Chuyện về người vợ liệt sĩ 35 năm tự nguyện “làm vợ” cựu tù Côn Đảo

Thứ Hai, 28/05/2012, 16:22
Họ là hai người bạn kháng chiến, một người là cựu tù Côn Đảo, xông pha chiến trường khi chưa lập gia đình, ngày về đã là một “phế nhân” sau những trận đòn roi tra tấn, còn một người là vợ liệt sĩ. Cảm thương người đồng đội, đồng chí sống trong cảnh nghèo đơn chiếc, 35 năm qua bà đã tình nguyện về sống chung cùng mái nhà với ông để có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng nhau. Để làm cái việc thiện nguyện ấy, người phụ nữ ấy đã phải chịu bao điều tiếng thị phi.

Được một đồng nghiệp đang công tác tại Báo Đà Nẵng giới thiệu, tôi tìm đến Trung tâm nuôi dưỡng người có công với cách mạng Đà Nẵng, nằm trên đường Phan Tứ, quận Ngũ Hành Sơn để tìm gặp “tổ ấm” đặc biệt của hai ông bà Trần Bửu (90 tuổi) và Nguyễn Thị Châu (80 tuổi). Hai người cùng quê ở Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam nhưng đã sống ở đây ngót cả chục năm có lẻ.

Căn phòng tập thể của hai ông bà đặc biệt nhất trong số hàng chục căn phòng khác nơi đây, bởi đây là mái ấm của hai con người, một nam một nữ, không máu mủ ruột rà, cũng không tình nghĩa vợ chồng nhưng lại chung sống với nhau. Ông Bửu gần như không còn đi lại được nữa từ nhiều năm nay, di chứng của những màn tra tấn dã man tại nhà tù Côn Đảo đã cướp đi của ông tuổi xuân, sức khỏe. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ đến bà Châu.

Vậy mà thoắt cái đã 35 năm kể từ ngày bà quyết định sống nốt phần đời còn lại của mình với ông. Bà thiện nguyện làm điều đó vì tình đồng chí, mặc dư luận, và cả bao điều tiếng thị phi bởi bà biết chắc một điều, ở bên kia thế giới, người chồng liệt sĩ của bà sẽ không trách giận gì trước việc làm cao cả của người vợ phẩm hạnh nơi dương thế.

Vợ liệt sĩ 40 năm giữ phẩm hạnh thờ chồng

Lần đầu tiên bước chân vào căn phòng tập thể của hai ông bà, ấn tượng đầu tiên là chiếc bàn thờ liệt sĩ được đặt trang trọng đầu giường nằm của bà. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, bà Nguyễn Thị Châu vừa thắp nén nhang vừa cho hay, đó là bàn thờ của chồng bà, liệt sĩ Huỳnh Ngọc Khai, quê xã Tam Thanh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Bà Châu với liệt sĩ Khai cùng quê Tam Kỳ, gặp nhau trên chiến tuyến khi bà tham gia thanh niên xung phong, đảm bảo giao thông thông suốt cho xe ra chiến trường. Trong những cuộc gặp nhau ngắn ngủi và thông qua các cuộc giao lưu văn nghệ hiếm hoi, hai người đã phải lòng nhau.

Mối tình của họ cũng chông gai, trắc trở như cuộc chiến đầy khốc liệt của những năm 1968 – 1970 trên quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ. Tuy vậy, với niềm tin sắt son, hai người đã quyết định trở thành vợ chồng trước khi chia tay nhau để Khai lên chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, sau hơn một năm yêu nhau trong đạn lửa.

Đám cưới không xe hoa, áo cưới được tổ chức đơn sơ tại đơn vị, chỉ có hoa rừng và trăng sao chứng giám. Vậy là thành vợ thành chồng.

Đúng một ngày sau lễ cưới, Khai khoác ba lô lên với chiến trường Tây Nguyên và đúng một năm sau ngày cưới, bà Châu đau đớn đón nhận hung tin, Huỳnh Ngọc Khai đã hi sinh trong một trận đánh lớn. Gạt đi nước mắt, bà Châu lao vào hoạt động xã hội cùng với các đồng đội, đồng chí cho đến ngày chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất.

Lúc này, nhìn lại mới thấy mình cô đơn, ở vào cái tuổi 40 của đời người, nhiều lúc bà khát khao một mái ấm gia đình nhưng nghĩ đến người chồng hi sinh vì non sông đất nước, một ngày với nhau cũng nên nghĩa vợ chồng, bà quyết tâm gạt đi tình riêng để giữ tiết hạnh. Bố mẹ, họ hàng cũng chẳng còn ai, nên bà đã quyết định xin vào trại thương binh Hội An để sống nốt phần đời còn lại với những người anh em, đồng chí neo đơn được đưa về đây chăm sóc.

Và chính tại nơi này, bà đã gặp Trần Bửu, một “phế nhân” về từ nhà tù Côn Đảo, cũng chịu cảnh nghèo đơn chiếc, bệnh tật hành hạ sau khi đã gửi lại tuổi thanh xuân ở chiến trường.

Mối tình kỳ lạ 35 năm

Bà Nguyễn Thị Châu dõi đôi mắt xa xăm hướng về phía biển, bà bảo tất cả cũng bởi xuất phát từ tình thương, nên bà đã dũng cảm bỏ qua mọi dị nghị, búa rìu dư luận để đến ở chăm sóc ông Bửu hơn cả người thân của mình.

Cách đây hơn ba chục năm về trước, khi bà vừa xin vào trại thương binh Hội An chưa được bao lâu thì tại đây đón nhận một trường hợp rất đặc biệt: ông được đưa về từ nhà tù Côn Đảo, điều đáng nói là di chứng của những đòn tra tấn ác nghiệt đã biến ông từ người khỏe mạnh bình thường thành một “phế nhân”, cơ thể ốm nhách, gầy còm, nặng chỉ hơn 20 kg. Việc đi lại tự bản thân ông cũng không làm được, vì không có ai chăm sóc, dưỡng dục nên trại thương binh đón về nuôi dưỡng, và người đó không ai khác chính là Trần Bửu.

Với bản tính hay thương người, bà Châu đã không kìm lòng được trước hình ảnh của ông Bửu, đã thế những ngày đầu mới nhập trại, ông này lại thường xuyên kêu la đau đớn khiến cho bà càng thêm thương cảm cho số phận bi thương của người đồng đội.

Sau khi dò hỏi tin tức về Trần Bửu, bà Châu càng trăn trở hơn khi biết rằng, ông chưa từng có vợ con, bố mẹ anh em đều hi sinh trong cuộc kháng chiến khốc liệt nên không còn ai thân thích. Càng nghĩ, càng thương và sau bao đêm suy nghĩ đến bạc tóc, bà Châu đã đi đến quyết định táo bạo là sẽ lặng lẽ chăm sóc cho ông Bửu, dù biết rằng sẽ không tránh khỏi những hiểu lầm, đàm tếu của những người không hiểu đúng bản chất của câu chuyện nhưng vì tình đồng chí, bà chấp nhận điều đó

Rồi, bà Châu cũng không nghĩ được nhiều khi mà ông Bửu liên tục nhập viện điều trị trong tình trạng nguy kịch, bà đã nấu bát cháo rồi mang vào tận giường bệnh cho ông. Lần đầu tiên, nhìn ông ăn tô cháo trong niềm hạnh phúc tột cùng, bà đã len lén lau dòng nước mắt cứ thi nhau tuôn trào trên khóe mắt. Kể từ bữa ấy, ngày ngày bà cơm cháo lặng lẽ nuôi ông.

Những người ở trại thương binh lúc bấy giờ thấy bà làm vậy, ai cũng cho rằng bà đã phải lòng ông. Người khen kẻ chê, vun vào cũng có mà lời ong tiếng ve cũng nhiều khiến bà Châu nhiều đêm nước mắt đẫm gối. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh ông Bửu trong cảnh nghèo đơn côi, bà lại âm thầm nuốt nước mắt vào trong, chỉ với tâm niệm “ông ấy đã hi sinh cả đời mình cho đất nước, giờ trở về đời thường trong cảnh bệnh tật, neo đơn, mình cần phải có nghĩa vụ chăm sóc ông – một người đồng chí đáng kính”.

Cũng chẳng nhớ chính xác ngày nào, tháng nào, năm nào bà chuyển đến căn phòng nhỏ xíu của ông để ở cho tiện bề chăm sóc. Lúc đầu, nhiều người ái ngại cho hai thân già, nhưng về sau, hiểu được cái tình thiêng liêng của người đồng chí, đồng đội, mọi người ra sức vun vén với hi vọng, gần nhau rồi tình cảm sẽ ấm dần thêm, họ dựa vào nhau lúc tuổi xế chiều. Nhưng đã gần 40 năm qua, mối tình ấy vẫn chỉ đơn thuần là tình đồng chí.

Ngày ngày, bà túc trực bên ông, lo từ miếng ăn, giấc ngủ đến các công việc vệ sinh, giặt giũ thường ngày. Thời gian đầu, để đủ tiền trang trải cho ăn uống và thuốc thang của ông Bửu, đồng lương còm bao cấp của hai người không đáng là bao nên bà Châu đã phải bươn chải khắp nơi, từ chạy chợ Tam Kỳ đến làm thêm bất cứ việc gì, miễn là có tiền để nuôi người đồng đội đang ngày một còm cõi vì ốm o, bệnh tật.

Sau khi Đà Nẵng tách khỏi Quảng Nam để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm nuôi dưỡng người có công với cách mạng được thành lập và Trần Bửu được chuyển về đây để chăm sóc trong điều kiện tốt hơn, trong khi bà Châu quyết định ở lại để hương khói cho người chồng liệt sĩ. Chia tay tuy bịn rịn nhưng thực lòng bà cũng thấy trong dạ mừng rơn bởi từ nay, Trần Bửu sẽ có đủ điều kiện vật chất, thuốc men hơn để cầm cự cuộc sống.

Nhưng, thực tình lại không phải như vậy, trở về căn nhà chung, ông vẫn sống cảnh neo đơn, không có bà càng thêm phần còm cõi. Biết chuyện, bà lại lặn lội ra Đà Nẵng, tìm gặp lãnh đạo trung tâm xin được chuyển về ở chung với ông để chăm sóc. Bà Nguyễn Thị Châu tâm sự, bà làm vậy, cũng cực lắm, lại điều tiếng thị phi nữa, nhưng cứ nghĩ đến cảnh ông Bửu quằn quại trong đau đớn những khi trái gió trở trời, bà lại không đành lòng.

Có một điều mà trong suốt 35 năm chung sống dưới một mái nhà, gần như chỉ có bà và ông Bửu hiểu, ấy là bà luôn mang theo di ảnh của người chồng liệt sĩ, và một bàn thờ nho nhỏ nhưng trang trọng luôn được bà hương khói. Căn phòng nhỏ, người ngoài nhìn vào cứ ngỡ hai ông bà là một cặp vợ chồng, nhưng bên trong là hai cái giường được kê cách biệt nhau, một của bà Châu và một của ông Bửu.

Bà Châu bên bàn thờ người chồng liệt sĩ của mình.

Về phần ông Trần Bửu, có lẽ, ông hiểu hơn ai hết tấm chân tình mà bà dành cho ông, cũng như những dị nghị người đời không hiểu “ném” cho bà, nên đã nhiều lần khuyên bà nên sống tách ra. Lẽ dĩ nhiên, yêu cầu này bà Châu đâu có chấp nhận. Nhiều lần ông đề cập đến, bà đều gạt phắt đi, sau riết thành quen nên thôi ông không nhắc lại nữa mà lặng lẽ đón nhận ân tình của bà trong sự cảm động vô bờ bến.

“Tui thương ổng lắm, bao nhiêu năm nay chỉ ăn nằm một chỗ, lúc trẻ khỏe thì cống hiến hết mình cho đất nước, nay cuối đời phải sống trong cảnh nghèo cô đơn, thử hỏi không động lòng sao được. Nhưng tui là gái đã có chồng, dù ông nhà hi sinh đã lâu, nhưng tui phải trọn đạo làm vợ. Giữa tui và ổng (Trần Bửu) là thứ tình nghĩa rất đậm sâu, nhưng mãi mãi vẫn là tình đồng chí”, bà Châu vừa ngước nhìn lên bàn thờ chồng, vừa lầm rầm khấn nguyện để được phù hộ cho mình sống lâu hơn, đặng chăm sóc cho ông Bửu

An Vinh
.
.
.