Chuyện đời một nữ điệp báo

Thứ Bảy, 02/03/2019, 12:33
Đó là bà Vũ Thị Hoa, nguyên cán bộ Công an TP Hải Phòng (còn có tên là Phạm Thị Hồng, Trần Thị Hoa). Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, bà đã tình nguyện tham gia hoạt động cách mạng, năm 1947 bà làm giao thông viên Ban Điệp báo Ty Công an Hải Phòng…


Năm nay đã 92 tuổi nhưng Đại tá Vũ Xuân Linh, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, vẫn còn rất minh mẫn. Nhắc lại kỷ niệm về người đồng đội cũ, ông Linh xúc động kể rằng với ông, bà Hoa không chỉ là đồng đội mà còn là ân nhân cứu mạng.

Vào giai đoạn 1950-1953, khi giặc Pháp đánh mạnh vào các căn cứ của Ty Công an Hải Phòng, để bảo toàn lực lượng, khi ấy đơn vị phải di chuyển lên căn cứ Đèo Voi, chiến khu Đông Triều. 

Khi đó, lãnh đạo Ty Công an Hải Phòng giao nhiệm vụ cho Ban Điệp báo làm công tác giao liên, chuyển tài liệu, đưa đón cán bộ Công an từ nội thành Hải Phòng lên căn cứ và ngược lại. Nhiệm vụ này hết sức quan trọng và rất khó khăn, nguy  hiểm. 

Thời kỳ đó trong Ban chỉ có 2 nữ là bà Hoa và bà Liên, đều là những cán bộ gan dạ, mưu trí... nhất là bà Hoa lại bơi rất giỏi nên thường xuyên nhận những nhiệm vụ khó khăn.

Bà Vũ Thị Hòa.

“Cũng nhờ tài bơi lội mà vào một đêm năm 1952, bà Hoa đưa tôi từ nội thành Hải Phòng lên căn cứ, khi đến suối Trảng Bàng (Đông Triều) thì gặp nước lũ, bờ suối lại dốc đứng, tôi trượt chân bị nước cuốn đi, bà Hoa đã lao xuống vật lộn với dòng nước dữ, cứu tôi vào bờ. Sau này, nhiều chuyến công tác còn có những cán bộ không quen sông nước, thậm chí không biết bơi cũng đã được bà Hoa vừa bơi vừa dìu đưa qua sông an toàn”, ông Linh bồi hồi nhớ lại chuyện xưa.

Cũng nhờ sự gan dạ, mưu trí của nữ điệp báo Vũ Thị Hoa mà tháng 11-1953, khi dẫn đoàn cán bộ hơn 10 người từ căn cứ vượt sông Cổ Bồng (thuộc vùng tề ở Hải Dương) về Hải Phòng trong thời tiết rét cắt da cắt thịt, không may khi vừa vượt được qua sông thì cả đoàn rơi vào ổ phục kích của địch. Trong thời khắc ngàn cân treo sợi tóc ấy, bà Hoa quyết định đánh lạc hướng bằng cách dụ địch về phía mình để đoàn cán bộ thoát khỏi vòng vây.

Có một kỷ niệm nữa mà cho đến bây giờ, không chỉ ông Linh mà nhiều cán bộ lão thành của Ty Công an Hải Phòng ngày ấy và người thân của họ vẫn còn nhớ và biết ơn bà Hoa. Đó là vào năm 1950, khi Ty Công an Hải Phòng chuyển từ Hải Phòng lên chiến khu thì còn hơn 20 người là vợ con của cán bộ Ty bị mắc lại. 

Để tránh địch truy bắt, lãnh đạo Ty đã giao nhiệm vụ cho bà Hoa đưa số gia đình cán bộ đó lên vùng tự do Liên khu 3. Tuy nhiên, khi đoàn vừa vượt qua Quốc lộ 5 thì bị địch bắt, gom vào một khu đồn trú do lính Pháp canh giữ. 

Nhờ thông thạo đường khu vực này vì đã nhiều lần đưa cán bộ qua đó, hơn nữa qua nhiều lần quan sát, theo dõi quy luật của địch, biết lính canh chỉ chú ý vào khu vực tối nên ngay trong đêm hôm đó, nữ điệp báo Vũ Thị Hoa đã đánh lạc hướng được bọn lính canh, đưa mọi người trốn thoát, vượt sông đến vùng tự do an toàn.

Sau lần ấy còn nhiều lần cán bộ của Ty Công an Hải Phòng bị địch vây ráp, chặn cửa hang ở khu vực núi đá Trại Sơn, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên (một trong những căn cứ của Ty Công an Hải Phòng). Sau hàng chục ngày chúng vẫn không chịu rút, đến khi hết lương thực, nước uống, bà Hoa đã liều mình vượt vòng vây địch trong đêm tối xuống núi, vào cơ sở trong dân để lấy lương thực, nước uống cho cán bộ...

Nhắc lại chuyện xưa, Đại tá Hoàng Xuân Lâm, 92 tuổi, nguyên Trưởng Ty Công an Kiến An, nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng, người một thời sống, chiến đấu cùng mặt trận với bà Vũ Thị Hoa, kể rằng thời kỳ đó trong số rất nhiều giao thông viên trong Ban Điệp báo Công an Hải Phòng thì bà Hoa là một người được lãnh đạo rất tin tưởng. Nhờ thông thuộc địa bàn, lại chịu khó nghiên cứu quy luật hoạt động của địch nên dù nhiều lần bị địch phục kích, bao vây nhưng Vũ Thị Hoa đều thoát, bảo vệ được cán bộ và không để tài liệu rơi vào tay địch.

Sau ngày miền Bắc giải phóng, bà Vũ Thị Hoa về làm Trưởng ban, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên. Sau đó là Tổ trưởng Công đoàn Xí nghiệp gạch ngói Quỳnh Cư, Hải Phòng. Lại những ngày tháng vất vả, khó khăn thời bao cấp, nhà đông người, ông bà đã gắng hết sức để nuôi dạy 4 người con gái và cả gia đình bên nội. 

Năm 1966, do yêu cầu nhiệm vụ, bà trở lại ngành Công an và công tác tại Đội bảo vệ kinh tế, Phòng 57, Công an TP Hải Phòng. Rồi làm quản giáo Trại Tạm giam Kiến An (Gốc Thị). Từ năm 1972, bà công tác thời gian dài tại Phòng Tổ chức cán bộ Công an thành phố đến khi nghỉ hưu (1986).

Bà Vũ Thị Hòa (đứng ngoài cùng bên phải, hàng đầu) tại Đại hội phụ nữ Công an Hải Phòng lần thứ VII (Ảnh tư liệu gia đình)

Những năm làm cán bộ chính sách chăm sóc các gia đình có người thân Công an chi viện cho chiến trường B,C,K, với chiếc xe đạp cũ kỹ, bà Hoa đã len lỏi khắp thành phố, lúc thì chuyển thư gửi về từ chiến trường, lúc thì chuyển lương của cán bộ cho gia đình, lúc đến tận nhà thăm hỏi, động viên. Bởi bà Hoa hiểu hơn ai hết một cử chỉ nhân văn của bà và Công an thành phố lúc này sẽ có sức động viên khích lệ lớn đối với người ở hậu phương và người ra tiền tuyến. Nhiều năm sau khi bà đã nghỉ hưu, nhiều gia đình vẫn nhớ về bà với cử chỉ ân cần, ấm lòng ấy…

Khi công tác ở Trại tạm giam, có hôm thấy trời nóng bức quá, bà Hoa đề xuất lãnh đạo trại mở cửa cho những phụ nữ đang bị tạm giam ra ngoài một thời gian để hưởng gió trời. Một đồng chí lãnh đạo băn khoăn, nhỡ họ lợi dụng thời cơ trốn thì sao? Bà Hoa khảng khái: “Tôi sẽ dùng cái tâm để thuyết phục họ, nếu họ trốn tôi xin chịu trách nhiệm”. Tin bà, lãnh đạo trại tạm giam đồng ý. 

Bà vào phòng giam nói với cả phòng: “Tôi đã xin bảo lãnh cho mọi người ra ngoài cho thoải mái một chút, đề nghị mọi người hứa với tôi là không được trốn, nếu trốn tôi sẽ bị kỷ luật”. Mọi người rất vui, “ơn của quản giáo chúng tôi nhớ, chúng tôi sẽ tự quản để không làm mất ơn của chị”, và tất cả họ đã giữ lời hứa với cán bộ quản giáo.

Dù chuyển nhiều đơn vị, làm nhiều công việc khác nhau, nhưng bà Hoa đã cố gắng học hỏi, học tập nâng cao trình ðộ nên bất cứ việc gì, ở đâu bà cũng làm với tinh thần và hiệu quả công việc tốt nhất, được mọi người tin yêu.

Nhiệt tình với công việc, nhưng bà Hoa luôn cố gắng làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ đảm đang. Những năm giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, Hải Phòng là một trong những trọng điểm đánh phá, cả hai ông bà đều bận công tác. Để đảm bảo an toàn cho các con, ông bà phải đưa con đi sơ tán về quê ở nhờ nhà ngoại và họ hàng trông giúp. 

Ông bà tâm niệm dù khó khăn đến mấy cũng phải nuôi các con ăn học nên người. Trong số 5 người con của ông bà, có 3 người con gái theo nghiệp mẹ trở thành những cán bộ Công an tiêu biểu. Hai người con rể là những cán bộ cấp cao trong ngành Công an. Người con rể thứ hai của bà hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Nhắc lại những kỷ niệm về mẹ, chị Trần Thị Doan, con gái thứ 3 của bà Hoa, nguyên cán bộ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an Hải Phòng, kể rằng vào khoảng năm 1966, giặc Mỹ đánh phá ra miền Bắc và Hải Phòng, lúc đó 4 chị em, lớn nhất 11 tuổi, bé nhất mới lên 5 sơ tán về quê, bố mẹ đều ở nội thành công tác thỉnh thoảng mới về với các con, mẹ vất vả lắm…

Còn anh Trần Văn Nam, con trai út của bà Vũ Thị Hoa, vẫn không quên những ký ức một thời trẻ thơ: “Khi còn nhỏ, em nhớ nhà em phải chuyển đi chuyển lại nhiều nơi, có những nơi rất phức tạp nhưng bố mẹ và các chị luôn quan tâm, dạy dỗ em thường xuyên, nhất là mẹ, vì mẹ sợ em là con út nên dễ hư hỏng... Khi em học hết cấp 3, bố mẹ em đã động viên em thi vào trường quân đội. Mẹ bảo con vào quân đội sẽ có điều kiện rèn luyện tốt hơn... Em nghe mẹ đã thi đỗ vào Trường sỹ quan đặc công...”.

Năm 1986, bà Hoa về nghỉ hưu với quân hàm đại úy. Hơn 10 năm bị bệnh tai biến không thể đi lại được, nhưng đầu óc còn minh mẫn, trò chuyện với đồng đội cũ hay nghe tin qua truyền hình, bà vẫn thăm hỏi, quan tâm đến mọi người, đồng nghiệp, người thân và con cháu. Ở tuổi 90, với 68 tuổi Đảng, bà thanh thản vĩnh biệt cõi trần vì biết mình đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng.

Văn Thịnh
.
.
.