Chuyện về một “đại gia” người Việt trên đất nước Triệu Voi

Thứ Bảy, 13/10/2012, 11:49
Là con thứ hai trong một gia đình người Việt có 8 anh chị em, quê gốc ở Tuyên Hóa, Quảng Bình, ông Nguyễn Duy Trung (54 tuổi) sinh ra và lớn lên ở bản Xiêng Vang, huyện Noọng Bốc, tỉnh Khăm Muồn. Năm 18 tuổi ông rời làng Xiêng Vang với hai bàn tay trắng, trải qua bao thăng trầm nhưng bằng bản lĩnh, ý chí kiên cường ông đã tạo dựng được một cơ ngơi đáng nể trên đất nước Triệu Voi: với 5 nhà máy, một công ty, một trung tâm siêu thị đa năng lớn nhất Lào, 25ha “đất vàng” cùng 149 căn biệt thự (diện tích mỗi căn lên tới 240m2) ở thủ đô Viêng Chăn. Ông là một tỷ phú thành đạt nhất trong cộng đồng dòng máu Lạc Hồng ở xứ sở hoa Chăm Pa...

Bốn lần trắng tay và một lần... vào tù

Với Nguyễn Duy Trung (tên Lào là Vi Xay Navientiane) quê hương chỉ biết qua chuyện kể và lời ru của mẹ vì năm bố ông lên 8 tuổi, ông nội đã làm cuộc “thiên di” từ Tuyên Hoá, Quảng Bình sang Bô Ly Khăm Say, sau đó định cư ở bản Xiêng Vang…

Trong căn biệt thự được bài trí rất thuần Việt ở thủ đô Viêng Chăn, ông Nguyễn Duy Trung bắt đầu câu chuyện với tôi bằng giọng trầm ấm, đậm chất miền gió Lào cát trắng Quảng Bình: “Năm 1975 tôi bắt đầu khởi nghiệp bằng số tiền 30 ngàn kíp (tiền Lào) mẹ bán đàn heo ở Xiêng Vang. Khi đó Lào mới giải phóng hàng hoá thiết yếu rất thiếu thốn. Trong khi nhiều người đổ xô buôn bán hàng gia dụng thì ông đi buôn vải vì ông nhận thấy ở Bô Ly Khăm Say “cái ăn cái mặc” rất khó khăn. Hồi đó các đoàn xe vận tải của Việt Nam sang giúp Lào mỗi tuần có hàng trăm chuyến qua lại. Hồi đó Việt Nam kinh tế sau chiến tranh khó khăn, hàng hoá thiếu thốn trăm bề. Ông rủ một người bạn tên là Phạm Văn Dương nhà ở Bô Ly Khăm Say tham gia “đánh” hàng về Việt Nam và liên tục thắng lớn.

Đầu năm 1979, ông bị bạn hàng lừa rồi trốn qua biên giới Thái Lan, tài sản, vốn liếng gần 5 năm dành dụm mất sạch. Ông nhận quả đắng đầu đời nhưng không trách người đó, thậm chí sau này họ sa cơ lỡ vận quay về, ông vẫn tạo điều kiện giúp đỡ. Ngay cả bị người ta lừa nhưng thành đạt như ngày hôm nay ông vẫn sống và làm ăn theo quan điểm mà ngay khi chập chững bước chân vào đời ông đã ngộ ra: Không tham, không khôn quá, không được lợi dụng lòng tốt của người khác, mình giúp người thì người sẽ giúp mình. 

Đời làm kinh doanh của ông cũng lắm gian nan, khốn khổ. Từng sở hữu hàng ngàn cây vàng, vài chục triệu USD nhưng cũng có lúc trắng tay phải chạy đến nhà bạn ăn nhờ ở trọ. Nhưng được cái ông là người chơi tốt với bạn bè nên lúc gặp hoạn nạn lại như có quí nhân phù trợ, được giúp đỡ và bằng ý chí của mình ông lại đi lên từ con số không.

Cuối tháng 4/1980 Chính phủ Lào có chủ trương cấm kinh doanh 22 mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài. Khi đó hiểu biết pháp luật của ông còn hạn chế, chính sách, pháp luật nước bạn còn thiếu và nhiều kẽ hở nên cũng như nhiều người khác, vợ chồng ông mang hết hàng hoá đi giấu (ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Tiu năm 1978). Sau một thời gian theo dõi, lực lượng chức năng của Lào ập vào “khui” ra kho hàng “quốc cấm” của ông. Hàng hoá trước đó ông vét sạch vốn 200.000USD đầu tư bị tịch thu. Vợ ông nằm khóc mấy ngày vì tiếc của, ông cũng đau lắm nhưng tự nhủ không được phép yếu mềm và lại bắt đầu từ hai bàn tay trắng…

Sau nhiều năm buôn bán lăn lộn tại Bô Ly Khăm Say, tháng 4/1984 ông chuyển cả gia đình lên thủ đô Viêng Chăn, mở một cửa hàng vàng bạc ở Chợ Sáng và nhanh chóng giành thị phần lớn tại thủ đô. Nhưng đúng là “phúc bất trùng lai” đang lúc làm ăn lên như diều gặp gió thì kinh tế Lào rơi vào khủng hoảng, lạm phát phi mã, người ta cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thao túng của những người kinh doanh vàng. Ông cùng nhiều cửa hàng kinh doanh vàng khác được các nhà chức trách mời lên, tịch thu toàn bộ “tang vật” kèm theo số tiền phạt là 1,5 triệu kíp (tương đương với 150 cây vàng). Hàng hoá bị tịch thu làm sao kiếm được số tiền khổng lồ đó để nộp phạt nên ông cùng nhiều người khác bị tống giam...

Đầu năm 1990, Trung Quốc có chủ trương nhập khẩu ôtô nguyên chiếc quá cảnh qua Lào, nhiều người đua nhau chạy theo làn sóng kinh doanh mới vì lãi khủng. Ông rủ 15 người bạn cũng là dân làm ăn lâu năm với nhau ở Viêng Chăn góp tiền vàng, ngoại tệ tổng cộng hơn 2 triệu USD nhập từ Nhật về một lúc 72 chiếc xe hiệu Honda, Mazda, Toyota... Nhưng xe về đến cửa khẩu Luông Nậm Thà thì cũng là lúc phía Trung Quốc có chủ trương... cấm nhập! 2 triệu USD của ông và bạn bè nằm phơi sương phơi nắng ở cửa khẩu mà không có lối thoát. Vài tháng sau, 15 người tham gia vào phi vụ nhập ôtô và tất nhiên là có cả ông lần lượt phá sản. Hơn chục mảnh đất ông dành dụm mua ở Viêng Chăn cũng phải bán rẻ để trang trải nợ nần. Lần thứ ba trong đời kinh doanh của mình ông lại rơi vào cảnh tay trắng...

Không ép chín thì quả sẽ ngọt

Năm 1987, Chính phủ Lào bãi bỏ chủ trương cấm kinh doanh vàng, vợ chồng ông lại quay về với nghề cũ. Với nhiều “quái chiêu” hút khách như bây giờ người ta gọi là khuyến mại nên Vàng Vi Xay trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Làm ăn phát đạt, ông bắt đầu chuyển sang kinh doanh bất động sản...

“Hồi đó bất động sản là một lĩnh vực khá mới mẻ với nhiều người ở Lào. Tiếng là thủ đô nhưng dân số chưa đầy 300 ngàn người nên đất cát người ta xem nhẹ, ít ai để ý. Tôi âm thầm đi mua gom những thửa đất và chỉ mua đất mặt tiền hoặc có khả năng sẽ là mặt tiền”. Bài học đúc kết sau hơn chục năm trên thương trường là không được vội vàng, không bị ép chín thì quả sẽ ngọt. Ông mua đất theo kiểu “thâu tóm” từ từ, không sốt sắng quá để họ đòi giá sốc nhưng cũng không từ bỏ. Cứ mưa dầm thấm lâu. Ngay cả mảnh đất ông xây dựng trung tâm thương mại Asean Mall ông phải mua của 15 chủ, trong vòng gần 10 năm kiên trì đeo bám.

Ông Nguyễn Duy Trung

Hàng năm ông vẫn đưa cả nhà đi du lịch ở Thái Lan, mỗi khi đi qua các khu công nghiệp ông đều ngạc nhiên có những dãy nhà to lợp “ngói” tấm (tôn lạnh). Người ta sản xuất được sao mình không làm theo?. Và cuối năm 2000, nhà máy sản xuất tôn lạnh Vi Xay được đầu tư hơn 1 triệu USD cho ra lò những tấm tôn đầu tiên. Hồi đó người dân vẫn quen sử dụng tấm lợp proximăng nhưng sau khi tận mắt chứng kiến thẩm mĩ và chất lượng những ngôi nhà được ông tài trợ lợp tôn lạnh dần dần mọi người đã thay đổi.

Giờ đây từ nhà máy sản xuất tôn lạnh ban đầu ông đã thành lập Công ty VXP (viết tắt của từ tiếng Anh Vi Xay Product) bao gồm 5 công ty ở 5 địa phương khác nhau. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất tấm lợp tôn, ông nhập dây chuyền sản xuất xà gồ, khung sắt các loại. Vợ ông bà Nguyễn Thị Tiu quản lý một công ty kinh doanh vàng bạc, đá quí từ thuở khởi nghiệp, còn lại 5 công ty đều do 5 người con quản lý. 3 cậu con trai của ông đều tốt nghiệp các trường danh tiếng ở Úc, từ chối nhiều lời mời của các công ty bên đó để về Lào chung tay với bố mẹ.

Ngoài ra, ông đang sở hữu một khu Trung tâm thương mại Asean Mall 3 tầng đa năng lớn nhất Viêng Chăn và cả đất nước Lào, có diện tích sử dụng hơn 15.000m2 vừa khánh thành hồi cuối tháng 6/2012. Chỉ riêng tiền xây dựng đến nay ông đã “ném” vào đó gần 10 triệu USD. Ông còn là một “địa chủ” thực sự, khi đang sở hữu đến 25ha đất mà toàn đất vàng, đất bạc ở thủ đô Viêng Chăn, chưa kể 149 căn biệt thự cao cấp (mỗi căn 240m2) ở thủ đô Viêng Chăn và vùng phụ cận.

“Con chim biết nhớ bầy, thương tổ”

Người Việt ở Lào hiện có khoảng 40 ngàn người trong đó thủ đô Viêng Chăn có 10 ngàn người. Ông Nguyễn Duy Trung hiện là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn. Kinh doanh bận rộn nhưng ông là người chiếm kỷ lục về việc tham gia các hoạt động xã hội; ngoài chức danh Chủ tịch Hội người Việt tại Viêng Chăn ông còn là Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Lào, Chủ tịch Hội doanh nghiệp chợ Sáng Viêng Chăn, Chủ tịch Hiệp hội Vovinam tại Lào, Phó Chủ tịch hiệp hội Golf quốc gia Lào...

Cả 5 người con của ông đều thông thạo tiếng Việt và tất nhiên cả tiếng Lào. Với tư cách là thành viên Ban điều hành TW Hội khuyến học Lào, mỗi năm tập đoàn VXP do ông làm giám đốc đóng góp hàng chục triệu kíp cho các hoạt động từ thiện, khuyến học trong đó ưu tiên dành hỗ trợ các trường cho trẻ em dạy tiếng Việt tại Lào.

Ông Nguyễn Duy Trung trong phòng khách của Trung tâm thương mại Asean Mall

Như “con chim biết nhớ bầy, thương tổ”, ánh mắt ưu tư chất chứa bao niềm riêng khi ông nhắc lại những lần về thăm quê hương ở vùng Tuyên Hóa, Quảng Bình. Ông bảo rằng so với những gì ông phải trải qua nơi đất khách chưa thấm vào đâu với những vất vả một nắng hai sương của người nông dân ở quê hương. Tham vọng của ông là trong một vài năm tới ông sẽ tính toán đầu tư tại Quảng Bình và chắc chắn là trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp. Tuyên Hóa là huyện miền núi, hơn 70% là đất lâm nghiệp nên có tiềm năng về lĩnh vực này...

Gần 2h sáng, tôi mới kết thúc cuộc trò chuyện với ông ngay tại phòng khách VIP của Khu trung tâm thương mại Asean Mall. Ông cho cậu con trai út Vi Liềm lái chiếc Meccedec 500 đưa tôi về khách sạn. Đêm Viêng Chăn vắng vẻ và thanh bình, nhưng tôi để ý cả 4 lần qua ngã tư gặp đèn đỏ mặc dù tịnh không một bóng người và phương tiện qua lại nhưng Vi Liềm vẫn dừng xe chờ đèn xanh mới đi tiếp. Tôi nhủ thầm, mặc dù là con một đại gia nhưng ý thức chấp hành pháp luật của câu thanh niên này làm chúng ta phải suy ngẫm.

Đất nước Lào, dân tộc Lào và cả cộng động dòng máu Lạc Hồng ở đất nước Triệu Voi hoàn toàn tin tưởng vào một tương lai tươi sáng bởi thế hệ trẻ sống và làm việc theo tinh thần thượng tôn pháp luật...

Vũ Mạnh Hà
.
.
.