Chuyện ông chủ nhỏ trở về từ bản án chung thân

Thứ Tư, 26/06/2013, 16:32

Anh là Lê Văn Chiến (40 tuổi) ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Anh từng bảo, đây là nơi đã sinh anh ra, nuôi dưỡng anh lớn lên và cũng là nơi anh trót nhúng chàm nên ngày trở về để làm lại cuộc đời, anh muốn đứng vững chính tại nơi mình đã ngã gục.

18 năm về trước, đời anh những tưởng đã bỏ đi khi bản thân trực tiếp gây ra cái chết cho một người khác, bị tòa tuyên phạt 18 năm tù giam. Để rồi, những tháng ngày đằng đẵng trôi qua sau song sắt nhà tù, anh đã có đủ thời gian để nhận ra giá trị thực của cuộc sống, nên gắng cải tạo tốt để về lại với xã hội.

Trở về, anh may mắn có được một tình yêu, hai vợ chồng bắt tay làm lại cuộc đời. Đến nay, sau hơn 4 năm kể từ ngày bước chân ra khỏi cánh cửa nhà giam, anh đã tạo dựng được một cơ sở mộc mỹ nghệ có tiếng cả một vùng đất nắng gió Quảng Bình.

Anh là Lê Văn Chiến (40 tuổi) ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Anh từng bảo, đây là nơi đã sinh anh ra, nuôi dưỡng anh lớn lên và cũng là nơi anh trót nhúng chàm nên ngày trở về để làm lại cuộc đời, anh muốn đứng vững chính tại nơi mình đã ngã gục. Bước qua mọi mặc cảm lỗi lầm của thân phận, anh Chiến đã biết cách tận dụng những kiến thức đã học được trong thời gian ở tù, vay thêm ít vốn để mở cơ sở đồ giỗ, mộc mỹ nghệ, một nghề còn tương đối mới mẻ so với vùng đất nghèo Đại Trạch. Song, nhờ sự táo bạo và hướng đi đúng đắn, đến giờ có thể khẳng định, anh đã thành công.

Lỗi lầm ngày quá khứ

Anh Lê Văn Chiến là con trai trong một gia đình khấm khá, lại được cưng chiều nên đã sớm học đòi thói cô chiêu cậu ấm. Cách đây tròn 20 năm về trước, khi vừa bước vào lứa tuổi đẹp nhất của đời người thì Chiến đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng, xuất phát từ sự bồng bột, hiếu thắng của tuổi trẻ.

Lần ấy, đang trong thời kỳ dùi mài kinh sử, chuẩn bị cho kỳ thi đại học thì một lần cùng lũ bạn đi chơi, nhóm của Chiến đã bị một nhóm thanh niên làng khác gây hấn. Hai bên quyết ăn thua đủ nên lao vào nhau quyết chiến. Do yếu thế hơn nên nhóm trai làng Chiến thua, phải tháo chạy tán loạn. Một gã cao to rượt Chiến đến bờ sông, đường cùng nên cậu quay lại, vơ đại hòn đá rồi lấy hết sức bình sinh ném gã này. Chẳng may, đá trúng chỗ hiểm, làm đối phương ngã xuống sông nên chết.

Bản án 18 năm tù đến với Chiến khi trước mắt anh còn rất nhiều dự định, hoài bão. “Ngày nghe tòa tuyên án, tôi đã ngã quỵ vì thất vọng. Phía dưới, bố mẹ tôi cũng phải có người dìu ra khỏi phòng dự khán vì quá đau đớn. Lúc ấy, tôi nghĩ thế là hết. 18 năm tù đằng đẵng, đã hoài phí đi bao nhiêu cơ hội của đời”, anh Chiến tâm sự.

Sau những ngày nằm tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình, một ngày đầu năm mới, anh Chiến được chuyển đến Trại giam Gia Trung nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Thời gian đầu, mặc cảm lỗi lầm nên Chiến sống thu mình, bất cần và luôn có thái độ bất hợp tác. Tuy vậy, sau một thời gian được cán bộ quản giáo động viên, chia sẻ, đặc biệt là bố mẹ và các em ở quê đã chẳng quản ngại đường sá xa xôi đều đặn vượt hàng trăm cây số vào thăm nuôi đã làm cho Chiến bình tâm suy nghĩ lại. Anh quyết tâm cải tạo tốt để được trại sớm hơn so với bản án 18 năm tù đằng đẵng, đó là con đường phục thiện ngắn nhất mà cán bộ quản giáo đã mách nước cho anh.

Vậy nên, từ một người tù ngang tàng, Chiến đã tu tâm cải tạo, ngoài việc học thêm văn hóa, anh còn được đào tạo thêm nghề chế tác gỗ mỹ nghệ và đây cũng chính là bước ngoặt, đã đưa cuộc đời Chiến sang trang mới ngay từ sau khi ra khỏi cánh cửa trại giam.

Tháng 2/2009, sau đúng 14 năm 8 tháng cải tạo trong trại giam, Lê Văn Chiến nhận được sự khoan hồng của pháp luật, do cải tạo tốt nên được giảm án và ra tù trước thời hạn. Ngày trở về, anh giấu mọi người nhưng không hiểu sao ngay khi vừa bước chân vào ngõ, anh đã bật khóc, mừng mừng tủi tủi khi thấy mọi người đã đứng chờ sẵn từ bao giờ, mâm cơm trong nhà nguội ngắt.

“Quãng thời gian từ sau khi mới ở trại về cũng thật bi đát. Dù đã tự hứa với bản thân phải hòa nhập thật tốt với mọi người, song những ánh mắt xét nét, dị nghị; những lời nói bóng gió xa xôi và cả những tình cảm thương hại thực sự đã khiến tôi rơi vào trạng thái trầm cảm, tự ti ghê gớm”, anh Chiến kể. Nhưng rồi bản thân anh đã may mắn thoát khỏi tâm trạng ấy một cách tình cờ, khi được chị Nguyễn Thị Nguyệt (27 tuổi), là người làng đem lòng yêu thương.

Chính Nguyệt đã kéo anh ra khỏi sự cô độc, bi quan để hòa nhập tốt với cộng đồng. Bất chấp gia đình cấm cản, họ hàng khuyên can và mọi người xầm xì, Nguyệt vẫn đến với anh bằng một thứ tình yêu mãnh liệt, cảm thông sâu sắc. Tháng 10/2009, đám cưới của anh chị đã diễn ra trong sự chúc phúc của hàng trăm người.

Ông chủ của cơ sở gỗ mỹ nghệ

Sau khi yên bề gia thất, việc đầu tiên Chiến nghĩ đến là phải làm gì đó, trước là để báo hiếu với thầy mẹ, sau là biết ơn tấm lòng của người vợ trẻ đã tin tưởng vào bản thân anh. Sẵn có chút kiến thức về chế tác gỗ mỹ nghệ học được từ những ngày còn ở trong trại giam, Chiến đã mạnh dạn đề xuất xin được vay ít vốn để đầu tư máy móc, trang thiết bị mở cơ sở mộc mỹ nghệ.

Đối với người dân Đại Trạch, đồ gỗ mỹ nghệ vẫn đang là một cái gì đó quá xa xỉ trong giai đoạn này, nhưng bằng kiến thức thu nạp được, anh Chiến tin tương lai mặt hàng này sẽ có chỗ đứng nên mạnh dạn đầu tư. Ban đầu, do ít vốn, lại chưa gây dựng được tiếng tăm nên Chiến chỉ nhận làm, gia công lại cho các cơ sở khác ở thành phố Đồng Hới.

Vừa làm, bản thân anh vừa tranh thủ học tập nâng cao tay nghề, đồng thời tự sáng tạo, tìm tòi ra những mẫu vật mới để thổi hồn vào sản phẩm của mình. Với sự khéo léo, tỉ mẩn và đặc biệt là sự sáng tạo trong từng sản phẩm nên chẳng mấy chốc, các mặt hàng do bản thân anh tự tay làm đã được nhiều người biết đến và ưa chuộng.

Một số tác phẩm của anh Chiến.

Có chút vốn và ít kiến thức bên mình, anh Lê Văn Chiến đã dần dà gây dựng được cho mình một cơ sở sản xuất có quy mô tầm cỡ ở vùng đất nghèo Bố Trạch. Khách hàng, thương lái tìm đến cơ sở của anh ngày một đông hơn, họ chuộng sản phẩm của anh Chiến bởi nó không chỉ được chạm khắc tỉ mẩn mà với sự sáng tạo bay bổng của người chủ nhỏ, mỗi sản phẩm của anh Chiến đều có giá trị nghệ thuật cao.

Chẳng mấy chốc, tiếng lành đồn xa, nhiều người từ các nơi xa xôi cũng đã lặn lội tìm đến để đặt hàng. Để đáp ứng nhu cầu, Chiến đã mạnh dạn mở rộng quy mô, tạo công ăn việc làm cho nhiều công nhân khác trong vùng. Anh bảo, thời gian qua, có nhiều người đến xin học việc, anh rất sẵn lòng chỉ bảo với tất cả sự hiểu biết của mình.

Gương sáng ở cộng đồng

Đại tá Trần Văn Tùng, Trưởng Công an huyện Bố Trạch cho chúng tôi biết thêm về trường hợp của Trần Văn Chiến. Theo Đại tá Tùng, chuyện về những người lầm lỗi hoàn lương trên địa bàn không ít, thế nhưng với cá nhân anh Chiến thì đó là một trường hợp đặc biệt bởi thông thường, những người có án dài thường mất phương hướng sau khi về lại cộng đồng bởi thời gian ở trại giam quá lâu. Song, anh Lê Văn Chiến, sau gần 15 năm ở tù, ngay khi trở về đã bắt tay gây dựng kinh tế. Chỉ mới 4 năm kể từ ngày được trở về, bằng bàn tay và khối óc của mình, Chiến không những tạo dựng được kinh tế vững mạnh, mà còn xây cho mình tổ ấm gia đình hạnh phúc, với người vợ trẻ và đứa con gái 3 tuổi xinh xắn.

Điều đặc biệt hơn nữa là Chiến rất quan tâm đến vấn đề đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Những đứa trẻ có biểu hiện lệch lạc trong lối sống, anh Chiến chấn chỉnh ngay để không sa vào những sai lầm như bản thân mình đã từng mắc phải trong quá khứ. Những người được anh tạo công ăn việc làm, đều có hoàn cảnh khó khăn, hoặc những thanh niên không có việc làm, anh thu nạp về, dạy cho cách làm việc, và nuôi ăn ở, trả lương sòng phẳng mỗi tháng thông qua cha mẹ các em chứ Chiến không bao giờ mang tiền cho mấy đứa.

Tại thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này, cơ sở của anh Chiến có 3 công nhân đang miệt mài làm việc. Một trong số đó là anh Phạm Hữu Thiết, quê ở Lệ Thủy. Anh Thiết chính là người bạn tù ở Trại giam Gia Trung với anh Chiến ngày nào. Không may mắn như Chiến, anh Thiết từ trại giam trở về đã mất tất cả, vợ đi lấy chồng, con cái tha phương, nhà cửa vườn tược bị bán từ lâu nên anh bơ vơ ngày trở về. Biết tin, sợ những ngày tháng không gia đình sẽ lại đưa Thiết trở về với con đường tội lỗi, anh Chiến đã tìm gặp và đưa về nhà mình, tạo công ăn việc làm cho người bạn tù một thời nông nổi.

Anh Lê Văn Chiến cho biết thêm, hiện còn khó khăn, anh chưa có điều kiện thuê nhà xưởng để hoạt động mà mới chỉ tận dụng mảnh vườn của bố mẹ để làm việc. sau này, có thêm đồng vốn anh sẽ mở rộng cơ sở, nhận nhiều lao động vào làm việc hơn, đặc biệt là với những người đã từng một thời lầm lỡ để giúp họ quên đi quá khứ của mình.

Hiện, trong phòng khách cũng là nơi làm việc của anh Lê Văn Chiến còn trưng bày hai tác phẩm khá bắt mắt với tên gọi “Anh hùng hội ngộ” và “Lương tri”. Anh cho biết, đó là hai tác phẩm đầu tay, anh rất tâm huyết, dù nhiều người đã hỏi mua với giá cao nhưng anh quyết tâm giữ lại để vừa làm kỷ niệm, vừa nhắc nhở chính mình và mọi người luôn biết nhớ về một thời đã qua, bất luận quá khứ ấy hoặc tốt hoặc xấu, để sống tốt hơn cho hiện tại và tương lai”

Thành Thảo
.
.
.