Chị mỉm cười vượt lên số phận

Thứ Hai, 18/06/2018, 13:00
Trong số rất nhiều những đứa trẻ sinh ra trong thời bình nhưng lại bị chất độc màu da cam có Cao Thị Út. Cuộc sống của chị khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi là thế nhưng trong con người chị luôn có một ý chí phấn đấu kiên cường, không chịu đầu hàng số phận.


Mặc dù chiến tranh đã đi qua gần 40 năm nhưng những đau thương vẫn còn đó, bởi tàn dư mà nó để lại còn đáng sợ hơn những thứ đã cướp đi trong trận chiến. Đây cũng là bi kịch mà không ít người đã phải chịu sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc - nỗi đau đó mang tên "da cam". 

Trong số rất nhiều những đứa trẻ sinh ra trong thời bình nhưng lại bị chất độc màu da cam có Cao Thị Út ở thôn Xuân Thành, xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Mặc dù đã bước sang tuổi 30 nhưng chị Út chỉ cao 90cm, nặng khoảng 18kg và không thể đi lại vì đôi chân ngắn, cong queo lại mềm nhũn. Chị chỉ nằm một chỗ, nếu muốn di chuyển thì phải nhờ mẹ ẵm đi.

Cuộc sống của chị khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi là thế nhưng trong con người chị luôn có một ý chí phấn đấu kiên cường, không chịu đầu hàng số phận.

Bố chị Út - ông Cao Văn Biền (62 tuổi) cho biết thời trai trẻ ông từng có những năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Khi hòa bình, ông xuất ngũ về quê và kết hôn với bà Vũ Thị Thơm, cô gái ở làng bên. Hai cô con gái đầu của ông bà chào đời lành lặn, khỏe mạnh nên ông không nghĩ mình bị nhiễm chất độc da cam.

Năm 1983, vợ chồng ông sinh con trai thứ 3, đứa trẻ yếu ớt, được khoảng 4 tháng thì mất. 5 năm sau, ông bà sinh thêm một cô con gái lành lặn đặt tên là Cao Thị Út. Niềm vui khôn xiết vì gia đình có thêm thành viên mới không được bao lâu thì ông bà nhận ra cô con gái út dù lành lặn nhưng không phát triển, cơ thể dần teo tóp, tay chân ngắn, thể trạng yếu ớt, gia đình đưa con đi khám, bác sĩ cho biết Út bị nhiễm chất độc màu da cam. Nghe bác sĩ nói, ông bà như chết lặng.

“Có tháng chỉ được 2 - 3 triệu, nhưng cũng có tháng tôi kiếm được hơn chục triệu đồng”. 

Bà Thơm, mẹ chị Út tâm sự: “Nghe bác sĩ nói cháu bị tàn tật suốt đời, vợ chồng tôi đau khổ lắm nhưng đành cố kìm nén. Con sinh ra đã không may mắn thì mình phải chăm sóc để bù đắp cho nó". Thế là ông bà bàn nhau, ông sẽ là lao động chính trong nhà, lúc đi làm thợ xây, lúc đi làm thuê để kiếm tiền nuôi vợ con. Còn bà Thơm cũng gác hẳn công việc chính để ở nhà chăm con, vừa làm nghề đan lát để kiếm thêm thu nhập.

Từ đó đến nay chị Út chỉ nằm một chỗ nhưng lại có thể làm mọi việc từ vệ sinh cá nhân như đánh răng rửa mặt, chải tóc... đến đọc sách báo “vanh vách”, hơn nữa còn tạo ra những bức tranh giấy vô cùng đẹp mắt và lướt web điệu nghệ.

Chị Út chia sẻ hồi nhỏ thấy chúng bạn đi học “thèm” lắm, ao ước được cắp sách đến trường nhưng biết làm sao…  Thương em, 2 bà chị đã thay nhau dạy chữ cho Út, cộng với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, Út đã đọc được sách báo, những dòng chữ trên tivi...

“Lúc này em lại có ước mơ lớn hơn là được đi đây đó thoát khỏi cái giường chật chội và lao động kiếm tiền trang trải cho cuộc sống”, chị Út kể. Chị cho biết mẹ thương chị không muốn chị xa nhà chịu cực khổ, nhưng vẫn đồng ý cho chị đi học làm tranh giấy của một cơ sở dành cho người khuyết tật ở Hà Nội.

Nhờ Út thông minh và khéo tay nên học làm tranh nhanh hơn những người khác, chỉ 2 tháng sau chị đã tự tay làm ra bức tranh đầu tiên và bán được 1 triệu đồng. Chị nói: “Số tiền ấy với người bình thường không lớn, nhưng với tôi nó ý nghĩa vô cùng. Là khoản tiền đầu tiên tôi kiếm được bằng công sức của mình”.

Chủ đề các bức tranh Út làm là phong cảnh, hoa sen, con công, con phượng, tranh gia đình.

Tranh của chị Út rất đa dạng như tranh hoa sen, con công, phượng, tranh gia đình, phong cảnh… Mỗi tháng chị kiếm được từ 3 - 4 triệu đồng. Những tưởng cuộc sống đã mỉm cười với chị, cho chị nguồn vui trong công việc để thêm nghị lực sống, nhưng lại một lần nữa chị “thất nghiệp”. 

Chị cho biết, công việc làm tranh buộc phải dừng lại, vì đại lý mua tranh chuyển địa điểm về Hưng Yên. Thế là chị lại “vắt óc” nghĩ thêm một hướng kinh doanh khác. Sẵn có chiếc laptop chị gái tặng, chị Út quyết định chuyển sang nghề khác là kinh doanh qua mạng.

Sau khi mày mò làm quen với loại hình kinh doanh online đang thịnh hành, chị Út chọn mặt hàng kinh doanh là quần áo. Lúc đầu vì chưa quen sử dụng máy tính thành thạo, lại không thể di chuyển nên chị Út chỉ giới thiệu mẫu quần áo của shop online, nếu có khách đặt, thì sẽ báo cho cửa hàng và hưởng hoa hồng. Chị Út nói dù thu nhập của việc bán hàng online không cao nhưng có việc làm giúp chị thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.

Khi đã sử dụng máy vi tính thành thạo, chị Út mua các trang web quảng cáo sản phẩm cho khách hàng và thu phí. Ngoài ra, chị còn tranh thủ trả lời các khảo sát trực tuyến để nhận thưởng. “Có tháng chỉ được 2 - 3 triệu, nhưng cũng có tháng tôi kiếm được hơn chục triệu đồng”, chị Út chia sẻ và cho biết chị đưa mẹ một phần trang trải cuộc sống, còn lại dành dụm để sau này mở cửa hàng buôn bán đồ gia dụng, tạp hóa.

Chị nói: “Gần 30 năm qua mẹ không thể làm công việc gì vì phải ở bên chăm sóc cho con gái. Còn bố bị bệnh lại mất sức lao động, cả gia đình sống dựa vào trợ cấp nạn nhân chất độc da cam của nhà nước và tiền tôi kiếm được. Nếu có một cửa hàng tạp hóa thì cuộc sống gia đình đỡ khó khăn hơn”.

“Với nghị lực và khao khát vươn lên trong cuộc sống, em Út đã truyền cảm hứng cho nhiều mảnh đời bất hạnh khác ở địa phương”, ông Trần Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch xã Tân Thành khẳng định.

Hà Phương
.
.
.