Chàng trai 9X làm giàu nhờ mô hình nuôi thỏ New Zealand

Thứ Tư, 13/02/2019, 21:43
Với đức tính cần cù, chịu khó, mạnh dạn và quyết đoán của tuổi trẻ, chàng trai Nguyễn Văn Ba (29 tuổi), ở xóm Vai, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa bình đã và đang đi đầu trong phong trào khởi nghiệp ở địa phương làm giàu bằng trang trại nuôi thỏ Newzealand của mình.

Ngồi tiếp chúng tôi trong trang trại 800m² nuôi thỏ Newzealand vào một buổi chiều muộn. Nguyễn Văn Ba (29 tuổi) kể về "cơ duyên " của mình với loài vật nuôi lông trắng, tai dài. Năm 2014, sau khi tìm hiểu nghiên cứu qua sách báo, mạng internet chi tiết về mô hình chăn nuôi, Ba rất tâm đắc với con thỏ. 

Để có nguồn giống tốt, Ba đã tìm đến Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ ở Sơn Tây để học tập. Ba bắt đầu với nghề bằng 20 con thỏ giống bố mẹ New Zealand. Nuôi được một thời gian, đàn thỏ bắt đầu sinh sản. 

Vừa nuôi vừa đúc rút thêm kinh nghiệm từ phương pháp chăm sóc, xây chuồng, tìm kiếm nguồn thức ăn, kiểm tra sức khỏe, trị bệnh, khám thai, phối giống cho thỏ… Ba đều đảm đương và dần dần thuần thục.

Chàng trai Nguyễn Văn Ba (29 tuổi) đang chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm nuôi giống thỏ New Zealand.

"Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm chăn nuôi thỏ, kỹ thuật nuôi thỏ còn non nên bị thiệt hại nhiều. Rồi bố mẹ cũng phản đối quyết liệt vì mình còn trẻ kinh nghiệm chăn nuôi và vốn chưa có nhưng mình không nản lòng nên tiếp tục nuôi, rút kinh nghiệm dần. Đến nay, trại thỏ của mình có  quy mô 200 con thỏ cái sinh sản và trên 1.000 con thỏ thịt thương phẩm, lúc cao điểm tổng đàn là 2.000 con ", Ba cho hay.

Có được thành quả như hôm nay, ngoài chọn nguồn thức ăn tốt và đảm bảo cho thỏ, Ba còn đặc biệt quan tâm đến khâu chọn giống và vệ sinh chuồng trại. Thỏ là loài vật dễ nuôi, dễ chăm sóc nhưng để nuôi thỏ với số lượng lớn là chuyện không hề đơn giản. 

Người nuôi phải dành thời gian để kiểm tra hàng ngày, nếu để một con bị bệnh mà không kịp xử lý sẽ ảnh hưởng đến cả đàn. Do đó, phải tách đàn, chăm sóc riêng khi phát hiện thỏ kém ăn, có biểu hiện mệt mỏi. Phải có bảng theo dõi hàng ngày cho từng con như ngày phối giống, ngày đẻ, số con trên lứa, từ đó tính toán con nào đẻ kém để loại thải kịp thời. 

Thỏ là loài ăn tạp từ cỏ, lá cây, các loại củ… tuy nhiên thức ăn tránh ẩm ướt, mốc. Một ngày, Ba cho thỏ ăn 3 bữa: Sáng, chiều cho ăn thức ăn tinh (cám công nghiệp), còn bữa tối ăn thức ăn xanh.

Để thỏ luôn khỏe mạnh, yêu cầu chuồng trại phải thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Trên diện tích 800m², Ba đã thiết kế được 800 ô chuồng nuôi. Các chuồng nuôi đặt cách xa mặt đất 50cm và có nắp hệ thống máng uống nước tự động. Đặc biệt lưu ý nuôi thỏ vấn đề về vệ sinh chuồng trại và thức ăn sạch đảm bảo là rất quan trọng, giúp thỏ tránh được nhiều bệnh như: Nấm, ghẻ, tiêu chảy, đầy hơi… 

Do đó khi bắt tay vào nuôi gia đình anh Ba đã xử lý khu vực nuôi bằng đệm lót sinh học, đó là rải cá thể mùn cưa, trấu trộn với men vi sinh để khử mùi. Với cách xử lý này một tháng gia đình anh mới phải vệ sinh chuồng xúc đi một lần, tận dụng làm phân bón cho cây.

Sau khoảng 3 - 3,5 tháng nuôi là cho xuất bán, lúc này thỏ New Zealand của trang trại Nguyễn Văn Ba đạt trọng lượng từ 2 - 2,5 kg/con.

Hiện tại mỗi tháng, Ba tách 700 - 800 thỏ con khỏi mẹ để nuôi riêng. Sau khoảng 3 - 3,5 tháng nuôi là cho xuất bán, lúc này thỏ đạt trọng lượng từ 2 - 2,5 kg/con. Giá bán 100.000 - 120.000 đồng/kg thỏ thịt; 120.000 đồng/kg thỏ hậu bị và 150.000 đồng/ 1 đôi giống thỏ New Zealand. 

Trung bình một tháng, Nguyễn Văn Ba xuất ra thị trường khoảng 1,4 - 1,6 tấn thịt thỏ và chủ yếu bán cho các nhà hàng, quán nhậu và đầu ra hiện tại rất thuận lợi. Sau khi trừ chi phí, trang trại thỏ của anh cho thu nhập hơn 340 triệu đồng/ năm. Ngoài ra, trại thỏ của anh tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức thu nhập trên 6 triệu đồng/ tháng.

Không những biết cách làm giàu cho bản thân, chàng trai Nguyễn Văn Ba còn sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn cùng vươn lên làm giàu như cung cấp con giống và đồng thời bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi. Bằng ý chí và nỗ lực cần cù, mô hình chăn nuôi của anh được chính quyền xã đánh giá là một trong những mô hình làm ăn hiệu quả, điển hình của xã. 

Trần Toản
.
.
.