Chuyện cựu Thiếu tá đặc công mang tình quê về khu chung cư VIP

Thứ Hai, 03/09/2012, 15:53
Cuộc sống của cộng đồng các hộ dân cư ở đây ấm áp, thương yêu nhau đến kỳ lạ, ai nghe một lần cũng phát thèm. Người có công tạo dựng nên một phong cách sống hiếm lạ ấy chỉ là một cựu chiến binh giản dị, xuề xòa. Quanh năm ông có mấy bộ quần áo Công an, bộ đội đã cũ. Trời rét thì khoác thêm chiếc áo gió của Báo CAND...

Không biết ở Hà Nội (và có lẽ trên toàn cõi Việt Nam này) có một tổ dân phố nào mà hàm lượng trí thức, mật độ các đồng chí lãnh đạo và số lượng đại gia nhiều như thế này không: Chỉ với 133 hộ gần 500 nhân khẩu mà có tới 30 Tổng giám đốc các công ty lớn, 300 người có trình độ trên đại học (trong đó 25 thạc sỹ, 7 tiến sỹ, còn lại là cử nhân). Cao niên và nổi tiếng nhất trong giới trí thức là Phó Giáo sư Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh nổi tiếng. Không hiểu do “đất lành chim đậu” hay phong thủy địa lý có gì bí ẩn mà gia đình nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp cùng về đây sum họp. Đó là tổ dân cư số 36 ngõ 130 phố Đốc Ngữ, quận Ba Đình, Hà Nội.

Nhưng khu phố dù có nhiều VIP ấy có lẽ cả năm cả đời không ai biết đến nếu mỗi gia đình đi làm về lại đóng cửa im ỉm, đèn nhà ai nhà nấy rạng như đa số các khu chung cư thời kinh tế thị trường bây giờ. Trái lại, cuộc sống của cộng đồng các hộ dân cư ở đây ấm áp, thương yêu nhau đến kỳ lạ, ai nghe một lần cũng phát thèm. Người có công tạo dựng nên một phong cách sống hiếm lạ ấy chỉ là một cựu chiến binh giản dị, xuề xòa. Quanh năm ông có mấy bộ quần áo Công an, bộ đội đã cũ. Trời rét thì khoác thêm chiếc áo gió của Báo CAND tặng các cộng tác viên hằng năm (không biết ông kiếm ở đâu ra).

“Tôi chỉ là một cựu thiếu tá quèn, có công lao gì đâu!”. Đó là lời của Tổ trưởng tổ dân phố 36 kiêm Phó khu dân cư số 4 Trần Nhật Thăng. Sinh năm 1943, năm nay đã 70 nhưng nghe giọng ông còn vang và ấm, trai trẻ chưa chắc đã theo kịp. Ông bảo mình là thiếu tá quèn chỉ là cách nói khiêm tốn. Quê gốc Xuân Trường, Nam Định, sinh ra ở Hà Nội, ông vào lính đặc công đúng chiến dịch Mậu Thân 1968. Ông phục vụ trong đội đặc nhiệm bảo vệ đồng chí Võ Chí Công và Khu ủy Khu 5 (cùng Trung tướng nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm).

Tuổi trẻ của ông gắn với những đêm mưa ngàn gió núi trên rừng Cao Trà My, Tiên Phước, đêm ngủ trong tiếng hổ gầm, tiếng suối reo thác đổ, tiếng trực thăng Mỹ từ căn cứ Chu Lai bay nhức óc trên đỉnh rừng. Miền Nam giải phóng, ông xuất ngũ với hàm thiếu tá và về làm Chuyên viên 6 tại V11 Văn phòng Chính phủ tới lúc nghỉ hưu. Lúc đầu ông cũng tính sống an nhàn cùng vợ và các con đã trưởng thành, con gái lấy chồng bên Đức, con trai là một kiến trúc sư đẹp trai, giỏi võ. Nhưng được chi bộ yêu cầu, bà con tín nhiệm, dòng máu bộ đội Cụ Hồ trong ông bỗng thanh xuân trở lại. Ông trăn trở trong lòng: Đã làm thì phải làm cái gì có ích cho bà con chứ tổ trưởng để đi báo họp vừa thu tiền ủng hộ lũ lụt thì làm làm gì! Phải chủ động, phải từ chữ tâm, phải thương yêu thật sự, không phải có công văn của phường gửi về mới thụ động kêu gọi.

Vừa qua, nhà báo Phương Dung là một cư dân sống trong khu phố trao tặng Quỹ của Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến 58 triệu đồng giúp trẻ em nghèo Hà Giang, ông cũng thay mặt tổ tặng Quỹ 3  triệu đồng. Đối với các đaiå gia vốn là làm nghĩa vụ ở cơ quan nhưng về với tổ 36, họ vẫn sẵn sàng có sự đóng góp, đáng kể như Tổng Giám đốc Trần Đức Luận TQXD Thiên Đức, TGĐ Tổng Công ty XNK máy Vũ Ngọc Hùng, TGĐ Công ty Thức ăn gia súc Nguyễn Văn Minh… Sự giúp đỡ này chủ yếu dành cho các gia đình nghèo, trẻ em vùng sâu vùng xa, vùng thiên tai bão lụt. Còn với những người khó khăn tại địa bàn thị lại là chuyện “thường ngày ở huyện” .

Ông cùng nhà báo Lê Phương Dung vừa chủ trì vừa chủ chi. Các khu phố không ai không biết nhà báo Phương Dung đã giúp 10 cựu TNXP ở khu phố có hoàn cảnh đặc biệt, giúp bác Hồng mẹ góa con côi thoát khỏi căn bệnh ung thư hiểm nghèo và xây nhà mới hàng tỷ đồng, tặng sổ tiết kiệm cho một thượng tá Công an bị liệt do tai biến… Ông và nhà báo Phương Dung như một “cặp đôi hoàn hảo” thường hay chú ý đến những người thấp cổ bé họng, giúp đỡ thật lòng, không hề giúp để lấy thành tích. Rút tiền túi năm ba trăm cho các chị em ở tổ  môi trường đô thị là chuyện thường ngày nên có khi không phải giờ đổ rác nhưng hễ nói “rác của chị Dung” là họ vui vẻ nhận ngay.

Các cháu làm ôsin ở phường rất quý ông Thăng và cô Dung. Mỗi dịp 8-3 hoặc chiều 30 Tết trong khi mọi nhà sum họp thì những thân phận nghèo xa quê không có ai nhìn ngó tới được bác và cô gọi đến an ủi, cho quà bánh. Ông Thăng kể có một cậu công nhân xây dựng từ thị trấn Thông Quan, huyện Khoái Châu, Hưng Yên tới đây làm nhà. Chẳng họ hàng thân thuộc gì nhưng nghe tin em gái cậu ta ốm nặng sắp chết, nữ nhà báo Phương Dung đã lo thuốc men cho cô em gái qua cơn hiểm nghèo và cho thêm 40 triệu. Tôi có mặt trong lần hai chị em năn nỉ mời Dung qua nhà ở Khoái Châu chơi. Cả gia đình đón tiếp Phương Dung như một đại ân nhân. Có bao nhiêu khoai sắn họ chất lên đầy xe rồi nằng nặc bắt Dung chở về chia cho bà con.

Khu phố có một khoảng đất rộng 100m2, ông Thăng bàn với mọi người xây dựng thành Nhà văn hóa của tổ 36. Mọi người nhiệt liệt hoan nghênh. Các đại gia sẵn sàng trang bị tivi, bàn ghế loại xịn nhất, và những cây cảnh đắt tiền như cau vua, đào, trúc mai, lộc vừng bạc triệu. Ông Thăng rất tâm đắc về chuyện này vì ông cho rằng: Người ta đô thị hóa nông thôn, còn thiếu tá quèn như ông thì lại nông thôn hóa thành phố. Sau một ngày làm việc căng thẳng, mọi người trở về ghé vào đây để nghe chim hót, xem hoa nở, để nói với nhau những điều không nói được ở cơ quan, thậm chí mâu thuẫn gia đình cũng có nơi để chia sẻ buồn vui.

Công tác hòa giải tại tổ 36 được ông làm rất tốt. Nhiều trường hợp đã tìm lại hạnh phúc. Cá biệt có gia đình đã làm hết cách vẫn không được hoặc chưa được. Ông thoáng buồn khi nói về một trường hợp “nhà giàu cũng khóc” (xin được giấu tên). Chồng là TGĐ, kỹ sư tự động hóa, tiền nhiều như quân Nguyên. Vợ là một cô giáo dạy Lý cấp III xinh đẹp. 2 đứa con sinh đôi một nam một nữ đẹp như tiên đồng. Thế mà giận nhau cho đến tận bây giờ. Đúng là thuyền to thì sóng to, đỉnh cao lại có gió lớn. Kể cho tôi nghe chuyện này, ông thở dài tiếc cho họ.

Và có lẽ đó là điều thất bại duy nhất mà ông không làm được với “chức” tổ trưởng. Còn lại đều rất vui, rất rất vui. Có nhà văn hóa, tiến sỹ Oanh học ở Harvard về đã tình nguyện mở lớp dạy tiếng Anh cho các cháu. Chị bảo không biết mình hạnh phúc hơn hay các cháu hạnh phúc hơn vì nhìn các đôi mắt ngây thơ của các con, chị trẻ lại rất nhiều. Trong tổ có rất nhiều người là nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên piano, violon, diễn viên múa. Họ tình nguyện đứng ra dạy hát, dạy múa cho các em, dạy võ Vịnh Xuân quyền, dạy khiêu vũ thể thao cho những người lớn tuổi. Đội tuyển văn nghệ của tổ 36 mỗi khi đi thi cấp phường, cấp quận đều luôn trong tốp đầu.

Nhà văn hóa của tổ luôn sáng đèn, luôn ngập tràn tiếng hát câu cười từ sáng tới tối, nhất là các dịp hè, tại đây đã diễn ra nhiều cuộc đại tiệc 500 suất ăn nhân các ngày 8-3, Trung thu, 1-6. Tất nhiên kinh phí cho các cuộc vui này cũng như các cuộc tổ chức cho cả tổ đi lễ chùa thăm Yên Tử, Đồng Mô, Bái Đính đều do các đại gia sẵn lòng tài trợ. Đại diện của tổ thường xuyên chăm lo chu đáo các lễ hiếu, hỉ, lễ thượng thọ, thăm các gia đình neo đơn, ốm đau. Mỗi lần các cháu thi đỗ đại học, thi thành phố đạt thành tích cao, tổ đều có phần thưởng. Quan hệ của tổ với Ban quản lý rất tốt đẹp.

Nếu phải kể số giấy khen, bằng khen cho tổ dân phố bé nhỏ này, hẳn ông Thăng không thể nhớ hết vì nhiều quá, năm nào cũng được khen thưởng. Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Hồng Liên cũng như Trưởng Công an phường Vĩnh Phúc Nguyễn Tuấn Phong đều rất tự hào khi nói về tổ 36 với những công dân như ông Thăng, như nhà báo Lê Phương Dung. Riêng ông Thăng thì cho rằng phần thưởng lớn nhất với ông chính là niềm tin yêu thầm lặng của bà con với ông.

Ông kể lại trường hợp Tổng Giám đốc ĐTXD Trần Đức Tuấn mời ông xuống Quảng Ninh, GĐ Tuấn bảo ông có khó khăn gì thì anh giúp đỡ. Ông bảo mình chỉ có căn bệnh cao huyết áp chữa mãi không khỏi. GĐ Tuấn đưa ông tới một nhà hàng gọi một con rùa vàng, lấy huyết cho ông uống. Ăn xong ông hỏi: “Rùa này có đến 5 triệu đồng không anh?”. GĐ Tuấn cười bảo: “Gấp 10 lần bác ạ! Quan trọng là huyết áp bác sẽ giảm đấy!”. Nhưng chuyện đó không hay bằng chuyện ông bố của GĐ Tuấn từ trên Lào Cai về thăm con, thấy cảnh nơi đây vui vẻ, ấm áp tình người, ông muốn ở lại luôn. Rồi ông lọ mọ mang xuống cây cảnh, lợn mán, gà rừng đóng góp cho nhà văn hóa liên hoan.

Thế đấy, câu chuyện cựu thiếu tá đặc công mang ánh trăng quê về cho phố, vun đắp tình làng nghĩa xóm, vun đắp đạo đức cổ truyền của ông cha ta nơi chốn phồn hoa đô thị thật đáng cho chúng ta suy nghĩ. Lúc này đây, hoặc đêm mai, đêm kia, ông lại chầm chậm đi tuần tra trong cái khu tập thể tổ 36, nhìn lên các căn phòng xinh xinh như mỗi tổ chim đang êm đềm giấc ngủ. Ông khẽ mỉm cười. Và ông lại đi, lại đi...

Nguyễn Gia Bào
.
.
.