Chuyện tình của một cô giáo bị ung thư

Thứ Năm, 14/03/2013, 16:40

Đối với Khánh Thương, một ngày còn được sống trên cuộc đời này là một ngày ý nghĩa, bởi bên cạnh cô luôn có tình yêu của chồng và những công việc thiện nguyện mà cô đang dang dở...

Cô gái bé nhỏ, giảng viên ngành truyền thông Khoa báo chí Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu năm 2012 của Hà Nội đang từng ngày chống chọi với căn bệnh ung thư vú đã di căn vào xương. Nhưng đối với Khánh Thương, một ngày còn được sống trên cuộc đời này là một ngày ý nghĩa, bởi bên cạnh cô luôn có tình yêu của chồng và những công việc thiện nguyện mà cô đang dang dở...

Mối tình từ bên kia bán cầu

Căn phòng nhỏ khu chung cư Hạ Đình, nơi Khánh Thương và người chồng mới cưới thuê tạm, ngổn ngang sách, thuốc và... hoa. Hình như vẫn còn dư âm của ngày cưới. Tôi thoáng chút ngạc nhiên. Bên cạnh Thương là một chàng trai nước ngoài cao to và nhã nhặn. Thương nhỏ nhẹ, đây là Aaron, chồng em, người Australia. Thương vừa lấy chồng. Cô gầy đi nhiều, giọng yếu và mệt hơn. Nhưng trong mắt Thương vẫn lấp lánh hạnh phúc khi bên cạnh cô luôn có một người đàn ông yêu thương và chia sẻ.

Thương bảo, đôi lúc cô không tin vào hạnh phúc của mình. "Có lẽ em là bệnh nhân may mắn nhất thế giới khi em không phải đi một mình trong hành trình dài và nhọc nhằn này". Thương gặp Aaron trong chuyến du học ở Australia cách đây gần bốn năm. Tình yêu từ sự đồng cảm chia sẻ của một chàng trai lớn lên trong gia đình có nhiều gắn bó với Việt Nam và hiểu Việt Nam.

Nhưng rồi Thương phát hiện mình mang trọng bệnh. Ngày 20/10/2012, bác sĩ kết luận cô bị ung thư vú giai đoạn 2. Giữa tháng 11/2012, Thương sang Australia để phẫu thuật. Và cô thực sự suy sụp khi nhận được tin, căn bệnh ung thư của Thương đã di căn vào xương, chỉ có thể duy trì sự sống chứ không thể chữa khỏi. Thương đã bật khóc. Cô còn trẻ. Cuộc đời còn quá dài ở phía trước. Và rất nhiều dự định còn dang dở. "Điều đầu tiên em nghĩ đến là sẽ rời Australia và về Việt Nam. Với Aaron, em đã nói hết bệnh tình của mình và để có một lựa chọn khác tốt đẹp hơn cho cuộc đời anh ấy. Không bao giờ oán trách và chỉ mong anh ấy được hạnh phúc. Nhưng Aaron đã chọn ở lại cùng em, cùng em đi tiếp chặng đường chông gai phía trước. Lần đó, Aaron cầm chặt tay em và nói: Em sẽ không phải chiến đấu một mình". 

Sau đám cưới, Aaron đã xin nghỉ việc và theo vợ về Việt Nam. Aaron không rời Thương nửa bước, hỗ trợ vợ hết sức từ công việc cho đến cuộc sống hằng ngày. Nhìn ánh mắt trìu mến của Aaron khi đưa thuốc cho Thương uống, tôi hiểu, tình yêu của họ đã vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, tập tục, và cả những sự khắc nghiệt của số phận. Nhìn bức ảnh một chàng trai Australia, cao to vạm vỡ áo dài khăn đóng bên cạnh cô dâu xinh tươi giản dị trong chiếc áo dài trắng, thì tôi hiểu, vì sao Thương hạnh phúc đến thế.

Không có tuần trăng mật mà thay vào đó là những ngày điều trị trong Bệnh viện K chen chúc người, ngột ngạt thuốc. Aaron chưa quen với môi trường sống ở Việt Nam, nhất là bệnh viện. Thế nhưng thương vợ, anh cũng phải thức đêm, tiếp nước và bón cho vợ từng thìa cháo.  Vì tình yêu, anh đã ở lại Việt Nam, và bắt đầu hành trình kiếm việc để đồng hành cùng người vợ của mình. Đây cũng là cái tết đầu tiên Aaron về quê Thương và đón tết trong ánh mắt cảm động của những người thân yêu của Thương. Họ, có lẽ không bao giờ nghĩ rằng, có một chàng trai từ tận nước Australia xa xôi đã bỏ quê hương về đây, đồng hành, chia sẻ cùng con gái họ những khoảng khắc khó khăn nhất trong cuộc đời. Chỉ có tình yêu mới làm nên một câu chuyện cổ tích kỳ lạ ấy.

Giấc mơ về vòng tay yêu thương

Khánh Thương là giảng viên truyền thông. Cô gái bé nhỏ này sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thạch Thất - Hà Nội. Nhà nghèo, đông anh em nên hành trang vào giảng đường đại học của Khánh Thương chỉ là một tháng tiền ăn và học phí. Ngày đó, mẹ muốn con gái theo học Sư phạm để không phải đóng học phí, nhưng Khánh Thương là người quyết liệt. Cô muốn theo đuổi giấc mơ của mình, làm truyền thông và tham gia các hoạt động xã hội. Những năm tháng sinh viên khốn khó, Khánh Thương đã vượt qua bằng đủ việc kiếm sống, từ dạy thêm, tham gia các event, thậm chí, cô từng đi hiến máu nhân đạo với mục đích chỉ để lấy 70.000 tiền bồi dưỡng để trang trải cuộc sống. Tuy vậy, sau này cô lại trở thành một người hiến máu thường xuyên trong các chương trình của Viện Huyết học và Truyền máu TW.

Bạn bè gọi Khánh Thương là ngân hàng máu sống. Thương nhóm máu O, cho được tất cả, cũng như tấm lòng yêu thương của cô đối với con người.

Nhưng cái tên Khánh Thương bắt đầu gây ấn tượng bởi chính những công việc thiện nguyện cô đang làm.

Có một lần, vô tình lên mạng, Thương đọc được chia sẻ yêu thương của một chàng trai người Australia, khi cậu trở về quê hương mà không có ai chào đón. Chàng trai đã cầm một cái bảng viết rằng, Hãy cho tôi một cái ôm và đi bộ dọc theo con đường vắng ở Sydney. Không có ai ôm cậu. Chàng trai cô đơn quá. Bỗng nhiên, có một cụ già cúi xuống, dang rộng tay, ôm cậu vào lòng. Cậu bé quỳ xuống. Và khóc. Hình ảnh xúc động đó đã nhanh chóng lan truyền trên cộng đồng mạng và một phong trào ''vòng tay ôm'' đã lan ra 20 nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước châu Á.

Một ý nghĩ chợt vụt qua trong đầu Khánh Thương. Tại sao mình không làm điều này ở Việt Nam, theo cách chia sẻ của người Việt. Cuộc sống hiện đại đang cuốn mọi người đi, và những vòng tay ôm chặt trở thành thứ xa xỉ. Bạn bè Thương phản đối, nhưng linh cảm của một trái tim yêu thương khiến Thương quyết tâm thực hiện dự định của mình. Thương muốn truyền thông điệp yêu thương và chia sẻ  bắt đầu từ những cái ôm thật chặt. Một chiến dịch lan tỏa trong cộng đồng được Khánh Thương khởi xướng, cô và bạn bè tìm đến những nơi cần sự chia sẻ nhiều nhất, Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, Bệnh viện Bạch Mai với những người ung thư, ra phố đi bộ, tặng quà và những cái ôm thật chặt cho những người về tết muộn.

Thương cùng bạn bè trao quà Tết tại Khoa ung bướu Bệnh viện Bạch Mai.

Bắt đầu từ những vòng tay yêu thương, liên tục các dự án thiện nguyện của Khánh Thương lan tỏa. Thương tìm đến những số phận bất hạnh. Những chuyến đi về Bắc Ninh, Nam Định thăm các phụ nữ và em bé có HIV, những người già cô đơn, bệnh tật không nơi nương tựa. Có lần đến Thụy An, Khánh Thương và những người bạn của mình ở lại qua đêm cùng những đứa trẻ mồ côi, trải nghiệm cảm giác làm bố, làm mẹ. Có những đứa bé nằm vẹo hết cả đầu, và với chúng, được bế, được ôm là hạnh phúc. Lúc đó, chính Thương đã rơi nước mắt, và hiểu vì sao, cuộc sống này cần sự sẻ chia đến vậy.

Không gục ngã

Lặng lẽ đồng hành với những số phận bất hạnh, có lẽ Khánh Thương cũng không ngờ rằng, có ngày chính mình lại rơi vào bệnh tật. Một cô gái 30 tuổi, đầy ắp những khát vọng và hoài bão, sẽ đối diện với căn bệnh ung thư đã di căn của mình như thế nào. Tuyệt vọng. Đau đớn. Và gục ngã. Khánh Thương cũng đã đau đớn. Đã tuyệt vọng. Nhưng cô không gục ngã. Trong những ngày chữa bệnh ở Australia, tiếp cận với công nghệ y học tiên tiến và sự chăm sóc chu đáo người bệnh ở đây, Khánh Thương chợt nghĩ, tại sao mình không làm gì đó cho những bệnh nhân ung thư ở Việt Nam. Khi hầu hết những người bệnh của chúng ta mắc bệnh mà không có thông tin về bệnh. Và chính trong những ngày tuyệt vọng.

Khánh Thương trong chiến dịch tặng quà (thuốc men, bỉm sơ sinh, bỉm người già, tiền mặt, quà tết) tại Trung tâm Thụy An - Ba Vì.

Bắt đầu từ việc liên hệ với các tổ chức ung thư ở Australia và xin dịch những tài liệu cần thiết sang tiếng Việt. Đó là những thông tin (điều mà hầu hết bệnh nhân ở Việt Nam thiếu) cần thiết cho người Việt trong nước và cả những người Việt đang sống ở nước ngoài. Ung thư chưa phải là hết và hành trình đó rất cần sự giúp đỡ, yêu thương của mọi người. Tổ chức mạng lưới ung thư ở Australia ngạc nhiên với những ý định của cô gái trẻ này và họ hoàn toàn ủng hộ.

Khánh Thương vẫn còn đầy ắp những dự định. Trên bàn làm việc của Thương là hai cuốn sách đã cơ bản dịch xong, những chiếc CD Thương chuẩn bị in và dự định sẽ phát miễn phí cho người bệnh. Trang web, www.bcnv.org.vn đang được hoàn thiện, nơi đăng tải những thông tin về bệnh ung thư vú. Cô gái này đang chạy đuổi thời gian để thực hiện nốt những công việc còn lại của mình. Những buổi tư vấn miễn phí dành cho người bệnh và tư vấn hỗ trợ khả năng phục hồi chức năng. Và sau này là những hỗ trợ tinh thần.

Thương nói, điều này rất quan trọng. Bởi nếu trước đây, khi làm các công việc thiện nguyện, Thương chỉ nghĩ đến hai vấn đề đó. Nhưng khi là một người bệnh, trải qua những cảm giác đau đớn, mặc cảm, Thương biết, người bệnh còn cần hơn hết là việc nâng cao chất lượng sống của những người bệnh ung thư được tốt hơn, để xã hội không kỳ thị, rằng cô ấy, anh ấy có bệnh. Hãy coi họ như những người bình thường và yêu thương họ nhiều hơn. Và chính những người bị ung thư cũng không nên kỳ thị chính mình.

Dám đối diện với bệnh tật để vượt qua. ám ảnh bởi mùi thuốc, sự ngột ngạt và chen chúc của bệnh viện ở Việt Nam càng khiến Thương mong muốn và quyết tâm bắt tay vào làm việc dù thời gian sống trên cõi đời của cô không còn nhiều. Thương đang chạy đua với thời gian. Và trong hành trình khắc nghiệt và gian khó ấy, tôi chỉ biết cầu mong cho cô, biết đâu, có một sự kỳ diệu nào đó, để Thương vượt qua bệnh tật và sống tiếp cuộc đời ý nghĩa của mình.

Tôi biết những công việc Thương đang làm hoàn toàn không có một nguồn kinh phí hỗ trợ nào, trong khi tiền thuốc duy trì hằng tháng của cô đã là một gánh nặng. Tôi hy vọng, khi bài báo này đến tay bạn đọc, sẽ nhận được nhiều sự chia sẽ, hỗ trợ của mọi người, để những dự án thiết thực của Thương sẽ mau chóng được thực hiện.

Em không sợ chết, bởi bên em luôn có một tình yêu. Và bởi em đã sinh ra trên cuộc đời này và đã sống một cuộc đời ý nghĩa.

Năm 2007, Khánh Thương đã được chọn làm đại diện cho thanh niên Việt Nam dự Hội nghị Quốc tế về văn hóa châu Á và châu Âu tại Malaysia; tham dự Hội nghị Quốc tế "Thanh niên với các chính sách phát triển quốc gia" tại Campuchia (năm 2008). Nhận được học bổng sang Australia theo học thạc sĩ tại Sydney - Khánh Thương tham gia vào các hoạt động gây quỹ cho các tổ chức phòng chống ung thư tại Australia và được Hội đồng Ung thư nước này tuyên dương là trưởng nhóm xuất sắc trong các chiến dịch gây quỹ phòng chống, nghiên cứu ung thư như "Daffodil Day" (Ngày hoa Thủy tiên vàng) và "Pink Ribbon Day" (Ngày Ruy băng hồng).

Khánh Linh
.
.
.