Chàng kỹ sư ham đọc và giấc mơ 3.000 tủ sách

Thứ Năm, 20/10/2016, 14:52
Chỉ là một cán bộ công chức "quèn", song với giấc mơ sách hóa nông thôn, từ nhiều năm nay, Lê Minh Tuấn đã miệt mài đi làm cái việc chẳng giống ai, ấy là quyên góp sách để xây dựng hàng trăm tủ sách ở các trường học, dòng họ và cả gia đình. Anh cũng là người đầu tiên lập thư viện sách online để cho độc giả mượn sách miễn phí...


Tôi biết đến Lê Minh Tuấn lần đầu tiên khi anh xuất hiện trong chương trình "Change Life - Thay đổi cuộc sống" phát trên kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam vào trung tuần tháng 8-2016. Lần ấy, cùng với ông Phạm Tuấn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Babylon (chuyên tổ chức các hội thảo, khóa học quốc tế về kinh doanh, đầu tư, tài chính và làm giàu tại Việt Nam), anh Lê Minh Tuấn là một trong hai người có mặt tại chương trình để mở ra cơ hội việc làm tương lai cho Minh Hạnh, cô gái xứ Nghệ với hành trình từ Lọ Lem trở nên xinh đẹp, quyến rũ.

Anh Lê Minh Tuấn.

Tuy nhiên, Tuấn thực sự để lại được ấn tượng từ sau khi tôi "lạc" vào thư viện sách online do chính anh xây dựng. Trên website này, không chỉ xây dựng nên những tủ sách phụ huynh, tủ sách dòng họ mà còn có dịch vụ cho mượn sách trực tuyến.

Độc giả có nhu cầu thực sự, chỉ cần gửi thư điện tử để mượn sách, và nếu trong phạm vi khoảng cách cho phép, sau khi xem xét các điều kiện cơ bản, người mượn sẽ được thụ hưởng dịch vụ đưa sách đến tận nơi mà không cần phải trả tiền thuê sách hay phí đặt cọc như nhiều nơi khác vẫn làm.

Lập thư viện online, cho mượn sách miễn phí

Ở tỉnh Quảng Trị, Lê Minh Tuấn được biết đến là ông chủ của sân cỏ bóng đá nhân tạo đầu tiên ở thành phố Đông Hà. Bản thân anh chỉ là nhân viên tại Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị, song với niềm đam mê sách từ nhỏ, Tuấn đã quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ ấy ngay khi có điều kiện.

Cũng bởi vậy, về Đông Hà, nhắc đến Tuấn "thủy lợi", gần như ít người biết đến, nhưng hỏi về Tuấn sách hay Tuấn "cỏ nhân tạo", từ trẻ em đến cụ già đều chẳng lạ lẫm gì.

Anh Lê Minh Tuấn trong một lần tặng sách cho các em học sinh.

Chia sẻ với phóng viên, Lê Minh Tuấn cho biết, những việc anh đang làm, đặc biệt là hiện thực hóa giấc mơ 3.000 tủ sách nông thôn trên địa bàn Quảng Trị, chỉ đơn thuần là xuất phát từ niềm yêu quý sách ngay từ nhỏ. Ngày đó, cậu học sinh nghèo nông thôn khao khát đọc, mong muốn được sở hữu nhiều cuốn sách hay luôn là niềm cháy bỏng nhưng không có điều kiện.

Những năm tháng dùi mài kinh sử trên giảng đường đại học, Tuấn được bạn bè cho là "lập dị" khi học trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, một trường gần như chẳng liên quan gì đến văn chương nhưng anh lại dành phần lớn thời gian vào thư viện để đọc sách, và hành trang ngày ra trường của anh là hơn 800 đầu sách các loại mà anh đã tích cóp tiền bạc, mua về trong suốt 4 năm đại học, quả là một con số đáng nể đối với chàng sinh viên nghèo tỉnh lẻ.

Từ chỗ chỉ đọc cho mình, nhiều thông tin hữu ích, Tuấn muốn chia sẻ với mọi người nên đã nảy ra ý tưởng lập thư viện sách online. Tận dụng mối quan hệ thân tình của mình, anh kêu gọi bạn bè ủng hộ sách, và chỉ sau một thời gian rất ngắn, Tuấn đã sở hữu trong tay 3.000 đầu sách các loại.

Thư viện online đã ra đời ngay sau đó, với kinh nghiệm của một con "mọt sách, Tuấn đã phân loại từng đầu sách, có hướng dẫn chi tiết để mọi người dễ dàng truy cập và nhanh chóng tìm kiếm được cuốn sách mà mình mong muốn.

Niềm vui của các em học sinh khi đón nhận Sách hóa nông thôn.

Theo anh Tuấn, hiện nay nhiều người tham gia mạng xã hội Facebook nên từ trang cá nhân, anh đã lập trang "Sách hóa nông thôn Quảng Trị" và cần vào trang đây, sẽ thấy một đường link dẫn đến thư viện Lê Minh Tuấn. Ở đây, anh đã liệt kê ra hơn 1.000 đầu sách, bao gồm tên sách, thông tin tác giả, năm xuất bản, thể loại và tình trạng sách đã được mượn hay chưa để độc giả có sự lựa chọn nhanh nhất.

Giấc mơ 3.000 tủ sách

Thực tiễn sau một thời gian điều hành thư viện sách online, Lê Minh Tuấn nhận thấy một thực tế là trong thời đại công nghệ hiện nay, dù có điều kiện để tiếp xúc với công nghệ tiên tiến nhưng vẫn còn có rất nhiều người đam mê và dành tình cảm cho sách thực sự.

Do vậy, Tuấn đã nảy sinh ý tưởng xây dựng các tủ sách ở các vùng nông thôn, lớp học, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng để đưa sách đến gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi đang gặp những điều kiện sống vô cùng khó khăn. 3.000 tủ sách hóa nông thôn, đó là con số mơ ước mà Tuấn đặt ra, và anh tin là sẽ thành công nếu có sự chung tay, giúp sức của mọi người.

Tìm được người đồng ý góp sách đã khó, thuyết phục để làm sao cơ sở nhận sách lại càng khó hơn. Theo lời Tuấn kể, nhiều trường học ở các xã vùng cao, khi nghe tâm nguyện muốn đặt tủ sách, một số thầy cô giáo cho biết, bây giờ thời lượng học trong sách giáo khoa đã quá tải, quá đủ với các em. Với lại, nhà trường đã có thư viện nên từ chối.

Phải thuyết phục rất nhiều mới được nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cho đặt tủ sách trong lớp học. Trường học đầu tiên nhận lời cho Tuấn đặt một tủ sách là Trường THCS Trần Quốc Toản ở TP Đông Hà, với 100 đầu sách.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những ngày đầu đi vận động, bởi thời điểm hiện tại, phong trào sách hóa nông thôn của anh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, được đón nhận rất nồng hậu. Đến thời điểm này, có hơn 10 trường học đã có tủ sách của Lê Minh Tuấn, với hàng ngàn cuốn sách được chuyển tải đến tay bạn đọc.

Mới đây nhất, vào ngày 7-10-2016, chương trình "Sách hóa nông thôn Quảng Trị" lần thứ 15 của Tuấn đã tặng 15 tủ sách đến trường tiểu học Hải Hòa, huyện Hải Lăng. Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, Tuấn cho biết: "15 tủ sách trị giá 20 triệu đồng gồm nhiều thể loại sách khoa học vui, truyện tranh lịch sử, văn học nổi tiếng trong và ngoài nước, sách kỹ năng phù hợp từng lứa tuổi với mong muốn nâng cao số lượng sách đọc mỗi năm của trẻ em Việt Nam ngang bằng với trẻ em thế giới".

Anh Tuấn mang sách đến với các em học sinh nghèo.

Tủ sách của Tuấn rất đa dạng, từ tủ sách học sinh, tủ sách phụ huynh đến tủ sách dòng họ, tủ sách tiền tuyến, hậu phương… Chương trình được khởi động từ năm 2015, với những cuốn sách do chính mình bỏ tiền túi ra mua, đến nay thông qua sự kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm, Tuấn đã quyên được hơn 5.000 đầu sách.

Lê Minh Tuấn chia sẻ, quá trình thực hiện giấc mơ sách hóa nông thôn của mình, cùng với sự giúp đỡ, đồng hành của nhiều nhà hảo tâm, anh luôn nhận được sự động viên, quan tâm của nhiều người cùng tâm huyết. Đó là anh Nguyễn Quang Thạch, người đang thực hiện mục tiêu sách hóa nông thôn của cả nước.

Mới đây, vào tháng 8-2016, anh Vũ Dũng với hành trình đạp xe xuyên Việt từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, đã đến Quảng Trị và gặp gỡ động viên cho Sách hóa nông thôn Quảng Trị. Giá trị vật chất không tính đến, nhưng đó là nguồn động viên tinh thần, cổ vũ để Tuấn có thêm sức mạnh, động lực nhân rộng mô hình sách hóa nông thôn của mình.

Theo Tuấn, thêm nguồn động viên lớn khác, ấy là khi anh và nhóm thiện nguyện đưa sách về tận nơi, nhiều em học sinh đã tranh nhau đọc một cách say sưa. Thư viện nhà trường sách ít về số lượng, nội dung chủ yếu tham khảo nên các em rất ít điều kiện để tiếp xúc với các loại sách xã hội.

Đơn cử, tại Trường Tiểu học Triệu Ái, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), trước đây thư viện trường phải đưa sách về tận lớp cho các em đọc luân phiên mỗi lớp 3 ngày. Từ khi đặt tủ sách của Lê Minh Tuấn, Ban giám hiệu nhà trường cho biết sẽ cùng với phụ trách Đội phát động, nhân rộng mô hình tủ sách lớp em của Sách hóa nông thôn đến tất cả các lớp.

Hay như tại trường THCS Trấm, thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong. Đây là một trong những ngôi trường khó khăn nhất của Triệu Phong, học sinh đi lại rất vất vả vào mùa mưa. Nhiều em phải đi học hàng ngày bằng ghe, đò. Để đưa sách đến được với các em, anh Tuấn cùng đoàn thiện nguyện đã phải thuê thuyền chở vào. Sự vất vả ban đầu ấy đã nhanh chóng bị đánh tan khi nhìn thấy cảnh các em háo hức lật từng trang sách mà anh đã mang đến cho nhà trường.

Lý do muốn mang sách đến với tất cả mọi người mà không phải là bất cứ thứ gì khác, kỹ sư Lê Minh Tuấn chia sẻ, sách là kho tri thức vô giá ngàn đời của nhân loại, cái anh mang tới, muốn chia sẻ cho tất cả mọi người không đơn thuần chỉ là khơi dậy niềm đam mê đọc sách, mà hiệu quả của kho tri thức ấy, phải hàng chục năm sau mới phát huy hết tác dụng và đó là mục tiêu dài hơi mà anh muốn hướng tới.

Lam Giang-Thiện Thành
.
.
.