Câu chuyện giản dị về thầy giáo bản Mông đất Hà thành

Thứ Ba, 21/08/2012, 14:48
Sinh năm 1976, Tạ Văn Thương, mọi người thường gọi anh với cái tên thân thuộc là Peter, vẫn cứ mải mê với bao dự định, chưa nghĩ tới chuyện lập gia đình. Tình yêu dường như anh dành cả cho lũ trẻ người Dao, người Mông gặp nhiều bất hạnh, đang phải vất vả tự mưu sinh ở những bản nghèo của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Ngôi nhà yêu thương

Như một cái duyên trời định, một lần, Thương đến Sa Pa và chính mảnh đất, con người, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nơi đây đã níu chân chàng trai trẻ ở lại gắn bó với nơi này. Thương kể, anh đặt chân đến Sa Pa rất tình cờ năm 2006. Trong chuyến đi du lịch ấy, có một hình ảnh đã ám ảnh Thương, mãi cho đến tận bây giờ. Đó là những đứa trẻ dân tộc từ trong các bản  nghèo, phải bỏ học, đi bán hàng rong trong thị trấn, lo cho cuộc mưu sinh và lo cho gia đình. “Chúng đứng dưới mưa, ngó vào các cửa hàng xem nhờ tivi và bị các chủ cửa hàng đuổi vì sợ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Lúc đó, dường như có một cái gì đó thôi thúc tôi cần phải làm một điều gì đó để giúp đỡ cho những đứa trẻ này”.

Từ nỗi trăn trở về tương lai của những em bé xinh đẹp tại “thành phố trong mây” này, Peter đã quyết định bỏ tiền ra thuê địa điểm và mở một quán café góc phố (Café Peter Sapa) và mở lớp tiếng Anh miễn phí cho các trẻ em miền núi ở Sapa. Sa Pa được coi như “Thiên đường du lịch”, có rất nhiều du khách quốc tế đến nghỉ ngơi, an dưỡng. Cũng ở Sa Pa có rất nhiều trẻ là người dân tộc có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Các em không được học hành, sớm phải lăn lộn với cuộc sống mưu sinh. Và Thương hiểu rằng, hơn ai hết, lũ trẻ ở đây cần phải được học hành, phải biết ngoại ngữ vì nó sẽ giúp ích cho chính công việc của các em.

Lớp học im ắng nằm trong một góc nhỏ dưới chân núi Hàm Rồng và tại bản Tả Van. Lớp học Anh ngữ ở Sapa của Peter đã chính thức hoạt động được gần một năm. Lớp ở bản Tả Van tuy mới đi vào hoạt động được vài tháng nhưng tại đây, các em vừa có thể học tập, vừa có thể lên rẫy, lấy nước, lấy củi để giúp đỡ gia đình. Các em đến đây theo học hoàn toàn được miễn phí và được chia ra học theo các level: level A với khoảng trên dưới 20 em vào buổi sáng, lớp Tiếng Anh level B gom tụ được 45 em, học vào các buổi buổi chiều và tối.

Thương chia sẻ: “Ban đầu, lúc mới thành lập cũng có nhiều khó khăn. Lúc đó, chỉ có một lớp tại quán cà phê dưới chân núi Hàm Rồng. Một mình mình phải cáng đáng tất cả mọi công việc, lại đảm nhận việc giảng dạy chính cho các em. Ở đây, vừa là lớp học, vừa là ngôi nhà tự do của các em, luôn mở cửa, chào đón bất cứ khi nào các em muốn đến”. Thương bắt đầu thu hút và tập hợp lũ trẻ chính bằng việc mở quán cà phê. Đặt nước cho các em uống tự do, đặt tivi cho các em đến xem thoải mái, để lại đó đồ ăn để khi các em đói có thể tự tìm đến để nhận sự giúp đỡ. Và dạy tiếng Anh để giúp chúng bán hàng tốt hơn. Lớp học đã hình thành như thế.

Học trò của Thương tất cả đều là những đứa trẻ lang thang bán hàng rong trong thị trấn Sa Pa. Có rất nhiều kỷ niệm giữa thầy trò của “quán học” Peter này. Thương kể: Có những em cứ nhìn thấy thầy giáo là nở một nụ cười ấm áp mà Thương rất ấn tượng. Có những em rất đáng yêu, vay tiền thầy giáo nhưng chưa có để trả, ngượng ngùng gặp thầy bảo cho em “chịu” thêm thầy nhé. Và Peter thương chúng lắm. Anh muốn làm mọi việc, muốn làm tất cả để chúng có một cuộc sống tốt hơn, giúp chúng có thể được học hành, có một ngôi nhà để có thể đi về bất cứ lúc nào.

Ngôi nhà yêu thương của Thương bây giờ đã được mở rộng khi Thương kết nối được với các tình nguyện viên là bạn bè của Thương và trong đó có cả những du khách lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này, họ chưa một lần gặp mặt.

Đưa vỉa hè Hà Nội lên phố núi

Khuất nẻo và lặng lẽ trong một góc ngõ dưới chân núi Hàm Rồng nhưng ở Sa Pa này, ai cũng biết đến quán cà phê đặc biệt của chàng trai Tràng An Tạ Văn Thương. Họ biết đến nơi này không chỉ bởi nơi đây là ngôi nhà đặc biệt dạy tiếng Anh miễn phí cho những em nhỏ đến từ các bản nghèo của huyện Sa Pa về thị trấn mưu sinh. Họ biết đến nơi này còn vì một điều đặc biệt làm nên nét đặc trưng không hề có từ bao đời nay giữa phố núi. Một góc vỉa hè Hà Nội được tái hiện sống động và đầy thú vị ngay giữa núi rừng Tây Bắc với quanh năm trời mây, với những đỉnh núi mây vờn suốt tháng.

Trà chanh phố cổ, trà đá vỉa hè, những cái ghế nhựa, những cái ô che nắng và những du khách ngồi tán gẫu những câu chuyện cuộc sống thường ngày. Thương đã mang đến đây một góc của đời sống Hà thành, một cách thành công và theo cách của riêng Thương. Hà Nội có nhiều nét đặc trưng, tuy nhiên, cái dung dị, đời sống và gần gũi nhất của Hà Nội lại là những góc phố, những góc vỉa hè với những cốc trà đá, trà chanh, sấu đá, me đá… Nhiều du khách Hà Nội hoặc từng gắn bó với Hà Nội đều rất ngỡ ngàng, cảm thấy hết sức gần gũi, thân thuộc khi đặt chân đến đây. Đó là địa điểm không thể bỏ qua bởi cũng tại chính góc vỉa hè Hà Nội được Thương “bê” nguyên xi lên phố núi này là những câu chuyện về đời sống thường ngày, về những đứa trẻ dân tộc hết sức đáng yêu, thông minh và chăm chỉ, những câu chuyện về những con người như Thương, đang làm nhiều việc, tất cả mọi việc, mong góp một phần dù bé nhỏ cho những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

Biển hiệu “quán học” của Thương.

Thương bảo: “Mình muốn có một cuộc sống thật yên bình. Quán cà phê và góc vỉa hè Hà Nội này vừa là địa điểm cho lũ trẻ tìm đến, vừa là để bảo bảo cho cuộc sống của mình và giúp đỡ các em. Chi tiêu ở đây cũng rẻ. Mọi thứ đều ổn cả”.

Thương sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong gia đình có năm anh chị em. Trong anh, tình yêu Hà Nội luôn tha thiết và khắc khoải. Du học Sigapore trở về với mong muốn được gần hơn với gia đình, với quê hương, với Tổ quốc. Duyên trời đã gắn bó anh với mảnh đất Sa Pa này. Anh yêu nó, anh yêu cuộc sống con người nơi này, yêu những đứa trẻ, và dường như anh đã hiểu được tình yêu đó. Thương vẫn hay chia sẻ: “Nơi này xa  xôi. Nếu chỉ du lịch thì thú vị còn nếu ở lại đây lâu dài thì cần phải thực sự yêu, thực sự gắn bó với mảnh đất, với đồng bào nơi này”. Thương đã gắn bó với mảnh đất này. Và trong anh, một phần Hà Nội vẫn luôn khắc khoải như một phần tâm hồn của chàng thanh niên cũng đã đủ chín chắn để quyết định con đường và cuộc sống của mình.

Nhiều trăn trở và dự định

Mong ước lớn nhất của Thương đó là có thể xây dựng cho lũ trẻ ở Sa Pa một trung tâm cộng đồng, là nơi để tất cả các em bán hàng rong tại đây được đi về, được học hành, được đọc sách, được giúp đỡ khi cần. Một mình Thương, công việc đó sẽ thực sự là quá sức. Nhưng, anh đang cố gắng hết mình để có thể vận động sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng.

Thương đã và đang vận động, xin giúp cho những đứa trẻ ở đây nhiều học bổng và giúp một số trường tại các bản nghèo của Sa Pa xây dựng những thư viện nhỏ, xin những học bổng để giúp các em được học hành, được phát triển trong môi trường giáo dục. Thương chia sẻ: “Trẻ em dân tộc vốn nhiều thiệt thòi. Chúng rất cần được học hành, được đọc sách báo để có thể mở mang và phát triển tư duy. Đó là cách duy nhất có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng”.

Để giúp cho các gia đình các em gặp nhiều khó khăn, Thương đã mua giúp cho bảy hộ khó khăn nhất lợn nái. Khi lợn sinh, Thương sẽ lấy một nửa số lợn con, chia cho các gia đình khác trong bản cùng nuôi. Thương bảo: “Tương lai gần, tất cả các hộ khó khăn trong bản sẽ có lợn để nuôi”.

Lớp học tại bản Tả Van sẽ tiếp tục được xây dựng và phát triển nhằm giúp được nhiều hơn các em nhỏ biết ngoại ngữ, mở ra cánh cửa mới cho các em. Thương cũng đang tích cực hợp tác, kết nối với các thiện nguyện viên để giúp dạy tiếng Anh cho các em tại các lớp học. Đồng thời cũng tìm nhiều cách khác nhau để huy động được các nguồn tài chính, tài trợ để giúp đỡ được ngày càng nhiều hơn cho cuộc sống của những con người còn nhiều vất vả trên mảnh đất này.

Trong suy nghĩ của Thương, mọi việc đều tập trung hướng về việc phát triển và giúp đỡ cho những đứa trẻ nơi mảnh đất này. Duyên trời đã đưa Thương gắn bó với nơi này. Trong con người của chàng thanh niên đất Hà thành ấy luôn là những trăn trở, suy nghĩ với mong muốn sẽ để lại được nơi đây thật nhiều việc có ý nghĩa

Trịnh Đinh Hợi
.
.
.