Chàng trai Thành Nam phục vụ phở Hà Nội tại Trường Sa

Chủ Nhật, 04/12/2016, 09:39
"Được ra quần đảo Trường Sa, thăm quân, dân và các chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là niềm vui, niềm tự hào của biết bao người dân Việt Nam. Và được tự tay nấu hơn 1.000 bát phở để phục vụ các chiến sĩ ngay tại Trường Sa là một vinh dự, một kỷ niệm ngọt ngào không thể nào quên được"! Chia sẻ với chúng tôi sau chuyến đi, nghệ nhân ẩm thực Vũ Ngọc Vượng vẫn còn rưng rưng tự hào.


Giữa cái nắng, cái gió và cả những cơn sóng dữ, ít ai ngờ tại vùng biển đảo Trường Sa lại được thưởng thức món phở Hà Nội - món ăn tinh hoa với sự kết hợp, chắt lọc từ những kinh nghiệm của nghề gia truyền và các gia vị, thực phẩm của Hà Nội.

Nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng nấu phở Hà Nội phục vụ các chiến sĩ tại đảo Sơn Ca.

Hơn 20 năm trong nghề ẩm thực, đặc biệt là trong lĩnh vực phở gia truyền, nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng luôn khát khao được tự tay mình nấu những bát phở đặc biệt thơm ngon phục vụ cho các chiến sĩ ngoài biển đảo, mang hương vị ngọt ngào của đất liền đến với Trường Sa thân yêu. Và mong ước của anh đã trở thành hiện thực nhờ sự kết nối, giới thiệu của các anh bên dự án "Trường Sa có một nơi đẹp và thiêng liêng như thế" do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức.

Tạm bàn giao việc quản lý chuỗi nhà hàng đang làm ăn phát đạt tại Hà Nội cho người thân trong gia đình, nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng đã lên đường mang tình cảm, hương vị phở từ Hà Nội ra Trường Sa.

Các chiến sĩ “cụm bát” trước khi thưởng thức món phở tại  Trường Sa.

Gần 40 thùng hàng các loại đã được bao gói, đóng thùng dán tem cẩn thận mang dòng chữ "Thông tấn xã Việt Nam - Quân chủng Hải quân - Phở Ngọc Vượng - Quà tặng Trường Sa", trong đó có bánh phở, xương bò, thịt bò (tái, nạm, gầu), cùng với đủ loại gia vị: Tỏi, chanh, ớt, hành và 10 can nước dùng được chế biến sẵn. Anh Vượng đã mất gần một tuần để chuẩn bị, thử nghiệm và vận chuyển bằng nhiều cách từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Hành trình dài và tốn nhiều công sức nhưng với mong muốn là các chiến sĩ được thưởng thức món phở ngon và thật ấm lòng. 

Anh Vượng chia sẻ: "Tất cả nguyên liệu phở nhanh chóng được chuyển xuống khoang bảo quản trước giờ tàu nhổ neo, sẵn sàng cùng tàu HQ 561 mang tình cảm và tấm lòng của những người con Hà Nội, của đất liền yêu thương đến với đảo xa.

Lần đầu tiên được bước chân lên con tàu hải quân HQ 561, thật là cảm động và vui mừng khi tất cả các trang thiết bị dụng cụ nhà bếp, phòng lạnh, phòng tủ đông đều tốt,  mình mang thực phẩm tươi nên khi lên tàu phải quan sát việc đó đầu tiên, sau rồi mới lo đến chỗ ăn, ngủ của đoàn".

Giới thiệu và nấu phở cho các chiến sĩ thưởng thức tại đảo Nam Yết.

Do không quen, hai ngày đầu trên tàu, anh Vượng bị say sóng, chỉ ăn được một chút cháo. Khi tàu gần đến đảo Sơn Ca, mặc dù còn say sóng, nhưng nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng vẫn dậy chuẩn bị đồ, thực phẩm, sẵn sàng lên xuồng vào đảo trổ tài làm phở chiêu đãi cán bộ, chiến sĩ.

Sau hơn hai giờ vừa rã đông, đun nước dùng và thái thịt… anh đã nấu được gần 300 bát phở phục vụ cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Các chiến sĩ ở đảo Sơn Ca khi biết tin được "cải thiện" bữa sáng bằng phở do chính tay một nghệ nhân làm, mọi người đều háo hức và hồi hộp chờ đợi.

Cán bộ, chiến sĩ ăn xong bát phở tay bắt, mặt mừng và nói chuyện vui vẻ với nghệ nhân Ngọc Vượng khiến các thành viên trong đoàn ai cũng mừng vui. Những ngày tiếp theo, nghệ nhân Ngọc Vượng tiếp tục nấu những bát phở thơm ngon để phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên đảo Nam Yết, đảo Trường Sa lớn, tổng cộng hơn 1.000 bát.

Nhớ lại những kỷ niệm đẹp trong chuyến đi, anh Vượng cho chúng tôi biết: "Trong ba buổi đó, tôi đến nơi nào cũng có cảm xúc riêng và đặc biệt khi nhìn các cán bộ, chiến sỹ thưởng thức món phở do chính tay mình nấu ở một nơi xa xôi, thiêng liêng của Tổ quốc, nơi mà xa cách về địa lý, lại thiếu thốn rất nhiều thứ như rau xanh, thực phẩm tươi thì đây là điều tuyệt diệu.

Có những chiến sỹ đã được ăn phở ở đất liền nhưng có nhiều đồng chí thì chưa được ăn phở lần nào mà chỉ được nghe, xem trên truyền thông đại chúng nói về phở Hà Nội. Chương trình phục vụ phở ở đảo Nam Yết được triển khai ngay ngày hôm sau, công tác chuẩn bị thật nhanh và khẩn trương.

Anh Vượng rất xúc động khi được tự tay nấu, phục vụ các công dân nhí tại Trường Sa món phở Hà Nội.

Khoảng 21h, sau khi xem văn công, bộ đội tập trung thưởng thức những tô phở Hà Nội nóng hổi, thơm nức. Các chiến sĩ "keng" bát phở chúc nhau thật vui vẻ. Mong rằng mấy trăm suất phở cùng với sự nhiệt tình của người nấu sẽ làm ấm lòng chiến sỹ nơi đây.

Ấn tượng nhất với tôi là đêm ở đảo Trường Sa lớn, do số lượng phục vụ đông, vì thế bộ đội phải chi viện cho tôi nấu phở. Những đôi tay thoăn thoắt thái thịt, chuẩn bị đầy đủ gia vị: Hành, tỏi, ớt tươi, tương ớt…, chờ sau buổi biểu diễn văn nghệ để phục vụ những vị khách đặc biệt đó là những công dân nhí. Nhìn những thiên thần nhỏ của Trường Sa lần đầu tiên được thưởng thức phở Hà Nội mà tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến những đứa trẻ trong đất liền.

Các "khách hàng đặc biệt" thưởng thức thật say mê những bát phở nóng hổi, tất cả các gia vị hoà quyện vào nhau giữa một không gian rộng lớn nhưng thật ấm cúng và thắm tình. Có chiến sỹ thật thà: "Phở ngon quá, giá như được ăn 2 bát nhỉ"!. Trước khi ăn, các chiến sỹ đều chụp ảnh bát phở để làm kỷ niệm".

Nói chuyện với nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng, tôi thật ngưỡng mộ người đàn ông có dáng vẻ thư sinh nhưng rất nghiêm túc trong công việc và nhiệt tình hưởng ứng các việc làm thiện nguyện. Anh sinh ra trong gia đình có ba đời bán phở tại thôn Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, từ những năm 1920.

Ông nội của Ngọc Vượng từng là đầu bếp phục vụ trên những con tàu thủy của Pháp qua lại cảng Hải Phòng nên cụ rất am hiểu về cách chế biến món ăn từ thịt bò. Cha của Vũ Ngọc Vượng (ông Vũ Văn Đê) tiếp bước ông cha dời chốn thôn quê Nam Định lên Hà Nội với hành trang là nghề làm bánh phở tươi truyền thống của quê nhà. Cùng với ông còn có nhiều bà con họ hàng, láng giềng khác cũng đã gây dựng những tiệm phở mang danh tiếng Nam Định ngay tại Hà Nội.

Ngọc Vượng lên Hà Nội để phụ giúp cha, cùng lăn lộn với nghề làm bánh phở. Xưởng sản xuất của gia đình Ngọc Vượng cung cấp bánh phở tươi hằng ngày cho rất nhiều tiệm phở lớn, nhỏ. Anh đã âm thầm học hỏi kinh nghiệm của ông, của cha và cả bà con họ hàng để xây dựng một hệ thống nhà hàng phở đúng theo lối truyền thống ngay tại Thủ đô.

Hệ thống nhà hàng Phở Ngọc Vượng ra đời và gặt hái rất nhiều thành công trong lĩnh vực ẩm thực như: Đoạt giải nhất của hội thi nấu phở uy tín lần đầu tiên được tổ chức bởi Tập đoàn hàng đầu thế giới ACCOR và khách sạn quốc tế danh tiếng Sofitel Metropole tại Hà Nội, nhằm quảng bá và tôn vinh nghề phở của Việt Nam.

Đầu năm 2013, Ngọc Vượng và các cộng sự đã được Quân chủng Hải quân Việt Nam trao huy hiệu danh dự "Chiến sĩ Trường Sa" và kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo" sau khi trực tiếp phục vụ và trao tặng hơn 1.000 bát phở cho cán bộ, chiến sĩ và quân dân ngay trên quần đảo Trường Sa trước sự chứng kiến của các lãnh đạo Quân chủng Hải quân, thành phố Hà Nội và các ban, ngành của Trung ương.

Những bát phở Hà Nội do chính tay nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng chế biến cho quân và dân huyện đảo Trường Sa giữa mênh mông biển cả đã làm cho Trường Sa như gần lại với đất liền hơn. Câu nói của các chiến sĩ nơi đảo xa: "Phở ngon, giá mà được ăn hai bát, anh Ngọc Vượng cố gắng mỗi năm ra Trường Sa vài lần, để cho bọn mình được thưởng thức phở Hà Nội..."! làm anh nhớ mãi.

Thời gian trôi nhanh quá! Đã gần 3 năm rồi, một kỷ niệm ngọt ngào mà Ngọc Vượng không thể nào quên được khi tự tay nấu những bát phở thơm ngon để thết đãi các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Tâm sự với chúng tôi, anh thực lòng: "Trong sâu thẳm nơi trái tim, tôi rất mong muốn thêm nhiều lần được phục vụ phở Hà Nội cho các chiến sĩ tại Trường Sa".

Tuấn Trình
.
.
.