Câu chuyện xúc động về người đàn ông tý hon tàn tật nuôi 9 miệng ăn

Thứ Hai, 28/11/2011, 16:20

Đối với anh Thụy (thôn 2, Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội), chỉ có cách tự khắc phục khó khăn, tự mình vươn lên và vượt qua mọi mặc cảm mới mong có được cuộc sống tốt hơn, một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn. Cũng may, ông trời lấy đi sức khỏe, lấy đi thân hình bình thường của anh nhưng đổi lại cho anh có một năng khiếu bẩm sinh, một nghị lực phi thường và nhiều cái tài mà không phải ai cũng có được.

Gặp anh trong một quán nho nhỏ để ngổn ngang toàn những đồ điện dân dụng, nếu không biết trước, có lẽ chúng tôi cứ ngỡ anh là một đứa trẻ biết bò một cách thuần thục. Đôi tay anh, nói chính xác hơn là đôi chân trước dài hơn so với bình thường, bắp tay to nhưng bàn tay thì bẹt đi vì phải đảm nhiệm chức năng như một đôi chân. Cũng vì có đôi tay "đỡ đần" nên đôi bàn chân vốn đã teo tóp từ nhỏ của anh trở nên nhọn và yếu hơn. Nếu tính chiều dài cơ thể, anh chỉ được vỏn vẹn 1m. Với thân hình bất bình thường ấy, ít ai nghĩ anh đã phải chịu biết bao nỗi đau, vượt qua bao nỗi khổ và sự khó khăn để có thể vươn lên bám trụ với cuộc sống, kiếm tiền nuôi 9 miệng ăn trong gia đình.

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau

Được sinh ra như bao đứa trẻ khác, anh Thụy (thôn 2, Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội) cũng là niềm tự hào của bố mẹ. Thế nhưng cú ngã từ trên tay người chị gái xuống đất khi anh chưa đầy 3 tháng tuổi đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân khỏe mạnh cũng như một tương lai tươi sáng của anh. Cũng vì nhà nghèo không có tiền chạy chữa nên anh phải mang đôi chân tật nguyền ấy cho tới tận bây giờ.

Niềm đau chưa nguôi thì bố mẹ anh Thụy lại sinh một người em trai cũng bị dị tật như anh. Nhưng anh may mắn hơn vì vẫn có thể đi lại bằng cả đôi tay còn người em trai thì nằm liệt giường từ khi sinh cho tới tận bây giờ. Mọi sinh hoạt của em, anh Thụy đảm nhiệm hết. Nghĩ về em trai mình, đôi mắt anh buồn hẳn: "Ngay từ khi sinh ra chú ấy đã bị liệt, nằm nguyên một chỗ cho tới bây giờ đã được 37 năm. Mọi sinh hoạt thường ngày đều do tôi và vợ tôi lo cho chú ấy. Chúng tôi còn hai chị nhưng đã đi lấy chồng xa. Vì hoàn cảnh khó khăn nên cũng không có điều kiện chăm sóc và giúp đỡ anh em tôi".

Anh Thụy hiểu và thương bố mẹ nhiều lắm nên gắng chăm em chu đáo đỡ đần bố mẹ. Những lúc rảnh anh lại mầy mò tìm hiểu, tháo lắp và tự mình sửa chữa những chiếc quạt, chiếc bễ, nồi cơm điện… hỏng. Cũng từ đó niềm đam mê và năng khiếu nảy sinh trong anh lúc nào không biết. Hàng xóm biết tài năng của anh nên những đồ điện nào hỏng cũng đem tới nhờ anh sửa. Lâu dần, họ trả tiền công và anh đã tự mở cho mình một chiếc quán nho nhỏ để sửa chữa những đồ lặt vặt trong gia đình.

Cuộc sống đã không bất công khi mang tới cho anh một người bạn đời cùng anh chia sẻ niềm vui nỗi buồn, cùng anh gánh vác việc gia đình. Anh Thụy lấy chị Hằng năm 1994 và 1 năm sau anh chị vui mừng đón bé trai đầu tiên chào đời. Niềm vui chưa trọn vẹn thì nỗi đau đã ập tới. Đứa con đầu lòng của anh chị mới sinh ra đã bị tật nguyền. Chân tay teo tóp và cứ lớn dần lên cùng với chiếc xe lăn.

Gia đình anh Thuỵ.

Bao nhiêu hi vọng anh chị và cả gia đình dồn vào đứa thứ hai. Nhưng đau đớn thay, đứa thứ hai sinh ra là một bé gái và vẫn chẳng khác gì anh nó. Anh Thụy xót ra cho số phận của mình 1 phần thì thương các con 10 phần. Anh Thụy tâm sự: "Tôi không muốn các con của tôi sinh ra phải chịu số phận như của bố nó. Vì thế, đến tuổi đi học tôi đều cho chúng tới trường dù có phải đưa đón, dù chúng có phải ngồi trên xe lăn. Miễn sao là được học hành tới nơi tới chốn". Hiểu được nỗi vất vả và niềm hi vọng của bố mẹ đặt vào mình nên hai anh em Vinh (lớp 8) và Hải (lớp 7) đã không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ. Năm nào cả hai anh em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó và nhận được nhiều phần thưởng của nhà trường.

Rồi những đứa con thứ 3, thứ 4, thứ 5 và thứ 6 của anh chị cũng lần lượt ra đời. Cả gia đình vui sướng khi đứa nào cũng khỏe mạnh và không bị tật nguyền như 2 anh chị của nó. Nhưng rồi cứ lớn dần lên thì hết đứa nọ đến đứa kia ốm đau. Họa vô đơn chí. Trong khi gia đình anh gặp biết bao sóng gió thì tai họa lại tiếp tục đổ ập xuống khi bố anh qua đời vì căn bệnh ung thư phổi và mẹ anh cũng bị liệt vì một tai nạn sau đó. Trước kia hai ông bà có thể giúp vợ chồng anh chăm nom các cháu thì giờ đây mọi công việc đổ hết lên đầu chị Hằng - vợ anh. Anh Thụy cho biết: "Ngoài việc chăm mẹ, người em chồng bị liệt, vợ tôi còn phải lo đưa đón hai đứa con cũng bị liệt bẩm sinh tới trường và biết bao công việc nhà, còn cả phụ giúp tôi kiếm tiền. Tôi thì một mình phải lo việc kiếm tiền để nuôi cả gia đình".

Có những đêm, trong cái lạnh của ngày ông giá rét, anh vẫn cặm cụi làm cho đúng thời gian giao hàng cho khách. 2-3h sáng, khi mọi người còn co ro, say giấc nồng trong tấm chăn bông, thì mình anh, lại "bò" như đứa trẻ, lóc cóc xuống quán, ngồi và lại hì hụi làm. "Làm cật lực như thế, để kiếm 30 nghìn mỗi ngày, cho mẹ có bát cơm trắng, cho con được no bữa thôi. Nhiều lúc thương anh, bảo anh đi ngủ, nhưng tham công tiếc việc, anh cứ cắn răng làm đấy thôi", chị Hằng - vợ anh rưng rưng nước mắt nói.

"Cứ bước tiếp thôi, 4 chân sẽ vững hơn 2 chân..."

Đối với anh, chỉ có cách tự khắc phục khó khăn, tự mình vươn lên và vượt qua mọi mặc cảm mới mong có được cuộc sống tốt hơn, một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn. Cũng may, ông trời lấy đi sức khỏe, lấy đi thân hình bình thường của anh nhưng đổi lại cho anh có một năng khiếu bẩm sinh, một nghị lực phi thường và nhiều cái tài mà không phải ai cũng có được.

Ngày biết tin mình bị liệt vĩnh viễn, không còn có thể tự đứng trên đôi chân của mình mà bước đi nữa, anh đã gần như suy sụp. Nhìn đôi chân ngày càng bé đi, teo tóp lại theo năm tháng, anh chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, không dám khóc vì nghĩ sợ bố mẹ buồn. Sau đêm dài thức trắng, suy nghĩ về cuộc đời cũng như số phận của mình, anh bỗng lấy lại tinh thần, quệt ngang nước mắt, quyết tâm đứng dậy đi tiếp.

"Người ta bình thường có chân để đi, nay mình không đi được bằng 2 chân, thì mình đi bằng 4 chân cũng chẳng sao", anh vừa cười vừa nói hóm hỉnh. Kể từ ngày đó, anh một mình tự mày mò, tự học và tự làm tất cả, để có thể nuôi sống bản thân và đỡ đần bố mẹ. Anh tự nhận thức được, anh không được như người bình thường, không có chân để đi, đã không làm gì báo hiếu được bố mẹ, mà nay lại thành kẻ ăn bám, ngồi không như thế thì sẽ càng là đứa bất hiếu. Vì thế, anh đã luôn tự bảo mình phải có nghị lực, phải vượt lên chính bản thân mình để sống và tồn tại.

Ngày bố anh mất do tai nạn, mẹ lại đổ bệnh, tưởng chừng anh không gượng dậy được nữa, nhưng nhìn đứa em nằm liệt  trên giường, anh lại tự vực mình đứng dậy, không cho phép mình gục ngã. Rồi những đứa con của anh ra đời, lớn lên cũng không được lành lặn, may mắn như người bình thường, lòng anh đau như cắt. "Đời mình đã thất học, nên dù có bán nhà, cũng không để các con phải thất học".

Bao nhiêu tình thương người cha tý hon tật nguyền này đều dành cả cho đàn con thơ, vào những "thiên thần bé nhỏ" của đời anh. Nhìn các con vui chơi, cười đùa bên nhau, lòng anh mừng lắm. Những lúc như thế, anh lại càng nhủ mình phải gắng đi tiếp, phải cố gắng để cho các con có cuộc sống được no đủ, bằng bè bằng bạn. Ngày mua được cái tivi màu cho các con xem, anh mừng như rơi nước mắt. "Thấy các con cười, các con vui là tôi cũng vui lây. Mình cố gắng vất vả một tý, các con có thêm niềm vui là tôi cũng mừng rồi", anh cười tươi chia sẻ.

Cuộc sống khó khăn là thế, gánh nặng cơm áo đè lên đôi vai của chàng tý hon ngày một gia tăng, khi các con ngày càng lớn, và số tiền sinh hoạt ngày càng gia tăng. Nhưng, không bao giờ thấy anh và chị Hằng có một lời to tiếng, một phút cãi nhau, bất đồng quan điểm. Anh thương chị, chấp nhận vượt qua mọi ngăn cản của mọi người mà đến với anh, thương người vợ tần tảo lam lũ, sớm hôm cùng anh chăm sóc, nuôi nấng các con. Nên, có chuyện gì, vợ chồng chỉ khẽ khàng bảo ban nhau, chứ không có chuyện to tiếng, cãi nhau bao giờ.

Nói về dự định tương lai sau này, tôi thấy mắt anh nhìn xa xăm, đôi tay lấm lem dầu mỡ vì đang sửa quạt cho khách, quệt ngang mồ hôi trên mặt, giọng anh như trầm xuống: "Bây giờ mình còn khỏe, còn lo được cho các con ngày nào hay ngày đấy. Chứ sau này, nhỡ không còn làm được gì nữa, mà bọn trẻ còn nhỏ quá, tôi chỉ thương chúng nó thôi. Đời mình đã khổ rồi, lại khổ lây sang cả đời con thì tội nghiệp lắm". Chị Hằng ngồi bên anh như không ngăn nổi dòng nước mắt, vội quay đi, lau vội dòng nước mắt mặn chát trên khóe môi.

Quả thật, với một người bình thường, làm ăn nuôi một gia đình nhỏ cũng là chuyện không dễ, vậy mà với anh, thì quả đúng là khó khăn như tăng lên gấp bội. Cao chưa đầy 1m, đôi chân bị liệt, phải bò bằng 4 chân, nuôi một lúc 9 miệng ăn trong nhà, thử hỏi người bình thường liệu đã đủ dũng khí để làm được chưa. Hai đứa con nhỏ bị liệt, đau ốm liên miên, mấy đứa còn lại đang tuổi ăn tuổi học. Mẹ già và cậu em trai cũng nằm liệt giường từ bao năm nay, kinh tế gia đình chủ yếu chỉ trông vào quán sửa điện nhỏ nhỏ của anh.

Vậy mà, đi qua ngôi nhà nhỏ ấy, không lúc nào không nghe thấy tiếng cười, lúc nào cũng thấy hình bóng người đàn ông "bò" như trẻ nhỏ, lọt thỏm trong vòng tay nô đùa của một đám trẻ con. Khuôn mặt anh luôn rạng rỡ và nụ cười luôn hiện trên môi, làm ai nhìn vào cũng nhận thấy anh rất lạc quan, vui tính. "Cứ bước tiếp thôi, khi nào không bước được nữa thì đành chấp nhận số phận vậy...", anh Thụy cười tươi và nói với giọng lạc quan.

Ra khỏi ngôi làng nhỏ ven sông này, hình ảnh người đàn ông tý hon, tật nguyền luôn hiện lên với nụ cười trên môi, luôn xứng đáng là trụ cột của gia đình với 9 miệng ăn vẫn ám ảnh trong tâm trí tôi. Thật đáng trân trọng và cảm phục những con người như anh...

Song Nữ
.
.
.