Cuộc đời đẫm nước mắt và chuyện tình đẹp như cổ tích của nhà vô địch

Thứ Ba, 16/06/2015, 12:45
Thân hình anh ngắn tủn, cơ bắp cuồn cuộn đè trên đôi chân bé quắt. Anh nói rằng: "Mình khóc nhiều lắm, mà chẳng ai biết, vì người ta toàn ngẩng mặt lên trời chứ có ai nhìn xuống dưới chân đâu". Ánh mắt biết cười hiện trên khuôn mặt chữ điền, nếu có khóc cũng không làm anh nhăn nhúm, khổ sở. Người ta biết đến anh không chỉ là đương kim kỷ lục thế giới bộ môn cử tạ, mà còn trầm trồ bởi chuyện tình "đũa lệch" đầy hoa và nước mắt.



Trên đôi chân bại liệt

Lê Văn Công sinh năm 1984 tại một làng quê nghèo tỉnh Hà Tĩnh. Khi mang bầu Công, người mẹ bị sốt xuất huyết phải nhập viện. Mặc cho lời khuyên của bác sĩ, bà cương quyết giữ lại đứa con đã thành hình trong cơ thể. Công lọt lòng mẹ với hai chân teo lại, di chứng đã được dự báo trước đó. Gia đình dành hết tình yêu thương cho cậu bé sớm chịu nhiều thiệt thòi.

Đến tuổi đi, Công cứ nhào ra phía trước, muốn đi mà không được. Hụt hẫng, chơi vơi, sẹo mới chồng sẹo cũ vì ước mơ được đứng trên đôi chân của Công đã không thành hiện thực. Những đứa trẻ trong làng đã biết chỉ trỏ và khinh miệt một thằng bé què, không có khả năng chạy nhảy, không đạp được xe. Tuổi thơ của Công sống chủ yếu trên đôi vai của cha mẹ.

Những ngày nắng, người cha oằn lưng địu con vượt hơn ba cây số đường đất đá lởm chởm đến trường. Những ngày mưa, mẹ gói Công trong chiếc áo mưa dầm dề vượt qua dòng suối cuồn cuộn nước xiết. Đến năm cấp hai, Công xin cha mẹ được tự mình đến trường. Công lết đôi chân "mềm nhũn" qua đường bờ ruộng, bàn chân tóe máu, sưng húp.

Cái cụm từ "thằng què" nhiều khi vẫn văng vẳng bên tai, Công căm tức, giận hờn, có ngày cậu bỏ học khóc ròng lết về nhà mách với cha mẹ. Càng lớn, lời miệt thị ấy càng trở thành động lực để cậu học trò quê nghèo vươn lên. Công tốt nghiệp THPT với tấm bằng ưu. Thân mình èo uột như thế, Công đăng ký thi vào Trường Đại học Sư phạm. Chỉ có nghề giáo, làm việc bằng cái đầu và đôi tay mới cho Công cơ hội trưởng thành.

Đô cử Lê Văn Công hạnh phúc trong ngày đăng quang ngôi vô địch thế giới.

Ngày nhận giấy báo nhập học, Công sung sướng đến rơi nước mắt. Cha bán con lợn nái duy nhất trong nhà lấy tiền lộ phí đưa con vào TP. Hồ Chí Minh sống đời sinh viên. Nhưng, niềm kiêu hãnh của Công đã vụt tan khi nhà trường thông báo không nhận sinh viên khuyết tật. Nhà trường chuyển Công qua học tại trường nghề với chuyên ngành công nghệ điện tử. Công ngậm ngùi sang ngang, bỏ lại phía sau ước mơ giảng đường.

Gia đình nghèo, Công một mình ở thành phố vùng vẫy với trăm thứ khổ. Năm đầu tiên, Công xin làm thêm trong một xưởng gỗ tư nhân gần khu trọ. Người chủ thương nhận cậu sinh viên khuyết tật vào làm và bảo dọn qua ở cho tiện đi lại. Công vừa chuyển được một tháng thì ông ấy không cho đi làm nữa, nhưng vẫn cho ở miễn phí để tập trung học tập.

Công ra trường, bắt đầu chiến dịch đi tìm việc. Công rải hồ sơ khắp nơi và đều nhận được cái lắc đầu thương hại. Họ bảo, dù Công có là thợ giỏi đi chăng nữa nhưng với đôi chân tật nguyền thế kia thì không thể làm việc được. Cũng có nơi chiếu cố nhận Công, nhưng người ta chỉ trả có 600 ngàn đồng/tháng và cho ăn ở tại công ty. Công nản quá, được vài hôm thì xin nghỉ. Đang bơ vơ, chán nản thì có cuộc điện thoại của thầy giáo cũ. Ông đang mở tiệm điện tử, đang cần người và ông đã nhớ đến Công. Thế là, Công có việc làm đàng hoàng, được thể hiện khả năng đúng với chuyên môn đã học.

Trong thời gian này, Công tham gia tập cử tạ để nâng cao sức khỏe. Và cũng từ đây Công đã lọt vào tầm ngắm của một vị huấn luyện viên. Vị huấn luyện viên ấy ngỏ ý mời Công về đội tập luyện phục vụ cho các kỳ Paragame trong nước và quốc tế. Duyên nợ với thể thao của chàng trai khuyết tật đến một cách tình cờ. Công say sưa tập luyện, quyết tâm thể hiện bản thân trên đấu trường quốc tế.

Người hâm mộ dành những tình cảm đặc biệt cho anh.

Chuyện tình với hoa khôi

Những khi hết các đợt thi tuyển, Công lại trở về là một người thợ điện tử chuyên nghiệp, ngày đêm mày mò với ốc vít và dây điện. Tại đây, Công đã gặp người con gái của đời anh. Cô bé Chu Thị Tám (25 tuổi) quê ở Nghệ An, năm ấy mới 15 tuổi. Tuổi trăng rằm đẹp nhất đời người, Chu Thị Tám sở hữu thân hình đầy đặn, mái tóc dài chấm gót khiến phái nam phải ngả nghiêng. Lê Văn Công cảm giác sự chênh lệnh quá lớn về ngoại hình, anh thường lảng tránh cái nhìn đầy cảm mến của cô bé. Lần đầu gặp nhau, cô bé rụt rè, đỏ mặt gọi anh chàng cơ bắp lực lưỡng bằng chu,á xưng cháu. Biết cô bé ngượng ngùng, Công thường trêu: "Cháu lớn nhanh lên… chú chờ".

Suốt hai năm, chú cháu thường gặp nhau vào những ngày cuối tuần khi cô bé được nghỉ làm. Cái nhìn gần gũi hơn, thiện cảm hơn. Trái tim mặc cảm của chàng trai khuyết tật nhiều lần phải rung lên khi cô bé Tám vẫn hồn nhiên gọi anh bằng chú. Trong một lần tới phòng trọ chơi, thấy Công bị cảm, Tám tất tả đi pha nước cam cho chú. Sự va chạm bàn tay khiến cô bé rụt lại, đỏ mặt tía tai. Không cho Tám có cơ hội quay đi, Công nắm chặt lấy tay cô bé, nở một nụ cười đầy duyên dáng: "Anh cảm ơn em". Từ đấy, vai vế nhân xưng đã thay đổi và tình cảm của hai người cũng dần công khai.

Biết em gái đem lòng yêu một người đàn ông khiếm khuyết, những người anh của Tám ra sức phản đối. Cuộc tình chớm nở đã mắc phải những rào cản khó vượt qua. Tám lúc này đã qua tuổi 17, sự xuân sắc của cô càng mặn mòi khiến Công đau khổ tột cùng. Gia đình ở quê biết chuyện đã bắt Tám về ngay, không cho ở lại Sài Gòn nữa. Công không đủ sức để níu giữ người con gái anh yêu.

Vợ chồng Lê Văn Công trong ngày cưới.

Chu Thị Tám nước mắt ngắn dài gói quần áo về quê, Công ngồi im như người mất hồn. Cú sốc đầu đời về tình cảm khiến Công hụt hẫng. 6 tháng trời Công và Tám không hề có một cuộc điện thoại, cũng không một tin nhắn. Nỗi nhớ nhiều khi lụi đi, Công chấp nhận với thực tế. Anh tự nhủ lòng, từ sau có yêu ai thì yêu người "môn đăng hộ đối", để sau này không phải đau khổ.

Ngày 28 Tết năm 2008, có cuộc điện thoại từ Nghệ An. Đầu dây bên kia là giọng Tám run run: "Anh còn nhớ em không? Nếu nhớ thì về nhà ra mắt cha mẹ". Công lâng lâng như người trên chín tầng mây, ngay tối hôm đó, anh bắt chuyến xe cuối cùng về quê. Ngày hôm sau, Công nhét vội hai bộ quần áo vào cốp xe ba bánh, chỉ kịp nói với cha mẹ một câu: "Con đi hỏi vợ".

Công chạy xe từ Hà Tĩnh sang Nghệ An hết gần 10 tiếng đồng hồ. Đến nhà người yêu, tim Công như rơi ra khỏi lồng ngực. Biết tin Công tới, cả họ nhà Tám kéo về để xem mắt thằng rể. Nhìn chiếc xe ba gác, lại nhìn Công ngắn tủn ngủn lết từng bước đi, cha mẹ Tám vừa thương vừa buồn. Vì thương con gái, ông bà đành lặng lẽ đồng ý. Chỉ có các anh thì vẫn giữ quan điểm, họ nói toẹt vào mặt Công: "Người mày thế kia làm sao lo cho em gái tao".

Bỏ qua lòng tự ái, Công bảo: "Chúng em thương nhau thì sẽ sống tốt". Hoàn thành xứ mệnh "ra mắt", Công lên xe ba bánh phi một mạch về nhà, hồ hởi nói với cha mẹ: "30 Tết qua Nghệ An hỏi vợ cho con". Lúc này, Chu Thị Tám vừa bước qua tuổi 18. Cái tuổi mơn mởn đời người. Bao nhiêu trai làng hậm hực vì không lọt vào mắt xanh của Tám. Họ chì chiết, móc khóe chuyện Tám đi lấy chồng mà "chẳng ra chồng…".

Đám cưới của chàng trai liệt chân và cô hoa khôi của xã diễn ra vào mồng 6 Tết. Nhà làm cỗ 100 mâm vẫn không đủ chỗ ngồi. Người ta biết tin Công lấy được vợ đẹp thi nhau kéo đến xem thực hư thế nào. Cưới xong, Công dẫn vợ vào Sài Gòn tổ chức buổi tiệc mời bạn bè thân hữu. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm vì Công đã vượt qua được cửa ải "tình duyên". Cuộc sống vợ chồng mới cưới cùng những áp lực về công việc đôi khi đánh gục ý chí vươn lên của Lê Văn Công.

Hạnh phúc nở hoa

Vài tháng sau ngày cưới vợ, Công bị tai nạn đứt dây chằng vai. Vậy là xong, những dự định cho kỳ chinh phục Paragame năm ấy vụt khỏi tay chàng đô cử được kỳ vọng nhất của đoàn Việt Nam. Công miệt mài chữa trị, chạy vật lý trị liệu bền bỉ hơn hai năm trời, vừa phải duy trì công việc để có tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Thân thể đã không lành lặn, lại thêm tai nạn đổ ập lên đầu, lời đay nghiến của những người phản đối cuộc tình năm xưa có dịp quay lại. Công từng nghĩ đến chuyện buông xuôi tất tả. Nhưng người vợ như chim hót líu lo bên cạnh chồng đã lôi tuột cái suy nghĩ tiêu cực ấy ra khỏi đầu Công. Ngày vợ báo tin Công sắp được làm cha, anh vui sướng tột cùng.

Anh không tin được hạnh phúc lại đến một cách kỳ diệu như vậy. Mọi đau đớn trên cơ thể, cùng những phẫn uất của tâm hồn đã tan sạch. Suốt một thời gian dài, Công đắm chìm trong hạnh phúc quá đỗi thiêng liêng của một người cha. "Là con trai!" - Tiếng cô y tá vui mừng thông báo khi anh đang hồi hộp ngồi xe lăn chờ vợ trong bệnh viện.

Giờ thì chẳng còn gì ngăn cản được sự quyết tâm của đô cử Lê Văn Công nữa. Sau ba năm đầm mình chữa thương và miệt mài tập luyện, Lê Văn Công đã phá kỷ lục thế giới hạng cân 49kg với mức tạ 181,5kg. Đứng trên bục vinh quang cao nhất, Lê Văn Công đã khóc thật nhiều. Anh khóc vì quá hạnh phúc.

Rạng sáng nay (9-9), lực sỹ Lê Văn Công đã xuất sắc giành huy chương vàng đầu tiên tại Paralympic Rio 2016 cho đoàn thể thao Việt Nam với mức tổng cử 183kg anh đồng thời phá kỷ lục thế giới và kỷ lục Paralympic. Ở hạng cân 49 kg nam, cuộc đấu giành huy chương diễn ra vô cùng kịch tính. Trong lần nâng tạ đầu tiên, lực sĩ Việt Nam thành công với mức tạ 175 kg. Tuy nhiên, đến lần 2, anh thất bại với mức tạ 179 kg. Bất ngờ đã xảy ra khi ở lần nâng tạ thứ 3, lực sĩ Lê Văn Công đã nâng thành công mức tạ 181 kg, xuất sắc giành HCV đồng thời phá luôn kỉ lục Paralympic. Ngay sau khi lực sĩ Lê Văn Công xuất sắc giành HCV Paralympic, Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch đã quyết định thưởng nóng 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, HLV trực tiếp của lực sĩ Lê Văn Công là Nguyễn Hồng Phúc cũng được thưởng 20 triệu đồng.


Ngọc Thiện
.
.
.