Chuyện tình ly kì của hai người đi ở và hành trình hiến xác dành tiền làm từ thiện khi còn khỏe mạnh

Thứ Tư, 18/11/2015, 09:50
Xuất phát điểm là con nghà nghèo, lại sống trong thời kỳ đất nước chiến tranh, thế nhưng tình yêu của hai người đi ở lại rất lãng mạn và ly kỳ. Mối tình này thành tình vợ chồng đến nay đã được hơn 60 năm, bao nhiêu khổ cực, trắc trở giờ đã nhường lại cho cuộc sống yên ấm. Không những sống với nhau đến “đầu bạc răng long”, họ còn cùng nhau làm một công việc ý nghĩa đó là hiến xác cho y khoa khi còn khỏe mạnh, rồi dành tiền tiết kiệm mai táng cho mình khi “khuất núi” để ủng hộ người nghèo.

Chuyện tình “có một không hai” trong thời chiến

Bà Đặng Thị Tuyến (SN 1932, quê gốc tại huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ) sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung nông có 5 người con, nên mặc dù làm lụng vất vả nhưng cuộc sống gia đình cũng chỉ thuộc diện vừa đủ, không có của dư của để. Tuy gia đình không phải thuộc dạng giàu có hay quyền chức gì, nhưng khi lớn lên, bà Tuyến lại được nhiều người để ý vì vẻ xinh đẹp, nết na và chịu khó. Vào độ vừa tuổi trăng tròn, không những trai làng mà cả những người trai ở vùng khác cũng để mắt đến người thiếu nữ nhu mì, trong đó có cả gia đình một địa chủ trong vùng.

Ba mẹ bà Tuyến vì nghĩ phận mình nghèo rồi, không muốn để con gái đi vào vết xe đổ nên đã ép duyên con gái với ngýời con trai ðịa chủ trong vùng. Dù lúc ðó ba mẹ có nói thế nào nhýng khi ấy bà Tuyến nhất quyết không chịu ðồng ý, mặc dù gia đình bà đã nhận sính lễ của nhà trai. Bởi bà cho rằng, mình không hề có tình cảm với người ta, nếu sống chung với nhau chỉ càng làm khổ nhau hơn. Bà cũng không ham hố gì chuyện giàu sang mà nhắm mắt lấy người mình không hề thương yêu.

Ông Thân kể lại việc làm thiện nguyện.

Biết không thể thoát khỏi cuộc hôn lễ gượng ép này nếu cứ tiếp tục ở lại gia đình nên bà Tuyến đã khăn gói bỏ trốn lên Sài Gòn. Do không có ai thân thích, trong người lại không có đồng nào nên người con gái khờ dại khi ấy bơ vơ, lạc lõng ở đất thị thành. Tài sản duy nhất của người thiếu nữ là đôi bàn tay trắng và mấy bộ quần áo, may thay bà Tuyến đã gặp được một gia đình tốt, thuộc diện giàu có của đất Sài Gòn lúc bấy giờ.

Sau khi nghe kể sự tình, gia đình giàu có này đã cho bà Tuyến nương nhờ. Nói là đi ở đợ nhưng bà Tuyến được xem như người con trong gia đình, được yêu thương, chia sẻ hết mực. Cuộc sống của bà diễn ra êm đềm như vậy cho đến một ngày, vào năm 1954, trong gia đình nhà chủ xuất hiện thêm một người con trai tên Lê Văn Thân (SN 1931), hơn bà Tuyến một tuổi, mà sau này trở thành người “ăn đời ở kiếp” với bà. Tuy vậy, trước khi họ đến được với nhau, như duyên trời định, họ đã trải qua những lần gặp gỡ, trò chuyện bất ngờ, đầy lý thú.

Ông Lê Văn Thân sinh ra trong gia đình có 6 người con tại tỉnh Trà Vinh. Không khác gia cảnh bà Tuyến là mấy, gia đình ông Thân có phần còn nghèo khổ hơn. Do cuộc sống mưu sinh, tất cả các thành viên trong gia đình đều phải tha hương đến một vùng đất mới làm ăn. Ông Thân cũng vậy, từng đi ở cho nhiều nhà và làm thuê nhiều nơi. Năm 1954, ông Thân gia nhập một đại đội ở Khu 9 (tỉnh Cà Mau). Trong đại đội này, người con trai thứ của gia đình mà bà Tuyến ở làm phó trưởng. Cũng trong năm đó, ông Thân cùng phó trưởng trở lại Sài Gòn thành lập nhà thuốc Chợ Lớn (thuộc quận Bình Tân bây giờ) để phục vụ cho kháng chiến.

Nơi bà Tuyến ở thuộc quận Bình Thạnh. Ông Thân cứ tối thứ 7 lại về nhà phó trưởng chơi, sáng chủ nhật lại đi, gặp bà Tuyến, ông Thân gọi là chị Tư. Tuy những lần về ngắn này nhưng ông Thân đã gây được cảm tình cho mẹ phó trưởng và bà Tuyến. Một lần khác về chơi, mẹ phó trưởng bất ngờ nói với ông Thân: “Này Thân, mày lại đây, cụ nói mày nghe”. Hỏi chi vậy cụ -  ông Thân nói. Bà cụ trả lời: “Tao coi tuổi rồi đó, mày Nhâm Thân, Tư này là Quý Dậu, hai cái tuổi này nó hợp lắm. Từ lúc nó lên ở với tao, nó không có qua lại với ai hết đó. Nó rất tốt. Tao thấy hai đứa mày hợp lắm đấy”. Ông Thân bối rối: “Trời ơi, con đi kháng chiến về, không biết tình hình có ổn không. Không ổn con đi chiến khu trở lại. Gia đình con lại nghèo, nhà cửa không có, mẹ con còn đi ở đợ nên con chưa dám lấy vợ đâu”.

Hiểu được lòng của người nói, mẹ phó trưởng dứt khoát bảo: “Tụi mày không phải lo, cứ cưới đi, mọi chuyện cụ lo hết”. Sau đó ít hôm thì ông Thân nhận được bức thư của bà Tuyến qua ngài phó trưởng. Trong thư bà Tuyến viết: “Ông nghèo, tui cũng nghèo. Tụi mình thương nhau là được, mắc mớ gì mà ông ngại”. Sau lá thư này, hai người đi ở đã gật đầu kết duyên vào năm 1955. Tuy đã thành vợ chồng nhưng ông Thân vẫn ở nhà thuốc, còn vợ thì ở nhà phó trưởng. Sau khi lấy nhau được một năm, ông Thân và vợ chuyển ra ở riêng.

Năm 1957, bà Tuyến sinh đứa con gái đầu lòng, cũng là năm chính quyền Sai Gòn tiếp tục càn quét cộng sản. Nhà thuốc Chợ Lớn bị tan rã, mỗi người mỗi nơi. “Tui trở lại chiến khu làm thuốc, vợ tui thì làm chị nuôi trong một bệnh viện có hơn một trăm bệnh nhân, sau thì đi học y tá. Cuộc sống lúc này trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Giặc liên tiếp càn quét, người dân, chiến sĩ phải sống dưới hầm, phía trên địch hoành hoành ngang dọc. Chúng đốt phá, rải chất hóa học ra sông hồ, vườn tược, rừng rú, thật là khủng khiếp”, ông Thân bàng hoàng nhớ lại.

Do chiến tranh ác liệt nên gia đình nhỏ của ông Thân cũng tan rã dần. Con cái ông được gửi lên nhà ngoại, còn ông và vợ thì gắng sức, nỗ lực hết mình phục vụ cho kháng chiến. Cuộc sống khó khăn cứ thế diễn ra trong bom đạn chiến tranh. 

Năm 1970, trong một lần cả ông Thân và bà Tuyến đi theo trung đoàn Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ (ông Thân đi lấy gạo, còn bà Tuyến đi Campuchia học y sĩ) thì cả ông Thân và bà Tuyến đã bị giặc bắt trong lần đi này. Ông Thân bị đày ra đảo Phú Quốc, còn bà Tuyến bị đày về tỉnh Quy Nhơn. 

“Đáng buồn hơn, vợ tui không may bị giặc bắn, viên đạn nằm cách tim chừng khoảng 1cm. Nhưng may thay, vợ tui không việc gì, cũng như không kêu ca đau đớn gì cả. Chính vì vậy mà không ai để ý nhiều đến vết thương của bà ấy”, ông Thân ngậm ngùi nói.

Năm 1974, sau khi được thả tự do, ông Thân đã đưa người vợ ra Bắc phẫu thuật lấy viên đạn. Tại bệnh viện 108, các bác sĩ cho biết, nếu lấy viên đạn ra khỏi cơ thể, bà Tuyến sẽ mất ba xương sườn, tỷ lệ còn sống là rất thấp. Sau khi nghe được tin này, bà Tuyến đã dứt khoát không lấy viên đạn ra khỏi cơ thể mà cứ để mặc vậy, rồi cùng chồng trở lại Sài Gòn. 

Sau ngày thống nhất đất nước, cả ông Thân và bà Tuyến dốc tâm học thêm về ngành y. Và nghề thầy thuốc cũng trở thành công việc chính của vợ chồng ông Thân. Điều kỳ lạ là dù viên đạn nằm trong cơ thể đến bây giờ nhưng bà Tuyến vẫn rất khỏe mạnh.

Chết nhưng vẫn giúp được đời

Hiện tại, vợ chồng ông Thân sinh sống tại tổ dân phố 100 (phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM). Tên tuổi ông Thân và bà Tuyến ở trong khu phố ai cũng biết cả. Mặc dù ở cái tuổi đã ngoài 80 nhưng ông Thân nói năng còn lưu loát và hoạt bát. Bà Tuyến có vẻ ít nói hơn nhưng vẫn rất cởi mở và thân thiện. Trò chuyện với hai người này dễ khiến người đối diện tưởng như mình đã là người một nhà, không có chút ngại ngùng hay xa lạ gì.

Kể về công việc hiến xác cho ngành y, cả ông Thân và bà Tuyến đều khiêm tốn cho rằng, còn nhiều người tốt đáng được vinh danh và lên báo hơn. Công việc của vợ chồng họ chỉ là giúp được phần nào đó cho xã hội thôi chứ không nhất thiết cần báo chí ca ngợi. Tuy nhiên, việc làm ý nghĩa của họ không phải ai cũng làm được. Không những hiến xác cho y khoa, mà họ còn đem số tiền dành dụm bấy lâu nay để làm tang lễ cho mình khi nhắm mắt xuôi tay để đi làm từ thiện, giúp đỡ cho nhiều người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Thân chậm rãi kể, cách đây 17 năm, vào một ngày nọ, không hiểu người vợ đi đâu về mà vừa thấy chồng đã nước mắt ngắn dài, sụt sùi không nói nên lời. Thấy vợ có vẻ bối rối nên ông Thân không hỏi liền mà để một lúc sau mới lên tiếng. Bà Tuyến không nói lại câu gì mà vẫn tiếp tục im lặng, đôi mắt lại đỏ hoe. Ông Thân phải dỗ dành, thủ thỉ mãi, một lúc sau, bà Tuyến mới nghẹn ngào kể rõ đầu đuôi câu chuyện. 

Theo lời kể, ngày hôm đó, bà Tuyến đã đi đến đài phát thanh quận Gò Vấp để quyên góp tiền làm từ thiện. Vừa thấy một bà lăo vào pḥng làm từ thiện, người cán bộ tên Sang đã ra hỏi bà đi đâu. Bà Tuyến cho biết mình đi quyên tiền làm từ thiện. Anh Sang nói là trông bà Tuyến không phải là người giàu sang, tuổi lại cao để tiền dưỡng già, không nhất thiết phải đi làm từ thiện. 

Sau khi anh Sang nói xong, bà Tuyến nghẹn giọng lại, nhưng vẫn nở nụ cười ấm áp. Bà nói: “Gia đình tôi nghèo thật, nhưng bao năm qua làm lụng vất vả, tôi cũng dành được ít tiền làm tang cho mình khi không còn trên cõi đời này nữa. Nhưng tôi đã làm giấy hiến xác cho y khoa rồi nên số tiền này tôi cũng không cần đến nữa mà để dành cho những người nghèo khổ, có hoàn cảnh khó khăn hơn tôi”. Anh Sang cũng không biết nói gì hơn nên đã ưng thuận để bà lão quyên góp 5 triệu đồng.

Được biết, vào thời gian này, cùng với sự chung tay của cả xã hội, đài phát thanh quận Gò Vấp đã thực hiện chương trình làm từ thiện xen vào trong các buổi phát thanh nhằm kêu gọi những tấm lòng hữu ái chung tay giúp đỡ những người nghèo khổ tại quận Thủ Đức. Sau đó, đích thân người cán bộ đã dẫn bà Tuyến đến một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhìn ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo của gia đình này, bà Tuyến không sao cầm lòng được.

Anh Sang giới thiệu với gia đình được nhận tiền quyên góp: “Đây là bà Tuyến, gia đình bà ấy không có gì cả. Nhưng so với gia đình anh chị, bà Tuyến còn có chút đồng lương hưu nhỏ đủ sống an dưỡng tuổi già. Số tiền mà gia đình mình nhận được là số tiền bà ấy đã dành dụm bao lâu nay để làm mai táng khi “khuất núi”. Nay bà ấy đã đến một bệnh viện để đăng ký hiến xác, nên số tiền này được chuyển cho gia đình anh chị”.

Người chủ nhà nghe xong thì mắt đổ lệ, ôm chầm lấy bà Tuyến mếu máo: “Má ơi, má thật tốt bụng, con không còn biết làm gì hơn để cảm ơn má. Xin cho con gọi là má để tỏ lòng biết ơn. Gia đình vợ chồng con mặc dù lam lũ vất vả nhưng không đủ ăn, gia đình lại đông con nên càng khó nhọc hơn. Căn nhà ở bao lâu nay bị mưa nắng vùi dập không có tiền sửa chữa, nên mùa mưa vô cùng khổ sở. Số tiền má dành tặng, vợ chồng con sẽ làm lại ngôi nhà đàng hoàng hơn. Lần nữa, con cảm ơn má vô cùng”. Bà Tuyến vốn nhạy cảm, nên sau khi nghe những lời này cũng òa khóc theo.

Thẻ hiến xác của bà Lê Thị Kỹ nhờ ông Thân làm.

Sau khi kể lại đầu đuôi câu chuyện này cho chồng nghe, bà Tuyến có vẻ sợ chồng trách móc nên có nói lời xin lỗi. Ông Thân nghe xong câu chuyện cũng rơm rớm nước mắt, ôm lấy vợ động viên: “Bà đã làm một việc rất ý nghĩa, đến tôi là đàn ông mà cũng không dũng cảm được như bà. Tôi rất tán đồng với việc thiện nguyện này. Bà không phải lo tôi mắng mỏ hay trách móc gì cả”. 

Không những tán thành với việc làm của vợ, mà sau đó một năm (tức năm 1999), ông Thân đã học vợ đi đến bệnh viện đăng ký hiến xác. Hiến xác xong, ông Thân đã dừng xe trước một ngân hàng để rút tiền tiết kiệm, rồi cầm 5 triệu đồng đến phường 6 (quận 3, TP. HCM) làm từ thiện. Thấy người đàn ông dáng thấp đậm, người nhỏ thó, một người cán bộ hỏi: “Bố ơi, bố già rồi đến nơi làm từ thiện này làm gì. Không những thế, bố còn ủng hộ đến 5 triệu đồng”. Sau đó, ông Thân liền lấy giấy hiến xác đưa cho cán bộ rồi nói: “Ông cứ cầm số tiền này ủng hộ cho người nghèo đi. Vợ tôi đã hiến xác để dành tiền tiết kiệm cho người nghèo, nay tôi cũng làm theo”.

Trước khi ông Thân đi hiến xác, không ai trong gia đình đồng ý. Họ cho rằng, một mình bà Tuyến đi hiến xác là được, không nhất thiết phải cả hai vợ chồng. Trước thái độ này của các con, ông Thân đã giải thích rằng, con người thực ra cũng chỉ là một dạng sống mà tạo hóa thiên nhiên ban tặng. Chúng ta hãy cố gắng sống tốt để làm sao không giúp được ai thì cũng đừng hại người. Khi chết đi, chúng ta có còn biết được gì nữa đâu. Chi cho bằng hiến xác cho Y khoa, một việc làm mà mang lại được nhiều ý nghĩa. Đó là giúp cho các sinh viên ngành y được thực tập thực tế hơn, qua đó nâng cao tay nghề trong chuyên môn trong việc cứu chữa người. Hơn nữa, nếu hiến xác cho y khoa, vợ chồng ông Thân không phải bận lòng khi nghĩ đến các con phải lo cho cỗ áo quan mai táng, số tiền này lại được dành để giúp đỡ cho người nghèo. Qua lời phân tích sâu sắc và nhân văn của người bố, cuối cùng những người con cũng phải gật đầu tán thành.

Hành trình giúp nhiều người hiến xác

Việc làm cao cả của ông Thân, bà Tuyến ngay sau đó nhận được lời khen của nhiều người. Qua đó, Ủy ban nhân dân phường 10 đã đề nghị trao bằng khen cho ông bà vì đã làm được việc hữu ích cho xã hội. Cũng từ đây, qua báo đài, tên tuổi của vợ chồng già được nhiều người biết đến. Nhiều bức thư và nhiều cuộc điện thoại đến nhà ông với những câu hỏi làm cách nào để hiến xác. Ông Thân đã không phụ lòng họ, thành tâm và chịu khó viết thư lại trả lời, cũng như điện lại để giải đáp những thắc mắc cho những người có ý định giống vợ chồng ông.

Lúc bấy giờ là thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình không có xe máy để đi. Nên ông Thân đã đích thân rong ruổi trên chiếc xe máy cũ đến từng hộ gia đình muốn hiến xác để tư vấn cho họ. Ông Thân cho biết, trước khi chấp thuận giúp họ làm việc ý nghĩa, ông đã phải hỏi họ lại kỹ càng là nên được sự đồng ý của những người trong gia đình, thứ hai là phải tự nguyện. Vì việc này không phải ai muốn cũng làm được, vì còn có liên quan đến những người thân của mình.

Sau khi được sự đồng ý của người muốn hiến xác và của gia đình, ông Thân mới tiến hành giúp họ làm những việc tiếp theo. Ông Thân nói: “Những người muốn hiến xác như vợ chồng tôi đều có chung một ý nghĩ là lúc sống hãy giúp được những ai có thể. Khi mình no đủ mà người khác khổ cực là không chịu được. Bản tính lương thiện của con người mách bảo chúng tôi phải làm được điều gì đó để giúp cho họ. “Cứu một người còn hơn xây được bảy tòa tháp”, điều này cha ông mình nói không sai. Hãy xem hạnh phúc của người là hạnh phúc của mình, như vậy cuộc sống mới có nhiều ý nghĩa thiết thực”.

Với hành trình 17 năm qua, ông Thân đã giúp cho trên dưới 100 trường hợp nhờ ông ghi sổ và làm thủ tục hiến xác. Đó là chưa kể những người được ông tư vấn qua điện thoại, thư từ. Chính vì vậy, theo thời gian, nhiều người đã biết đến việc làm ý nghĩa của ông. 

Năm 2004, sau một lần được đọc bài báo viết về ông Thân, một nhóm sinh viên ở Hà Tây đã viết thư cảm ơn ông, với những lời lẽ đầy biết ơn: “Chúng cháu là những học viên đào tạo hệ bác sỹ đa khoa của Học viện Quân y – thị xã Hà Đông, Hà Tây. Quá trình học của chúng cháu sẽ rất vất vả nếu không có những người như hai bác tình nguyện hiến xác cho y học. Những giờ học thực nghiệm trên xác đối với chúng cháu là vô cùng bổ ích, nếu chỉ học lý thuyết thì có lẽ chúng cháu sẽ khó có thể trở thành những bác sỹ giỏi được”.

Trước việc làm ý nghĩa của vợ chồng ông Thân, bà Huỳnh Thị Ngọc Dung (SN 1967, tổ trưởng tổ dân phố phường 10, quận Gò Vấp) cũng đã tự nguyện tham gia hiến xác vào năm 2009, cho biết: “Việc làm cao cả của vợ chồng bác Thân khiến ai cũng phải nể phục. Đó là công việc thiện nguyện mà không phải ai cũng dám làm. Noi gương vợ chồng bác, mấy năm trước tôi cũng đã nhờ bác Thân hướng dẫn làm thủ tục hiến xác”. 

Được biết, vợ chồng ông Thân sinh được hai người con gái. Trong đó, người con gái đầu tên Lê Thị Kim Hồng (SN 1957) đã cùng chồng là Nguyễn Văn Minh (SN 1957), noi gương cha mẹ đã tình nguyện tham gia hiến xác. Với việc làm đầy ý nghĩa này, ông Thân đã được Ủy ban mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh trao bằng khen vì “Đạt danh hiệu người tốt việc tốt năm 2002”. Ngoài ra, vợ chồng ông Thân còn nhận nhiều bằng khen vinh danh khác nữa.

Như Ý
.
.
.