Châu Minh Chinh: “Không gì là không thể”

Chủ Nhật, 12/11/2017, 11:34
Ra trường đi làm chỉ được 3 tháng, chàng thanh niên Châu Minh Chinh lại “bạo gan” đi phỏng vấn xin làm giám đốc, và trúng tuyển. Sau đó 3 năm, đang làm trong lĩnh vực kỹ thuật, anh lại đi phỏng vấn làm giám đốc kinh doanh, và lại trúng tuyển. Không loại trừ yếu tố “số đỏ”, nhưng anh Chinh cho rằng điều quan trọng hơn là mình phải có quyết tâm, có lòng tin, khi đó “không gì là không thể”.


Học trái ngành

Từ nhỏ, ước mơ của cậu bé Châu Minh Chinh là lớn lên được làm một bác sĩ để cứu người, giúp đời. Cậu đã mang theo ước mơ này khi đăng ký thi đại học. Tuy nhiên, trong kỳ thi năm đó cậu không đậu Đại học Y, mà đỗ vào Đại học Nông Lâm, TP Hồ Chí Minh.

Không thể ở nhà chờ kỳ thi năm sau, cậu đã khăn gói từ quê nhà Bình Thuận vào Thủ Đức để theo học đại học. Ban đầu, Chinh đăng ký học chuyên ngành thủy sản, nhưng đến khi chuyển giai đoạn, có lẽ nhìn thấy tiềm năng của ngành chăn nuôi - thú y cao hơn nên anh đã chuyển sang học chuyên ngành này.

Dù không phải là ngành mình thích, nhưng Chinh vẫn phấn đấu học hành nghiêm túc. Ra trường năm 1999, anh may mắn xin được một vị trí kỹ thuật viên trong một xí nghiệp chăn nuôi heo thuộc Vissan, với mức lương chỉ 600 ngàn đồng mỗi tháng.

Trải qua 3 tháng làm việc tại đó, Chinh nhận thấy mình không phù hợp với công việc này. “Suốt ngày quanh quẩn với mấy con heo, cuộc sống vô cùng gò bó, tôi cảm thấy rất bức bách”, anh Chinh chia sẻ.

Vì vậy, khi nghe tin tập đoàn chăn nuôi CP của Thái Lan tuyển dụng vị trí Giám đốc Kỹ thuật, anh đã nộp đơn ứng tuyển. “Thú thực lúc đó tôi chỉ nộp… đại, với suy nghĩ trải nghiệm là chính, vì tuổi đời, kinh nghiệm mình chưa có, trong khi vị trí lại khá cao, trong một công ty lớn nhất nhì thế giới về lĩnh vực chăn nuôi…”, anh Chinh nhớ lại.

Có lòng tin, khi đó “không gì là không thể”

Tuy nhiên, ngoài dự tính của anh cũng như suy đoán của nhiều người, anh đã được nhà tuyển dụng “chọn mặt gửi vàng” dù lúc đó đi ứng tuyển có rất nhiều người vừa già dặn vừa giàu kinh nghiệm hơn anh.

Làm trái nghề

Trở thành Giám đốc Kỹ thuật của CP là một bước ngoặt thay đổi cuộc đời cậu sinh viên mới ra trường Châu Minh Chinh. Từ một công việc top dưới với mức lương chỉ 600 ngàn đồng mỗi tháng, anh đã có được công việc top trên với mức lương được trả bằng USD.

Những tưởng anh sẽ hài lòng với bến đỗ này, nhưng anh chia sẻ: “Sáng ra mở cửa cho mấy con gà, hàng ngày lượm trứng, kiểm tra trứng, kiểm tra lò ấp… dù rất đúng chuyên ngành đã học, nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu thứ gì đó. Tôi muốn đi ra ngoài, giao tiếp với  nhiều người hơn”.

Vì vậy trong một dịp nghỉ phép, nghe tin Công ty Uni President của Đài Loan đang tuyển dụng vị trí Giám đốc Kinh doanh, anh Chinh đã nộp đơn ứng tuyển. “Lúc đó tôi chưa hề có kinh nghiệm hay kiến thức gì về lĩnh vực kinh doanh, nhưng tôi vẫn quyết định nộp đơn vì biết rằng mình không phù hợp với lĩnh vực kỹ thuật”, anh Chinh chia sẻ.

Và cũng như lần trước, anh lại thành công ngoài dự đoán khi trở thành ứng viên được chọn. “Có thể các nhà tuyển dụng đã nhìn thấy ở tôi một yếu tố nào đó mà chính tôi cũng không nhìn ra, nên họ đã chọn một ứng viên vừa ít tuổi đời vừa non kinh nghiệm như tôi”, anh Chinh nhớ lại.

Kể từ đó, con đường nghề nghiệp của anh Chinh đã rẽ 180 độ từ kỹ thuật sang kinh doanh, một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với  anh. Những ngày đầu làm Giám đốc Kinh doanh cho Uni President, anh đã gặp rất nhiều khó khăn do nhỏ tuổi hơn hầu hết các nhân viên dưới quyền, trong khi kinh nghiệm cũng không bằng họ.

Thế nhưng, anh Chinh không những trụ vững ở lĩnh vực “tay trái” mà còn không ngừng chinh phục những đỉnh cao mới. Hiện anh đã có công ty của riêng mình, RDCO, chuyên kinh doanh các sản phẩm cho ngành chăn nuôi - thú y.

Quyết tâm và cầu tiến

Chia sẻ về những “bí quyết” giúp mang lại thành công, anh Chinh cho rằng có 2 yếu tố tiên quyết, đó là lòng quyết tâm và ý chí cầu tiến.

Chẳng hạn, trong lần phỏng vấn làm Giám đốc Kinh doanh của Uni President, vì quyết tâm nên anh đã không ngại mượn sách của bạn bè về để đọc, nghiên cứu thêm về lĩnh vực kinh doanh trước khi đi phỏng vấn vòng cuối cùng. Có lẽ cũng nhờ đó, nhà tuyển dụng đã thấy ở anh lòng quyết tâm và khả năng tiếp thu nhanh nhạy một lĩnh vực mới, nên đã chọn anh mà không chọn những ứng viên khác, mà theo anh là “nặng ký” hơn.

“Trên hết mình phải có sự tự tin và quyết tâm. Khi đã có quyết tâm thì không gì là không thể”, anh Chinh khẳng định.

Dĩ nhiên, quyết tâm phải thể hiện bằng hành động. Và hành động đó chính là kiên trì theo đuổi, không ngại nâng cấp bản thân. Anh Chinh cho biết thời gian đầu chuyển sang lĩnh vực kinh doanh anh đã phải học hỏi rất nhiều, phải tự truy vấn xem mình yếu và thiếu những thứ gì, sau đó tìm cách bổ sung những cái thiếu, nâng cấp những cái yếu. Bản thân anh Chinh về sau đã tự nâng cấp mình bằng những khóa học về kinh doanh, và cho đến nay anh đã lấy bằng MBA về kinh doanh.

Tuy nhiên, anh Chinh cho rằng có một yếu tố rất quan trọng, là phải chọn được nghề nghiệp mình cảm thấy phù hợp và yêu thích. Bản thân anh xuất thân là dân kỹ thuật, được đào tạo về kỹ thuật, nhưng khi đi làm những công việc kỹ thuật anh lại cảm thấy không phù hợp. Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh dù là ngành không được đào tạo, nhưng anh lại cảm thấy phù hợp và yêu thích, do đó đã có quyết tâm theo đuổi và tự hoàn thiện.

Liên quan đến vấn đề này, anh Chinh chia sẻ những bạn trẻ khi chọn ngành học cần chọn đúng ngành phù hợp khả năng của mình, và các bậc phụ huynh không nên ép con cái theo học những ngành mà các em không thích.

Chú trọng kỹ năng mềm

Hiện nay, trong bối cảnh Chính phủ đang khuyến khích khởi nghiệp, xây dựng “Quốc gia khởi nghiệp”, anh Chinh chia sẻ để khởi nghiệp thành công, ngoài những kỹ năng cứng là các kiến thức được học ở nhà trường, các bạn trẻ cần chú ý trau dồi các kỹ năng mềm về ứng xử, giao tiếp.

Theo anh Chinh, ngay từ năm 3 hoặc năm 4 đại học, các bạn trẻ phải xông xáo ra ngoài làm thêm để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và định hình được khả năng của mình. Thêm vào đó, để khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ cũng cần vạch rõ những mục tiêu, chiến lược, gạch đầu dòng những gì mình còn thiếu và còn yếu để bổ sung và khắc phục.

Nếu chuẩn bị tốt, tỷ lệ khởi nghiệp thất bại sẽ ít hơn. Anh dí dỏm: “Thất bại là mẹ thành công, nhưng thành công mà không có thất bại sẽ tốt hơn”. Nói như vậy không có nghĩa anh Chinh chưa bao giờ thất bại. Anh cho biết mình cũng thất bại một đôi lần.

Một vấn đề khác cũng được anh Chinh rất xem trọng, đó là trách nhiệm xã hội của doanh nhân và doanh nghiệp. Theo anh, trước hết doanh nghiệp phải cung cấp hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng, đúng theo cam kết với khách hàng. Kế đó, phải đảm bảo tất cả trách nhiệm về pháp lý, thuế… Cao hơn nữa, cần chung tay xoa dịu những nỗi đau của cộng đồng. Công ty của anh thường tiến hành những hoạt động nhân đạo một cách thầm lặng.

“Bản thân tôi cũng luôn tìm đến với những người kém may mắn hơn mình để sẻ chia, giúp đỡ cho họ. Vì tôi sinh ra trong khó khăn nghèo khổ, nên luôn muốn giúp đỡ những người như vậy”, anh Chinh tâm sự. Bằng cách này, anh đã có thể giúp đời, giúp người dù không phải là một bác sĩ như ước mơ thuở bé.

Không chỉ giỏi kinh doanh, anh Châu Minh Chinh còn có nhiều “tài lẻ” khác như hát hay đàn giỏi, anh đã từng làm album MV cho riêng mình. “Tìm đến âm nhạc vừa là một cách để tôi thư giãn, vừa là cách để tôi kết nối với bạn bè, đồng nghiệp”, anh Chinh chia sẻ.

Ở anh luôn tỏa ra một năng lượng tích cực khiến những người xung quanh cảm thấy phấn chấn. Tôi tin đúng như anh nói, nếu có quyết tâm, mọi người sẽ có được thành công.

Hà Linh
.
.
.