Chàng trai đạp xe xuyên Việt và dự án "Truyền thông thư tay"

Thứ Hai, 26/10/2015, 11:00
Từng tốt nghiệp Trường Học viện Hàng không, có một công việc kinh doanh ổn định nhưng Dương Xuân Phi đã tạm thời gác lại để bắt đầu cho chuyến đạp xe xuyên Việt của mình. Mục đích của hành trình không giống ai và đầy gian khó của chàng trai 9X là để trải nghiệm những cảm xúc khác nhau và để làm những việc tưởng chừng như không thể. Phi quan niệm: "Đi là để trở về, để sống tốt hơn".
1 triệu đồng cho hành trình đạp xe xuyên Việt

Nhìn Dương Xuân Phi cũng "dị" như những việc mà anh đã và đang làm. Mái tóc dài gần ngang lưng và bộ ria để rất kiểu cách khiến Phi già hơn so với cái tuổi 25 của anh. Khi được hỏi vì sao anh lại có ý tưởng đạp xe xuyên Việt thì Phi cười lớn: "Thực ra ý định đó mình có từ khi còn đang ngồi trên giảng đường đại học nhưng chưa thể thực hiện được. Phải đến năm 2014 mình mới thu xếp được công việc để bắt đầu cho hành trình này".

Tất cả cho một hành trình dài của Phi chỉ có một chiếc xe đạp chở theo 35kg hành lý, 100 bức thư tay và 1 triệu đồng tiền mặt. Theo như Phi chia sẻ thì trước khi đi anh đã kêu gọi được nhiều vật phẩm trị giá 120 triệu đồng từ thiện từ 5 nhà tài trợ. Tuy nhiên, để ép mình rèn luyện bản thân và khả năng thích nghi trong mọi trường hợp, Phi đã chỉ cầm theo đúng 1 triệu đồng.

Ban ngày đạp xe thăm thú những vùng đất mới, ban đêm Phi có thể thức tới 2, 3 giờ sáng để viết bài maketting và cộng tác cho một số trang web. Đến nay, số nghề mà Phi trải qua trong hành trình xuyên Việt của mình đã không còn có thể đếm được nữa. Khi thì làm thợ trồng hoa thuê, làm vòng thủ công để bán. Lúc lại bán hàng online, thiết kế web, có khi còn làm cả nhà diễn thuyết…

"Hồi mình tới Đà Lạt mộng mơ, thấy một địa điểm rất đẹp và có nhiều du khách vãng lai, mình đã nảy ra ý định bán thịt nướng kiếm tiền. Làm công việc đó trong 3 ngày, số tiền kiếm được cũng kha khá. Mình lại lấy tiền đó làm kinh phí cho những ngày đi tiếp theo" - Phi nhớ lại.

Trong hành trình đạp xe xuyên Việt, Phi đã đặt ra cho mình 1.000 việc "impossible" (không thể). Từ việc làm thế nào để có tiền ngủ khách sạn 5 sao, đi máy bay không mất tiền, thậm chí là ngủ ngoài nghĩa địa. Phi giải thích: "Sở dĩ mình đặt ra những việc như vậy vì muốn mình vượt qua và trải nghiệm đến tận cùng nhiều cảm giác khác nhau. Cái khó nhất là phải vượt qua chính mình.

Có lần mình đã ngủ một mình trong một nghĩa trang ở miền Trung. Mình còn nhớ như in cái cảm giác một mình trong đêm, xung quanh toàn mộ và mộ, tiếng ếch nhái kêu râm ran. Không gian âm u, rùng rợn. Phải mất gần 30 phút đầu tiên mình cảm thấy rất sợ. Nhiều lúc đã tính vùng dậy đạp xe ra khỏi đó nhưng lại trấn an "sẽ không sao đâu". Cuối cùng thì mình đã vượt qua được sự sợ hãi ấy và ngủ một mạch cho tới sáng".
Phút nghỉ ngơi thư giãn của Dương Xuân Phi.

Mỗi một trải nghiệm lại cho Phi một cảm giác khác nhau. Có khi anh cảm thấy mình như một tỉ phú khi tự tin bước chân vào khách sạn 5 sao thuê phòng. Có khi anh lại thấy mình như một người nông dân thực thụ khi trồng hoa thuê. Có khi lại thấy mình y như một người lao động nghèo lúc làm nghề bốc vác...

Cả hành trình dài thời tiết mỗi vùng mỗi khác, thậm chí mỗi ngày mỗi khác. Có những ngày nắng như đổ lửa nhưng cũng có những ngày mưa quất rát mặt, Phi vẫn đi như không thể dừng lại. Nhiều lúc thấm mệt nhưng lại nghĩ phía trước là một vùng đất mới với những con người mới mà mình chưa bao giờ đặt chân, chưa một lần gặp mặt lại khiến anh có thêm động lực. Phi khoe: "Mình tự hào là những miền đất mình đi qua đó là một sự trải nghiệm khám phá thực sự chứ không phải đến chỉ để chứng minh cho mọi người thấy tôi đã đến nơi này".

Đến nay, chàng trai tóc dài đã đặt chân được tới hơn 50 tỉnh, thành của dải đất hình chữ S. Phi bảo: "Giờ cũng chỉ còn gần chục tỉnh, thành và 10 bức thư cần gửi nốt là mình hoàn thành chuyến đi xuyên Việt. Thực sự những trải nghiệm mà mình có được từ chuyến đi dài này nó sẽ là hành trang để mình tự tin hơn trong cuộc sống.

Nó sẽ giúp mình định hướng tốt hơn khi lựa chọn cách sống cho cuộc đời mình. Nhiều người vẫn nghĩ mình gàn dở, thừa tiền, thừa thời gian nhưng họ không biết rằng mình đã tiết kiệm được 40 năm cuộc đời. Bởi vì, thông thường khi đến tuổi 60, 70 lúc đó người ta mới tạm coi là đủ tầm nhìn và sự trải nghiệm. Còn mình thì đã có được điều đó khi mới ở tuổi 25. Như vậy là quá lãi mà".

Chàng quân bưu đặc biệt

Trước khi khởi động cho chuyến đi, Dương Xuân Phi đã tổ chức một cuộc phát động mang tên "Thư tay xuyên Việt". Sau khi đưa ra ý tưởng đó và được chia sẻ rộng rãi, anh đã nhận được một lượng thư tay khổng lồ. Tuy nhiên, Phi chỉ chọn 100 bức thư đầu tiên gửi đến cho anh để nhờ anh chuyển đến tay người nhận bằng "đường xe đạp". Ý tưởng của anh xuất phát từ thực tế cuộc sống hiện đại khi mà con người chỉ chú trọng vào công nghệ mà quên đi những giá trị tinh thần đáng trân trọng.

Dừng chân tại Hà Giang.

"Bây giờ người ta có thể liên lạc với nhau rất dễ dàng và nhanh chóng. Mọi thứ đều dựa vào công nghệ. Bạn có thể gửi mail, chat Facebook hoặc điện thoại qua Viber… Nhưng mình chắc chắn một điều rằng, hầu hết trong chúng ta đã rất lâu rồi không có được cảm giác hồi hộp và hạnh phúc khi đón nhận một lá thư tay với nét chữ thân thuộc từ những người thân yêu. Sở dĩ mình có ý tưởng như vậy là muốn chúng ta hãy sống chậm lại" - Phi chia sẻ.

Phi bày tỏ: "Bình thường người ta chỉ cần gõ trên bàn phím là đã mang được thông điệp của mình gửi tới người kia. Nhưng hãy cứ tưởng tượng nếu một ngày nào đó chúng ta bất ngờ nhận được một bức thư tay của người thân mà bức thư ấy có khi được ấp ủ cả tháng, cả vài tháng mới đến được tay người nhận. Thậm chí, khi nhận được bức thư ấy đã bị úa vàng hoặc nhòe đi vì nắng, vì mưa trong quá trình vận chuyển. Khi ấy chúng ta chắc sẽ cảm thấy rưng rưng".

Trong số 100 lá thư ấy có một lá thư rất đặc biệt bởi người được nhận là một người đã chết. Phi kể: "Chủ nhân của bức thư ấy là một người cháu muốn gửi thư cho người chú đã mất. Họ yêu cầu mình tới một bãi biển thật đẹp ở Nha Trang, sau đó mở lá thư ra đọc thật to. Tiếp theo sẽ đặt bức thư trong một cái lọ có sỏi và có hoa rồi ném ra biển. Điều quan trọng là mình phải làm sao đến được bãi biển đúng vào ngày giỗ của chú người gửi thư". Hôm đó, Dương Xuân Phi đã đến bãi biển Nha Trang vào khoảng 5 giờ chiều, đúng vào lúc trời nổi giông bão. Dù vậy anh vẫn cố gắng hoàn thành tâm nguyện của người gửi thư và cảm thấy lòng thật thanh thản.

Có bức thư chủ nhân là một cô gái. Cô gái này đã gửi thư đến cho Phi với lời nhắn nhủ: "Thư này em gửi cho một người đàn ông chưa từng biết mặt. Em mong rằng trong cuộc hành trình dài của mình, anh sẽ tìm giúp em một người đàn ông xứng đáng với những tình cảm em đã gửi gắm vào đây". Quả thật, trong hành trình xuyên Việt lúc nào Phi cũng canh cánh bên lòng ước nguyện của cô gái. Đi qua bao vùng đất, gặp gỡ bao con người nhưng phải đến khi Phi quay trở về Hà Nội anh mới tìm thấy một người đàn ông mà trong khi tiếp xúc anh tin rằng có thể đem lại hạnh phúc cho chủ nhân bức thư. Bức thư được trao cho người đàn ông xa lạ và họ đã quen nhau.

Những con người đã gặp trong chuyến đi dài.

Trong chuyến đi xuyên Việt của mình, Dương Xuân Phi không chỉ thực hiện ý tưởng "Thư tay xuyên Việt", mà anh còn song hành triển khai 2 dự án xã hội khác là: "I have dream" (Tôi có một giấc mơ) và "Phim ngắn Việt Nam". "I have dream" là một dự án diễn thuyết, nói chuyện để truyền cảm hứng, truyền nghị lực và ước mơ sống. Những nơi Phi đã đi qua sẽ được anh ghi lại trong dự án "Phim ngắn Việt Nam" để giới thiệu cho các bạn trẻ trong nước và nhiều người nước ngoài biết Việt Nam đẹp nhường nào.

Hiện, Dương Xuân Phi đang tiến hành một dự án dài hơi về du lịch. Theo dự án đó, Phi sẽ cùng bạn bè của mình lập một hệ thống khoảng 600 địa điểm trên toàn Việt Nam. Điều đó sẽ giúp cho những người ưa du lịch khám phá rất nhiều. "Chẳng hạn như bạn muốn đi du lịch ở một nơi nào đó, bạn chỉ cần vào trang của mình là sẽ biết được đầy đủ những thôi tin về nơi bạn muốn đến. Việc của bạn chỉ là đến thẳng nơi đó và sẽ được phục vụ từ A đến Z" - Phi chia sẻ về dự án.

Khi bắt đầu cuộc hành trình, Phi đã phải nhận nhiều cái nhìn mỉa mai, nhiều giọng nói dè bỉu: Cái thằng tóc dài không biết làm việc gì nên "dở chứng". Nhưng Phi chưa bao giờ vì thế mà nản lòng. Anh tâm sự: "Ai cũng có một ước mơ, tại sao lại không biến ước mơ ấy thành hiện thực?".

Phong Anh
.
.
.