Chuyện về người phụ nữ có 53 đứa con nuôi mê làm từ thiện

Thứ Hai, 17/09/2012, 15:27
Dù đã ở cái tuổi 60, nữ doanh nhân Trương Thị Thạnh (540 Phan Chu Trinh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) vẫn không chịu an nghỉ tuổi già. Ngoài việc với vai trò cố vấn cho con cái trong việc kinh doanh, bà còn nổi tiếng là người phụ nữ đi đầu trong các hoạt động xã hội, từ thiện. điều làm chúng tôi bất ngờ khi bà có tới 53 người con nuôi…

Mối tình của cô gái “con nhà tư sản”

Trên con phố tấp nập người qua lại tại trung tâm TP Tam Kỳ (Quảng Nam), quán cơm chay từ thiện mang cái tên từ tâm như chút gì đó làm bớt đi cái ồn ã của phố xá đông đúc. Bà Thạnh ngồi đó đợi chúng tôi đến trò chuyện sau cuộc điện thoại hẹn trước. Bằng chất giọng ngọt ngào và dáng vẻ phúc hậu của người phụ nữ một đời vất vả, bà Thạnh tiếp chuyện chúng tôi đầy cởi mở và ấm áp.

Sinh ra trong một gia đình tiểu thương, bố mở sạp báo nhỏ, nên bà được gia đình cho đi ăn học đầy đủ, ngoài thời gian đi học, bà cũng tranh thủ giúp đỡ bố bán báo và văn phòng phẩm. Đang học năm thứ nhất Đại học Huế ngành luật, thì đất nước thống nhất, bà nghỉ học rồi mang ba lô vượt đèo lội suối lên tận vùng núi Phước Sơn (Quảng Nam) tham gia TNXP, rồi chuyển qua Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam, sau đó lại chuyển sang làm kế toán, thủ quỹ nhà ăn của xí nghiệp.

Thời gian hăng say làm việc ở đây, bà gặp một cán bộ trẻ quê ở Bắc Ninh là cán bộ đoàn của cơ quan. Tiếng sét tình yêu đã đưa họ đến với nhau, nhưng thời kỳ đó gia đình có sạp báo, bán văn phòng phẩm cuộc sống khá giả nên nhiều người cho rằng bà là con nhà tư sản, có nhiều lời dị nghị. Chính vì thế tình yêu của bà với người đàn ông miền Bắc cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sức mạnh của tình yêu, chàng thanh niên Chử Văn Thông đã cùng bà Trương Thị Thạnh vượt qua mọi rào cản của xã hội, và những lời bàn tán dị nghị của mọi người để quyết tâm đến với nhau.

Hai người đã tổ chức đám cưới vào năm 1978. Sau đám cưới, cả hai xin nghỉ việc và về Tam Kỳ mở một tiệm bán vải. Lúc bấy giờ, tiệm vải bà Thạnh là tiệm đầu tiên ở Quảng Nam. Vốn nhanh nhẹn, có kinh nghiệm làm kinh tế từ lúc nhỏ khi giúp bố bán sách báo, qua nhiều lần làm thủ quỹ, kế toán nên hiệu vải của bà bấy giờ phát triển rất mạnh. Khi Tam Kỳ mới lên thành phố, có sẵn vốn trong tay, cùng với sự động viên của chính quyền địa phương, bà đã quyết định mở thêm khách sạn và Khu Du lịch Sinh thái Đông Á (lớn nhất TX Tam Kỳ lúc bấy giờ).

Người phụ nữ và tấm lòng bao dung

Mặc dù luôn bận rộn trong việc kinh doanh nhưng mỗi lần Tỉnh hội phát động phong trào từ thiện, bà đều hăng hái tham gia. Bằng cả tấm lòng của một nữ doanh nhân nhân hậu, bà đã vận động mọi người cùng tích cực tham gia phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương cho các đối tượng chính sách, cứu trợ thường xuyên cho người tàn tật, trẻ mồ côi bất hạnh và người già không nơi nương tựa. Đặc biệt là người nghèo vùng sâu, vùng xa, giúp họ vượt qua khó khăn, hoà nhập cuộc sống…

Bà Thạnh bên trong ngôi nhà của mình.

Nỗ lực phấn đấu, không ngại khó khăn, gian khổ, tất cả “chung tay làm việc thiện” là những suy nghĩ đã giúp bà Trương Thị Thạnh tìm ra phương án tập hợp được nhiều nguồn tài trợ, ủng hộ từ bạn bè trong và ngoài nước tạo được nhiều việc làm cho người lao động, giúp cuộc sống của họ dần ổn định hơn. Chính vì thế bà được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Hội LHPN tỉnh Quảng Nam nhiều năm liền và là cộng tác viên tích cực trong các hoạt động từ thiện.

Những đóng góp thầm lặng nhưng đầy lòng nhân ái, người phụ nữ Quảng Nam tiêu biểu đã đạt rất nhiều danh hiệu cao quý cho những đóng góp của mình với địa phương cũng như đất nước. Bà vinh dự nhận Cúp Bông hồng vàng nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và được trao giải nữ doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu 3 năm liền 2008 - 2010 vào năm 2008 tại Hà Nội.

Trước những thành tích ấy, khi trò chuyện với cúng tôi, bà Thạnh vẫn hiền hậu, khiêm tốn rằng: “Những việc tôi làm, chưa thấm vào đâu so với nỗi khổ của những người bất hạnh. Tôi thiết nghĩ, vạn vật rồi sẽ qua đi chỉ có tình thương, tình yêu giữa người với người là sống mãi”.

Và… 53 đứa con nuôi

Khi kinh tế khá giả, ngoài tạo việc làm cho người lao động, bà Thạnh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Nhiều hoàn cảnh éo le từ những lúc đi tham gia từ thiện, xã hội đã đánh thức trái tim đầy nhân ái. Bà đã giang rộng vòng tay đón nhận những mảnh đời đầy bất hạnh. Mặc dù đã có 4 người con đẻ, 2 con gái là Chử Thị Tố Vân (35 tuổi), Chử Thị Tố Vương (34 tuổi) đã trưởng thành và qua nước ngoài làm ăn, lập gia đình bên đó. Người con trai Chử Quang Minh (30 tuổi) bây giờ được bà giao quản lý khách sạn Đông Á ở đường Phan Châu Trinh, TP Tam Kỳ. Con út là Chử Quang Mẫn (28 tuổi) giao cho làm chủ Khu Du lịch Sinh thái Đông Á. Vậy mà bà vẫn nhận 53 đứa con nuôi là cả một tấm lòng của người phụ nữ giàu lòng nhân ái này.

Những kỷ niệm về những đứa con nuôi cũng in sâu trong trái tim của bà. Bà còn nhớ đã nhận nuôi đứa con tên Nam mà bà vẫn không thể quên được. Thấy có đứa nhỏ đi lang thang, sau một lúc hỏi han, bà mới biết quê tận Thái Bình, thấy thương hoàn cảnh bà nhận về nuôi lớn. Bảy năm sau bà cho Nam vào Sài Gòn học nghề cắt tóc, đầu bếp nhà hàng, nay đã lập gia đình và giờ là bếp trưởng của 3 nhà hàng lớn, thỉnh thoảng vẫn dẫn vợ về thăm bà. Bà cũng vẫn còn nhớ có 3 chị em ở tận Khương Thượng (Thanh Hóa), vì gia đình có 9 người con, nghèo quá nên 3 chị em cũng lạc vào Quảng Nam. Thấy hoàn cảnh tội nghiệp nên bà nhận nuôi cả 3 chị em, chị đầu tên là Nguyễn Thị Hường nhưng sau đứa con này xin lấy theo họ của chồng bà là Chử Thị Hường, nay cả 3 chị em đã lớn và lập gia đình.

Kỷ niệm làm bà nhớ nhất là đứa con tên Quý. Vì bố mẹ đi làm kinh tế mới bỏ lại Quý một mình không nơi ăn ở, Quý lại thuộc dạng cá biệt nhất trường, luôn quậy phá. Lúc bà nhận nuôi, các thầy cô giáo cũng nói rõ cho bà biết vì sợ làm ảnh hưởng đến gia đình và làm những đứa con khác hư theo. Tuy nhiên, bà vẫn quyết định nhận Quý về nuôi. Lúc đầu, Quý cũng cứng đầu và khó bảo lắm, nhưng bằng tình thương của một người mẹ nuôi, hàng ngày khuyên bảo, nói rõ hoàn cảnh hiện tại bây giờ cho Quý cố gắng. Không lâu sau đó, Quý cố gắng học hành chăm chỉ, không còn quậy phá nữa và là học sinh giỏi nhất nhì về môn văn của trường. Nhà trường và nhiều giáo viên của Quý cũng đã đến nhà cảm ơn và chúc mừng bà đã có một đứa con nuôi ngoan ngoãn, học giỏi. Đến lớp 11, Quý đã xin nghỉ học và xin mẹ nuôi được về với họ hàng ở Đắk Lắk.

Bây giờ, những đứa con nuôi của bà đã lớn và trưởng thành, mặc dù đã ở cái tuổi 60, đã đến lúc nghỉ ngơi nhưng thời kỳ khủng hoảng, việc làm ăn của các con cũng đang gặp nhiều khó khăn nên 2 vợ chồng vẫn chưa thể nghỉ ngơi an dưỡng. Chồng bà là ông Chử Văn Thông vẫn suốt ngày lam lũ cần cù như bác nông dân làm vườn, sửa sang và giúp con ở Khu Du lịch Sinh thái Đông Á, còn bà thì ở lại khách sạn trông coi giúp đứa con trai.

Hỏi về những dự định trong tương lai, bà vẫn nhiệt tình chia sẻ là muốn làm được nhiều việc để giúp đỡ người khác, miễn là giúp được gì mình giúp. Hiện tại, bà đang bỏ tiền mở quán cơm chay, đồng hành cùng những người khó khăn, bỏ tiền ra mở điểm bán bánh mì thịt nướng giao lại cho 2 người phụ nữ khó khăn bán. Một người là bà Cúc giáo viên không chồng nay về hưu không có việc làm và một bà tên Tuấn có chồng đang bệnh nặng, gia cảnh khó khăn lại phải nuôi con đi học đại học. Với mong muốn giúp họ có cái “cần câu cơm” để kiếm thêm thu nhập nuôi sống gia đình, bà thạnh không ngần ngại giúp đỡ khi những người khó khăn hoạn nạn mong muốn. Bằng tâm huyết của mình, bà cũng đã cống hiến một phần sức lực vào sự phát triển của tỉnh Quảng Nam. Điều trăn trở của bà là Quảng Nam còn nghèo quá, người dân còn khổ, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, mong sao điều kiện kinh tế của tỉnh phát triển, bằng việc làm ăn của các doanh nghiệp thuận lợi để có điều kiện chia sẻ, giúp đỡ được nhiều người hơn.

Điều bà còn cảm thấy trăn trở là việc hiến tạng cho y học của bà vẫn chưa được thực hiện. bà bảo: “Cả cuộc đời đã làm công tác xã hội, mai này chết đi thân xác này cũng về với cát bụi mà thôi. Tôi chỉ muốn hiến tạng cho y học, để có thể cứu giúp thêm những người khốn khổ, bệnh tật!”…

Bên quán cơm chay từ tâm đã có bóng người đến nhận cơm chay, đó là một người nhà bệnh nhân đang nằm điều trị dài ngày tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vẫn thường ngày đến nhận những suất cơm miễn phí. Bà Thạnh cười tươi: “Niềm vui của tôi đấy! Thôi hẹn mấy chú dịp khác nhé!” nói rồi bà tất tả mang cơm ra cho người phụ nữ nghèo khó với những lời hỏi thăm hết sức chân tình. Ngoài đường, đèn đã sáng bừng lên, ấm áp…

Quang Huế - Hữu Cường
.
.
.