Chuyện của Hợi

Thứ Sáu, 29/03/2013, 16:31

Hợi không cha, mồ côi mẹ. Hợi vật vã mưu sinh, và đã từng nhúng chàm, xộ khám trong thời gian mẹ bị ung thư giai đoạn cuối, quay quắt vì tiền, túng bấn nên làm liều. Nhưng bỏ qua tất cả những đau thương mất mát của quá khứ, sự xa lánh, kì thị của người đời, Hợi đã tự mình đứng lên, trở thành sinh viên của Trường Đại học Vinh, ngành Sư phạm lịch sử. Tháng 7 này Hợi sẽ ra trường, trang đời mới đang mở ra trước mắt.

Tôi gặp Hợi một chiều hanh hao nắng ở quê nhà tại xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian này, Hợi đang thực tập sư phạm tại Trường THPT Hương Sơn, nên tranh thủ về nhà thắp cho mẹ nén nhang. Từ ngày bước chân vào giảng đường đại học, căn nhà nhỏ đã vắng nay lại càng lặng ngắt như tờ. Kể cả những ngày thực tập cũng vậy, Hợi chỉ ghé qua hương khói rồi đi ngay, tá túc tại nhà chị gái chứ không ở lại nhà.

Hợi bảo, hễ về nhà là quá khứ lại hiện về, em không cầm được nước mắt mỗi khi nghĩ về mẹ, về những tháng ngày đắng đót của tuổi thơ. 30 tuổi đời, Hợi đã đi qua mọi cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố của đời người.

1. Hợi tên đầy đủ là Phan Hợi. Là gọi theo họ mẹ chứ thực ra Hợi cũng chẳng biết mặt bố mình là ai, dù trên Hợi còn có một anh trai và một chị gái. Mẹ Hợi là một người đàn bà đa đoan trong tình duyên lẫn cuộc sống mưu sinh. Khi đang là công nhân tại xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), bà đã hai lần kết hôn, mỗi lần sinh hạ được một đứa con thì đứt đoạn. Đến lúc Hợi, chẳng hôn thú, nên người đàn ông ấy đã bỏ mẹ con đi khi em chưa kịp chào đời.

Thân gái hai lần đò, ba đứa con mang ba họ khác nhau, sau những bầm dập của niềm tin, bà ôm con về quê ở Hà Tĩnh sinh sống. Nghèo về vật chất, nhưng bằng mọi cách, bà đã gắng nuôi ba anh em học xong phổ thông. Cũng như các anh chị của mình, sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 trong tay, Hợi được mẹ cho đi kiếm nghề để tự nuôi sống mình. Thời điểm ấy là năm 2001.

Nhưng Hợi đã chọn cho mình lối đi khác, ấy là nhập ngũ. Sau 5 năm, Hợi ra quân. Giải ngũ, Hợi khăn gói vào Đồng Nai, đăng ký học nghề điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng dạy nghề số 8 ở TP Biên Hòa. Nhập học được 3 tháng, Hợi đau đớn đón nhận tin xấu, mẹ ở quê bị ung thư cổ tử cung, thời gian sống trên cõi đời này chỉ còn tính bằng ngày, bằng tháng.

Tưởng như trời đất sụp đổ trước mắt, nhưng sau phút ngã quỵ, Hợi đứng lên, một cách mạnh mẽ và quyết đoán. Hợi về quê đón mẹ vào Biên Hòa, thuê phòng trọ hai mẹ con cùng ở để tiện bề chăm sóc, rồi vừa học nghề vừa làm thêm, kiếm tiền mua thuốc kéo dài sự sống cho mẹ. Thời gian đấy, Hợi làm đủ nghề để kiếm tiền, từ phụ hồ, giữ xe đến bảo vệ, bốc xếp… hễ ai gọi gì là Hợi đều lao vào làm quá cả sức vóc của mình.

Sinh viên Phan Hợi.

Bệnh tình của mẹ ngày càng nặng, số tiền thuốc tăng với cấp số nhân, vậy nên để kiếm đủ tiền, Hợi làm tất cả những gì có thể. Cũng bởi vậy nên, trong vòng xoáy bí bách của tiền bạc ấy, Hợi đã nhúng chàm rồi lún sâu lúc nào không hay. Ban đầu là bảo kê, đòi nợ thuê, sau đó trộm cắp tài sản. Chuyện Hợi vướng lao lí cũng xuất phát từ việc, Hợi lấy xe cũ đến tráo xe mới tại các bãi giữ xe.

2. Những ngày làm công việc giữ xe tại các nhà hàng, quán karaoke, Hợi nhận thấy sự lỏng lẻo trong việc phát, ghi vé ở một số nơi nên đã nghĩ cách tìm xe cũ đưa vào bãi, sau đó chỉ cần tẩy xóa rồi ghi chồng số vé cho khớp là có thể đánh tráo được xe. “Thử” với một chiếc xe đạp điện, Hợi đã thành công, mang đi bán được 1 triệu đồng. Lần khác, Hợi tìm mua một chiếc xe máy giá rẻ, mang đến Trường Dạy nghề số 8 nơi Hợi từng học đổi một xe máy khác mới hơn, vụ việc trót lọt.

“Nhưng, cũng trong thời gian này, mình có linh cảm như sắp bị phát hiện ra những việc làm xấu xa này nên đã “đuổi khéo” mẹ về quê, dù trong lòng chẳng muốn. Mình sợ để mẹ ở lại, ngộ nhỡ bị bắt thật thì không nỡ để bà phải chứng kiến cảnh con trai mình tay bập còng số 8. Quả đúng như linh cảm của bản thân, 1 tháng sau khi mẹ về quê, lúc đang mang xe cũ đến bãi gửi xe ở siêu thị Big C thì bị bảo vệ phát hiện, bắt giao Công an”, Hợi xa xăm. Đó là ngày 1/6/2007.

Tháng 9/2007, Hợi bị TAND TP Biên Hòa tuyên án 24 tháng tù giam. Cũng thời gian này, mẹ ở quê mới biết hung tin, bệnh tình vốn đã nặng lại càng nặng thêm, một tháng sau thì bà ra đi. Hợi biết, bà đi trong day dứt, và cũng chính điều đó làm em ân hận nhất. Được chuyển về Trại giam Cây Cầy (Bộ Công an) ở Tây Ninh, do không quen ăn uống kham khổ, tinh thần lại suy sụp nặng nên Hợi bỗng đổ gục, chân tay bải hoải, không cử động được.

Sau song sắt, ngoài một vài cán bộ quản giáo quan tâm, Hợi cô độc, một mình chống chọi với bệnh tật. Đúng ba tháng ròng, Hợi nằm một chỗ không làm gì được, kể cả những việc đơn giản nhất trong cuộc sống thường ngày. Nghĩ về tương lai phía trước với đời sống thực vật, Hợi bỗng rùng mình sợ hãi.

Quyết không gục ngã, Hợi bắt đầu vùng dậy, bền bỉ với hành trình đòi lại chức năng sống cho tứ chi. “Đó là những tháng ngày mình chẳng thể nào quên. Không người thân, không bạn bè, điều kiện trong nhà giam thì thiếu thốn tứ bề. Cái duy nhất mình làm được trong điều kiện đó là lăn lê bò trườn. Một mình cô độc, chẳng biết bao nhiêu lần quằn quại như thế mới giành lại được cảm giác cho tay chân”, Phan Hợi kể lại.

3. Mất trọn 11 tháng, Hợi mới tự đứng lên được, trong khi bạn tù và cán bộ quản giáo gần như không tin vào sự hồi sinh kì diệu ấy thì Hợi lại bật khóc vì sung sướng. Được giảm án, Hợi ra tù trước thời hạn 3 tháng.

Nhớ lại quãng thời gian ngày mới từ trại giam về lại quê nhà, Hợi bảo ở trong trại đã khổ, về nhà còn khổ hơn khi bị mọi người kì thị, xa lánh. Thậm chí, có kẻ ác khẩu còn bảo em đã bị HIV, khiến Hợi phải xuống thành phố, đi làm xét nghiệm máu. Đến lúc trở về, mọi người chuyền tay nhau tờ giấy xét nghiệm âm tính với virus HIV, mới thôi không xa lánh nữa. Đúng lúc Hợi bi quan nhất thì bất ngờ em nhận được 2 lá thư, gần như là di chúc mẹ viết cho riêng Hợi trước lúc nhắm mắt xuôi tay.

Thư rằng: “Hợi, con trai của mẹ! Bây giờ mẹ đau lắm, không biết có còn được gặp con nữa hay không. Mẹ viết mấy dòng di chúc này để lại. Con ơi! Con là đứa con bất hiếu, chỉ biết làm khổ mẹ. Sau này mẹ chết đi rồi thì chẳng còn ai để làm khổ nữa! Ra ngoài xã hội thì không ai nể, không ai thương, nếu cứ lao vào con đường lầm lạc. Sau này ra tù trở về, mẹ khuyên con nên cố gắng lao động. Mình muốn ăn no mặc ấm thì phải siêng năng cần cù, thức khuya dậy sớm để cày bừa cuốc móc. Mẹ và cậu đã mua cho con một mái nhà 4 triệu đồng. Con về thì nhờ người dỡ về, mua xi măng đổ táp-lô dựng lại, rồi dỡ cái chuồng hươu, có tiền thì mua hươu mà nuôi. Mẹ ốm, bán hết bò, hươu, bây giờ mẹ phải chết. Con trở về, tuy là không còn gì nhưng vẫn có được ngôi nhà cho con ở tạm. Con làm hết chừng ấy đất, chăn nuôi thêm gà, bò, hươu thì cuộc sống cũng đầy đủ. Mẹ muốn sống thêm để lo vợ cho con nhưng không được nữa. Hãy tha thứ cho mẹ!...”.

Đọc thư, Hợi khóc ròng, quyết tâm làm lại từ đầu. Nhờ người dựng lại căn nhà nhỏ trên nền đất trống, Hợi lầm lũi mưu sinh, sáng vác dao lên rừng kiếm củi, chiều chở trên xe đạp xuống thị trấn bán lấy tiền đong gạo.

Một lần, vô tình bắt gặp cô bé hàng xóm đang ôn bài bên cửa sổ, nỗi khát được đến trường trong Hợi trỗi dậy, em muốn được đến trường nên ngập ngừng sang mượn sách vở. Hợi quyết định thi đại học. Ngày kiếm tiền, tối chong đèn mài chữ.

Đó là quãng thời gian khó khăn nhất, xác định gần như đây là cơ hội cuối, nên Hợi lao vào học như con thiêu thân. Một chiếc đèn dầu và một chiếc đèn pin chụm vào nhau, Hợi học sáng đêm không dám ngủ, chỉ sợ nhắm mắt là chữ sẽ bay mất. Có những đêm, học đến ngất lịm, máu mũi, máu mồm ộc ra, tưởng chết.

Ngày đi thi, Hợi vay mượn được mấy trăm ngàn giắt lưng làm lộ phí. Kết thúc môn thi thứ 3, Hợi tự tin là mình sẽ đậu. Và quả đúng như vậy, Hợi thi đỗ vào Khoa Lịch sử, ngành sư phạm chính quy Trường Đại học Vinh với 19,5 điểm. Nghe tin Hợi đậu đại học, người dân Sơn Quang cảm phục, góp tiền được hơn 6 triệu cho em làm thủ tục nhập học.

Trong suốt gần 4 năm theo học, Hợi được tín nhiệm làm lớp trưởng, rồi Bí thư Đoàn thanh niên lớp K50A Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh. Để có tiền trang trải học hành, Hợi vừa học vừa làm thêm, được nhà trường giới thiệu chỗ trọ miễn phí, tham gia Câu lạc bộ “Mái ấm trường Vinh”. Ngoài ra, em còn được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay vốn. Chi tiêu tằn tiện, Hợi cũng bám trụ được để không đứt gánh giữa chừng.

Tâm sự với tôi, Phan Hợi cho biết, cuộc sống đang rất khó khăn, nhất là trong dịp thực tập này. Nhưng dù cho thế nào đi nữa, Hợi nhất quyết không gục ngã, không đầu hàng số phận.

Gần 4 năm theo học đại học, Hợi đã giấu nhẹm quá khứ để lòng bình yên. Nhưng giờ, là lúc Hợi muốn nói ra, để hoàn toàn không vướng bận, trước khi ra trường và tìm kiếm một công việc mới để tự nuôi sống bản thân. Dù biết không dễ dàng gì, nhưng Hợi tin, em sẽ không gục ngã

Thiên Thảo
.
.
.