Chuyện chưa kể về người cứu nạn ở góc “cua tử thần”

Thứ Hai, 27/02/2017, 09:05
Chỉ vì sự thiếu tính toán trong thiết kế xây dựng của các kỹ sư đã biến đoạn đường thành góc “cua tử thần”, ám ảnh giới tài xế xe tải. May mắn, ngay góc cua đó có nhà một người đàn ông hào hiệp luôn sẵn sàng cấp cứu, vận chuyển người bị nạn đến bệnh viện. Người dân yêu quý gọi ông là ông Ba Định (68 tuổi, ngụ phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương).


Không khó để tìm nhà ông Ba Định, một người dân chỉ dẫn, chỉ cần đi dọc theo đường DT 743 nhìn thấy tấm barie lớn là rẽ vào. Nhà Ba Định nằm cách mép đường vài bước chân, ngoài đường lộ xe tải, xe container siêu trường, siêu trọng thi nhau phóng ầm ầm hướng về khu công nghiệp.

+ “Cứu người tôi chẳng nề hà chi”

Gần 20 năm qua, Ba Định chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm ở cái góc cua chết chóc này. Đó là một góc cua bình thường như hàng ngàn góc cua khác. Nhưng điều khác biệt duy nhất là kỹ sư xây dựng nó đã không tạo độ dốc cần thiết phía ngoài mép đường cho góc cua. Xe máy, xe ô tô chạy ngang qua khó xử lý ôm cua được cứ văng bắn ra rìa.  

Tai nạn xảy ra trước mặt nhà, một người sẵn lòng hào hiệp như Ba Định không thể dửng dưng đứng nhìn. Nửa đêm, nghe tiếng xe va chạm, tiếng người kêu cứu hấp hối, ông vội bật dậy cầm đồ nghề cứu thương lao ra ngoài.

Nói chuyện tránh trộm đột nhập với đôi vợ chồng trẻ trong nhà trọ. 

Vốn là một y sĩ, sau đó là Trưởng trạm Y tế phường Bình Hòa, Ba Định thuần thục các thao tác băng bó vết thương, cầm máu, định vị phần xương tay chân bị gãy cho người bị nạn. Sau cú điện thoại, ông theo xe cấp cứu đưa nạn nhân đến ngay bệnh viện gần nhất lo toan các thủ tục.

Có hôm đang ngồi uống trà trước sân nhà, Ba Định giật thót mình vì tiếng xe gầm rít lao vào bụi cây. Nam thanh niên máu me bê bết, miệng rỉ máu.

Với sự hiểu biết về y học, Ba Định để cho người thanh niên nằm yên vài phút lấy hơi đất, sau đó mới nhẹ nhàng lật người lại, sơ cấp cứu. Bởi chỉ cần hấp tấp, vội vàng thì tính mạng người thanh niên khó lòng giữ lại được.

Trước làn sóng công nghiệp hóa, các nhà máy, công ty ở Bình Hòa mọc lên ngày càng nhiều thì tai nạn xảy ra ở góc cua ngày càng tăng.

Hầu như tuần nào cũng có 4 - 5 vụ tai nạn, nhẹ thì bị thương; nặng thì chết người. Ngành giao thông tỉnh Bình Dương đặt luôn góc cua Ba Định vào bản đồ với một dấu chấm đen cảnh báo. Ba Định thấy tình hình này cứ tiếp diễn thì không ổn.

Đứng ở góc cua mang tên mình, ông suy nghĩ nếu chủ đầu tư đường DT 743 Bình Dương không chịu bỏ tiền túi ra sửa lại cấu trúc đoạn đường thì tai họa vẫn chực chờ.

Ông nghiên cứu viết lá đơn kiến nghị, đi xin chữ ký đồng tình của 15 hộ dân ở khu phố Bình Đức 1. Xong xuôi, ông lên gõ cửa chủ đầu tư đường DT 743.

Trước những lời lẽ góp ý chân tình và thẳng thắn, chủ đầu tư đồng ý điều kỹ sư công trình của họ xuống hiện trường xem xét lại sai sót. Nhưng thật khó hiểu, con đường vẫn không được sửa chữa lại mà thay vào đó chủ đầu tư dựng lên tấm chắn barie lớn. Nếu người dân đi xe ôm cua không được, văng ra ngoài sẽ được tấm chắn barie ngăn lại.

Ba Định không hài lòng với cách làm trên nhưng dù sao tấm barie cũng góp phần hạn chế tốc độ của giới tài xế xe tải. Dẫn tôi ra đường DT743, Ba Định chỉ tay vào tấm barie, nhiều chỗ thũng móp xiêu vẹo. Đó là hậu quả của những cú đâm trực diện. Ngay cả hàng cây xanh trồng dọc góc cua cũng không thể sống sót được, bởi xe chạy ngang chà nát.

Vợ con ông Ba Định thấy ông suốt ngày lo việc cứu người, về nhà với bộ áo quần bê bết máu đã hết lời can ngăn, khuyên ông đừng lo việc bao đồng.

Ông nói: “Là dân ngành y, trước tính mạng, sức khỏe người khác bị đe dọa, tôi cứ làm việc theo đúng lương tâm mà chẳng nề hà chi”.

Thực tế chuyện cấp cứu người bị nạn không hề đơn giản. Nhiều lần ông Ba Định đưa nạn nhân vào bệnh viện, định ra về thì bị y tá, bác sĩ kéo áo lại hỏi danh tính, bắt viết giấy cam đoan. Công an địa phương còn viết giấy mời ông Định lên trụ sở để điều tra làm rõ ngọn ngành vụ tai nạn. Người đi đường thấy tai nạn, cứu người còn sợ bị liên lụy bản thân. Riêng với Ba Định, đem bệnh nhân nhập viện nhiều lần đến nỗi ai nhìn cũng quen mặt cả. Vì cứu người, ông đã nhiều lần liều lĩnh đứng dang tay ra giữa lòng đường chặn xe taxi, xe tải hay thậm chí là xe ba gác để mong được chở nạn nhân đi cấp cứu. Nhưng nhìn cảnh nạn nhân chảy máu, nguy kịch, ít có tài xế nào can đảm cho nhờ đi xe quá giang được.

Điều khiến Ba Định trăn trở là giữa rất nhiều người tốt dọc đường đi thì luôn có bóng dáng kẻ xấu xuất hiện để hôi của.

Ba Định kể, khi ông đang cố gắng cầm máu cho một nạn nhân thì kẻ lạ tự xưng là người nhà, đòi cầm ví, giấy tờ và điện thoại. Lợi dụng lúc đông người, chúng lập tức biến mất.

Có trường hợp gian xảo hơn, chúng giả vờ làm người cứu nguy đến dựng xe chở nạn nhân đến tận bệnh viện. Đưa nạn nhân vào phòng cấp cứu xong, chúng thu dọn sạch đồng hồ, ví tiền, dây chuyền vàng bỏ trốn biệt tăm.

Tức giận trước thủ đoạn vô lương tâm của bọn hôi của, mỗi lần xông vào hiện trường tai nạn là Ba Định cầm giữ tài sản người bị nạn trước tiên, sau đó mới lo thủ tục cấp cứu. Ông thường bảo nhân viên y tế, bác sĩ trong kíp trực cấp cứu phải ghi lại và giữ gìn cẩn thận tài sản của nạn nhân, tránh phường trộm cắp ra tay.

+ Đỡ đẻ cho nữ công nhân 

Không chỉ giúp đỡ người không may bị tai nạn giao thông, ông Ba Định được các nữ công nhân quanh khu phố Bình Đức 1 xem như vị cứu tinh khi họ chẳng may mang bầu. Lục lọi dòng hồi ức chảy dài trong tâm trí, chính Ba Định cũng không nhớ nổi mình đỡ đẻ mát tay cho bao nhiêu phận nữ công nhân trót lầm lỡ.

Thời gian trước đây, đời sống công nhân ở Bình Dương còn thấp, họ quanh năm suốt tháng quần quật trong nhà máy, xí nghiệp. Kiến thức về sức khỏe sinh sản của công nhân còn có phần hạn chế.

Nhiều trường hợp công nhân nữ yêu nhanh sống vội dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Các chàng họ Sở vội “quất ngựa truy phong” để trốn tránh trách nhiệm làm cha nặng nề.

Biết Ba Định đỡ đẻ được, nhiều cô gái nửa đêm gõ cửa tìm đến ông cầu cứu. Hầu hết nữ công nhân xa quê mưu sinh, cuộc sống còn khốn khó, cùng với tâm lý ngại ngần vì thai nhi bị chối bỏ, Ba Định âm thầm giúp đỡ. Đến bây giờ, Ba Định không nhớ biết bao lần tự mình lái xe máy chở các cô công nhân bụng mang dạ chửa đến bệnh viện siêu âm, khám thai để chờ ngày sinh nở.

Ông kể, để không bị phát hiện khi đến xưởng, nữ công nhân đã dùng khổ nhục kế quấn vải quanh bụng cho nhỏ lại. Đôi khi họ mặc áo khoác bên ngoài để che mắt người khác. Đến khi bào thai to lên thì mới sợ hãi tìm đến ông.

Lúc đó, ông nhẹ nhàng tư vấn như một vị bác sĩ, khuyên nhủ các cô gái nên sớm trở về bên cạnh cha mẹ, người thân để được san sẻ khó khăn. Nếu nhất quyết ở lại nhà trọ sanh nở thì lúc chuyển dạ phải sớm báo cho ông biết để kịp thời can thiệp.

Những ngày đầu năm mới 2017 này, dù phải vật lộn với căn bệnh đau dạ dày hành hạ, Ba Định vẫn xách xe máy chạy đi vận động người dân, chủ nhà trọ trong khu phố ông ở góp tiền hỗ trợ ăn Tết cho các công nhân ở lại.

Phần quà mùa xuân nho nhỏ gồm dầu ăn, mì chín, bánh kẹo đối với các công nhân là niềm hạnh phúc được quan tâm. Đêm Giao thừa năm Đinh Dậu, Ba Định cùng chính quyền khu phố gõ cửa từng nhà trọ công nhân tận tay trao quà và phong bao lì xì.

Nụ cười hạnh phúc hiện rõ trên từng gương mặt anh chị em công nhân lam lũ và con cái của họ. Với họ, ở lại đón Tết xa xứ là cách để dành tiền cho gia đình ở quê nhà mua sắm đón năm mới an vui hơn. Hay để làm thêm nhằm kiếm chút đỉnh trang trải cuộc sống, nợ nần.

Nhấp ngụm trà đặc quánh, Ba Định bảo hàng tuần ông đều đến các bệnh viện, trung tâm y tế, Uỷ ban phường trên địa bàn thị xã Thuận An xin các tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền.

Khi nạn dịch Zika xuất hiện, ông cập nhật tin tức trên báo, đài để loan báo cho công nhân phòng tránh. Thời gian cận Tết ,tình hình an ninh trật tự phức tạp, trộm cắp nhà trọ lộng hành thì ông lại đi từng dãy nhà cảnh báo thủ đoạn tội phạm.

Trước dãy nhà trọ do gia đình ông quản lý, có một giá sách nhỏ để đựng các tờ rơi có ghi chính sách tuyên truyền của Nhà nước như: sinh đẻ có kế hoạch, tình yêu và hôn nhân, biện pháp tránh thai hay thậm chí là các điều khoản phạt tiền vi phạm giao thông. Ba Định nói nhờ giá sách tuyên truyền ấy mà công nhân có thêm nhiều kiến thức bổ ích, giúp họ đứng vững trước cám dỗ cuộc sống.

Tuấn Thanh
.
.
.