Chuyện nghề của những giảng viên trẻ trong lực lượng CAND

Thứ Tư, 20/11/2019, 21:43
Công việc của một phóng viên theo mảng giáo dục giúp tôi có cơ hội gặp nhiều nhà giáo ở các trường đại học trong và ngoài lực lượng Công an. Họ luôn là những nhân vật mang lại cho tôi những cảm xúc mới mẻ khi được nghe những tâm sự về nghề.

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 này, tôi muốn viết về hai giảng viên trẻ của Học viện Chính trị CAND, những người luôn tận tâm với nghề, nỗ lực miệt mài vì các thế hệ học viên và đã đạt thành tích xuất sắc trong giảng dạy.

Giáo viên phải giảng những gì học viên cần

Tôi luôn tâm niệm, những gì phụ nữ làm được như nam giới thì thường họ phải cố gắng gấp nhiều lần. Quả thật nhìn vào những "dòng trích ngang" về thành tích của Đại úy Vũ Việt Hà, giảng viên Bộ môn Pháp luật và Nghiệp vụ Công an của Học viện, tôi thực sự khâm phục Việt Hà. 

Trước khi về công tác tại Học viện Chính trị CAND (năm 2016), Vũ Việt Hà công tác tại Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia và từng nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở và từng đạt giải Nhất Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Học viện năm 2014. 

Khi chuyển về Học viện Chính trị CAND, Đại úy Vũ Việt Hà đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành Luật học vào năm 2017. Cô giáo Việt Hà đã đạt giải Nhì Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ các học viện, trường đại học CAND năm học 2018-2019 và đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở năm học 2018-2019.

Đại úy Vũ Việt Hà còn chia sẻ rằng, giờ mục tiêu giảng dạy đã thay đổi, tức là lấy người học làm trung tâm nên giáo viên phải giảng dạy những gì học viên cần. Vì vậy, trước khi lên lớp, cô đều phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ đối tượng học viên là ai (sinh viên chính quy hay học viên các hệ đào tạo bồi dưỡng chức danh, đào tạo trung cấp lý luận chính trị, cao cấp lý luận chính trị…). 

Với mỗi đối tượng học viên khác nhau, cô sẽ có cách tiếp cận và sử dụng phương pháp giảng dạy khác nhau nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, cô còn tìm hiểu tâm lý của học viên, lắng nghe học viên, tăng cường sự trao đổi, thảo luận, khuyến khích học viên tham gia vào bài giảng.

Cô giáo Vũ Việt Hà trong giờ lên lớp.

Tham gia giảng dạy bộ môn Pháp luật nghiệp vụ nên Vũ Việt Hà luôn tìm hiểu cập nhật các tin tức thời sự mới nhất về các vấn đề liên quan tới tình hình an ninh trật tự trong nước và thế giới để trao đổi với học viên; chuẩn bị các tình huống liên quan đến nội dung bài giảng để học viên đóng vai và cùng thảo luận để đưa ra cách giải quyết. Cô còn sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực hoặc các trò chơi sư phạm để thu hút sự tham gia của tất cả các thành viên trong lớp nhằm tạo không khí thoải mái và sự hứng khởi cho học viên.

Kiên trì theo phương pháp đổi mới đó, Vũ Việt Hà luôn để lại dấu ấn trong các kỳ thi giảng viên dạy giỏi. Tham dự kỳ thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ Công an được tổ chức vào tháng 4-2019 vừa qua, Việt Hà phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng từ một năm trước; hồ sơ bài giảng được chỉnh sửa và cập nhật mới qua mỗi Hội đồng thi dạy giỏi các cấp, từ cấp Khoa, cấp Học viện, sau đó, hồ sơ sẽ được số hóa một cách khoa học, dễ sử dụng, kết nối với bảng tương tác thông minh để trình chiếu. Mỗi giảng viên phải giảng đi giảng lại rất nhiều lần trước hội đồng các cấp để nghe ý kiến đóng góp cả về nội dung lẫn phương pháp giảng dạy. 

Tại hội thi, cô đã có hai bài giảng: "Thực hiện pháp luật và áp dụng pháp luật" và "Quy phạm pháp luật và quan hệ pháp luật". Hội đồng đánh giá bài giảng của Vũ Việt Hà có hồ sơ được chuẩn bị đầy đủ, công phu, khoa học, dễ tiếp cận, dễ sử dụng. 

Phần thực hành bài giảng, cô được đánh giá có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực giảng dạy, sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy truyền thống và các phương pháp giảng dạy tích cực để truyền đạt nội dung bài giảng, giảng viên biết cách thu hút sự tham gia của học viên trong quá trình thực hiện bài giảng; biết cách làm nổi bật những nét đặc thù khi giảng dạy học phần pháp luật trong môi trường Học viện Chính trị CAND. Kết quả, Ban Giám khảo đã trao giải Nhì cho Vũ Việt Hà tại một sân chơi trí tuệ và tiêu chí cũng hết sức khắt khe.

Người thầy là "người phục vụ" bằng trí tuệ

Thiếu tá, Tiến sĩ Tạ Thành Chung - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước có 14 năm giảng dạy và đã đạt được nhiều thành tích đáng nể phục. Thầy đã từng nhiều năm đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp Bộ và Chiến sĩ Thi đua cơ sở; đồng thời thầy còn chủ nhiệm và bảo vệ thành công 1 đề tài cấp cơ sở, 1 đề tài cấp Bộ. 

Nhiều đồng nghiệp ở Học viện Chính trị CAND đều cảm mến Tạ Thành Chung bởi ở thầy là một phong thái chững chạc, tin cậy và đặc biệt, thầy có khả năng thuyết trình bằng một giọng nói truyền cảm nên tiết học của thầy luôn lôi cuốn học viên. 

14 năm đứng trên bục giảng, vui buồn với nghề, trưởng thành cùng với nghề giáo càng làm cho Tạ Thành Chung yêu công việc của mình hơn. Hiện thầy đang tham gia giảng dạy hệ chính quy tập trung, văn bằng hai, cao cấp lý luận chính trị và bồi dưỡng chức danh… Thầy Tạ Thành Chung còn chủ trì và tham gia biên soạn nhiều giáo trình về chuyên ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước.

Thầy giáo Tạ Thành Chung quan niệm nghề giáo là nghề thiêng liêng nhưng bình dị.

Thầy Tạ Thành Chung tham gia giảng dạy các môn thuộc khoa học chính trị, chuyên ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước. Đây là một chuyên ngành khó, để bài giảng mang lại hứng thú cho người học thì kiến thức lý luận cũng như thực tiễn của người thầy phải thật vững, chuyên sâu. Thầy cho rằng giáo dục đang đổi mới mạnh mẽ, vì vậy, giảng viên phải luôn nghiên cứu, bổ sung, cập nhật những nội dung, kiến thức mới vào bài giảng.

"Khi lên lớp, tôi quan niệm, không chỉ là "một người thầy" lên lớp mà còn là "một người phục vụ những người đặc biệt". Mà đã là phục vụ thì phải phục vụ bằng trí tuệ, bằng sự nhiệt huyết", thầy giáo Tạ Thành Chung chia sẻ. Từng tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ, thầy giáo Chung đã bốc thăm được bài giảng "Thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng" thuộc học phần Xây dựng Đảng về tổ chức. 

Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lại có kĩ năng sư phạm chuyên nghiệp, bài giảng của thầy đã được Ban Giám khảo đánh giá rất cao. Với những người cầu thị, ham học hỏi như thầy giáo Tạ Thành Chung, mỗi một lần tham gia giáo viên dạy giỏi, thầy lại trưởng thành thêm rất nhiều, vì ngoài những lời khen, thầy còn nhận được những góp ý sâu sắc, cụ thể của Ban Giám khảo.

Thầy giáo Tạ Thành Chung kể, thú vị nhất là khâu thực hành giảng, lần đầu tiên thầy được giảng một lớp mà có nhiều thành phần, gồm cả học sinh, đại biểu, đồng nghiệp, nhất là Ban Giám khảo là lãnh đạo Tổng cục Chính trị CAND, lãnh đạo Cục Đào tạo ngồi nghe. Nhưng vượt qua được sự lo lắng ban đầu đó, bằng sự hiểu biết sâu rộng, cập nhật nhiều kiến thức thực tiễn, Tạ Thanh Chung đã hoàn thành bài giảng xuất sắc. 

"Trước mắt và tương lai tôi tiếp tục học tập nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học, rèn luyện tư cách đạo đức của một người giáo viên CAND, đổi mới phương pháp giảng dạy làm sao sau mỗi lần lên lớp học viên và lớp học trân trọng mình hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người chiến sĩ trên bục giảng", thầy giáo Tạ Thành Chung trải lòng…

Thu Phương
.
.
.