Chuyện về “chú lính chì” dũng cảm đáng khâm phục nhất Việt Nam

Thứ Hai, 09/02/2015, 15:00
Hơn 3 năm về trước, ngày 27/04/2011 tại xã Tế Tân, Nông Cống, Thanh Hóa đã xảy ra vụ án: bé 3 tuổi bị tẩm xăng thiêu sống. Vụ án gây chấn động dư luận suốt thời gian dài nhưng điều không thể ngờ, kẻ thủ ác gây ra chuyện đó lại chính là Vũ Văn Quang, cha ruột của cháu bé.

May mắn được cứu sống nhưng hậu quả nặng nề mà cháu bé Vũ Văn Linh và mẹ, chị Lê Thị Hà, phải gánh chịu suốt nhiều năm không từ nào có thể diễn tả. Thế nhưng sau tất cả mọi chuyện, người vợ và đứa con trong câu chuyện bất hạnh ấy vẫn chấp nhận tha thứ cho chồng mình.

Bị vợ dọa bỏ, tưới xăng thiêu sống con trai

Ngôi nhà nhỏ nằm khiêm nhường cuối xã Tế Tân (Nông Cống – Thanh Hóa) những ngày áp Tết của mẹ con chị Lê Thị Hà cũng rộn rã không khí chuẩn bị chào năm mới giống như nhiều nếp nhà khác ở vùng quê yên bình này. Cháu Vũ Quốc Linh, con trai chị chạy lăng xăng trong sân chơi đùa cùng tụi trẻ cùng xóm, tiếng cười, tiếng nói vang lừng cả khoảnh sân nhỏ. Tiếng cười đùa hồn nhiên, trong trẻo như chưa từng phải kinh qua đau đớn, khổ sở bởi đòn trả thù hờn ghen, căm tức của người lớn.

Chứng kiến cảnh tượng đó, người viết bỗng thấy xúc động kỳ lạ, và cháy lên một niềm tin lành lặn, về sức mạnh của lòng quả cảm, về những con người chưa bao giờ ngừng hi vọng, từng chút, từng chút một đi qua khổ ải để tiệm cận gần hơn với quả ngọt lành. Câu chuyện đau lòng về cháu Vũ Quốc Linh, nạn nhân của cha ruột, bị cha biến thành ngọn đuốc sống khiến cho toàn thể gương mặt bị hủy hoại…từng khiến tôi đau lòng và phẫn nộ về giá trị của tình thân, tình phụ tử, thì nay cũng chính cháu Linh đã giúp tôi lấy lại niềm tin và ngân lên khúc hoan ca về chú lính chì dũng cảm, giàu lòng nhân ái, vị tha. 

Hơn 7 năm trước, chị Lê Thị Hà, một người phụ nữ thuần nông nghèo khó, quen với cuộc sống bộn bề bùn đất của vùng quê nương tựa vào lúa khoai, bước vào tuổi cập kê đã quyết định tiến tới hôn nhân với Vũ Văn Quang (trú xã Tế Thắng, Nông Cống, Thanh Hóa). Trái tim thuần khiết của chị giản đơn nghĩ chỉ cần một người đàn ông tử tế, chí thú làm ăn để cùng bầu bạn sớm khuya, nên mặc dù khi đến với Quang, chị Hà nhận phải không ít phản đối, can ngăn. Người làng Tế Tân đồn Quang đã từng lập gia đình và bị vợ bỏ bởi cái tính vũ phu, nóng nảy. Nhưng, hỡi ôi, vào thời điểm ấy, tất cả những cảnh báo, can ngăn chỉ càng thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu trong chị.

Chị từng bảo, không phải chị không biết quá khứ của Quang, nhưng thấy anh ta đáng thương, lầm lụi như một dấu chấm hỏi ngơ ngác giữa dòng đời và điều tiếng xóm giềng, nên Hà động lòng trắc ẩn mà xót thương. Lại thêm cái tài ăn nói, giỏi phỉnh phờ của kẻ mồm năm miệng mười, Hà nhất quyết dọn về chung sống với người đàn ông từng lỡ một lần đò này.

Nhớ về những ngày tháng mới lấy nhau, vợ chồng cùng làm lụng, chăm chỉ làm ăn, Hà tin tưởng vào sự lựa chọn định mệnh của mình và có một chút ngạo nghễ khi phần đông những người ngăn cản đám cưới đều sai lầm. Những ngày hạnh phúc ngắn ngủi qua đi, khi gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng, cũng là lúc những xung đột, mâu thuẫn như sóng ngầm dội xuống mái nhà của chị.

Tháng ba, ngày tám độ nông nhàn, Quang mượn rượu chè làm bạn, sau ngấm dần trở thành thói quen khó bỏ. Hễ có tí rượu vào người, về nhà, bao nhiêu buồn bực, bức xúc Quang trút cả lên người vợ. Hóa ra, lời đồn về một gã đàn ông vũ phu là có thật! Đến lúc này, Hà mới bừng ngộ và thấm thía, nhưng tất thảy đã muộn. Nhiều lần, Hà phải bỏ về nhà mẹ đẻ lánh nạn, nhưng vẫn không được Quang buông tha. Lần nào hắn cũng sang nhà ngoại, tìm cách dụ dỗ, níu kéo Hà. Hắn thề thốt, hứa hẹn sẽ thay đổi, sẽ từ bỏ rượu chè và thói ưa bạo lực.

Và quan trọng hơn, Quang bảo hắn từng một lần đứt gánh hôn nhân, hắn không muốn đi vào vết xe đổ ấy một lần nữa. Trái tim phụ nữ mỏng manh, yếu đuối của Hà lại xao động, xót thương nên đồng ý quay lại với Quang. Song, chỉ được vài hôm, Quang lại “ngựa quen đường cũ”, trở về đúng với bản tính vũ phu của hắn.

Năm 2008, cháu Vũ Quốc Linh chào đời – kết quả sau một năm kết hôn với Quang của chị Hà. Hà hi vọng, đứa trẻ sẽ là cầu nối gắn kết hai vợ chồng, giúp Quang chỉn chu làm ăn và đằm tính hơn trong hành động, suy nghĩ. Thế nhưng, nghịch lý thay, thay bằng được yêu thương, cưng nựng giống như những đứa trẻ khác, ngay từ lúc chào đời, Linh đã sống trong những lời đe dọa, đay nghiến của cha ruột mỗi lần say xỉn, giận dữ. Thậm chí, nhiều lần Quang còn mang cả tính mạng của con ra để dọa vợ.

Theo lời mẹ đẻ chị Hà kể lại, năm 2010, có lần giận vợ Quang đã bỏ thuốc chuột vào ly nước rồi cắm ống hút cho bé Linh uống. May mắn bà nội cháu phát hiện nên can thiệp kịp thời. Không dừng lại ở đó, nhiều lần hắn còn đóng kín cửa mở van bình gas nhằm giết hại vợ con, chị Hà phải van xin khóc lóc, kêu cứu thảm thiết hai mẹ con mới thoát thân. Chị Hà ngơ ngác không hiểu nguyên nhân từ đâu Quang căm ghét mẹ con chị đến thế? Người ta vẫn bảo “hổ dữ chẳng ăn thịt con”, vậy mà không dưới 3 lần, Quang nung nấu ý định sát hại mẹ con chị.

Một lần khác, do bị đánh đập dã man nên chị Hà bỏ về nhà mẹ đẻ. Nửa đêm mưa tầm tã, Quang vẫn bắt cháu Linh ngồi sau để tìm gặp vợ. Gọi không thấy vợ ra, Quang đã bắt con mình, cháu Linh, phải quỳ giữa trời mưa gây sức ép, khi ấy cháu Linh mới được tuổi rưỡi.

Sau nhiều việc làm độc ác, dã man của chồng, chị Hà bừng tỉnh nhận thấy tất cả những lời đồn đoán ngày xưa của người làng về Quang là hoàn toàn đúng sự thật. Quyết dứt khỏi gã chồng bạc ác ấy để cứu lấy tương lai của mình và con trai, chị Hà đã quyết định làm đơn đến TAND huyện Nông Cống xin được ly hôn với Quang. Trong thời gian đó hai vợ chồng sống ly thân, cháu Linh lúc ở với bố, lúc ở với mẹ. Nhiều lần hòa giải bất thành, đến ngày 21/4/2010, hôm diễn ra phiên tòa giải quyết ly hôn chính thức thì Quang lại gây chuyện.

Đỉnh điểm của bi kịch

Buổi sáng hôm đó, trên đường chở cháu Linh cùng đến phiên tòa, Quang có tạt vào cây xăng và mua 2 lít đựng vào can nhựa. Tiếp tục đến TAND huyện Nông Cống, Quang điện thoại cho chị Hà yêu cầu nói chuyện. Không được chị Hà đồng ý, Quang liền bế cháu Linh vào nhà vệ sinh của TAND huyện Nông Cống rồi lấy xăng đổ lên người mình và cả cháu bé, yêu cầu chị Hà phải rút đơn ly hôn nếu không sẽ châm lửa đốt.

Sau một thời gian tòa hoãn xử, thì chiều ngày 27/4/2011 trên đường chở con đến nhà mẹ chị Hà, Quang lại tiếp tục mua xăng đựng vào loại can 2 lít để mang theo. Đến nơi không thấy vợ mình đâu, Quang chào người thân trong nhà vợ nhưng không ai nói gì. Tức tiết hắn quay xe đưa con ra quán tạp hóa mua rượu uống rồi quay lại nhà mẹ vợ, lớn tiếng tuyên bố: “Hôm nay mẹ không khuyên được con Hà thì bố con con chết tại đây”.

Bị em vợ là Lê Văn Đông thách thức: “Anh muốn làm gì thì làm nhưng ra khỏi nhà tôi mà làm”, Quang lồng lên như một con thú điên, bế thốc cháu Linh ra ngoài cổng, tưới xăng lên người con và châm lửa đốt. Sau đó hắn lên xe bỏ chạy, để mặc đứa con quằn quại trong đau đớn. Cháu Vũ Quốc Linh như ngọn đuốc sống gào khóc thất thanh, thấy vậy, anh Lê Văn Đông, cậu ruột của Linh vội vàng lao tới bế cháu ném xuống ao, lúc đấy ngọn lửa mới được dập tắt.

Chỉ 30 phút sau Quang bị bắt, bé Linh được đưa vào Bệnh viện nhi Thanh Hóa cấp cứu với giám định thương tật 86,16% cơ thể. Trong 3 ngày đầu ở viện, tình trạng sức khỏe bé Linh rất yếu, vết bỏng lớn và lan toàn bộ cơ thể. Các bác sĩ tiên lượng có thể bé Linh sống sót nhưng sẽ phải sống thực vật phần đời còn lại. Các vết bỏng trên mặt Linh nhăn nhúm, rỉ máu. Nhưng kì diệu thay, sau 28 ngày theo dõi, sức khỏe của Linh dần tiến triển, bệnh viện bàn bạc với gia đình chuyển Linh lên Viện Bỏng Quốc gia Hà Nội. Sau 3 tháng, bé bị nhiễm trùng máu và trong thời gian truyền máu thì bé bị nhiễm virut, sốt cao liên tục. Gia đình lại phải đưa con tới Bệnh viện Nhi Hà Nội.

Ngày 18/5/2011, ca phẫu thuật ghép da được tiến hành. Bác sĩ lấy gần như toàn bộ phần da hai bên đùi chị Hà ghép trực tiếp sang cho bé Linh. Ca phẫu thuật kéo dài gần bốn giờ.

Cuối năm 2011, may mắn có đoàn Thụy Sĩ về bệnh viện Thanh Hóa, và nhờ sự giúp đỡ của bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật đôi tay lần đầu tiên cho Linh. Hai bàn tay của Linh bị cháy khô, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật để tách các ngón tay cho Linh. Bàn tay phải của bé chỉ còn bốn ngón, một ngón bị cháy khô, bác sĩ phải tháo khớp rất sâu để các ngón khác không bị hoại tử. Lúc mới tháo băng, tay bé không cử động được, như hai nắm đấm to tròn. Chị Hà phải luyện cho con nắm, mở bàn tay ra rồi nắm lại. Gần một tháng trời, tay bé đã cử động nhẹ nhàng và có thể kẹp đồ vật nhỏ vào hai bàn tay.

Năm 2012 tin vui nữa lại đến với hai mẹ con Quốc Linh. Phía Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc liên lạc với 2 mẹ con chị Hà và thông báo có đoàn Hàn Quốc đến thăm khám, muốn tiến hành phẫu thuật miễn phí cho Linh. Các bác sĩ tiến hành ghép da vào chân cho Linh. Bốn ngày sau, cậu bé lại phải tiêm tế bào gốc lần thứ hai. Phẫu thuật xong, mất hai tháng sau Linh mới đi được. Sau ca phẫu thuật đó, cậu bé được tiêm tế bào gốc vào mặt để tái tạo da. Hơn một tháng sau, Linh trải qua ca phẫu thuật tách lại các ngón tay bên phải vì lần phẫu thuật trước chưa tách hết khiến ngón thứ hai và thứ ba vẫn dính chặt nhau.

Nhớ về quãng thời gian khổ ải trong hành trình giành giật sự sống của con trai với thần chết, chị Hà, mẹ cháu Linh vẫn không cầm được nước mắt: “Có lúc tôi chỉ ước đó là một giấc mơ hay tôi ước mình và con có thể ngủ một giấc và vĩnh viễn không bao giờ tỉnh lại. Sau bi kịch ấy, nhà nghèo không có tiền chữa trị cho con, tôi đã phải lăn lộn bươn chải đủ việc để có tiền, thêm sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân, con trai tôi đã thoát khỏi cửa tử”. Nhớ lại lần phải nằm điều trị sức khỏe sau khi cắt một phần da đùi để cấy ghép cho con, chị Hà rưng rưng “tôi đau một, nhưng thằng bé đau mười. Có lần con trai hỏi tôi “mẹ ơi, sao bố đốt con?” hay “mẹ ơi, các ngón tay của con đâu?”, tim tôi như có hàng vạn mũi dao đâm thấu”.

Từ năm 2011 đến 2014, bé Linh đã phải sang Hàn Quốc điều trị ba lần. Cứ mỗi lần đưa con đi chữa trị, chị Hà lại tất bật ngược xuôi chạy vạy cho đủ tiền. Nhưng, “còn nước còn tát”, bây giờ con chị còn nhỏ, cần cố gắng phẫu thuật tạo hình sớm, sau này can thiệp sẽ phức tạp hơn. “Các bác sĩ bên đó bảo cháu Linh phải điều trị ít nhất là sau mười năm, khuôn mặt mới trở lại bình thường được”, đó là cả chặng đường dài phía trước mẹ con chị cần vượt qua.

Chị Hà kể, mỗi lần bé Linh phải là sẹo hay tạo tế bào, dù rất đau đớn nhưng bé chẳng hề khóc lóc. Cậu bé dũng cảm, gan dạ ấy chính là người truyền cho chị sức mạnh, can đảm để bước tiếp chặng đường gian khó phía trước. Chị nói trong nước mắt: “Cảm ơn ông trời đã tặng Linh cho tôi. Nếu không có con, tôi đã không thể mạnh mẽ, kiên cường được như hiện tại. Con chính là động lực để tôi sống tiếp”.

Lòng vị tha của hai phận người bất hạnh

Hơn ba năm đã trôi qua, đến giờ này, sau tất cả mọi chuyện, chị Hà bảo “cũng không còn muốn nghĩ đến quá khứ đau buồn ấy nữa. Tuy cháu bị chính người cha ruột của mình đốt, nhưng do còn quá nhỏ nên chưa thể suy nghĩ được nhiều. Cháu vẫn thương bố lắm, nhiều lúc còn hỏi về bố. Những khi ấy chị Hà chỉ có thể nói dối cháu rằng bố đi làm xa.

“Nếu bảo không hận chồng mình thì là tôi nói dối, nhưng nó là chuyện trước kia. Tôi từng căm hận, oán trách Quang rằng tại sao lại có thể đối xử tàn nhẫn với chính con ruột của mình như vậy? Nhưng nghĩ lại, hành động dã man của chồng có một phần lỗi của tôi. Chỉ tại không biết bảo vệ con, không giải quyết được mâu thuẫn của vợ chồng để chính con tôi phải hứng chịu tất cả. Nhưng cái giây phút ở tòa, nhìn anh ôm con và khóc, tôi biết anh đã hối hận rất nhiều. 20 năm tù cũng là cái giá đắt mà anh ấy phải trả. Chỉ mong anh biết sai, cải tạo tốt để sớm nhận được sự khoan hồng của pháp luật”.

Chị Hà cho biết hiện Linh đang theo học lớp mẫu giáo. “Cháu ngoan lắm, luôn được cô giáo khen. Cháu cũng lanh lợi thông minh, đi học về là biết hát những bài cô dạy, dù vết bỏng làm cho tiếng hát ấy nghe không được rõ. Chỉ có điều…” Nói đến đây mặt chị như trùng xuống: “Ngoan ngoãn lanh lợi là thế, nhưng những ngày đầu đi học, hôm nào về nhà cháu cũng kể chuyện bị bạn bè trêu chọc vì khuôn mặt khác người. Lòng tôi thắt lại vì thương con”.

Nhưng may mắn thời điểm hiện tại Linh không còn bị đau nhiều nữa, tuy nhiên tổn thương tinh thần thì vẫn còn đó. Chị Hà bảo: “Ban đêm cháu vẫn hay giật mình, trằn trọc khó ngủ. Hoặc những khi trái gió trở trời, vết thương cũ làm cháu khó chịu, thậm chí là sốt. Hàng ngày cháu chỉ ăn chừng một bát cơm vì ảnh hưởng của vết bỏng khiến cháu khó nhai”.

Chị cũng cho biết thêm, sau khi chính thức ly hôn Quang, nhiều người khuyên chị nên đi thêm bước nữa. Nhưng giờ chị như “chim lạc đạn sợ phải cành cong”, chỉ sợ một lần nữa gặp phải người đàn ông không ra gì. Hơn nữa “liệu có người nào chấp nhận lấy vợ mà suốt ngày chỉ lo chữa bệnh cho con? Vậy nên mọi chuyện để sau hãy tính. Giờ đây tôi chỉ nghĩ tới việc chữa trị vết thương cho cháu Linh. Vết thương thể xác và vết thương tinh thần, không biết đến bao giờ mới có thể thôi nhức nhối”.

Nói về Tết, để con không phải mặc cảm, chạnh lòng với bạn bè, năm nào bà ngoại, cậu của bé Linh đều mua quần áo mới tặng cháu trai. Nhận món quà từ tay bà và cậu, Linh hớn hở mừng vui ra mặt, chạy đi khoe ríu rít với bạn bè cùng trang lứa.

Thương hoàn cảnh của bé Linh, hàng xóm cũng tặng chút lá dong, cân đậu xanh – những thức quà quê bình dị để ngày Tết của gia đình chị Hà thêm tươm tất. Cũng có lần Linh hỏi mẹ “Tết này bố có tới không?”, chị chẳng biết phải nói sao. Trong tâm hồn ngây thơ, non nớt của bé không có dấu vết của thù hận, tội lỗi, trái lại vẫn tràn đầy nhớ nhung, trìu mến mỗi lần gọi tên bố.

Bé Linh vẫn đang đùa nghịch ngoài khoảnh sân ngập nắng cùng chúng bạn. Bên trong gương mặt xù xì thương tật của bé là lòng dũng cảm của chú lính chì. Bé Vũ Quốc Linh giống như một chiến binh tí hon trên hành trình tìm lại gương mặt của chính mình. Bấy nhiêu thôi, đủ khiến bất cứ ai từng chán nản, hoài nghi về cuộc sống có thêm lòng quyết tâm, sức mạnh để vượt qua những nghịch lý trong cuộc đời.

Hòa Ca
.
.
.