Chàng sinh viên viết ước mơ bằng đôi tay không lành lặn

Thứ Bảy, 08/12/2018, 21:56
Cách ngày thi đại học đúng một tuần, cậu học trò Dương Hữu Phúc (Lạng Sơn) đã gặp phải một tai nạn cướp đi đôi bàn tay. Dù rơi vào bi kịch, cuộc sống gia đình khó khăn nhưng chàng trai vẫn không ngừng vươn lên.


Cậu tập sống cho quen với đôi tay giả, tập viết chữ và tiếp tục viết ước mơ trở thành sinh viên đại học. Dù phía trước còn bộn bề khó nhọc, nhưng chàng sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn mỉm cười đón nhận một tương lai tươi sáng sẽ đến với mình.

Bi kịch trước ngày thi đại học

Hà Nội trở gió mùa đông bắc. Trời không quá lạnh nhưng những trận mưa phùn cũng đủ để làm người ta co mình lại. Mới chỉ 20 giờ nhưng Hồ Gươm đã thưa thớt người dạo phố. Phúc - chàng thanh niên "chim cánh cụt" vẫn lặng lẽ, kiên nhẫn mời các cặp đôi yêu nhau mua cho mình những vòng hoa đội đầu xinh xắn. Người thương tình thì mua, kẻ thì chê bai ỉ ôi, dè bỉu rồi lẳng lặng bước đi. Không vì thế mà Phúc nản lòng, cậu lại bước tiếp nở nụ cười trên môi, lại dõng dạc rao: "Vòng hoa đội đầu đi chị ơi, hoa cho bé đi anh chị ơi…". Tiếng rao ấy cùng đôi tay đặc biệt luôn dang rộng những vòng hoa lấp lánh khiến người qua lại không khỏi chú ý.

Ngồi nghỉ sau một buổi tối mệt rã rời, Phúc kể với chúng tôi: "Những ngày cuối tuần em bắt đầu đi từ 6 giờ chiều, bán ở Bờ Hồ đến khoảng 11 giờ đêm. Mỗi vòng hoa em bán khoảng 40 nghìn, có nhiều em bé thích mua em bán giá rẻ hơn. Mỗi đêm em bán được từ 5 đến 10 cái, tiền đó em mang về phụ mẹ trang trải cuộc sống hàng ngày và đóng tiền học phí".

Kể về những tháng ngày đã qua, Phúc không giấu được ánh mắt đượm buồn. Bốn năm trước, chỉ cách kỳ thi đại học đúng một tuần, bi kịch bất ngờ ập xuống cậu học trò nghèo. Với các bạn cùng trang lứa, cận những ngày thi đại học họ đều được nghỉ ngơi hay dốc sức củng cố lại kiến thức đã học thì Phúc vẫn mải miết làm thêm tại một xưởng cơ khí. Em bảo, quê em ở mãi Lạng Sơn, vì thương mẹ nên cố gắng làm thêm để lấy tiền xuống Hà Nội đi thi. Nói đến đây giọng Phúc như chùng xuống: "Em nhớ như in, hôm đó đang làm thì bình ôxy phát nổ, lúc tỉnh dậy thấy mình nằm trong bệnh viện, khắp người đau đớn. Nhìn xuống thấy không còn 2 bàn tay. Chỉ còn toàn là bông băng, em không tin vào mắt mình nữa… lúc đó chỉ còn biết khóc thôi".

Tất cả như sụp đổ, tương lai tươi sáng phía trước coi như đã vụt tắt với cậu học trò nổi tiếng học giỏi, ngoan ngoãn. Mẹ, chị gái và Phúc chỉ còn biết ôm nhau khóc trên giường bệnh. Phúc còn quá trẻ để chịu mất mát này, em đã rơi vào trạng thái chán nản, không thiết sống nữa. Những ngày nằm trên giường bệnh dài đằng đẵng, giày vò em đến từng thớ thịt. Bạn bè đến thăm, nói với nhau: "Con Ngân đỗ trường này, thằng Hoàng đỗ trường kia" khiến tâm trạng Phúc càng thêm đau khổ. Em hận cuộc đời đã không công bằng với mình.

Phúc luôn cố gắng phấn đấu để cuộc sống của hai mẹ con tốt hơn.

Những tưởng đó đã là cùng cực của sự đau khổ thì em lại nghe tin vết thương quá nặng, bị nhiễm trùng. Phúc lại phải lên bàn mổ, sau 7 tháng mới thực sự lành vết thương nhưng tay cụt gần đến khuỷu. Vết thương đã lành, những gì để lại sau vụ tai nạn ấy là cả một đống nợ mà người mẹ bệnh tật phải gồng gánh. 

"Nghĩ lại những tháng ngày đó em vẫn còn rùng mình. Suốt một thời gian dài không thể tự làm được bất cứ việc gì, vệ sinh cá nhân cũng phải nhờ mẹ. Mẹ đã nghèo, ốm đau liên miên nhưng vẫn phải nghỉ làm để chăm lo cho em. Thể xác em đau một nhưng thực sự tinh thần em đau mười. Em thấy mình vô dụng, tưởng chừng như không thể vượt qua được"- Phúc rưng rưng kể.

Vết thương trên cơ thể cùng lành, nỗi đau về tinh thần cũng dần nguôi ngoai, Phúc gượng gạo tập những thao tác xúc cơm của trẻ lên 3 với đôi tay giả. Đôi tay ấy không chịu nghe lời, ăn chưa hết bát cơm nhưng mỏi nhừ, cơm vung vãi khắp nơi. Rồi Phúc quyết định dừng lại, không sử dụng tay giả. 

Thương con, cô Phượng (mẹ của Phúc) tự chế cho con một cặp tay khác, đơn giản hơn. Tay mới được làm từ một chai nước lọc cắt bỏ phần đế, cẳng tay còn lại đút vào chai để điều khiển cái thìa. Mọi thứ dần trở nên nhẹ nhàng, linh hoạt hơn với đôi tay mà mẹ "chế" cho Phúc.

Việc tự ăn uống coi như đã thuần thục, Phúc bắt đầu học cách di chuyển, cầm nắm đồ vật cũng như tự mặc quần áo, vệ sinh cá nhân. Sau gần 1 năm tập luyện, mọi việc dần trở nên đơn giản với em. "Sau gần 1 năm tập luyện em đã có thể tự làm được mọi thứ. Vệ sinh cá nhân, đánh răng, rửa mặt hay ăn uống, giặt quần áo, rửa bát… đều ngon lành" - Phúc chia sẻ. 

Phúc tự lo cho mình nhưng từng đó là chưa đủ với một cậu học trò thương mẹ, nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ: chả có lẽ cả đời ăn bám mẹ sao? Rồi sau này ai sẽ lo cho mình? Ai sẽ giúp đỡ mẹ khi về già? Những câu hỏi như thế ngày một nhiều hơn, thôi thúc em phải thay đổi, phải tự mình thay đổi cuộc sống này.

Dù không còn đôi bàn tay nhưng Phúc luôn nỗ lực học tập như những sinh viên khác.

"Rồi mọi thứ sẽ ổn thôi!"

Tự lo được cho mình những việc cá nhân, mẹ có thời gian đi làm nhiều hơn, chị gái cũng lấy chồng. Phúc bắt đầu ấp ủ ý tưởng tập viết bằng đôi tay không còn nguyên vẹn. Em bắt đầu nuôi mộng trở thành sinh viên. Chỉ có con đường đó mới khiến em vực dậy được gia đình, nuôi sống bản thân. 

Thế nhưng việc tập viết bằng khuỷu tay không phải là chuyện đơn giản, Đức kể lại những ngày đầu: "Ban đầu em loay hoay đủ tư thế, cuối cùng thì cũng chọn được cách kẹp cây bút giữa hai đầu cánh tay. Đầu tiên viết chậm, chữ xấu, cuối cùng cũng viết được tên của mình. Cứ ở nhà tập viết, cho đến khi chữ được như bình thường, tốc độ cũng tương đương lúc còn đi học. Buổi sáng mẹ dậy nấu cơm, chuẩn bị cơm trưa cho em rồi chở em đi học, chiều lại đón em về. 

Năm 2015, em đi thi đại học, em chọn học kiến trúc vì muốn sau này có thể làm cho mẹ một căn nhà hai tầng ưng ý. Nhưng đó là món quà sau này, hy vọng càng sớm càng tốt, còn giờ chỉ biết cố gắng học tập để những đồng tiền mẹ dành dụm không bị hoang phí. Mẹ sinh em ra để mong về già hay những lúc bênh tật có người chăm sóc, nhưng ngược lại đến giờ vẫn chưa làm được gì cả. Em chỉ biết phải cố gắng hơn nữa vì bệnh mẹ đang nặng dần".

Căn phòng trọ nhỏ chừng 10m² nằm dưới chân đê sông Hồng, chỉ kê vừa chiếc giường nhỏ, bàn học của Phúc nhưng rất ngăn nắp, sạch sẽ. Buổi sáng, bà Phượng đi làm, Phúc đi học, tối hai mẹ con kê một bàn trà đá trên mặt đê kiếm thêm đồng ra đồng vào. Những lúc vắng khách, họ lại tết vòng hoa để Phúc bán vào những ngày cuối tuần.

Khi nhắc đến cuộc đời mình, bà Phượng như muốn lảng sang chuyện khác. Từ khi hai con còn nhỏ dại, chồng đột ngột bỏ đi, để lại cho bà cáng đáng mọi việc. Một mình gồng gánh gia đình, bà làm đủ mọi nghề những mong ba mẹ con cơm cháo qua ngày. Những ký ức về cha với Phúc gần như không có, biết các con thiệt thòi, tất thảy tình yêu thương bà Phượng dồn cả cho con, tài sản lớn nhất của họ có lẽ chỉ là tình yêu thương.

Cứ những ngày cuối tuần Phúc lại mang vòng hoa đội đầu đi bán ở Bờ hồ.

Bà Phượng bị suy tim bẩm sinh, suy thận và bướu cổ… Cái ngày chồng khăn gói ra đi, bà như chết phần nửa cuộc đời. Một mình bà kéo chỗ này, vá chỗ kia để trang trải cuộc sống. Nuôi con khôn lớn, chờ ngày báo đáp thì bà lại nghe tin Phúc gặp tai nạn. Bà như chết đi sống lại, gom tất cả những gì có giá trị tất tả lên Hà Nội lo bệnh cho con. 

Gần 1 năm không rời con nửa bước, bà quên luôn mình cũng là người có bệnh. Khi con khoẻ lại, bà gắng gượng xuống Hà Nội xin làm lao công. "Tôi xuống Hà Nội làm, để cu Phúc ở nhà tự chăm sóc bản thân. Được cái em nó ngoan lắm, lại bắt đầu nghiệp đèn sách và đỗ Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Bây giờ thì đỡ hơn rồi, hai mẹ con nương tựa vào nhau, cùng cố gắng vượt qua thôi" - bà Phượng tâm sự.

Khắp xóm trọ nghèo nơi bãi sông Hồng này ai cũng nể phục mẹ con Phúc, dù không có đôi tay nhưng em luôn gây ấn tượng bởi thành tích học tập đáng nể. Phúc dùng máy tính và các phần mềm hỗ trợ thành thạo, em có thể vẽ hoàn chỉnh các đồ án như những sinh viên bình thường. 

Bà Phượng tự hào kể về con trai mình: "Vì không có tình cảm của bố từ nhỏ nên tính của Phúc rất trầm, sống thu mình và ít khi chia sẻ cảm xúc với ai. Được cái cháu thương mẹ, vượt qua được những đau đớn của bản thân và quyết định đi học tiếp tôi mừng lắm, nhưng rất lo. Mừng vì con không đầu hàng số phận, dũng cảm bước tiếp, lo vì gia đình hoàn cảnh quá, tôi thì bệnh ngày một nặng hơn. Trước mặt tôi cháu luôn tỏ ra mạnh mẽ, nhưng tôi biết cháu đã cố gắng lắm, gồng mình để sống tốt".

Bệnh của bà Phượng mỗi ngày một chuyển nặng, không biết rồi sẽ ra sao. Bà vẫn còn nhớ như in câu nói của con trai "sẽ xây cho mẹ ngôi nhà 2 tầng ưng ý". Nhìn ánh mắt của bà, chúng tôi hiểu như thế đã là quá đủ với bà, bà đã mãn nguyện tự hào với những gì con trai mình đã làm được. Biết mẹ buồn, Phúc nói như xua tan đi không khi ngột ngạt: "Còn sống thì sống cho đáng, cho vui vẻ, rồi mọi chuyện cũng sẽ tốt lên mà mẹ".

Phúc dọn dẹp đồ đạc, gói ghém những vòng hoa đội đầu để chuẩn bị lên đường mưu sinh. Giữa dòng người nhộn nhịp nơi phố thị, Phúc vẫn mỉm cười đưa đôi bàn tay không nguyên vẹn để đón nhận những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình mình. 
Phong Anh
.
.
.