Chân thành, nhẫn nại Chìa khóa của thành công

Thứ Năm, 31/01/2019, 11:01
Sinh ra trong một gia đình đông con, nghèo khó và cha mất sớm nên phải bỏ học giữa chừng, nhưng anh đã vượt qua chính mình để trở thành một người không những có của ăn của để, mà còn có thể giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh xung quanh. Anh chính là Lê Hữu Phước, một doanh nhân khá nổi tiếng trong ngành gỗ ở thành phố Tây Ninh.


Xuất thân nghèo khó

Tôi đã có may mắn được gặp anh vào những ngày đầu năm 2018. Đó là một con người giản dị, mộc mạc đến mức nếu chỉ mới gặp lần đầu, bạn không thể nào tin rằng anh là một “ông chủ lớn”, có cơ ngơi ít người dám so sánh.

Có lẽ sự mộc mạc, chân thành của anh hiện nay chính là kết quả của những ngày lao động cực khổ, chân lấm tay bùn ngày xưa. Lê Hữu Phước cho biết anh là con út trong một gia đình có tới 10 anh chị em ở Hòa Bình, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Gia đình đông con như vậy nhưng ba anh (một người có công Cách mạng) lại mất sớm, khi anh chỉ khoảng hơn 4 tuổi, bao gánh nặng đổ lên đôi vai của mẹ anh.

Cũng như các anh chị, cậu bé Phước phải một buổi đi học, một buổi phụ giúp việc nhà cho mẹ. Ngày đó, để đi học cậu phải cuốc bộ qua chặng dường dài 8-9 cây số, phải dậy từ 4 giờ sáng để kịp tới trường đúng giờ học. Với những người không có ý chí và không ham học, chỉ riêng việc hàng ngày phải đi bộ 3-4 tiếng đồng hồ để đến trường có lẽ đã là một thử thách khó vượt qua. Nhưng cậu bé Phước không những hàng ngày đều chăm chỉ đến trường, mà khi về nhà cậu còn nhận đi chăn trâu thuê (khoảng 7-8 con) và nấu cơm cho Xã đội để có cơm ăn, đỡ bớt phần nào gánh nặng cho mẹ.

Phước cho biết, những ngày còn ngồi ở ghế nhà trường, cậu từng ước ao khi lớn lên mình có thể trở thành một phi công, bay đi khám phá mọi miền đất nước và cả nước ngoài. Thế nhưng, giấc mơ của Phước đã không thể trở thành hiện thực, vì chỉ đến năm lớp 9 là cậu phải bỏ học vì gia cảnh quá khó khăn. “Khi đó, nguồn thu chính của gia đình là làm ruộng, và mẹ đi buôn bán ở Campuchia, nhưng vì nhà quá đông con, nên mình mẹ kham không xuể”, Lê Hữu Phước tâm sự.

Vì vậy, học xong lớp 9 Phước quyết định gác lại giấc mơ bay của mình, để ở nhà đi học nghề, mong có thể đỡ đần cho mẹ và các anh chị. Và nghề mà mẹ Phước muốn cho cậu theo học chính là sửa chữa điện tử, vì thời đó nghề này có thu nhập tương đối ổn định. Sau khi vừa học vừa làm được 3 năm, Phước ra nghề đi làm thợ sửa chữa điện tử ròng rã suốt 4 năm. Sau đó, nhận thấy nhu cầu hàng điện tử “second hand” (đã qua sử dụng) của người dân khá cao, Phước nhanh nhạy kiêm thêm việc mua bán đồ điện tử, bằng cách mua hàng cũ về sửa chữa, tân trang rồi bán lại.

Gian nan vẫn không nản

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, hàng điện tử ngày một rẻ và thông dụng, nghề sửa chữa và mua bán đồ điện tử cũ không còn được như trước kia. Vì vậy, Phước đã nhanh chóng rẽ hướng kinh doanh sang buôn bán nông sản kết hợp nuôi lợn. Có lúc trại lợn của Lê Hữu Phước lên đến cả trăm con, cũng thuộc loại lớn vào thời điểm đó. Tuy nhiên, thời chưa tới nên số lợn Phước nuôi đã bị dịch bệnh chết sạch, bao nhiêu vốn liếng cũng theo đàn lợn dịch mất hết.

Không còn vốn, Phước vẫn không nản lòng mà chuyển qua buôn bán ve chai, mua đi bán lại đủ thứ từ vỏ chai cho tới sắt vụn, vỏ xe v.v… Nhưng vì số còn lận đận, nên một lần nữa Lê Hữu Phước lại bị thua lỗ. Vẫn không đầu hàng số phận, anh lại chuyển sang nghề chạy xe lôi. Và không ai có thể ngờ chính cái nghề mà xã hội ai cũng nhìn bằng nửa con mắt này lại mở ra cánh cửa thành công cho Lê Hữu Phước sau này.

Nhờ chạy xe lôi, Phước đã quen được với một vài nhân viên Hải quan biên phòng. Khi một công ty xuất nhập khẩu vào Tây Ninh, có nhu cầu cần người chở gỗ về, những anh biên phòng đã gọi Phước lên giới thiệu. Kể từ đó, Lê Hữu Phước chuyển sang vận chuyển gỗ cho công ty xuất nhập khẩu. Nhờ cần cù, siêng năng, chịu thương chịu khó, lại hiền lành thật thà, nên chẳng bao lâu Phước đã nhận được sự tín nhiệm của lãnh đạo công ty xuất nhập khẩu. Rồi sau khi có cửa khẩu mới, công ty tin tưởng cho Phước phụ trách ở cửa khẩu mới. Chính trong thời gian hoạt động trong lĩnh vực lâm sản này, Lê Hữu Phước dần dần khá lên.

“Trải qua những giai đoạn làm ăn khá dài, mình nhận thấy chữ tín là vô cùng quan trọng. Và để có chữ tín cần một quá trình xây dựng rất dài. Muốn thành công, mình nhất định phải siêng năng, chăm chỉ, khi làm việc phải đặt chữ tín lên hàng đầu. Tất nhiên không ai giao cho mình việc làm lớn ngay mà phải từ việc nhỏ trước. Khi anh làm tốt, giữ chữ tín, nói được làm được, thì người ta mới giao việc lớn hơn. Mình cũng đi từ nhân viên quèn lên phụ trách một cửa khẩu”, anh Lê Hữu Phước chia sẻ.

Chia sẻ với thế hệ người đi sau, anh Phước cho biết: “Tôi thường nhắc nhở con cháu của mình phải sống cho thật, kiên trì nhẫn nại, phải biết người đi trước, người đi sau, biết ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây, xe trước gãy xe sau phải biết đường tránh. Phải đơn giản hóa mọi việc cho dễ xử lý, chứ đừng quan trọng hóa vấn đề, sẽ thấy nó rất phức tạp và sẽ bị rối”.

Lê Hữu Phước cho biết mình mỗi năm anh dành ra khoảng 100 triệu đồng để giúp đỡ bà con nghèo khổ. Phước cũng là một Mạnh Thường Quân tích cực trong các hoạt động ở địa phương. Anh chia sẻ: “Làm từ thiện giúp mình cảm thấy nhẹ lòng. Đến bây giờ mình chỉ muốn làm sao đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người”.

Từ nhỏ đến nay tôi chưa bao giờ để bị mất chữ tín. Làm việc gì cũng phải có lý, có tình. Mình có tiền mà mọi người không vui thì không nên làm. Quan trọng là làm gì cũng phải tuân thủ luật pháp. Mình phải vì mọi người thì mới có thể mong mọi người vì mình. (Lê Hữu Phước - doanh nhân TP Tây Ninh)
Tam Long
.
.
.