Chuyện về một công dân Thủ đô ưu tú

Thứ Hai, 12/12/2011, 14:13

Gọi bà là Tổng Giám đốc, Chiến sĩ thi đua, bà Chủ tịch khuyến học hay người "ăn mày" đều đúng cả. Bởi vì, trong suốt 86 năm "làm người", từ lúc kinh qua nhiều chức cao vọng trọng cho đến khi trở về là một công dân bình thường nhất, bà chưa bao giờ dừng ước mơ cống hiến cho xã hội. Bà coi đó như trách nhiệm cần phải làm của mình vậy.

Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi được vinh danh "công dân Thủ đô ưu tú năm 2011", bà chỉ cười móm mém: "Việc mình làm có thấm vào đâu đâu. Còn nhiều người xứng đáng hơn tôi lắm ấy chứ".

Kỉ niệm rưng rưng ngày được gặp Bác

Bà tên đầy đủ là Trương Thị Nhân (sinh năm 1926 - tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm (86 tuổi) nhưng khi gặp bà, trò chuyện với bà tôi vẫn thấy những bước đi vững chắc, bầu nhiệt huyết, sự dứt khoát cùng những cử chỉ đượm tình thương yêu. Sinh ra ở xứ Nghệ, nhưng từ nhỏ bà đã theo cha mẹ ra Hà Nội. Rồi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà lên Chiêm Hóa, Tuyên Quang vào làm trong Nhà máy sản xuất máy in Trần Hưng Đạo. Mối "cơ duyên" không hẹn trước với mảnh đất Tây Bắc ấy, đã khiến bà may mắn được gặp Bác Hồ, mà kỉ niệm về cái ngày "lịch sử" ấy cho đến giờ bà vẫn vẹn nguyên cảm giác rưng rưng mỗi khi nhớ lại.

Năm 1952 bà vinh dự được cử đi báo cáo thành tích trong Đại hội chiến sĩ thi đua yêu nước lần thứ nhất tại Thái Nguyên. Giọng bà xúc động: "Khi Bác hỏi có ai hỏi gì không, tôi mạnh dạn đứng lên tâm sự nỗi lòng rằng "các đồng chí công nhân trong nhà máy nói cháu làm văn phòng là kẻ "ăn bám", chưa xứng đáng được đi gặp Bác báo cáo thành tích". Nghe xong Bác giọng ân cần: "Các anh em công nhân trực tiếp làm ra sản phẩm, cháu là gián tiếp. Bác cũng vậy, hai bác cháu ta là người cùng gián tiếp sản xuất rồi". Trời ơi, tôi chỉ muốn khóc ngay khi nghe Bác nói vậy.

Xuống thăm nhà máy, tới gian nhà ở của các công nhân, đi qua phòng tôi, đấy là một căn phòng nhỏ với ít đất trồng rau, tôi đã dọn dẹp xong, làm giàn và tính trồng mướp, Bác hỏi cháu định trồng gì trên mảnh đất này? Tôi mới đáp: Cháu định trồng nho nhưng như thế mọi người gọi là "tiểu tư sản" nên tính trồng mướp. Bác lại nhẹ nhàng: Quanh đây ai cũng trồng mướp, cháu cứ trồng nho. Quan trọng là cháu làm tốt công việc của mình thì ai cũng yêu quý cháu. Sau đó, Bác đi rồi quay lại, gặp tôi Bác lại dặn dò: "Trồng nho có nhiều sâu, cháu có con nhỏ thì nhớ bắt sâu thường xuyên nhé". Tôi nghe lời Bác mà nước mắt rơm rớm". Bác dặn dò mọi người, ân cần và chân tình như người con, người anh, người cháu rằng: "Việc gì tốt dù nhỏ mấy cũng làm, việc gì xấu dù nhỏ mấy cũng tránh".

Quyết định táo bạo và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc

Lần gặp Bác với những lời dặn dò ân cần của Bác là hành trang trên con đường lập thân cũng như lập nghiệp của bà. Hạnh phúc thực sự luôn bắt đầu từ những việc làm có ích, dù bé nhỏ hay lớn lao. Bà luôn xem lợi ích của tập thể, vì tập thể, không màng tư lợi là sức mạnh vô biên, giúp bà đứng vững trên chặng đường lắm gian truân, kể cả khi là "thuyền trưởng" của Tổng Công ty Vận tải và thuê tàu - Vietfracht thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Cho đến nay, nhiều người vẫn nhắc đến bà như một người tạo nên kì tích: Từ hai bàn tay trắng, bà đã đứng ra làm chủ đội tàu biển gồm 26 con tàu, đặt nền móng cho ngành Vận tải biển Việt Nam vươn ra biển lớn. Thế nhưng bà lại chỉ lắc đầu trước bao lời tán dương, ca tụng: "Thôi, cũng không có gì lớn cả đâu. Nhiều người họ giỏi hơn tôi nhiều".

Những người biết về câu chuyện "kỳ diệu" bà đã tạo nên vẫn không khỏi trầm trồ, thán phục trước sự quyết đoán của bà. Không "kỳ diệu" sao được khi quyết định của bà "ra đời" trong hoàn cảnh đất nước mới giành được độc lập, chưa hề có tiền lệ "thuê mua tàu". Không thán phục sao được khi bà đã "dám" đưa ra quyết định ấy dù đứng trước nguy cơ "bị bỏ tù", mất trắng tất cả sự nghiệp suốt bao năm ròng cố công tạo lập.

Ngồi đối diện với tôi, bà nói như đùa: "Nói bây giờ thì nhẹ nhàng, chứ hồi ấy nghĩ mình cũng như đi trên dây thăng bằng khi đưa ra quyết định này". Giọng chậm rãi bà nhớ lại: "Lúc đó Bộ Ngoại thương có một đại diện ở Hồng Kông (Trung Quốc). Chúng tôi phối hợp với các anh ấy lập ra công ty có tên Golden Star để đứng ra lo liệu các vấn đề hàng hoá xuất sang Hồng Kông và ngược lại. Phần lớn kinh phí lập công ty là của họ. Đứng tên công ty ấy tôi và mọi người mua con tàu đầu tiên vào năm 1976. Tàu này có trọng tải một vạn tấn. Từ đây, tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài, chúng tôi đem cầm chiếc tàu ấy cho ngân hàng nước ngoài lấy ngoại tệ lại mua một chiếc tàu khác. Cứ theo cách đó, lần lượt đơn vị mua được 5 chiếc tàu có trọng tải từ 5.000 tấn đến 7.000 tấn, một và hơn một vạn tấn".

Nỗi lo trong bà và các đồng sự được giải tỏa khi biết cách làm sáng tạo của công ty được Nhà nước ủng hộ. Tiếp sau đó, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Công ty đã mua tiếp 15 con tàu nữa, nâng đội tàu biển của Vietfracht lên con số 20. Với phương thức làm ăn kinh doanh có hiệu quả, sau 8 năm số tiền 40 triệu USD vay để mua tàu đã được công ty hoàn trả. Tiếp  đó khi chuyển từ Bộ Ngoại thương sang Bộ Giao thông vận tải (năm 1984) Vietfracht cũng tiếp tục phương thức vay mua, thế chấp rồi trả dần như trước, "kết nạp" vào đại gia đình tàu biển của mình thêm 6 "thành viên" nữa, tổng cộng là 26 con tàu.

Bà không nói với tôi nhưng chuyện công ty mà bà làm "thuyền trưởng" còn nhiều lần giúp đỡ các đơn vị trong và ngoài ngành khi có khó khăn thì nhiều người biết lắm. Năm 1985, Bộ GTVT đồng ý cho Viện Thiết kế Giao thông mua thiết bị điện tử, nhưng Bộ lại không có ngoại tệ.

Hồi ấy, trong ngành hầu như chỉ Tổng cục Đường biển, Vietfracht mới có đôla Mỹ, nên vị Viện trưởng đã đến gặp bà và được cho vay 5000 USD (thời đó chừng này cũng lớn và quý lắm) và được chấp thuận nhận trả bằng tiền Việt. Cũng nhờ có sự giúp đỡ đó mà Viện Thiết kế Giao thông trở thành cơ quan đầu tiên của ngành được trang bị và sử dụng máy vi tính vào sản xuất.

Kế đó khi ngành Đường sắt nước ta đang gặp khó khăn lớn do thiếu than chuyên dùng để chạy tàu, vị Giám đốc Công ty Vietfracht đã điều ngay một con tàu đang ăn hàng ở châu Âu về nước, trên đường về tàu ghé qua Ấn Độ chở thêm 5.000 tấn than cho ngành Đường sắt mà không lấy cước vận chuyển, còn Tổng cục Đường sắt thì chỉ phải chi phí tiền bốc xếp.

"Kẻ ăn mày không biết tự ái" và "Công dân Thủ đô ưu tú"

Rời công việc kinh doanh khi tuổi đã xế chiều, bà lại dành thời gian cho công tác xã hội. Mãi tới tháng 8 vừa qua bà mới thôi và "được cho thôi" chức Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (nơi bà đang sinh sống). Nói thế nhưng bà vẫn "bị níu kéo" ở lại làm chức Ủy viên của Hội. Hơn 10 năm qua từ ngày thôi giữ chức Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải và thuê tàu Hà Nội, bà hết làm Phó Chủ tịch Hội từ thiện Tấm lòng vàng của TP Hà Nội rồi Chủ tịch Hội Khuyến học của phường. Cũng từ đây, câu chuyện của "kẻ ăn mày không biết tự ái" bắt đầu, tạo nên bức tranh đầy đủ và sinh động về người phụ nữ mà tôi cho là "phi thường" này.

Làm người "vác tù và", bước chân người đàn bà ấy đã mòn gót trên bao con phố, đưa tay nhận lấy từng tờ tiền lẻ của những tấm lòng hảo tâm với nụ cười hiền hậu cùng lời cảm ơn sâu sắc với mong muốn cho học sinh nghèo có tập vở, cây bút đến trường. "Kỉ niệm thì nhiều lắm" - bà nở nụ cười tươi, nhớ lại: "Tôi biết các gia đình, tổ chức họ phải đóng góp nhiều quỹ lắm, xin tiền dù ít dù nhiều việc họ "có nhời" với mình cũng là dễ hiểu. Thế mới cần phải vận động làm cho hiểu và tin tưởng việc mình làm. Bác từng dặn "dân vận tốt, việc gì cũng thành công" mà. Thế nên nếu tự ái thì làm được gì nữa, đúng không?".

Biết là vậy, nhưng những cái gật đầu và cả những cái xua tay vẫn luôn "chào đón" bà trên bước đường "khất thực" vì người khác. "Chuyện họ nói, thậm chí như mắng vào mặt mình cũng không ít. Nhớ hồi mình đi quyên góp, gặp một gia đình, ông chồng bảo bà vợ: "Cho mấy nghìn để họ biến đi". Mình nghe vậy nhưng không buồn mà chỉ dịu giọng: "Tôi nguyên là Giám đốc Tổng Công ty Vận tải và thuê tàu Hà Nội. Bây giờ nghỉ hưu tham gia Hội Tấm lòng vàng đi quyên góp tiền cho người nghèo. Mấy nghìn ít thì ít đấy nhưng tôi mua được mấy cái bút cho các cháu học sinh nghèo, mua được vài cái bánh mỳ cho các cháu rồi. Người vợ nghe thế nên ngượng liền lấy 20.000 đồng giúp đỡ ủng hộ ngay. Từng người, từng khoản thu chi tôi ghi chép cẩn thận sau đó sẽ thông báo cho họ biết số tiền thu được để giúp đỡ ai.

Bước chân người đàn bà bé nhỏ, cần mẫn qua từ phố Lê Văn Hưu, qua Hàng Chuối, rồi đến phố Nguyễn Công Trứ,…Từng ấy năm tự nhận mình là "kẻ ăn mày không tự ái", bà luôn tâm niệm mình làm việc giúp đỡ mọi người nên càng đi càng thấy khỏe, vận động được người này rồi họ lại tự vận động các gia đình khác ủng hộ. Đến nay, Hội Khuyến học của phường Phạm Đình Hổ đã có hơn 1000 hội viên với 19 chi hội luôn tích cực tham gia các phong trào giúp đỡ con em các gia đình khó khăn, học giỏi.

"Phấn khởi lắm chứ cháu khi có người, có đơn vị họ gọi điện đến cho mình hỏi thăm, nói muốn ủng hộ cho quỹ vì cảm thấy yên tâm vì tiền của mình được dùng đúng mục đích" và vì bản thân người đàn bà quá đỗi nhiệt tình, hăng say với công việc không lương không hề biết đến tư lợi này. Cuốn sổ ghi danh sách gia đình được bà và Hội Tấm lòng vàng ngày qua ngày lại thêm những ngày càng nhiều thêm những gia đình được giúp đỡ: Giúp anh Nguyễn Thế Linh ở Trương Định bị tâm thần, con bại liệt, vợ ốm triền miên 2 triệu đồng. Gia đình cụ Lê Văn Đậu ở phường Phạm Đình Hổ, con bị tai nạn, nằm bán thân bất toại, vợ chạy thận ở bệnh viện 1 triệu đồng,…Bà nhớ lần cùng GS Nguyễn Tài Thu tổ chức cho 2 Việt kiều Canada đến trao tận tay 100 suất quà cho 100 trẻ mồ côi. Về nhà vui đến mức bà vừa đi vừa nhảy như đứa trẻ thơ khiến hàng xóm… tưởng bà trúng xổ số.

Cảm động hơn khi tháng nào nhận lương bà cũng bỏ lợn 100.000đ tiết kiệm cho người nghèo suốt hơn 10 năm nay. Đến nay, ngoài bản thân gia đình bà tự bỏ tiền túi giúp đỡ 6 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn (trợ giúp 600.000đ/em/năm) thì Hội Khuyến học của phường bà còn giúp đỡ 14 em khác cũng với số tiền trên. Hội từ thiện Tấm lòng vàng cũng đã giúp sửa chữa nhà cho nhiều gia đình nghèo ở quận Hai Bà Trưng...

Vậy là, ngọn lửa nhân ái suốt bao năm ròng bà miệt mài, cần mẫn thắp lên ngày một sáng. Quan trọng hơn, ngọn lửa ấy đã thắp lên tương lai cho biết bao em nhỏ, và nó lại được truyền cho biết bao thế hệ, dù một ngày, ngọn lửa đầu tiên không còn cháy nữa

Tiêu Phong - Ngọc Anh
.
.
.