Chuyện về một giang hồ cộm cán hoàn lương trở thành tỷ phú trồng rừng

Thứ Hai, 27/10/2014, 14:30

Vinh dự được báo cáo điển hình tại hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, anh Trịnh Văn Yên, SN 1965, ở khu 2, thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) nghẹn ngào không nói nên lời. Anh kể như trút hết tâm can từ đáy lòng mình để mong được giãi bày, sẻ chia với mọi người về quá khứ lỗi lầm. Nếu không có sự giúp đỡ, động viên của gia đình, xã hội thì không biết cuộc đời anh sẽ đi về đâu. Bài báo cáo, hay đúng hơn là hồi ký cuộc đời của anh nhận được những tràng pháo tay không ngớt của các vị lãnh đạo và đại biểu dự hội nghị.

Với tôi, ấn tượng đầu tiên về Trịnh Văn Yên là người đàn ông có dáng người dong dỏng, nước da đen sạm, khuôn mặt cương nghị và khả năng diễn thuyết khá tốt. Trong suốt bài nói chuyện khoảng 30 phút, anh nói thong thả, dung dị, sâu sắc. Anh cho mọi người thấy được ý chí quyết tâm, biết đứng dậy và đi lên từ chỗ vấp ngã, để rồi vươn lên trở thành một tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương. Anh còn giúp những người cùng cảnh ngộ có công ăn, việc làm và thu nhập ổn định, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Thậm chí, anh đứng ra thế chấp ngân hàng để vay hàng trăm triệu đồng giúp họ có vốn để làm ăn, mở rộng sản xuất. Ấy vậy mà trước đây, Trịnh Văn Yên được biết đến là tay chơi có tiếng, một giang hồ cộm cán mà hễ ai nghe tới đều dè chừng.

Trịnh Văn Yên sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 anh chị em. Bố mẹ làm nông dân thuần túy, song họ cố gắng nuôi dưỡng, chăm chút để các con được ăn học, khôn lớn trưởng thành. Mặc dù là thành viên nhỏ tuổi nhất, song Trịnh Văn Yên khá lém lỉnh, nhanh nhạy. Yên có thể thích nghi nhanh với môi trường sống. Đó là thuận lợi, song cũng tiềm ẩn đầy bất trắc nếu không được định hướng đúng đắn. Với tính cách ương ngạch, đã quyết thì phải làm bằng được, ngay cả bố mẹ cũng không cản nổi, Yên bỏ học giữa chừng, bôn ba trên các chuyến xe khắp các tỉnh Tây Bắc, từ Sơn La, Điện Biên đến Lào Cai, Lai Châu, Hà Nội..., không nơi nào không in dấu chân Yên. Thời điểm đó, việc mua bán gỗ diễn ra phổ biến và khá dễ dàng. Nổi lên nhiều đầu nậu chuyên thu mua gỗ với số lượng lớn từ khắp các tỉnh, thành phía Bắc, sau đó vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Trịnh Văn Yên nhanh chóng bắt nhịp vào các đường dây buôn gỗ lậu, rồi trở thành thương lái nổi tiếng giàu có. Có tiền, lại có máu đỏ đen trong người, Yên trở thành khách quen của các chiếu bạc. Mới ngoài 20 tuổi mà Yên có tất cả, có tiền bạc, có cuộc sống hạnh phúc bên người vợ trẻ, con thơ. Yên trở thành niềm tự hào của gia đình. Thế nhưng, chính vì sớm thành đạt đã khiến chàng trai trẻ Trịnh Văn Yên ngộ nhận về cuộc sống, sớm buông thả, thiếu định hướng. Rồi điều gì đến sẽ đến.

Năm 1988, trong một lần theo nhóm bạn rủ rê xiết nợ, Yên và đồng bọn đã sử dụng vũ khí nóng khống chế con nợ, rồi vơ vét tài sản có giá trị ở trong nhà. Sự việc bị phát giác, Yên bỏ trốn khỏi địa phương. Cơ  quan Cảnh sát điều tra ra lệnh truy nã toàn quốc về tội cướp tài sản.

Anh Trịnh Văn Yên phát biểu kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.

Quá trình lẩn trốn, Trịnh Văn Yên theo đường tiểu ngạch vượt biên sang Trung Quốc sinh sống. Ở đó một thời gian, Yên về quê vợ ở Tuyên Quang, rồi thay tên, đổi họ, trốn tránh sự phát hiện của cơ quan Công an. Yên kể rằng, trong suốt quá trình lẩn trốn, không lúc nào Yên thấy ngon giấc. Yên sợ rằng bị bắt sẽ bị kết án tử hình nên rất hoang mang, lo sợ. Thế rồi, thời gian lẩn trốn thấm thoát đã gần 10 năm. Tưởng rằng sự việc rơi vào quên lãng, cơ quan Công an “chắc không nhớ” vụ án từ 10 năm trước nên Yên tự tin hơn. Đó cũng là lúc Yên có biểu hiện sơ hở, mất cảnh giác. Năm 1998, trong một lần đi giao hàng từ Sơn La về Hòa Bình, Trịnh Văn Yên bị lực lượng Công an dừng xe để kiểm tra hành chính. “Có tật giật mình”, Yên có biểu hiện lo sợ, khuôn mặt tím tái. Lúc này, tổ công tác phát hiện Trịnh Văn Yên chính là đối tượng có lệnh truy nã về tội cướp tài sản từ 10 năm trước. Trịnh Văn Yên bị tuyên án 10 năm tù giam.

Khi bị bắt, Trịnh Văn Yên càng trở nên buồn bã, chán nản. Thậm chí, đến người vợ nhiều năm “đầu gối tay ấp” cũng bỏ anh mà đi. “Đó cũng là quãng thời gian cùng cực, tủi nhục nhất mà tôi chịu đựng. Nhiều lúc bi quan, tôi muốn kết thúc sớm cuộc sống để được thanh thản. Ai cũng có thời nông nổi, bồng bột, tôi phải trả giá cho những gì mình gây ra. Thời gian trong trại, tôi suy nghĩ rất nhiều. Đã đến lúc mình phải đứng dậy, làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội” – Yên chia sẻ. Nhờ quá trình cải tạo tốt, năm 2005, Trịnh Văn Yên được giảm án trước thời hạn 3 năm.

Sau khi trở về địa phương, Trịnh Văn Yên bắt đầu cuộc sống bằng đôi bàn tay trắng. Nghĩ về tương lai phía trước khiến Yên khá hoang mang, nhất là tâm lý từng là tù nhân đeo đẳng khiến mọi người xung quanh xa lánh, nghi ngờ. Được mọi người gần gũi, động viên, Trịnh Văn Yên có thêm động lực để làm lại cuộc đời. Nhất là đối với một con người từng một lần vấp ngã thì càng phải thận trọng, đắn đo lựa chọn con đường đi cho phù hợp.

Vốn là người nhanh nhạy, hoạt bát, sau khi bàn đi, tính lại, tham khảo ý kiến gia đình, Trịnh Văn Yên quyết định theo đuổi nghề trồng rừng và phát triển kinh tế VAC tại gia đình. Tuy nhiên, bài toán về vốn khiến anh và gia đình đau đầu. Đúng lúc này, anh được chính quyền địa phương, cụ thể là Ủy ban nhân dân thị trấn Kỳ Sơn tạo điều kiện đấu thầu 1ha ao để thả cá, xí nghiệp lâm nghiệp huyện Kỳ Sơn giao thầu 433ha đất đồi rừng. Anh nhanh chóng bắt tay vào công việc mới. Với bản tính cần cù, chịu khó, chỉ sau đó không lâu, những cánh rừng xanh ngát không phụ công người vun trồng.

Nhận thấy việc nuôi trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh quyết định tín chấp Ngân hàng nông nghiệp huyện Kỳ Sơn vay số tiền 850 triệu đồng để phát triển trang trại và trồng rừng. Đến nay, anh có gia tài đáng kể gồm hàng trăm đầu lợn, trên 2.000 con gà, 100 con dê, hằng năm thả 2.000kg cá giống. Bình quân thu nhập hằng năm đạt trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn tạo điều kiện cho khoảng 50 lao động người địa phương có công việc ổn định, mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Không chỉ là điển hình trong phát triển kinh tế, Trịnh Văn Yên còn giúp anh N.H.B, ở thị trấn Kỳ Sơn, vừa chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương mở trang trại, trồng rừng. Anh tạo điều kiện cho anh B vay vốn số tiền 100 triệu đồng để đầu tư trồng rừng, tư vấn về giống, cây trồng năng suất cao. Đến nay, anh B có cơ ngơi khang trang, những quả rừng được phủ đầy màu xanh ngát. Những lúc rảnh rỗi, họ lại cùng nhâm nhi chén trà, ôn lại kỷ niệm, rồi động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Cuộc đời của Trịnh Văn Yên có quá nhiều biến cố thăng trầm, song đoạn cuối câu chuyện là cái kết có hậu. Biết đứng lên từ vấp ngã, có quyết tâm làm lại cuộc đời, cái cách Trịnh Văn Yên trở thành ông chủ thành đạt với khối tài sản hàng tỷ đồng thực sự khiến người đời nể phục. Giờ đây Trịnh Văn Yên hạnh phúc bên người vợ hết mực thủy chung và 2 người con bé bỏng. Họ cùng nhau vun đắp cho tổ ấm hạnh phúc và nụ cười rạng ngời

Thu Hà
.
.
.