Chông gai con đường đi tìm sự thật của nữ cán bộ y tế huyện

Thứ Hai, 26/08/2013, 12:24

Đó là chị Hoàng Thị Nguyệt – người đã đứng tên tố cáo những sai phạm ở BV Đa khoa Hoài Đức và một số cán bộ khoa xét nghiệm, BV Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội. Những ngày này chị Nguyệt vô cùng bận rộn, bởi ngoài công việc ở cơ quan, chị còn giúp các nhà báo đến từng nhà tìm gặp những người bệnh đã từng “được” dùng chung phiếu xét nghiệm do BV Đa khoa Hoài Đức cấp.

Chị Nguyệt bảo: “Có trường hợp một mẫu máu có cùng ngày, giờ xét nghiệm, cùng chỉ số được trả cho 5 bệnh nhân khác nhau về giới tính, độ tuổi, tình trạng bệnh. Một bệnh nhân đến làm xét nghiệm và sau đó kết quả được in ra cho nhiều bệnh nhân khác. BV không mất tiền hóa chất, nhưng vẫn thu tiền đủ của các bệnh nhân, trả kết quả nhanh khiến lượng bệnh nhân đến càng đông".

Đường tìm đến sự thật đầy chông gai

Đã từng gắn bó với BV Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội hơn 25 năm, đã từng trải qua bao thăng trầm của cuộc sống cũng như công việc, nhưng chưa bao giờ chị Nguyệt lại sốc và cảm thấy bất lực, khó ngăn chặn trước những sai phạm mà những đồng nghiệp của mình đã phạm phải trong suốt một năm qua. Chị Nguyệt cho biết, từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013, BV Đa khoa Hoài Đức đã nhân bản hơn 1.000 phiếu xét nghiệm và trả cho khoảng trên 2.000 bệnh nhân.

Những ngày hai cơn bão số 5 và số 6 liên tiếp đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội đã khiến khắp nẻo đường Hà Nội ngập mênh mang nước. Trong một ngày mưa gió tơi bời, chúng tôi đã tìm đến nhà chị Hoàng Thị Nguyệt và được chị đưa đến gặp những bệnh nhân từng được BV Đa khoa Hoài Đức trả phiếu kết quả xét nghiệm trùng nhau. Trên đường đi, nhìn dáng chị tất tả đi xuyên qua màn mưa, tôi bỗng thấy trong lòng mình ấm lại, bởi cho dù ngoài kia thời tiết có mưa bão, lòng người có xấu xa đến đâu, thì trong cuộc sống này vẫn có những người tốt và nhiệt tâm như chị Nguyệt, mọi chuyện tốt đẹp chắc sẽ tới. Hôm đó chúng tôi được chị Nguyệt dẫn tới 3 trong số một loạt bệnh nhân có trùng phiếu xét nghiệm vì bị sử dụng chung mẫu máu. Đó là một bệnh nhân có bệnh động kinh và hai cháu nhỏ 11 tháng tuổi và 3 tuổi.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Nguyễn Công Thụ, 40 tuổi, trú tại đội 5, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức. Anh Thụ bị động kinh hơn 20 năm, ngần ấy năm anh uống thuốc liên tục hằng ngày, cơm có thể bỏ nhưng thuốc thì không. Lần đi khám bệnh ngày 8/4 ở BV Hoài Đức, anh chỉ khám mẩn ngứa. Nghe chúng tôi cho biết anh là một trong số những bệnh nhân chịu hậu quả “nhân bản” phiếu xét nghiệm, anh Thụ lặng đi không tin nổi.

Chị Nguyệt – người dũng cảm đứng đơn tố cáo những sai phạm.

Sau khi rời nhà anh Thụ, chúng tôi đến nhà cháu Phạm Tuấn Đạt, 3 tuổi, trú tại đội 5, Cát Quế - người cùng có phiếu xét nghiệm với anh Thụ. Khi thấy chị kỹ thuật viên cùng đoàn nhà báo đến, người nhà cháu Đạt rất lo lắng. Và khi biết con mình bị sử dụng chung mẫu máu với một bệnh nhân động kinh, chị Cao Thị Hưởng (mẹ cháu Đạt) lại thêm một phen tá hỏa và cứ luôn miệng hỏi: “Dùng chung xét nghiệm như thế thì con tôi có sao không?”. Cũng với mẫu máu của người bị động kinh, nhưng trong khi cháu Đạt được ghi rõ là bị viêm phế quản thì cháu Nguyễn Đức Khải, 11 tháng tuổi, ở thôn Nội, xã Đức Thượng lại không ghi bệnh gì. Vậy nhưng, tại sổ y bạ của cháu hôm đó, người khám bệnh lại ghi điều trị bệnh tiêu chảy. Vậy là động kinh, tiêu chảy, viêm phế quản đều dùng chung một giấy xét nghiệm…

Chứng kiến những việc làm thiếu đạo đức của đồng nghiệp tại bệnh viện, chị Nguyệt đã viết đơn và cùng bốn đồng nghiệp khác ký vào đơn gửi lên cơ quan chức năng. Theo đó, ngày 20/5, đơn đã được chuyển lên Sở Y tế Hà Nội. Và cùng trong ngày hôm ấy, thông tin tên họ của nhóm tố cáo đã bị lộ nên họ đã bị đe dọa đuổi việc.

Chị Phan Thị Oanh - kỹ thuật viên, Trưởng phòng Xét nghiệm, đồng thời là người cùng ký vào đơn tố cáo do chị Nguyệt đứng tên đã chia sẻ rằng: “Tôi đã nhiều lần nhắc nhở cấp dưới làm đúng quy trình nhưng không ai nghe. Khi hay tin tôi ký vào đơn tố cáo sai phạm của Giám đốc Bệnh viện, áp lực từ nhiều phía cộng với phản đối của gia đình nên tôi và một chị nữa phải rút tên khỏi đơn, cuối cùng trong đơn chỉ còn mỗi chị Nguyệt và hai người khác". Bản thân chị Nguyệt và hai đồng nghiệp của mình khi gửi toàn bộ hồ sơ tố cáo lên Sở cũng gặp không ít khó khăn và đặc biệt là sự đe dọa từ phía lãnh đạo bệnh viện.

Sau khi nhận được đơn tố cáo của chị Nguyệt và hai đồng nghiệp, ngày 21/5, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo thanh tra Sở Y tế tiến hành kiểm tra xác minh thông tin, làm việc với tập thể Ban giám đốc, lãnh đạo khoa phòng liên quan và nhận thấy những thông tin nêu trong đơn tố cáo là có căn cứ, Sở Y tế đã thống nhất để cơ quan công an điều tra xem xét sự việc, Sở sẽ phối hợp điều tra. Bên cạnh đó, nội dung còn lại ngành y tế xác định trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban giám đốc, lãnh đạo khoa phòng. Sau khi sự việc vỡ lở, báo chí vào cuộc, bản thân chị Nguyệt và hai người ký tên vào đơn tố cáo được quan tâm rất đặc biệt. Cũng có ý kiến cho rằng: "Vì làm việc lâu năm và không được bố trí công việc như mong muốn, không được sắp xếp trực và đi công tác nên chị Nguyệt và đồng nghiệp chơi xấu lãnh đạo".

Nghe những điều ấy, chị Nguyệt thấy chạnh lòng nhưng không giải thích. Cho đến chiều 7/8, trước sức ép của dư luận, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức họp báo về những sai phạm quanh việc xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Có mặt trong buổi trao đổi với báo chí, chị Nguyệt cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan đến lãnh đạo Bệnh viện mà cụ thể là Giám đốc Nguyễn Trí Liêm. Theo đó, chủ trương xét nghiệm sinh hóa máu cho tất cả những bệnh nhân do giám đốc bệnh viện yêu cầu. Trong nhiều cuộc họp giao ban, những bác sĩ nào không chỉ định xét nghiệm cho bệnh nhân đều bị nhắc nhở...

Không có chỗ cho kẻ làm bừa

Chị Hoàng Thị Nguyệt cho biết, việc dùng chung máu xét nghiệm và nhân bản phiếu xét nghiệm diễn ra từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013 tại Khoa Huyết học. Trong khi bộ phận cán bộ chính quy, phụ trách máy móc Nhà nước đầu tư thì chủ yếu ngồi chơi vì không có việc làm. Còn bộ phậnngoại trú, phụ trách máy móc tư nhân lại làm không hết việc.

Theo chị Nguyệt, mỗi ngày Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức làm xét nghiệm từ 200 đến 300 bệnh nhân. Trong số này chỉ một số ít người được làm xét nghiệm có kết quả thật. "Quy trình xét nghiệm là bác sĩ viết giấy, kỹ thuật viên lấy máu rồi chuyển qua phòng máy. Thế nhưng tại phòng máy, những người làm ở đây in sẵn kết quả xòe ra như tú lơ khơ, cứ có bệnh nhân nào là đem gắn kết quả vào. Những hình ảnh lam kính khô máu hầu như ngày nào cũng thấy. Tình trạng lấy kết quả người này nhân bản ra cho vài người khác dẫn đến người bệnh bị chẩn đoán sai, phải đi nhiều phòng khám, bệnh viện khác làm xét nghiệm. Rất nhiều bệnh nhân tỏ ra nghi ngờ về kết quả xét nghiệm nhưng đều bị lấp liếm cho qua chuyện" – chị Nguyệt nhớ lại.

Không có kết quả xét nghiệm thì bác sĩ không chẩn đoán chính xác; kết quả không chính xác, cung cấp thông tin sai cho bác sĩ thì bác sĩ chẩn đoán sai. Điều này rất nguy hiểm vì dẫn tới việc điều trị sai, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh, chị Nguyệt đã chia sẻ như vậy.

 Trung bình một kết quả sử dụng cho 2-5 người, dù khác xa nhau về bệnh án, lứa tuổi. Đơn cử, 4 bệnh nhân tên tuổi, địa chỉ, bệnh khác nhau, cùng khám vào ngày 19/2 đều chung một kết quả xét nghiệm là bà Nguyễn Thị Nguyên (70 tuổi), anh Nguyễn Trung Nghĩa (27 tuổi), bà Lý Thị Vân (61 tuổi) và bé Lương Kiều Trang (12 tuổi). Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Phú Dương, 53 tuổi, bị đau bụng và bệnh nhân Đỗ Thị Phương Anh (18 tuổi) bị viêm phổi cũng có kết quả xét nghiệm máu giống hệt nhau… Đã có khoảng 1.000 phiếu xét nghiệm được “nhân bản” trong thời gian trên. Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thì đây là vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh và y đức của ngành y tế. Ngành y tế thống nhất để cơ quan công an vào cuộc điều tra nội dung tố cáo cho khách quan.

Được biết, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV, Công an Hà Nội đã vào cuộc điều tra nghi án gian lận kết quả xét nghiệm đối với bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức từ 2 tháng trước. Quá trình đó, cơ quan điều tra đã tiến hành thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến vụ việc này như các phiếu xét nghiệm huyết học của bệnh viện, kết quả xét nghiệm, phiếu xét nghiệm nước tiểu, phiếu in kết quả huyết học... Đáng chú ý, trong số tài liệu cơ quan điều tra thu giữ có 23 cặp kết quả xét nghiệm huyết học giống nhau, năm cặp photo phiếu xét nghiệm huyết học giống nhau và 446 phiếu in kết quả huyết học đã có chữ ký. Theo đó, ngày 7/8, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ để làm rõ việc trả hàng nghìn kết quả xét nghiệm được cho là giả cho bệnh nhân xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện tại ở Hà Nội với mỗi xét nghiệm, quỹ Bảo hiểm phải thanh toán là 11.000-23.000 đồng. Như thế, 1.000 phiếu xét nghiệm khống tương đương với khoảng 70 triệu đồng. Quỹ bảo hiểm y tế đã tạm ngưng thanh toán chi phí đối với Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Ông Sơn nhận định thiệt hại về tài chính do giả mạo kết quả xét nghiệm không ghê gớm nhưng hành vi thì nghiêm trọng. Nếu không có bệnh nhân điều trị thì đó là gian dối, lập hồ sơ rút tiền từ quỹ bảo hiểm. Nếu có bệnh nhân điều trị bằng kết quả sai lệch như vậy, hậu quả là khôn lường.

Cho đến chiều 8/8, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Dung đã về Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức nhận nhiệm vụ điều hành cơ sở này trong thời gian ông Nguyễn Trí Liêm (Giám đốc bệnh viện) bị tạm đình chỉ công tác phục vụ điều tra. Chủ trì cuộc họp với nhân viên bệnh viện, ông Dung thông báo quyết định tạm đình chỉ công tác và xử lý kỷ luật với phó giám đốc bệnh viện cùng 5 cán bộ, kỹ thuật viên liên quan tới vụ việc nhân bản kết quả xét nghiệm máu. Sở Y tế Hà Nội cũng điều động 7 cán bộ từ một số bệnh viện khác về Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức để lấp các vị trí bị đình chỉ, đặc biệt là ở khoa xét nghiệm.

Liên quan đến việc xử lý với các nạn nhân của vụ "nhân bản kết quả xét nghiệm", ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng khẳng định, người bệnh có quyền đến Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức hoặc Sở Y tế yêu cầu làm xét nghiệm lại. Nếu không muốn đến bệnh viện đó, Sở sẽ bố trí bệnh viện khác. Hiện Sở cũng chưa nhận được phản ánh nào của người bệnh về việc kết quả xét nghiệm sai, ảnh hưởng đến chẩn đoán điều trị, sức khỏe của họ. Nếu có vấn đề gì thắc mắc, người dân có thể gọi điện đến số đường dây nóng của Sở Y tế Hà Nội 043998 5765.

Minh Hà
.
.
.