Chiến sĩ nghĩa vụ người Mường vượt lên nỗi đau để thực hiện tình yêu lớn

Thứ Năm, 26/04/2012, 15:15

Trong diễn từ nhận giải Nôben văn học năm 1996 của nhà thơ nữ người Ba Lan Wislawa Szymborska có đoạn: “Cảm hứng không chỉ là độc quyền của các nhà thơ, nghệ sỹ nói chung. Trước đây, hiện nay và cả sau này luôn có một nhóm người được cảm hứng ghé thăm. Đó là tất cả những ai biết chọn cho mình một công việc một cách có ý thức và thực hiện nó với một niềm say mê và trí tưởng tượng…”. Thượng úy Nguyễn Xuân Điệp, Phân trại phó Phân trại giam thuộc Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình là một trong những con người như vậy.

Năm 2000, học hết bậc phổ thông, Nguyễn Xuân Điệp - chàng trai sinh năm 1981 người dân tộc Mường, quê ở Kim Bôi tỉnh Hòa Bình được gọi nhập ngũ làm nghĩa vụ quân sự trong lực lượng Công an nhân dân mà nhiều người thường gọi tắt “Công an nghĩa vụ”, tức là thực hiện xong nghĩa vụ thì ra quân. Chỉ khác ở chỗ, nghĩa vụ quân sự giờ đây chỉ là 18 tháng mà nghĩa vụ quân sự trong Công an lại những 36 tháng. Chính thế mà không ít chiến sỹ Công an nghĩa vụ xác định, không thi được vào đại học thì đi nghĩa vụ để tiếp tục ôn và thi vào đại học của ngành Công an, sau đó một hoặc hai năm. Khi mới vào thực hiện nghĩa vụ quân sự trong ngành Công an, Nguyễn Xuân Điệp cũng chuẩn bị cho mình một lộ trình như vậy.

Sau một thời gian huấn luyện, Nguyễn Xuân Điệp được điều về nhận nhiệm vụ tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình. Thấy mình tuổi đời chưa đến hai mươi, chưa qua trường lớp mà mới chỉ được huấn luyện ngắn ngày, nay lại trực tiếp quản lý, giáo dục phạm nhân đủ mọi tội danh, các kiểu vi phạm thì làm sao đây?… Biết được những băn khoăn, lo lắng của Điệp cũng như bao chiến sỹ nghĩa vụ khác, Ban Giám thị và cán bộ quản giáo nhiều kinh nghiệm rất cảm thông và tận tình chỉ bảo.

Không phụ tấm lòng những người “Thầy”, Nguyễn Xuân Điệp ra sức học hỏi và rèn luyện bản thân. Càng ngày Điệp càng rõ huấn luyện ở trường rất bài bản nhưng dù sao cũng vẫn là lý thuyết, học ở thực tiễn mới thật quan trọng. Từ đó Bùi Xuân Điệp tập trung cao độ thời gian và tâm trí của mình vào công việc chuyên môn, và hễ có thời gian rảnh là anh lại nghiên cứu hồ sơ, liên hệ giữa sách vở và cách giải quyết vụ việc đang diễn ra hàng ngày ở Trại tạm giam.

Là người quản giáo trẻ phụ trách phạm nhân thành án trong đó không ít phạm nhân  phạm tội buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy và mại dâm, nếu không nắm chắc quy định, quy chế trại giam thì thật khó làm việc. Nhưng nếu chỉ biết dựa vào quy định, quy chế mà không biết vận dụng linh hoạt thì kết quả cảm hóa giáo dục lại không cao. Phạm nhân là người có tội. Trong thời gian thi hành án họ tạm thời mất một số quyền công dân chứ không phải tất cả. Và hơn hết, họ cũng là con người. Mà với truyền thống “Mang đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” của dân tộc ta mà thực hiện trong lĩnh vực trại giam lại càng cần thiết.

Điệp rất quan tâm đến gia cảnh và tình cảm của phạm nhân đối với gia đình họ. Nắm chắc điều này thì việc cảm hóa phạm nhân mang lại kết quả cao và bền vững. Điệp kể: Khi phạm nhân N người dân tộc Thái ở huyện Mai Châu được đưa từ Công an huyện về nhập trại. Trong hành lý của anh ta có một bức thư rất nghệch ngoạc của vợ, có đoạn: “Anh N. ạ, Em nghe bảo mai có xe đưa anh về Trại. Không biết em có đi thăm được anh không? Em bán gánh củi được 7.000đ, bà chủ quán bán rẻ cho mấy cái bánh chưng và gửi cho anh một cái. Nếu về trại thì anh cố gắng cải tạo để nhanh về với mẹ con em. Đêm hôm qua người ta đi soi ở ngoài đồng đông lắm. Thấy thế con nó bảo nếu có bố ở nhà thì nhà mình khối nhái ăn…”

Đọc những dòng này, Điệp không kìm được xúc động. Anh biết hoàn cảnh gia đình phạm nhân N. hết sức nghèo. Tình cảm chân thật của người vợ và ước mơ trong trẻo của đứa con như thế hẳn người phạm nhân này không thể hoàn toàn xấu. Từ đó Điệp quan tâm đi sâu vào tình cảm gia đình thăm hỏi, động viên mà thành cảm hóa N. Kết quả N. cải tạo rất tốt và được giảm án ra trại trước thời hạn.

Hay như một ngày mùa hè trời đang nắng chang chang. Từ xa Điệp thấy một phạm nhân đang làm cỏ giữa vườn rau mà đầu không mũ nón. Sau khi tìm mượn được một chiếc mũ, Điệp mang xuống vườn rau  đặt vào đầu người phạm nhân này. Không ngờ đấy lại là H. can tội cố ý gây thương tích, án phạt 24 tháng tù giam. Với bản tính lầm lỳ tỏ ra bất cần đời, H. thường xa lánh các phạm nhân khác và rất mặc cảm với cán bộ. Trước hành động tưởng như rất bình thường của người quản giáo, anh ta tỏ ra ngỡ ngàng đến bối rối. Từ đó H. thay đổi hẳn thái độ và cải tạo rất tiến bộ. Qua đây càng cho Điệp thấy, sự chân thành, tình cảm thật, hành động cụ thể có sức mạnh thuyết phục rất cao.

Bản thân Điệp là người miền núi lúc còn ở nhà chỉ toàn đi học nên không biết nhiều về trồng rau màu. Nay anh lại quản lý phạm nhân trồng rau và chăn nuôi. Bằng trách nhiệm và sự chân thật của mình, anh đã học được ngay ở những người phạm nhân thạo việc để biết việc. Anh nói rõ cho họ rằng cái gì không biết thì anh phải học và yêu cầu phạm nhân mạnh dạn góp ý. Chính vì thế trong sản xuất, quản giáo và phạm nhân sôi nổi bàn bạc rất bình đẳng và trách nhiệm. Năng suất lao động nâng cao. Qua đó, phạm nhân có cơ hội cải tạo tiến bộ.

Với tình yêu đến say mê đối với công việc, kết quả cả 3 năm thực hiện nghĩa vụ, Nguyễn Xuân Điệp đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và anh vô cùng vui mừng khi được tuyển dụng vào công tác lâu dài trong lực lượng Công an nhân dân. Và ngay năm sau, 2004, Nguyễn Xuân Điệp được vinh dự đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2005, Điệp được đi học trung cấp An ninh nhân dân. Đối với người khác thì đây là cơ hội khách quan để chuyển sang lĩnh vực công tác mới, vì anh đã được cử đi học chuyên ngành khác không phải chuyên ngành trại giam. Nhưng sau 2 năm học với kết quả xuất sắc, ra trường Nguyễn Xuân Điệp lại xin về công tác ở đơn vị cũ là Trại Tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình. Trong thực tế rất hiếm có người như Điệp.

Tiếp tục phát huy tinh thần ham học hỏi, sâu sát công việc và tích cực tu dưỡng, rèn luyện bản thân, Nguyễn Xuân Điệp được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư chi bộ cơ sở, Bí thư Đoàn thanh niên với gần 100 đoàn viên, liên tục 3 năm 2009, 2010, 2011 anh được suy tôn là “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”. Đầu năm 2010, Thượng úy Nguyễn Xuân Điệp được Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình ký quyết định bổ nhiệm Phân trại phó Phân trại giam thuộc Trại tạm giam Công an tỉnh.

Từ một người con đất Mường, người chiến sỹ nghĩa vụ Nguyễn Xuân Điệp nhanh chóng trưởng thành như ngày nay, hẳn nhiều người nghĩ ngoài nỗ lực tự thân, chắc anh phải có một hậu phương vững chắc lắm! Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Hoàn cảnh gia đình Điệp hết sức khó khăn, đến mức có những giai đoạn là bi kịch. Năm 2002, tức là năm thứ 2 Điệp thực hiện nghĩa vụ quân sự thì người cha thân yêu của anh đột ngột qua đời khi ông đang thực hiện một công việc ở tận tỉnh biên giới Lạng Sơn. Sau sự ra đi bất ngờ của người cha thì mẹ Điệp lại mắc căn bệnh hiểm nghèo. Chưa đầy 3 năm sau, trước khi Điệp nhập Trường Trung cấp An ninh nhân dân thì mẹ anh lại qua đời.

Nỗi đau chồng lên nỗi đau. Một người trai trẻ chưa vợ con mà liên tục mất cả bố lẫn mẹ thì buồn đau và hẫng hụt biết nhường nào. Trong khi các bạn cùng trang lứa thỉnh thoảng bố mẹ còn qua thăm, ngày nghỉ không phải ca trực là hồ hởi về thăm gia đình… Còn Điệp thì vẫn không thiếu quê hương, nhưng biết về đâu khi cả bố lẫn mẹ đều không còn. Hỏi có mất mát, đau thương nào hơn thế?

Đầu năm 2008, Điệp xây dựng gia đình với Nguyễn Thị Lan - cô thôn nữ nhà ngay cạnh Trại Tạm giam, những mong khi có con, không còn ông bà nội thì cậy nhờ ông bà ngoại. Cuối năm 2008, vợ chồng Điệp vô cùng hạnh phúc khi có con trai đầu lòng và đặt tên là Nguyễn Xuân Đạt. Cu Đạt ra đời, hay ăn, chóng lớn là nguồn động viên vô giá làm Điệp vơi dần nỗi mất mát đau thương. Thế nhưng tháng 3/2010, bố vợ anh, người mà lúc này không khác gì bố đẻ ra anh đang sáng đưa, chiều đón cu Đạt đi trẻ lại bạo bệnh qua đời.

Chưa dừng, một đau thương khủng khiếp và bất ngờ giáng tiếp xuống đời Điệp. Đó là vào tháng 8/2011, đứa con trai đầu lòng 3 tuổi Nguyễn Xuân Đạt của vợ chồng Điệp đang khỏe mạnh bi bô tập nói bỗng nhiên bị sốt và chưa đầy một ngày sau cháu lại bỏ bố mẹ mà đi theo ông bà. Vợ chồng Điệp suy sụp tinh thần tưởng như phát điên. Cơ quan và gia đình không ai cầm được nước mắt. Giám thị Trại Tạm giam liên tục động viên người thuộc cấp quá đau khổ của mình, ông cử đồng chí, đồng đội gần gũi vừa để động viên vừa đề phòng Điệp quá đau khổ mà quẫn trí. Không ít phạm nhân, nhất là phạm nhân nữ bật khóc cảm thương trước sự mất mát của Nguyễn Xuân Điệp - người cán bộ quản giáo mẫu mực mà họ luôn kính trọng.

Sau cái chết đột ngột của con trai tính đến nay đã gần 5 tháng, Nguyễn Xuân Điệp sạm lại và già đi. Nhưng vượt lên mọi đau thương, Nguyễn Xuân Điệp không xa rời vị trí. Anh tự động viên mình và động viên vợ vững vàng vượt qua. Hàng ngày anh lại kề vai sát cánh cùng đồng đội thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và cải tạo phạm nhân – một công việc mà Nguyễn Xuân Điệp “đã lựa chọn cho mình một cách có ý thức và thực hiện nó với một niềm đam mê…”. Đó chính là một tình yêu lớn! Chính tình yêu lớn đó đã giúp Nguyễn Xuân Điệp không gục ngã mà vững vàng vượt qua mọi đau thương mất mát để tiến đến đích trên con đường đã chọn

Lê Va
.
.
.