Cậu sinh viên ung thư chạy xe ôm làm từ thiện

Thứ Sáu, 09/01/2015, 09:00
Sau những ngày sốt cao liên miên, Nguyễn Bảo Ngọc phát hiện mình đã mắc bệnh ung thư tủy. Cả bầu trời như sụp đổ, cả tương lai phủ một màu đen kịt. Có những lúc cậu sinh viên nghèo ấy đã buông xuôi, phó mặc số phận. Thế rồi Ngọc tự an ủi mình rằng, cuộc đời mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Sống vì người khác, đem niềm vui đến cho người khác như là động lực sống cho bản thân.

Lạc quan trước số phận

Chiều Hà Nội lạnh như cắt da cắt thịt, Nguyễn Bảo Ngọc co ro bên chiếc xe máy chờ khách. Hình ảnh chàng sinh viên gày gò, ốm yếu nhưng thân thiện với tấm biển "Tôi xe ôm" trở nên quá đỗi quen thuộc trước cổng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Tiếp chúng tôi với giọng đặc chất Quảng Bình, Ngọc luôn cười nhưng phảng phất nỗi niềm. Ngọc giải thích vì quen làm từ thiện, đi nhiều nơi, gặp nhiều người khó khăn thành ra lúc nào cũng nhiều suy tư.

Ngọc sinh ra trong một gia đình thuần nông lại đông con ở thị xã Ba Đồng (Quảng Bình). Bố mẹ căng mình làm lụng cũng chỉ đủ cho 4 anh em ngày 2 bữa. Ngọc bảo, nhà nghèo nên việc học cũng khó khăn, phần nhiều là tự lực.

Sau nhiều cố gắng, Ngọc cũng tốt nghiệp được cấp 3. Biết gia đình khó mà lo được cho mình học đại học, nhưng thấy chúng bạn đều lên thành phố ứng thí, Ngọc cũng nộp hồ sơ. Chẳng khó khăn để cậu học trò với học lực khá như Ngọc đỗ vào một trường đại học. Ngọc đậu vào trường Đại học Quảng Bình với số điểm tương đối. Không đỗ đại học đã buồn nhưng đỗ đại học mà không được đi còn buồn chán hơn rất nhiều. Cũng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Ngọc đành gác lại giấc mơ đại học. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ước mơ được đi học của Ngọc chưa khi nào vơi. "Chỉ có lên các thành phố lớn học thì mới tiếp tục được giấc mơ thôi anh chị ạ. Ở đó có nhiều cơ hội, nhiều việc làm mình có thể tự nuôi được mình"- Ngọc tâm sự. Nghĩ là làm, một năm sau Ngọc quyết chí ôn luyện và kết quả cậu cầm trên tay giấy báo trúng tuyển của Trường Cao đẳng Truyền hình ở Hà Nội.

Đem lại niềm vui cho người khác là động lực để Ngọc vượt lên số phận.

"Bắc tiến", Ngọc tạm xa gia đình, bỏ lại những công việc đồng áng quen thuộc, hành trang của cậu sinh viên trẻ ấy chẳng có gì ngoài ý chí và nghị lực. Bố mẹ biết phía trước em có quá nhiều thử thách, có quá nhiều cám dỗ khi xa gia đình. Nhưng họ chỉ còn biết gạt nước mắt mà động viên con mình "chân cứng đá mềm" nơi đất khách.

Mới chưa đầy 20 tuổi lại đến từ miền quê nghèo, Ngọc gặp quá nhiều khó khăn nơi đô thị. Sức có đấy, nhiệt tình có đấy nhưng biết làm gì để sống? Ai sẽ tin em để thuê một người lạ? Vậy rồi mọi chuyện cũng qua. Em học chuyên ngành báo chí, được bạn bè thầy cô giới thiệu, Ngọc bắt đầu viết bài cộng tác với các báo kiếm thêm thu nhập, rồi đi làm sự kiện cho các công ty quảng cáo. Vừa thỏa nguyện làm báo lại ổn định hơn. "Suốt tháng ngày sinh viên em không xin bố mẹ một đồng nào. Em biết ba mẹ ở nhà cũng rất khó khăn, thỉnh thoảng ba mẹ có gọi điện hỏi thiếu thốn thì để gửi thêm tiền lên nhưng em từ chối. Em còn sức khỏe là còn sống được ở đây".

Đang vui vẻ nói về những ngày đi làm thêm, đi viết về những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Ngọc như lặng đi khi nghĩ về mình, nghĩ về căn bệnh quái ác mà mình đang chịu. Ngọc kể, trước khi phát hiện bị ung thư, em sốt liên miên 6 tháng liền. Người bình thường bỗng dưng sút cân trông thấy. Ban đầu nghĩ do mình yếu lại ăn uống sinh hoạt không điều độ nên đổ bệnh, Ngọc quyết định đi khám, xét nghiệm tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Kết quả xét nghiệm cho rằng Ngọc đã bị ung thư tủy. Tất cả như sụp đổ, tất cả như rơi vào đường cùng. Ngọc đã khóc, em khóc như một đứa trẻ. Sợ thì ít, cảm giác cô đơn không có người thân bên cạnh còn lớn hơn rất nhiều. Em chỉ muốn chạy một mạch về nhà, ôm lấy mẹ mà khóc, mà than thở, mà gào lên.

Nguyễn Bảo Ngọc trong chuyến thiện nguyện tại Yên Bái.

"Em cứ mặc định rằng ung thư là sẽ chết. Em đã tự hỏi sao bi kịch lại đến với mình như vậy?"- Ngọc nói. Thế rồi Ngọc đóng cửa phòng nằm bẹp cả tuần. Hình ảnh của người thân cứ thế ùa về, rồi bao suy nghĩ cứ nối tiếp nhau, đan xen vào nhau. Khi thì hạ quyết tâm phải sống cho tốt những tháng ngày còn lại. Lúc lại muốn buông xuôi vì đằng nào cũng phải chết. Có đến hàng nghìn lần Ngọc định cầm điện thoại về cho mẹ để khóc, để nói cho mẹ biết bệnh tật của mình. Cứ cầm lên Ngọc lại không đủ can đảm gọi, em không gọi vì sợ mẹ lo, sợ bà không chịu được khi nghe tin ấy. Vậy là em lại âm thầm chịu đựng.

Để lo thuốc thang, Ngọc đã phải cắn răng bán đi chiếc máy ảnh, laptop - thứ mà Ngọc đã phải tằn tiện làm thêm để có được. "Nó như cần câu cơm của em vậy. Em phải thường xuyên đi lấy tin rồi viết bài để gửi cộng tác. Cũng vì chữa bệnh mà em phải bán thôi. Vừa rồi em đóng 60 triệu để xạ trị trong 30 lần. Em không muốn xin ba mẹ tiền. Ba mẹ nghèo mà còn phải lo biết bao nhiêu là việc".

Thế rồi lý trí không cho phép Ngọc buông xuôi. Bởi Ngọc còn nhiều việc dang dở. Hình ảnh những em bé vùng cao trong những ngày lạnh không đủ quần áo ấm, rồi những gia đình đói nghèo đến cùng cực, những người mắc bệnh mà không thể chết trong những chuyến đi thiện nguyện khiến Ngọc thay đổi suy nghĩ. Đó là động lực để em bước tiếp trong những tháng ngày còn khỏe mạnh."Em vốn là người đi làm từ thiện, gặp nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn mình rất nhiều. Mình đi động viên, an ủi cho người khác vậy chẳng có lý gì mà mình phải suy sụp cả. Mình phải sống thật tốt, thật đẹp để những người thân bên mình không còn lo lắng gì cả" - Ngọc cười lạc quan.

Những hình ảnh như thế này luôn là nguồn động lực vô giá để Ngọc tiếp tục làm những điều tốt đẹp hơn.

Sống vì "Quảng Bình quê ta ơi"

Nói đến công việc từ thiện của mình, Nguyễn Bảo Ngọc như quên tất mệt mỏi, quên hết bệnh tật. Hiện nay em đang lên kế hoạch gây quỹ cho người dân Minh Hóa trong chương trình "Quảng Bình quê ta ơi". Số tiền ít ỏi kiếm được từ làm thêm, đồ dùng, quần áo của bạn bè quyên góp giúp Ngọc tổ chức được khá nhiều chương trình từ thiện ở quê nhà.

Để tăng thu nhập, tăng tiền quỹ làm từ thiện, Ngọc quyết định chạy xe ôm cùng với nhóm sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp. Ngọc ở trọ gần trường (thị trấn Thường Tín) nhưng cứ 5 giờ sáng đã thức dậy và chạy xe một mạch đến cổng Trường Đại học Công nghiệp đợi khách. Ban đầu mọi người rất ngạc nhiên với tấm biển "Tôi xe ôm", khách đi xe còn e dè không dám đến hỏi. Thế rồi dần họ cũng quen với Ngọc bởi cách nói chuyện thân thiện và luôn cười. Điều đặc biệt "gã xe ôm" này lấy tiền của khách đều do tùy tâm. Có những hoàn cảnh khó khăn, Ngọc còn không lấy tiền. "Khách của em thường là sinh viên nên em lấy rất rẻ. Thường chỉ từ 30 nghìn đến 50 nghìn, anh thấy đấy chạy xe từ sáng, túi em cả tiền cũ lẫn tiền lãi có 300 nghìn. Biết không đáng được là bao nhưng đó là công sức của mình, em rất hạnh phúc".

Để có được những đồng tiền làm từ thiện, Ngọc phải trải qua bao khó khăn. Không nói ai cũng biết "thị phần" của các bác xe ôm được phân chia như thế nào. Những ngày đầu Ngọc đến cổng trường Đại học Công nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, nhiều bác xe ôm gọi là "lão làng" ở đây đến dằn mặt, thậm chí còn dọa đánh với lý do "người lạ, lại chạy phá giá". "Em cũng sợ lắm nhưng sau em nói với các bác em là sinh viên nghèo. Một phần em chạy để kiếm sống, phần nữa là để làm từ thiện. Các bác ấy cũng nghe ra, sau đó tạo điều kiện cho em đứng. Giờ thì ổn rồi" - Ngọc cười.

Một lần tặng quà cho người dân tại quê nhà.

Những thách thức của các "lão làng" xe ôm chưa phải là quá lớn. Cái mà Ngọc phải đối mặt vẫn là sức khỏe của bản thân. Nhiều hôm trời lạnh, Ngọc đã bị ngất ngay trên xe của mình vì sức khỏe yếu. "Có lần em đang chạy cho một người khách từ Trường Đại học Công nghiệp đến bến xe Mỹ Đình, em thấy đầu choáng váng, có lẽ vì mệt quá. Em dừng xe lại giả vờ nghe điện thoại sau vài phút lại đi tiếp. Em không muốn khách biết là em bị choáng".

Do từ ngoại tỉnh lên Hà Nội, việc thông thạo đường là vô cùng khó khăn. Chính vì thế nhiều lần chỉ đáng 10km nhưng Ngọc đi lòng vòng cả vài chục km. Rồi khách gọi đến điểm hẹn thì đi cả buổi không tới nơi.

Bên cạnh việc chở khách, Ngọc thường xuyên kêu gọi bạn bè, cộng đồng quyên góp quần áo, chăn màn để tặng cho người dân Minh Hóa. Toàn bộ số tiền kiếm được, quần áo cũ, Ngọc trao lại cho chương trình "Quảng Bình quê ta ơi".

Bệnh mang trong mình là thế, khó khăn là thế nhưng chưa khi nào Ngọc từ bỏ ước muốn mang lại niềm vui cho mọi người. Chỉ có làm từ thiện, sống vì người khác mà Ngọc mới có động lực mạnh mẽ vượt lên số phận như hôm nay. Hình ảnh những em nhỏ vùng cao ùa đến ôm lấy mình, sung sướng vì có những tấm chăn ấm qua mùa đông như động lực vô bờ để Nguyễn Bảo Ngọc tiếp tục làm những điều tốt đẹp hơn.

Phong Anh
.
.
.