp nguồn giáo viên rồi nhưng duy trì được nó lại cũng không dễ dàng. Có khi đang học, học viên bỏ về với lí do “cái bụng tao nó đau”. Nhưng, thực ra thì cái bụng đau không phải là cái bụng sinh học. Cái bụng đau vì là cái bụng nhớ người yêu, cái bụng chưa quen xa nhà… Vì thế, để duy trì lớp giáo viên nguồn, lại phải vận động nam nữ thanh niên trong bản lân cận tới cùng múa xòe giao lưu..

Vậy là đích thân cán bộ phải sống ba cùng với học viên để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ: cùng quay sợi, bẻ ngô, cùng thêu thùa… lao động với dân để có thể hoàn thành mục tiêu mời giáo viên, mở lớp đào tạo nguồn. Có giáo viên nhưng không có quỹ lương cho họ. Cô Nguyệt cùng cán bộ tỉnh Yên Bái bàn bạc và quyết định trích trả lương cho giáo viên từ quỹ chung từ hợp tác xã của mỗi huyện.

Thêm vào đó, đề nghị phụ huynh cùng phối kết hợp giúp trả lương cho giáo viên. Cô Nguyệt nói: khoản lương phụ huynh trả cho giáo viên thời đó khi là bó sắn, cân khoai, cân gạo, lắm khi là bó củi. Nhưng, cán bộ đào tạo cũng như giáo viên ai ai cũng vui, cũng thấy tâm trạng mình náo nức, rộn ràng.

Mở được lớp tạo nguồn, xây dựng được lực lượng giáo viên cho lớp học đầu cấp tiểu học. Như vậy chưa xong. Giáo viên có nhưng chưa có trường, có lớp. Vậy là cô cũng như các cán bộ khác phải cùng dân vào rừng lấy gỗ, cắt gianh về dựng trường, dựng lớp. Rồi đích thân mình phải đóng mẫu bàn cho phụ huynh xem, cùng làm.

Vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn, cuối cùng thì sau một năm, lớp học vỡ lòng đầu tiên ở các huyện của tỉnh miền núi Yên Bái cũng được hình thành và đi vào hoạt động. Với cô Nguyệt, thành quả đó thật bõ công băng rừng, lội suối, vượt qua cái lạnh như kim châm nơi miền sơn cước, rồi cả những lúc đi vận động giáo viên tham gia lớp tạo nguồn, vận động trẻ tới trường, gặp phỉ mà đứng tim…

Sau 5 năm công tác tại khu tự trị Thái Mèo, năm 1957, cô Nguyệt về công tác tại Sở Giáo dục Hà Nội. Tại đây, cô lại cùng cán bộ Sở tiếp tục về các xã, phường, vận động, giải tán các lớp học vỡ lòng tự tổ chức của các ông đồ, hương sư. Song song với việc đó là tuyển chọn và tổ chức lớp đào tạo giáo viên vỡ lòng có chuyên môn, trình độ cho đủ bảy quận thành Hà Nội khi đó.

Sau khi người con trai đầu lòng của cô không may qua đời vào năm 1958, cô chuyển về giảng dạy tại trường tiểu học Phúc Tân. Năm 1989, cô Nguyệt về nghỉ hưu sau bốn mươi chín năm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Về nghỉ hưu nhưng được phụ huynh các thế hệ tín nhiệm, gửi gắm con cháu, cô Nguyệt dù đã lên chức bà vẫn tiếp tục đón lớp học sinh tại nhà mình. Vài năm gần đây, do tuổi cao mà cô phải cố gắng từ chối những gửi gắm của phụ huynh.

Nghe hỏi về suy nghĩ của mình khi đứng trước các thông tin mà báo chí, truyền thông đưa tin về các sự việc giáo viên ngược đãi học sinh, giọng cô Nguyệt trầm xuống: “Thật buồn và đáng tiếc. Thời chúng tôi không như thế. Hai chữ thầy giáo là cao quý và thiêng liêng lắm. Cũng mong đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Học trò và phụ huynh lớp lớp luôn có thể đặt trọn niềm tin vào thầy cô giáo - những con người tận tâm, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng Người.”

Vũ Nguyên
.
.
.