Câu chuyện về nhà phát minh vĩ đại vượt lên số phận

Thứ Tư, 25/04/2012, 09:10

Trên thế giới có khoảng 120.000 nhà khoa học tàn tật. Họ đã vượt lên khuyết tật của mình để làm nên những điều kỳ diệu, trong đó có nhà bác học Thomas Alva Edison. Với hơn 1.000 phát minh về những đồ vật trong cuộc sống. Nổi tiếng nhất là phát minh ra bóng đèn điện, máy hát, máy ghi âm, tàu điện, máy quay phim, hệ thống điện báo…

Năm 1922, tờ "Times" ở New York tổ chức một cuộc bình chọn cho độc giả và Thomas Alva Edison được bầu làm người đứng đầu trong 12 vĩ nhân của nước Mỹ, bởi cứ 11 ngày ông cho ra đời một phát minh mới.

Nhà bác học chỉ được 3 tháng đến trường

Sáng Chủ Nhật ngày 18/10/1931, Thomas Edison lìa trần chỉ 3 ngày trước lễ kỉ niệm sinh nhật lần thứ 52 của chiếc bóng điện đầu tiên. Đèn điện trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ đều tắt trong một phút để tưởng nhớ vĩ nhân, “người bạn của nhân loại” đã mang đến cho con người một thứ ánh sáng quý giá, một “mặt trời thứ hai”. Điều lạ lùng là ở chỗ, nhà bác học nổi tiếng này chỉ được học 3 tháng ở bậc tiểu học, bị cho là thiểu năng, khả năng viết rất kém và bị điếc.

Thomas Edison sinh tại Milan, Ohio, con của Samuel Ogden Edison, Jr. và Nancy Matthews Elliott (1810–1871). Thomas là người con thứ bảy trong gia đình đông anh chị em. Năm 7 tuổi, Edison được cha mẹ cho đi học ở ngôi trường độc nhất trong vùng. Gọi là trường nhưng chỉ có một lớp học gồm 40 học sinh lớn bé đủ cả. Ông giáo dạy học sinh theo những trình độ khác nhau. Edison được xếp ngồi gần ông nhất, đó vốn là chỗ cho những học sinh kém cỏi và chậm chạp nhất. Trong khi học, Edison không chú tâm trả lời câu hỏi của thầy giáo mà ngược lại ngồi để hỏi thầy giáo những câu hỏi thực sự hóc búa. Chính vì vậy mà nhiều lúc mọi người trong lớp nghĩ Edison là một người ngớ ngẩn, có suy nghĩ và nhận thức không bình thường.

Không chịu làm theo những gì thầy giáo dạy, Edison luôn phải xếp đội sổ và thường xuyên bị bạn bè trêu trọc, chế giễu. Edison thời đó nổi tiếng là một cậu bé hiếu kì. Thường xuyên đi học muộn vì sức khỏe của Edison không bình thường. Ông được sinh ra thiếu tháng nên rất hay bị ốm. Thấy đầu óc của Edison luôn mơ mơ màng màng, lại có những câu hỏi khác xa với thực tế nên thầy giáo của Edison cho rằng, ông có vấn đề về thần kinh.

Nhưng thực tế thì trong khi bạn bè đồng lứa còn ham chơi, Edison đã không những luôn băn khoăn tìm hiểu mọi vật quanh mình mà còn muốn hiểu thấu đáo các vật đó. Một hôm, khi nhân viên thanh tra vào kiểm tra lớp học, thầy giáo của Edison chỉ vào cậu bé và nói: “Học trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn”. Edison rất căm giận hai chữ “điên khùng” và ông đã mang chuyện này về kể với mẹ. Sau khi rõ ngọn ngành, bà Nancy vô cùng tức giận, dẫn Edison đến trước mặt thầy giáo và tuyên bố: “Ông bảo con tôi điên khùng sao? Tại sao một người thầy giáo lại có thể nói với học trò của mình như vậy? Tôi thấy trí óc của nó còn hơn cả ông đấy. Tôi sẽ giữ nó tại nhà và tự dạy cho nó những điều hay lẽ phải để ông thấy rằng sau này nó sẽ ra sao!”.

Từ đấy đã kết thúc ba tháng đi học tại trường của Edison. Mẹ ông từng là một giáo viên ở Canada và bà rất vui mừng khi đảm nhận việc dạy con mình. Bà khuyến khích và dạy Edison đọc rồi làm thực nghiệm. Sau này ông nhớ lại: "Mẹ tôi đã tạo ra tôi. Bà rất tin tưởng và chắc chắn về tôi. Tôi cảm thấy rằng tôi có một điều gì đó để sống, một ai đó để tôi không thể làm cho thất vọng”.

Chính vì vậy mà sau này, trong một lần tiếp kiến Tổng thống Mỹ Rutherford B. Hayes tại Nhà Trắng, Edison đã làm mọi người kinh ngạc khi trả lời câu hỏi của tổng thống về việc mình tốt nghiệp kĩ sư ở Mỹ hay tại Châu Âu? Ông đưa ra tờ giấy gấp tư trong đó có dòng nhận xét của thầy hiệu trưởng gửi về cho gia đình: "... trò T. Edison, con trai ông, là một trò dốt, lười và hư. Tốt nhất là nên cho trò ấy đi chăn lợn thì hơn vì chúng tôi thấy rằng, trò ấy có học nữa thì sau này cũng không làm được trò trống gì...”.

Edison đã từng ở trong một túp lều, cậu bé nằm sấp trên một đống cỏ tranh, đầu tóc rối bù, dưới bụng là mấy quả trứng gà. Cậu cứ thế nằm im, vẻ mặt đầy chăm chú. Khi bà Nancy đến để tìm hiểu sự việc thì cậu con trai của bà đã giải thích rằng, cậu đã nhìn thấy gà mẹ ấp trứng nở thành gà con nên tò mò muốn thử tự mình ấp xem có nở ra gà con được không. Edison khi thấy thí nghiệm khí cầu bay của bố và cậu đã miệt mài tự chế ra mấy loại chất hóa học và bảo người làm thuê của bố là Max thử uống. Sau khi uống thứ thuốc Edison đưa cho, Max gần như ngất lịm người. Nhưng Edison vẫn một mực cho rằng, không bay lên được là thất bại của anh ta chứ không phải của mình.

Thiên tài không chịu đầu hàng số phận

Ở độ tuổi 12, Edison bắt đầu mất khả năng thính giác. Chuyện đồn rằng ông đã bị một nhân viên bán vé tàu bạt tai vì làm cháy một toa tàu trong khi thực hiện thí nghiệm. Trong khi đó, Edison nói rằng ông bị thương khi nhân viên nhà ga xách tai ông. Một số khác lại nói ông bị điếc là do một trận sốt phát ban khi còn nhỏ. Tuy nhiên, lời giải thích hợp lý nhất có lẽ là do gen di truyền, vì cha và một trong các người anh của Edison cũng bị mất khả năng thính giác. Cho đến nay, tất cả nguyên nhân vẫn chỉ là giả thuyết, nhưng có một điều chắc chắn là Edison lại cho rằng việc bị điếc hóa ra lại là điều hay. Ông nói, bị điếc khiến ông dễ tập trung vào các thí nghiệm hơn, không bị phân tán tư tưởng bởi những tiếng ồn xung quanh.

Cuộc sống của Edison ở Port Huron vừa cay đắng vừa ngọt ngào. Ông bán kẹo và bán báo trên các chuyến tàu hỏa từ Port Huron đến Detroit. Mặc dù bị điếc nhưng ông đã trở thành một điện tín viên sau khi ông cứu Jimmie Mackenzie khỏi lao vào tàu hoả. Cha của Jimmie là nhân viên nhà ga J.U. Mackenzie ở Mount Clemens, Michigan, rất vui mừng bảo trợ cho Edison và dạy ông trở thành điện tín viên. Vì bị điếc nên Edison tránh khỏi mọi tiếng ồn ào và cũng không phải nghe nhân viên điện báo bên cạnh. Một trong những cố vấn của cha Jimmie những năm đầu tiên này là một điện tín viên già và là một nhà phát minh tên là Franklin Leonard Pope, ông đã cho phép chàng trai trẻ Edison sống và làm việc trong tầng hầm tại nhà ông ở Elizabeth, New Jersey.

Năm 1873, Edison cưới cô Mary Steppewell 16 tuổi làm vợ. Mary Steppewell là cô gái giúp việc cho Edison tại một nhà máy của ông ở New York. Ngoài những điểm giống nhau về sự nghiệp, tư tưởng, cuộc sống, gia đình, Edison còn tìm thấy ở Mary Steppewell hình bóng của người mẹ thân yêu đã quá cố. Vượt qua sự phản đối gay gắt từ phía gia đình Mary Steppewell, hai người đã tổ chức một lễ cưới giản dị. Nhưng vì mải mê thí nghiệm, Edison đã quên mất sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời. Giờ đón dâu đã tới, nhưng chú rể biến đi đâu mất. Phải mất hồi lâu, bạn bè thân hữu mới tìm thấy chú rể tương lai trong phòng thí nghiệm. Hầu như đa số các nhà bác học thiên tài đều đãng trí, nhưng đãng trí đến mức quên cả đi đón cô dâu trong ngày cưới thì trên thế giới có lẽ chỉ có mình Edison. Cuộc sống của hai người rất hạnh phúc. Mary trở thành trợ thủ đắc lực cho chồng, sinh cho ông ba người con, cả ba đều thành đạt.

Cuộc đời của Edison là một chuỗi những ngày làm việc không ngơi nghỉ. Năm 67 tuổi ông nói: "Mặc dù tôi đã 67 tuổi rồi, nhưng chưa thể là quá già". Bảy năm sau, ông nói: "Bây giờ sức khỏe của tôi vẫn còn tốt, vậy cần phải tiếp tục phấn đấu làm việc". Đến năm 77 tuổi, ông tuyên bố: "Triết học nhân sinh của tôi là làm việc. Tôi cần phải vén bức màn bí mật của thiên nhiên, để từ đó mưu cầu hạnh phúc cho loài người". Khi đã 84 tuổi, mọi người khuyên ông nghỉ hưu, ông thẳng thắn: "Chừng nào tử thần tới thì chừng đó mới là ngày nghỉ hưu của tôi".

Bị ảnh hưởng bởi một chế độ ăn giàu chất béo vào hồi đó, trong những năm cuối đời ông không ăn gì ngoài cứ ba giờ uống một lít sữa. Ông tin rằng chế độ ăn như vậy sẽ giúp ông hồi phục sức khỏe. Trong suốt cuộc đời cống hiến tận tụy của mình, Edison đã lãnh trước sau 1907 bằng phát minh, một kỉ lục vô tiền khoáng hậu trong giới khoa học. Ông cũng đã đọc tới hơn 10.000 cuốn sách và mỗi ngày ông có thể đọc hết 3 cuốn sách. Trí nhớ siêu việt và đầu óc sáng tạo không biết mệt mỏi đã làm cho tên tuổi ông trở thành chiếc chìa khóa tuyệt vời mở ra thế kỉ 20 cho nhân loại. Vì những phát minh kì diệu của ông, một tờ báo ở Mỹ hồi đó đã gọi Edison là “thầy phù thủy ở Menlo Park” (Menlo Park là tên phòng thí nghiệm của ông).

Đến ngày 18/10/1931, nhà khoa học vĩ đại đã đi hết quãng đường của sinh mệnh, xuôi tay từ giã cõi đời. Để tưởng nhớ "vị lãnh tụ mở ra thời đại điện khí", trước khi an táng ông, người ta đã tắt điện trong một phút khiến cả nước Mỹ chìm trong bóng tối. Hậu thế kính trọng và tưởng nhớ Edison vì ông là một người biết vượt lên số phận, vượt qua những khiếm khuyết của cơ thể để trở thành chủ nhân của hơn hai ngàn phát minh, là "Napoleon" trong khoa học

Trung Hiếu - Minh Anh
.
.
.