Chàng trai trẻ và giấc mơ chinh phục nghệ thuật vẽ truyền thần

Thứ Hai, 11/09/2017, 10:36
4 năm gắn bó với nghệ thuật vẽ truyền thần, sở hữu gần 50 tác phẩm ấn tượng và trở thành người Việt Nam đầu tiên được xuất hiện trên 2 tạp chí mỹ thuật lớn của nước Mỹ, Phan Đăng Hoàng là cái tên khá nổi bật trong lĩnh vực hội họa ở Việt Nam.

17 tuổi, đang là học sinh lớp 11D1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An nhưng Phan Đăng Hoàng có cách suy nghĩ khá chín chắn và trưởng thành. Có lẽ việc sống tự lập từ bé, sớm bươn trải bằng nghề vẽ chân dung mà Hoàng già dặn hơn tuổi và bề ngoài thư sinh, nhỏ bé.

Trong khi các bạn cùng trang lứa còn đang đi học, đang sống phụ thuộc vào bố mẹ thì Hoàng đã tự kiếm tiền bằng chính nghề vẽ chân dung. Số tiền ấy Hoàng lại dùng để mua màu vẽ, bút vẽ và những phương tiện phục vụ đam mê của mình mà không cần phải xin bố mẹ.

Hoàng tâm sự, em đến với nghề vẽ truyền thần như một cơ duyên. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm họa sĩ nên ngay từ khi mới 3 tuổi, Hoàng đã bắt đầu những nét vẽ đầu tiên. Dù ông bà ngoại đều là họa sĩ nổi tiếng nhưng Hoàng lại không hề học hỏi hay nhờ ông bà hướng dẫn dạy vẽ.

Phan Đăng Hoàng, chàng trai trẻ tài năng xứ Nghệ.

Tất cả đều do Hoàng tự mày mò, sáng tạo theo ý tưởng riêng. Mỗi lần vẽ xong, Hoàng mới nhờ bà ngoại thẩm định, góp ý để tự rút kinh nghiệm cho bản thân. Cứ thế, Hoàng tự tìm hướng đi cho riêng nghệ thuật vẽ truyền thần của mình.

Phan Đăng Hoàng tâm sự, em đến với nghệ thuật vẽ truyền thần như một cơ duyên. Biết vẽ khi mới lên 3, Hoàng vẽ đủ các loại tranh từ chân dung đến phong cảnh, động vật…

Thế nhưng cách đây 4 năm, tình cờ nhìn thấy bức ảnh của ca sĩ Bảo Thy, Hoàng mày mò tự vẽ lại chân dung của nữ ca sĩ với một phong cách hoàn toàn mới. Sau khi hoàn thành tác phẩm, Hoàng up lên mạng. Không ngờ bức vẽ nhận được lời khen không ngớt của cộng đồng.

Bức chân dung của ca sĩ Bảo Thy có hình khối đường nét, chiều sâu và đặc biệt rất có hồn, hoàn toàn khác với cách vẽ chân dung truyền thống nên được cộng đồng mạng chia sẻ và ủng hộ rất nhiều. Từ đó, Hoàng bắt đầu nhận ra con đường đi riêng của mình, đó là theo đuổi nghệ thuật vẽ truyền thần.

Hoàng tâm sự, em muốn tìm một hướng đi hoàn toàn khác, một sự sáng tạo mới cho nghệ thuật vẽ truyền thần. Nếu như vẽ chân dung chỉ đơn giản là sao chép lại, phác họa lại nguyên bản khuôn mặt của người được vẽ thì Hoàng muốn nghệ thuật vẽ truyền thần của mình phải có một sự bứt phá thay đổi so với truyền thống.

Hoàng muốn thổi hồn vào tác phẩm của mình để tác phẩm có chiều sâu, có hồn. Tác phẩm của Hoàng có sự phá cách trong sử dụng màu sắc, hình khối, đường nét. Hai gam màu nóng, lạnh luôn được Hoàng phối hợp nhịp nhàng, hợp lý.

Đặc biệt những tác phẩm của Hoàng luôn có một câu chuyện, một chủ đề Hoàng muốn gửi gắm đến các bạn trẻ chứ không chỉ đơn thuần là phác họa lại chân dung. Thế nên trong khi những bạn trẻ có thể 1 ngày sáng tạo được nhiều bức chân dung thì Hoàng phải mất 1 đến 2 tháng mới tìm được ý tưởng, đường nét, hình khối và hoàn thành xong tác phẩm của mình.

Bức chân dung ca sĩ Mỹ Tâm.

Mỗi tác phẩm thực sự là quá trình lao động nghệ thuật miệt mài của Hoàng. Ban ngày vẫn đi học, vẫn hoàn thành tốt mọi chương trình học trên lớp, tối về xong xuôi bài vở, Hoàng mới bắt tay vào công việc lao động nghệ thuật.

Mỗi ngày chỉ vẽ được một chút vì thực sự việc sắp xếp ý tưởng, phác thảo hình khối đường nét thật sự mất rất nhiều thời gian. Làm sao để làm nổi bật nét đặc trưng của nhân vật, làm sao để gửi gắm một câu chuyện một chủ đề mới vào bức chân dung mới là điều khó.

Như tác phẩm về ca sĩ Noo Phước Thịnh, Hoàng phải chọn nét đặc trưng nhất về nam ca sĩ. Không những thế, để vẽ được chiếc áo vest cách điệu có hình rồng mà Hoàng khoác lên cho Noo, Hoàng đã phải tìm hiểu nghiên cứu văn hóa lịch sử rất lâu.

Hoàng muốn gửi gắm trong đó một câu chuyện văn hoá, muốn truyền thông điệp các bạn trẻ hãy biết yêu lịch sử, hiểu được nền văn hoá lâu đời của đất nước để thêm yêu quê hương, Tổ quốc sống có ích hơn cho xã hội.

Hay như bức chân dung về ca sĩ Sơn Tùng Mtp, Hoàng vẽ con rắn quấn quanh cổ, xung quanh là hổ, phượng hoàng, bên cạnh có dòng chữ “vịt lộn, vịt dứa, cút lộn, vịt lộn”, Hoàng muốn nhấn mạnh con người và thiên nhiên luôn gần gũi gắn bó với nhau.

Con người luôn phải biết bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Thiên nhiên làm nổi bật con người. Con người là tâm điểm của vũ trụ. Tranh chân dung rất hãn hữu đưa chữ vào, nhưng Hoàng lại đột phá, mang tính sáng tạo cá nhân khi đưa dòng chữ “vịt lộn, vịt dứa, cút lộn, vịt lộn” vào bởi đó là những thứ gần gũi nhất với con người, ai cũng biết ai cũng đã từng ăn để muốn nói rằng những thứ gần gũi xung quanh mình luôn là những thứ đẹp nhất giản dị nhất, góp phần làm đẹp cho con người.

Phan Đăng Hoàng tham dự chương trình “Nữ hoàng quyền năng phái đẹp”.

Bức chân dung về ca sĩ Sơn Tùng mặc dù có hai gam màu nóng lạnh đối lập nhau nhưng lại rất hài hoà, thống nhất. Thần thái của nam ca sĩ được thể hiện rõ nét, có chiều sâu.

Bức chân dung về ca sĩ Mỹ Tâm có lẽ là thử thách lớn nhất của Hoàng. Để hoàn thành bức vẽ, Hoàng phải mất hơn 2 tháng. Vẽ đi vẽ lại không biết bao lần, vẽ xong rồi xé, có lúc Hoàng phải bật khóc vì thực sự không tìm được ý tưởng để làm tái hiện thần thái của nữ ca sĩ.

Bức vẽ lại đòi hỏi rất nhiều hình khối để thể hiện nét riêng của nữ ca sĩ trong khi Hoàng lại chưa hề qua một trường lớp đào tạo nào. Hoàng bảo muốn học vẽ truyền thần thì họa sĩ phải qua một khoá học về giải phẫu cơ thể người để xác định được kích thước, tỉ lệ, hình khối khuôn mặt.

Chỉ là một nghệ sĩ nghiệp dư, tự học, tự mày mò, sáng tạo nên hai tháng đó thực sự là một quá trình lao tâm khổ tứ tìm hướng đi cho tác phẩm. Đến khi hoàn thành xong, Hoàng vẫn không bằng lòng với tác phẩm của mình khi chưa thực sự làm toát lên được hết cái hồn, cái thần thái của ca sĩ. Thế nhưng không ngờ khi up lên mạng, tác phẩm lại nhận được rất nhiều lời khen ngợi của cộng đồng và được đánh giá cao về chuyên môn.

17 tuổi, Hoàng đã có trong tay 50 tác phẩm truyền thần, đều là chân dung về những ca sĩ nổi tiếng. Hai lần lên tạp chí mỹ thuật lớn nhất nước Mỹ, nhiều năm liền là học sinh giỏi của trường, cùng nhiều bằng khen, giấy khen các cấp các ngành, Hoàng tự hào khẳng định những thành công đó là do chính những cố gắng nỗ lực không ngừng của chính mình.

Ở lứa tuổi của Hoàng không phải bạn trẻ nào cũng làm được điều đấy. Kể từ thành công của bức chân dung đầu tiên, tiếng tăm của Hoàng ngày càng vang xa. 15 tuổi, chàng trai trẻ đã có chuyến xa nhà đầu tiên và là chuyến đi công tác dài nhất để hợp  tác vẽ cho Lynk show của diễn viên Lý Nhã Kỳ.

Cũng từ đó, những chuyến đi công tác dày hơn, nhiều hơn, nhưng Hoàng vẫn cố gắng cân đối thời gian cho cả việc học và việc vẽ. Hoàng nhận được nhiều lời mời vẽ chân dung cho các ca sĩ, doanh nhân và tham dự triển lãm tại một gallery của một tiểu bang nước Mỹ.

Đặc biệt năm 2016, Hoàng vinh dự trở thành người Việt Nam đầu tiên được xuất hiện trên 2 tạp chí mỹ thuật lớn của Mỹ, gây được tiếng vang trong giới hội họa Việt Nam.

Và để có được thành công ấy, Hoàng đã chấp nhận đánh đổi chính sức khỏe của mình. Có đêm Hoàng phải thức đến 2-3 giờ sáng, sáng lại dạy sớm đi học nên việc Hoàng đi viện cũng như cơm bữa.

Bức chân dung ca sĩ Sơn Tùng MTP và ca sĩ Noo Phước Thịnh.

Căn bệnh dạ dày càng hoành hành khiến cơ thể em suy nhược, gầy rộc đi. Có khi đang vẽ Hoàng đau đớn đến ngất đi, gia đình phải đưa đi cấp cứu. Chưa khỏe hẳn, Hoàng lại ngồi vào vẽ, lại tiếp tục lịch trình học và lao động nghệ thuật dày đặc mặc cho bố mẹ gia đình khuyên can.

Hoàng bảo, đúng là muốn thành công phải biết đánh đổi, và cho đến giờ, Hoàng vẫn không hề hối hận về sự lựa chọn của mình. Trong tương lai, Hoàng dự định sẽ Nam tiến lập nghiệp và sẽ hướng đến lĩnh vực thời trang.

Nhưng trước mắt sẽ là tổ chức một chuỗi mini show triển lãm đặc sắc, mang những tác phẩm của mình, mang sáng tạo mới trong nghệ thuật vẽ truyền thần đến gần hơn với khán giả trong nước, quốc tế. Hoàng cũng đã bắt đầu lên kế hoạch cho triển lãm của riêng mình.

Tất nhiên Hoàng sẽ đầu tư cho việc học vẽ một cách khoa học, bài bản, nhưng Hoàng bảo em không muốn bó buộc vào một khuôn khổ. Hạn chế của những người được đào tạo bài bản sẽ không thể hiện hết được khả năng sáng tạo, thường nét vẽ sẽ cứng nhắc, bị áp đặt theo sách vở. Hoàng muốn tự sáng tạo, muốn tạo nên một nghệ thuật vẽ truyền thần đỉnh cao mà ở đó, tâm hồn, nét vẽ của người nghệ sĩ được giải phóng.

4 năm gắn bó với nghệ thuật vẽ truyền thần, sở hữu gần 50 tác phẩm ấn tượng và trở thành người Việt Nam đầu tiên được xuất hiện trên 2 tạp chí mỹ thuật lớn của nước Mỹ, Phan Đăng Hoàng là cái tên khá nổi bật trong lĩnh vực hội họa ở Việt Nam.
Ngọc Trâm – Việt An
.
.
.