Chuyện về cô thủ thư say nghề

Chủ Nhật, 17/09/2017, 22:11
Khi được hỏi về ước mơ sau này, hầu hết các em học sinh ở các vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Trị đều bỡ ngỡ. Cách đây 2 năm, ở Trường Tiểu học A Bung có cô thủ thư thế hệ 8x đã âm thầm làm một việc khiến nhiều người cảm động. Cô dành dụm tiền lương khiêm tốn hằng tháng của mình để mua tặng các em học sinh nghèo ở đây…


Cô thủ thư ấy tên là Nguyễn Thị Lệ Thu. Thu bảo với tôi rằng, cô sinh ra lớn lên ở vùng quê xứ ruộng nhưng vì tuổi Kỷ Tỵ, cầm tinh con rắn, nên số phải ở rừng sâu! Tuy nhiên, riêng phần nghề nghiệp là do bản thân mình lựa chọn.

Có điều sự lựa chọn ấy bao giờ cũng vậy, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chủ quan đồng nghĩa với việc mình chủ động thực hiện và thực hiện bằng được ước mơ nghề nghiệp mà mình mong muốn. Khách quan thì ngược lại, thường do hoàn cảnh bắt buộc. Với Thu, cái nghề hiện tại là do sự lựa chọn khách quan.

Thu kể, hồi học cấp 1, 2, ai trong làng, trong xã cũng biết tới cô vì thành tích học tập xuất sắc. Lên cấp 3, cô được chọn vào lớp học sinh tiêu biểu của Trường THPT thị xã Quảng Trị danh tiếng. Nhưng chăm chỉ, học giỏi được 1 năm lớp 9, thì ba cô bất ngờ ngã bệnh nặng. Nhà với 5 miệng ăn chỉ còn trông nhờ vào sức lao động của mẹ cô, vốn cũng thường ốm đau những lúc trái gió trở trời.

"Thấy mẹ quá vất vả, em nhiều lần nài nỉ xin mẹ nghỉ học để ở nhà giúp đỡ mẹ làm công việc đồng áng. Nhưng mẹ em nhất quyết không chịu. Có lần mẹ khóc, bảo với em: "Ông bà ngoại con vì quá nghèo mà mẹ không được học cái chữ. Vì không được học hành nên khó có điều kiện xây dựng cuộc sống tốt hơn con ạ! Vì thế, mẹ muốn con phải tiếp tục theo học. Mẹ cực nhưng mẹ còn gắng được", Thu bùi ngùi nhớ lại.

Thu hạnh phúc bên một giá sách do cô tặng học sinh và bà con vùng bản.

"Nghe lời mẹ, em không nghỉ học. Tuy nhiên, 2 năm học cuối cấp, phần vì giấu mẹ tập trung thời gian làm việc nhà, phần vì đầu óc lúc nào cũng nghĩ tới ba bị bệnh, không biết phải xoay xở vào đâu tiền chữa trị cho ba, rồi lo mẹ cực khổ, lo đứa em út gặp nhiều thiệt thòi so với chúng bạn nên kết quả học tập của em giảm sút hẳn.

May năm đó, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị lần đầu tiên tổ chức thi tuyển sinh viên Khoa Cao đẳng Thư viện và ít bạn học sinh thi vào. Nghề thư viện trong tỉnh lúc đó cũng còn thiếu nhiều. Hơn nữa, mức độ học tập của em cũng phù hợp nên em quyết định chọn thi vào nghề này", cô thủ thư chia sẻ.

Thu tốt nghiệp cuối năm 2011. Cô nộp đơn thi tuyển viên chức vào Trường Tiểu học A Bung, huyện rẻo cao Đakrông (Quảng Trị) với nghề nghiệp đăng ký thủ thư. Mặc dù được dạy, làm quen với công việc từ trong trường học và chuẩn bị sẵn tâm lý với nghề, qua một năm lên đây công tác, Thu cảm giác buồn khôn  tả.

"Ngày nào em cũng chỉ có một mình vào ra hoặc ngồi ru rú trong căn phòng nhỏ hẹp dành cho thư viện với chỉ vài chục đầu sách. Các em học sinh ở đây lại chẳng mấy khi tìm đến đọc sách. Nhiều khi có những cháu thấy cô cứ trố mắt ngạc nhiên, bởi không biết cô là ai, làm gì ở trong căn phòng ấy", Thu kể. 

"Thế nên không ít lần em tính bỏ về quê kiếm nghề khác sinh sống. Nhưng rồi khuôn mặt mẹ với ánh mắt rạng ngời niềm hạnh phúc khi biết con thi đỗ viên chức, biết con đã có một cái nghề mà không phải như nghề của mẹ sớm hôm quăng quật tấm thân trên đồng đất, cứ hiện lên, khiến em cắn chặt môi mình quyết tâm ở lại. Nhưng ở lại thì bắt buộc mình phải tự thay đổi hoàn cảnh. Ít ra trước mắt phải tự tạo cho mình niềm vui, việc làm có ích hơn".

Thế là hằng ngày, các thầy cô giáo trong trường thấy cô thủ thư trở nên tháo vát, năng động hơn. Thay vì ngồi chờ học sinh đến phòng thư viện mượn sách, Thu chủ động tiếp cận, chuyện trò với các em và đọc sách cho các em nghe vào những giờ ra chơi hay trước và sau giờ học.

Về sau, càng ngày Thu và trò càng đọc say sưa, nhiều lúc quên cả trời đang tối. Có hôm, các thầy cô đi tập thể dục buổi tối trở về vẫn còn thấy cô và các học sinh ngồi tụm năm tụm bảy dưới ánh sáng điện khuôn viên trường, say mê đọc sách.

"Khi đã đọc hết những đầu sách của nhà trường và không kiếm đâu ra sách nữa để đọc, em và các học sinh đọc lại chúng lần nữa, rồi lần nữa. Nhưng đọc đến lúc thuộc lòng cũng chán. May một lần em tâm sự điều đó với chồng và được anh ấy chia sẻ, khuyến khích việc đọc sách và gợi ý: "Hay em để dành một phần tiền lương mua sách cho các cháu. Tiền ăn uống, sinh hoạt hằng tháng anh có thể xin ba mẹ phụ giúp thêm!". Em lúc đó mừng như mở cờ trong bụng. Hôm sau còn nửa tháng lương liền đi mua sách tặng học trò", Thu vui vẻ kể lại.

"Tuy nhiên, mình còn gia đình với con nhỏ cần trang trải nhiều thứ. Trong khi tiền lương hằng tháng không phải là nhiều, việc ngửa tay lấy tiền của ba mẹ chồng tiêu mãi cũng ngại. Nên em nghĩ ra cách tận dụng mạng xã hội kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ sách của các “Mạnh Thường Quân”.

Không ngờ cách này rất hiệu quả. Có được sách rồi, em về lại nhà mẹ ở xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), nhờ mấy bác thợ mộc trong xóm đóng cho những cái giá để sách. Xong, em mang chúng cùng với sách lên lại A Bung, vào các bản trong xã tặng cho các cháu học sinh và bà con dân bản", Thu cho biết thêm.

Thu dẫn chúng tôi vào nhà một người dân ở bản Cu Tài 2, A Bung. Ở đó được Thu tặng 2 giá sách cùng với hơn 300 đầu sách đủ các thể loại nhưng chủ yếu là sách truyện dân gian, cổ tích, văn học dành cho lứa tuổi học sinh cấp 1 đến cấp 3. Khi chúng tôi đến, nhà có đông các cháu học sinh nhưng không khí thật im ắng.

Các cháu ngồi quây quần cùng nhau, bên dưới những cái giá để sách và đọc sách một cách say sưa. Chị Nguyễn Thị Tim, chủ nhà cười rạng rỡ: "Các ngày nghỉ thứ bảy, Chủ nhật và buổi tối sau giờ học bài, các cháu đều đến đây đọc sách đông vui lắm. Vì thế, ngày nào mình cũng phải chuẩn bị nước uống cho các cháu. Mệt nhưng mà có ích lắm đấy!".

 Ngoài các thư viện sách cho trẻ vùng cao, tại nhà ba mẹ chồng thôn Cam Lộ Phường, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), cô thủ thư còn xin hẳn một phòng khách để làm thư viện với trên 500 đầu sách. Tương tự, ở nhà mẹ đẻ cô cũng có trên 500 đầu sách như vậy. Tất cả để phục vụ cho các cháu học sinh trong làng, xã đến đọc sách một cách thường xuyên.

Thu tâm sự: "Em cảm thấy mình rất hạnh phúc bởi không chỉ  lấy được người chồng yêu thương, luôn ủng hộ, đồng hành với công việc nghĩa tình của vợ, mà ba anh ấy cũng là một người rất đam mê đọc sách. Vì thế, ông luôn khuyến khích, ủng hộ việc làm trên của em!".

Thầy giáo Lê Minh Tịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Bung cảm động khi nói về nhân viên thủ thư của trường mình: "Cô Thu là một viên chức năng nổ, đặc biệt say mê với công việc, nghề nghiệp của mình. Từ năm học 2015-2016, cô là người đầu tiên ở trường phát động và xây dựng thư viện lớp học.

Theo đó, các cháu học sinh không chỉ có điều kiện thuận lợi để đọc sách, mà qua đó còn giúp cho việc học hành tốt hơn". "Nếu như trước đây, các cháu đến trường chỉ để được học cái chữ, con số mà ít ai có điều kiện, thời gian quan tâm, nhen nhúm lên cho các cháu những ước mơ, thì hai năm lại đây, từ khi được đọc sách của nhà trường và cô Thu, các cháu đã bắt đầu có những ước mơ, hoài bão, tự mình hướng tới tương lai, thực hiện chúng mỗi ngày", thầy Minh cho hay.

Trở lại việc đọc sách, Thu bảo rằng, nếu như ngày trước cô đam mê đọc sách, hoặc có người hướng dẫn nghề nghiệp, thì cô đã có một tương lai khác với bây giờ! Tuy nhiên, cô chưa bao giờ nuối tiếc những gì mình đã làm trong những năm qua.

Căn nhà của chị Tim, bản Cu Tài 2 bao giờ cũng đông các cháu học sinh đến đọc sách.

Ngược lại, cô luôn tự nhủ bản thân rằng, mình cần phải cố gắng hơn nữa, làm nhiều hơn nữa công việc cần thiết cho học trò. Đó là nhen nhóm lên cho các em những ước mơ bằng cách tạo thói quen đọc sách cho các em hằng ngày.

Thu tâm sự: "Thực tế là văn hóa đọc đang ngày bị mai một do mặt trái của công nghệ thông tin, sự thiếu quan tâm của các cấp, các ngành. Thậm chí những viên chức, lãnh đạo làm công việc liên quan trực tiếp, như: viên chức thủ thư, giám đốc thư viện… cũng ngày một bằng lòng với công việc "làm công ăn lương" hoặc "làm cho có cho qua chuyện" mà không thực sự có tâm huyết với nghề. Bản thân em thời gian đầu bước vào nghề này cũng vậy.

Nhưng rồi em nhận ra cái hay của việc đọc sách và cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm với sách, với những người viết ra sách và với con người, cuộc sống xung quanh mình. Bởi sách không chỉ là nguồn tri thức rộng lớn, quý giá phục vụ cuộc sống con người, mà sách còn là nguồn lực tinh thần to lớn, vô giá để cải thiện xã hội trở nên ngày một tốt hơn, để xoa dịu, làm lành những vết thương đau của những con người có hoàn cảnh kém may, cũng như hướng con người ta đi đến những cái đích tốt đẹp của cuộc đời".

Thu chia sẻ những niềm vui về đọc sách: "Một lần sau khi em đưa cuốn sách "Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!" cho em học sinh Hồ Văn Trên, lớp 4B, trú bản Cu Tài 1, A Bung đọc. Khi Trên mang sách trả, điều em cảm thấy hạnh phúc là cậu ấy đã bắt đầu có những suy nghĩ, việc làm lạc quan, không như trước đây vốn là một cậu bé hay mặc cảm, tự ti vì hoàn cảnh bản thân và gia đình. Rồi niềm vui như nhân lên trong em, khi kết quả năm học đó, Trên từ một học sinh yếu kém đã vươn lên đứng thứ Nhì lớp!".

"Một lần em về nhà ở Cam Lộ, ra chợ mua thức ăn, thì gặp người chị cùng làng. Chị tên là Mai, bị khuyết tật từ nhỏ nên bản thân rất hay tự ti, mặc cảm. Lúc đó, không hiểu sao em lại nghĩ đến sách! Rồi em hỏi chị có muốn đọc sách không?! Chị gật nhẹ đầu, ngần ngại đáp. Sau này, cứ mỗi lần biết em về là chị chạy ngay sang nhà để mượn sách đọc. Chị bảo với em, có những bệnh tật, nỗi đau chỉ có sách mới có thể chữa lành lặn được!

Hay như chị Tâm y tá ở cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế. Chị đam mê đọc sách nhưng không phải đọc cho riêng mình. Chị bảo sách không phải là một loại thuốc tây có trong khoa học ngành Y nhưng đối với không ít bệnh nhân, sách là phương thuốc quý duy nhất chữa lành bệnh tật, nỗi đau đớn của họ!", Thu chia sẻ thêm.

Phan Thanh Bình
.
.
.