Chuyện người chở đá xây đảo Trường Sa

Thứ Ba, 01/11/2011, 14:42

Có một người đàn ông - một quân nhân - một thương binh được người đời ví von như một vị "Bồ Tát sống" trong thời chiến cũng như giữa thời bình. Ông là Võ Văn Thiêm - người từng tham gia chở đá ra xây đảo chìm Đá Đông (quần đảo Trường Sa) để bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Một tấm gương sáng của Đảng, Nhà nước đã tự nguyện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Em suốt 14 năm qua.

 

Ký ức chở đá ra xây đảo chìm Đá Đông

Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, chúng tôi tìm về quê lúa xã Lý Thành (huyện Yên Thành - Nghệ An) gặp ông Võ Văn Thiêm. Năm nay đã ngoại lục tuần nhưng ông vẫn rất phong độ và đĩnh đạc trong cách ăn mặc, hành động lẫn lời nói. Tiếp chúng tôi ngay bên bàn trà, giữa một không gian thoáng đãng của vườn cây cảnh cổ thụ trị giá hàng chục tỷ đồng, ông cười bảo: "Cuộc đời Nha (tôi) như một bài ca, với biết bao kỷ niệm thăng, trầm theo diễn trình của lịch sử - xã hội".

Trong câu chuyện kể về việc chở đá xây đảo Đá Đông, dường như mọi cảm xúc của cái lần đầu tiên được đặt chân lên vị trí đặc biệt, thiêng liêng thuộc chủ quyền Tổ quốc Việt Nam đều ùa về vẹn nguyên như một ký ức sống bất diệt. Đảo Đá Đông, nơi ông Thiêm kể, thuộc cụm Trường Sa trong quần đảo Trường Sa. Đảo là một vành đai san hô chìm dưới mặt nước biển, nằm ở vĩ độ 08049'42''N và kinh độ 112035'48''E, khi thủy triều Trường Sa xuống còn 0,4m - 0,2m thì đảo mới nhô lên khỏi mặt nước.

Đảo Đá Đông là lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn phía Đông của các tỉnh Nam Trung bộ. Đảo có thể phối hợp với các đảo trong cụm và quần đảo Trường Sa tạo thành thế trận liên hoàn chống lại sự xâm chiếm của các lực lượng nước ngoài. Ông Thiêm bộc bạch: "Suốt gần 10 ngày ở trên đảo, tôi càng thấm thía về ý nghĩa của việc giữ vững chủ quyền biển trời của Tổ quốc. Dù đảo thực chất chỉ là một mỏm san hô nhỏ lấp xấp giữa biển khơi, nhưng đó là mốc chủ quyền lãnh thổ. Càng hiểu và khâm phục, biết ơn những hi sinh, cống hiến của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo đang ngày đêm chịu bao gian khổ để xây dựng, canh giữ biển trời Tổ quốc".

Theo ghi nhận từ ông Thiêm, do đảo san hô chìm dưới nước biển nên để bảo đảm cho lực lượng hải quân ăn ở, sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ, công binh Hải quân đã xây dựng trên bãi san hô Đá Đông các nhà kiên cố. Chuyến tàu chở đá ra đảo mà ông Thiêm tham gia là để phục vụ việc xây dựng đó. Con tàu Sông Dinh của các ông xuất cảng Nha Trang tháng 2/1993 với 400 tấn đá hướng ra đảo Đá Đông. Con tàu này tiền thân là chiếc tàu Yên Thành 02 của Công ty Vận tải huyện Yên Thành. Tàu có trọng tải 400 tấn, đi vận tải trong nước và khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Năm 1988, con tàu này bị tai nạn tại cảng Quy Nhơn. Để thực hiện ý định chở đá ra xây đảo Đá Đông, ông Thiêm cùng 3 đồng chí là Phan Văn Du, Phan Văn Điền và Hồ Sĩ Nga đã tiến hành trục vớt con tàu, rồi thương lượng với huyện Yên Thành bán lại với giá 150 triệu đồng. Sau khi trục vớt thành công, các ông đưa tàu vào cảng 46 Hải quân sửa và đổi tên tàu thành "Sông Dinh". Năm 1991 - 1992, ông Thiêm liên doanh với Học viện Hải quân để dùng tàu chở đá ra xây đảo Trường Sa. "Nghĩ lại thấy cũng lạ, Yên Thành là một huyện lúa, cách xa biển tới hơn 30km, vậy mà thời đó lại có tàu biển với trọng tải 400 tấn, nhưng điều lạ đó cũng thể hiện phần nào sự năng động của con người quê lúa chúng tôi", ông chia sẻ.

Trong quãng thời gian hoạt động trên biển, tàu Sông Dinh đã chở rất nhiều chuyến đá ra đảo Sinh Tồn, đảo Sơn Ca, đảo Song Tử Tây… Nhưng chuyến ra đảo Đá Đông là chuyến đi để lại nhiều ấn tượng nhất với ông Thiêm. Ngay từ khi xuất phát tại cảng Nha Trang, 16 thuyền viên đã dào dạt tình cảm cùng thư, quà của người thân gia đình gửi ra cho lính đảo. Chuyến tàu chở nặng tình cảm hướng đảo Đá Đông thẳng tiến. Sau 3 ngày 2 đêm tàu mới tới đảo. Tàu phải neo cách cái chòi nhỏ giữa mênh mông sóng biển mà mọi người gọi là đảo Đá Đông khoảng 300m. Ở trên tàu, ông Thiêm và những người lần đầu tiên ra đảo không thể tin nổi đó là đảo.

Ông Thiêm bồi hồi: "Chỉ khi thực sự đặt chân lên nền bê tông được xây đắp trên rạng san hô chìm giữa mênh mông sóng biển, khi được nắm từng cái bắt tay thấm đậm mặn mòi biển cả của lính đảo, tôi mới dám tin mình đang đứng trên đảo, khi đó mới hiểu thế nào là đảo chìm".

Đá được xếp lên chiếc xuồng nhỏ và kéo vào đảo từng chuyến một. Phải mất hơn 1 tuần đá trên tàu mới được bộ đội công binh chuyển hết vào đảo nên ông Thiêm có cơ hội ở lại trên đảo gần 10 ngày. Ông Thiêm nhớ lại: "Có 10 ngày đó mà cuộc đời tôi đầy thêm rất nhiều. Tuy là rất khó khăn vất vả nhưng ở nơi đảo chìm này, cuộc sống hiện hữu mạnh mẽ, đầy ý nghĩa".

Để xây dựng được những nơi đứng chân trên đảo chìm, cần biết bao công, của, tâm huyết của cán bộ, lính đảo và nhân dân cả nước. Mỗi mét vuông được xây lên tại đây, lãnh thổ Việt Nam thêm vững chãi, rộng dài hơn. Mọi cán bộ, lính đảo đều ý thức cao tinh thần trách nhiệm và tận dụng tất cả diện tích có thể, dù chỉ là 1cm để tăng gia sản xuất. Vì thế nên dù rất chật hẹp nhưng trên đảo vẫn có hàng chục con gà, ngan, vịt, lợn, chó. Rau xanh thì có muống, dền, sam, cải…

Chắc bởi ở đảo chìm nên gia súc gia cầm ăn ở với nhau rất hòa thuận. Rau xanh sống trong các thùng đất nhỏ được các chiến sĩ chăm chút cẩn thận bởi ngoài cái nắng gió khắc nghiệt và hơi mặn từ nước biển thì chỉ cần một cơn sóng tung bọt nước biển lên cao đổ xuống cũng đủ làm rũ chết cả vườn rau. Mỗi lần có sóng như thế các chiến sĩ lại phải vất vả che chắn, lượng nước ngọt ít ỏi sử dụng hàng ngày cũng được các anh dự trữ lại để tưới rau.

"Tuy thiếu thốn về vật chất nhưng các chiến sĩ đảo chìm sống với nhau vui khỏe lắm, tinh thần họ dạt dào như biển cả vậy" - ông Thiêm cười nói.

Nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu với lính đảo chìm là luôn sẵn sàng chiến đấu, cảnh giác theo dõi, ghi nhận mọi động tĩnh trên biển, lính đảo chìm không có lấy một ngày nghỉ. Bởi có đảo, có các anh mà ngư dân ta có chỗ dựa tin cậy khi đánh bắt hải sản gần đấy. Đảo luôn là nơi tìm đến của bà con ngư dân mỗi khi gặp khó khăn. Khi đá đã được chuyển hết lên đảo, tàu trở về lại chở nặng những tình cảm, ấn tượng, kỷ niệm không bao giờ quên về đảo chìm, về lính đảo, chở nặng những tâm tư, nhắn gửi của các chiến sĩ Trường Sa về đất liền. Từ đó tới nay đã gần 20 năm rồi nhưng những kỷ niệm đó vẫn luôn sống động trong tâm trí những thuyền viên tham gia chuyến đi năm đó.

Ông Thiêm trải lòng: "Tôi thấy mình rất may mắn và tự hào vì đã được ở nhiều ngày trên đảo chìm Đá Đông. Được nghe tiếng gà gáy sáng giữa mênh mông sóng biển, được ăn rau lính đảo trồng trong các giỏ đất đem ra từ đất liền, được hòa cùng tiếng cười với bộ đội hải quân nơi đảo chìm thiêng liêng của Tổ quốc, tôi cảm giác như mình được sống thêm một cuộc đời nữa vậy".

"Bồ Tát sống" giữa đời thường

Tháng 6/1993, sau khi bàn giao tàu Sông Dinh lại cho trường Hải quân tập luyện, ông Thiêm trở về quê nhà, tiếp tục nhận 100 ha đất rừng để thực hiện chủ trương "phủ xanh đất trống đồi núi trọc". Là một quân nhân - một thương binh hạng nặng, nhưng ông luôn là tấm gương điển hình về làm kinh tế, một thương binh tàn nhưng không phế. Chỉ sau 4 năm, 100 ha đất rừng đã được phủ dày cây xanh. Năm 1997, ông vinh dự đại diện cho các hộ trồng rừng điển hình của tỉnh Nghệ An được Đảng, Nhà nước trao tặng bằng khen.

Năm 1996, Đảng và Nhà nước phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, ông Thiêm đã tự nguyện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Em suốt 14 năm (từ năm 1996 - 2009). Mẹ Nguyễn Thị Em quê ở xã Bảo Thành (huyện Yên Thành - Nghệ An), mẹ có chồng và hai con là liệt sĩ, hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ trước cách mạng, nhà mẹ Em là điểm căn cứ hoạt động cách mạng của bộ đội ta. Hòa bình lập lại, đất nước hoàn toàn thống nhất, chồng và hai con vĩnh viễn không quay trở về, mẹ Em phải sống tủi hờn, tần tảo quanh năm, suốt tháng. Từ đó, ngôi nhà mẹ Em là trụ sở giúp Công an xã, huyện làm việc.

Cảm thương hoàn cảnh của mẹ, năm 1996, ông Thiêm tới đón mẹ Em về chăm sóc, phụng dưỡng mẹ. Với ông, được đón mẹ về nhà để ngày ngày chăm sóc, chuyện trò là một hạnh phúc lớn của gia đình ông. Ông cũng xem đấy là bổn phận của mình đối với người mẹ tần tảo sớm phải thờ phụng chồng và 2 con là liệt sĩ đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để bảo vệ Tổ quốc. Đấy cũng là trách nhiệm, là nghĩa tình của ông đối với đồng đội đã từng vào sinh ra tử qua một thời đạn lửa.

Năm 2008 tại nhà ông Thiêm đã diễn ra một sự kiện quan trọng, thu hút đông đảo người dân và chính quyền địa phương đến chúc mừng. Đó là lễ tổ chức mừng thọ cho cả đại gia đình, trong đó có mẹ Em. Ông Thiêm chia sẻ: "Sở dĩ tôi tổ chức mừng thọ cho cả đại gia đình gồm mẹ Em và 2 ông chú cùng anh trai là để gắn kết tình cảm thêm phần sâu đậm. Tôi và gia đình xem mẹ Em như một người mẹ ruột, người thân trong gia đình". Năm 2008, sau khi tổ chức lễ mừng thọ mẹ Em tròn 85 tuổi, ông Thiêm đã cõng mẹ Em đi khắp đường làng, ngõ xóm - hình ảnh cảm động chưa từng có ở một vùng quê nghèo. Cuối năm 2009, mẹ Em mất, ông Thiêm tiếp tục thờ phụng mẹ ngay tại nhà.

Năm nay ông Thiêm bước qua tuổi 62, ngày ngày ông vui thú điền viên tại quê nhà. Hiện ông đang sở hữu 100 ha đất rừng và chăm sóc một khu vườn với hàng trăm cây cảnh cổ thụ. Đặc biệt, trong vườn có một cây hoa sữa có niên đại từ 6-7 thế kỷ. Theo đánh giá của các nhà sinh học tỉnh Nghệ An và chuyên gia cây cảnh nước Lào thì đây là cây cảnh độc nhất vô nhị. Trên thân cây hoa sữa, phác họa hai hình con gấu, hình con hổ, cái vòi voi và một cái đầu rồng ôm lấy thân cây. Còn theo nhận định từ ông Thiêm, cây hoa sữa này còn gắn liền với sự tích về ông Tạc Bảy - một doanh nhân nổi tiếng ở vùng quê huyện Đô Lương (Nghệ An), người có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1895. Sau 98 năm người dân mới đào được hài cốt ông đưa về quê lúa xã Lý Thành - kề bên cây hoa sữa độc nhất vô nhị về niên đại và hình dáng nghệ thuật.

Hiện cây cảnh độc nhất vô nhị này ông đang tổ chức bán đấu giá để lấy tiền làm từ thiện. Theo thông tin ban đầu, cây hoa sữa này đã có người mang chiếc xe ôtô Mercedes trị giá hơn 2 tỷ đồng đến đổi, nhưng ông chưa đồng ý

Mạnh Hùng
.
.
.