Chuyện về ông lão chống "đinh tặc" lấy tiền giúp người nghèo khổ

Thứ Hai, 27/02/2012, 10:24

Dáng người của ông nhỏ thó, khuôn mặt hằn lên những nếp nhăn của thời gian. Ông đã bước qua tuổi 85, đã già và đã yếu. Nhưng đã 14 năm nay, chẳng để đôi chân của mình được nghỉ ngơi, ông không cho phép mình an phận. Ngày ngày cầm chiếc túi bóng đi bộ hàng chục km trên quốc lộ, mắt chắng nhìn về phía trước mà chỉ đăm đăm nhìn xuống đường, cố gắng tìm những chiếc đinh bằng kim loại, nhặt về, gom lại, được nhiều mang bán lấy tiền rồi đưa cho những người nghèo khổ mà ông lão biết…

Bao nhiêu năm tháng qua, người ta đã quá quen với hình ảnh của một ông lão lầm lũi đi trên những cung đường quốc lộ đoạn gần thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Nhiều người bảo ông lão dở dở, hâm hâm, ai đời suốt ngày đi nhặt mấy chiếc đinh vụn. Nhưng trong suy nghĩ của mình, ông lão cho rằng, nhặt đinh như vậy vừa sạch đường, bớt đi phần nguy hiểm cho người khác mà bản thân lại có tiền đi làm từ thiện. Lợi cả đôi đường như vậy nên ông lão mặc kệ những lời đàm tiếu xung quanh, việc của mình thì cứ thế mà làm. Và cứ như vậy, ông lão lặng lẽ, âm thầm làm công việc của một người “chống đinh tặc-làm từ thiện” đằng đẵng năm này qua năm khác.

Dáng người của ông nhỏ thó, khuôn mặt hằn lên những nếp nhăn của thời gian. Ông đã bước qua tuổi 85, đã già và đã yếu. Nhưng đã 14 năm nay, chẳng để đôi chân của mình được nghỉ ngơi, ông không cho phép mình an phận. Ngày ngày cầm chiếc túi bóng đi bộ hàng chục km trên quốc lộ, mắt chắng nhìn về phía trước mà chỉ đăm đăm nhìn xuống đường, cố gắng tìm những chiếc đinh bằng kim loại, nhặt về, gom lại, được nhiều mang bán lấy tiền rồi đưa cho những người nghèo khổ mà ông lão biết…

Ông lão chống đinh tặc

Ông lão tên là Nguyễn Thành Long, nhà ở thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Để tìm gặp ông chẳng hề đơn giản chút nào vì đến nhà vào những ngày nắng ráo nhất định sẽ chẳng thể nào gặp được. Muốn gặp được phải gọi điện báo trước vài ngày. Lý do khó gặp đó bởi vì những ngày bình thường ông lão còn phải đi ra đường nhặt đinh.

Hai cung đường ông Long thường đi là đoạn Phủ Lý-Đồng Văn trên quốc lộ 1A dài 15km, và Phủ Lý-Mỹ Lộc (Nam Định) trên quốc lộ 21A. Đây là nơi mà hơn 14 năm qua đã in dấu bước chân của ông. Công việc này ông lão tự vơ lấy cho mình trong một lần chứng kiến vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên đường. Nguyên nhân gây ra tai nạn là bởi chiếc xe đã mắc vào đinh, vỡ lốp… Cũng từ lần chứng kiến cảnh tượng hãi hùng đó ông Long đã tự nhủ với bản thân mình là sẽ đi nhặt đinh trên đường để đề phòng những trường hợp tai nạn cho mọi người.

Những ngày đầu tiên, sáng dậy sớm, ông lão cứ tha thẩn đi bộ dọc lên khu vực thị trấn Đồng Văn rồi quay về. Cung đường dài hơn 15km đó khiến ông mất cả ngày trời. Khi đi mặt trời chưa vượt qua ngọn tre nhưng khi về tới nhà thì đèn phố đã sáng. Ông lão đi chậm, nhìn rất kỹ từng mét trên đường, có chiếc đinh nào là lão nhặt. Sau này ông mang theo cho mình một nam châm, cứ rà xuống đường có thứ gì bằng kim loại là hút vào hết.

Ngày nào khi trở về, ông Long cũng mang được cả túi đinh. Đủ các loại kích cỡ, 1cm cũng có, thậm chí là 10cm cũng có, ghê gớm hơn còn cả những miếng tôn được cắt nhọn hình chữ Z. Loại đinh bằng tôn được cắt này theo kinh nghiệm của ông Long đích thị là của bọn “đinh tặc”. Khi xe vướng vào chắc chắn sẽ bị thủng lốp, thậm chí là rách lốp. Tuy chỉ là một miếng tôn cắt nhỏ nhưng loại đinh này có thể xuyên thủng cả lốp ôtô.

Nhặt được bao nhiêu đinh như vậy ông lão mang về nhà bỏ vào một góc. Tích cóp chừng nửa tháng, ông bắt đầu phân loại từng kích cỡ cụ thể. Những chiếc đinh nào thẳng còn tận dụng được ông đem cho hàng xóm để dùng, những cái nào hỏng ông sẽ tích thêm, khi nào đủ cân, đủ lạng sẽ mang ra cửa hàng phế liệu để bán.

Số tiền bán được lão chẳng dùng để tiêu pha cho bản thân mà nhét vào một con lợn đất. Cứ một năm ông lão đập lợn một lần. Được bao nhiêu tiền, ông mang cho những người khốn khó mà mình biết. Khi thì đứa trẻ mồ côi, khi thì cụ già neo đơn không nơi nương tựa… Thường thì ông lão hay cho tiền người khác vào dịp Tết vì lúc đó ông mới “tổng kết” thành quả sau một năm đi nhặt đinh. Cứ như vậy, hơn chục năm nay, những người được ông Long giúp đỡ đã là cả một danh sách dài dằng dặc. Số tiền lão làm từ thiện cũng lên đến vài chục triệu đồng.

Ông Long nhặt đinh như vậy đồng nghĩa với việc lũ “đinh tặc” sẽ mất đường sống. Đã không ít lần ông lão bị những kẻ vô nhân tính này đe dọa vì đã phá tan âm mưu của chúng. Lần gần đây nhất ông bị đe dọa là vào đầu năm nay. Hôm đó ông Long đang đi trên đoạn đường từ Phủ Lý lên Đồng Văn, khi đi được nửa chừng thì bỗng nhiên có một thanh niên mặt mày dữ tợn phi xe máy đến.

Khi vừa chạm mặt, gã thanh niên này đã nói với ông rằng: “Này bố già! Ai bảo bố đi nhặt đinh ở đường. Bố làm thế này thì bọn tôi chết đói à. Lão mà không dừng lại thì liệu hồn với chúng tôi”. Nghe những lời nói đó ông Long chẳng sợ hãi mà cảm thấy vô cùng tức giận. Ngay lúc đó lão nói rằng: “Anh có giỏi làm gì được tôi thì cứ làm. Tôi chẳng sợ. Anh mà không dừng lại tôi báo công an đấy”. Trước thái độ đó của ông lão, gã thanh niên bặm trợn kia bỗng nhiên thay đổi sắc mặt và chẳng nói chẳng rằng quay xe phóng đi mất. Lúc đó ông nghĩ, mình càng phải cố gắng nhặt sạch hết đinh thì bọn “đinh tặc” mới chịu dừng lại. Ông lão cho rằng, khi nào còn đinh trên đường thì khi đó người tham giao thông còn gặp nguy hiểm.

Chuyện buồn vui trên những cung đường

Lủi thủi đi bộ dọc theo những cung đường quen thuộc năm này qua năm khác, ông Long đã chứng kiến biết bao câu chuyện đau thương. 14 năm đi bộ nhặt đinh cũng là chừng đó năm ông lão phải chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm và cũng có không ít người gặp nạn được cứu giúp. Khi gặp những trường hợp bị tai nạn thường, ông Long sẽ ngay lập tức sơ cứu rồi cùng với  những người dân xung quanh đưa đến những cơ sở y tế gần nhất.

Khi thì người phụ nữ, lúc thì thanh niên trẻ tuổi, bất kỳ ai bị tai nạn mà ông gặp trên đường là lập tức ra tay cứu giúp. Ông lão chẳng nề hà chuyện gì, việc quan trọng nhất là cứu mạng sống cho những con người gặp phải chuyện chẳng lành. Sức khỏe ông lão chẳng có nhiều, chân tay cũng không đủ mạnh để bồng bế những người bị tai nạn được nên ông sẽ kêu cứu mọi người xung quanh cùng xúm tay vào với mình. Chính nhờ sự kịp thời của ông mà đã có biết bao nhiêu người giữ được tính mạng của mình.

Tuổi đã cao, sức khỏe cũng rất yếu lại thường xuyên đội nắng, đội mưa đi bộ ngoài đường nên đã không ít lần ông Long gặp phải chuyện bất trắc. Nhớ lại một lần đột nhiên bị ngất giữa đường, ông bảo, dạo đó nếu như không được người dân cho đi cấp cứu kịp thời thì giờ chắc đã xanh cỏ. Bản thân ông vốn có bệnh cao huyết áp nên hễ khi gặp trời nắng to hoặc thay đổi thời tiết hay một sự bất ngờ gì đó rất nguy hiểm đến tính mạng.

Hôm đó, như mọi ngày, ông Long đi bộ lên khu vực thị trấn Đồng Văn để nhặt đinh. Tuy nhiên, thời điểm đó vào trưa nắng, sức quá mệt vì chảy nhiều mồ hôi nên ông lão đã bị gục xuống đường. Nằm bất tỉnh nhân sự ngay giữa quốc lộ mà bản thân không thể nào gượng dậy nổi. Thật may mắn cho ông là những người dân xung quanh đã tập trung, thuê xe rồi đưa thẳng ông về bệnh viện tỉnh để cấp cứu. Được chạy chữa kịp thời nên ông Long đã giữ được tính mạng trong lần đó.

Sau lần nhập viện này, người nhà phản đối rất quyết liệt chuyện ông cứ tha thẩn đi bộ ở ngoài đường để nhặt đinh. Nhưng ông chẳng nghe, đợi sức khỏe hồi phục, cảm thấy bình thường, ông lão lại tiếp tục công việc của mình. Ông nói rằng, còn sức khỏe, còn đi được thì mình vẫn làm. Công việc này là bản thân mình tự nguyện làm, chẳng có ai thuê, chẳng có ai ép, thích là đi. Hôm nào mệt thì ở nhà nghỉ ngơi…

Suy nghĩ một cách đơn giản, chẳng cầu kỳ sự việc cũng chẳng đề cao cá nhân mình, ông lão làm bởi bản thân thấy sự cần thiết. Những ý kiến của người xung quanh nói về ông lão có rất nhiều chiều khác nhau. Người thì bảo ông lão điên điên, khùng khùng đi làm việc giời ơi đất hỡi. Nhưng cũng có người hiểu được những điều tốt đẹp ông lão làm nên dành những mỹ từ để ca ngợi. Đối diện với điều đó, ông Long giữ đúng cho mình quan điểm nhất quán. Người chê thì ông vui vẻ bảo rằng đó là bản thân ông thấy cần thiết, còn đối với người khen ông lão cũng chỉ bảo, việc làm đó đáng kể gì, cứ coi như một thú chơi, một sự vận động của bản thân.

Việc làm của ông Long cứ âm thầm, lặng lẽ diễn ra qua ngày tháng, chẳng cần nhiều người biết, chẳng cần nhiều người khen, người đàn ông này sống với đúng những quan điểm của mình suy nghĩ. Sẽ còn biết bao nhiêu con người khốn khó nhận được sự giúp đỡ của ông Long trong những năm tháng tới đây khi ông còn sống trên cõi đời này. Và sẽ có biết bao nhiêu con người đi qua cung đường được ông nhặt sạch đinh sẽ được an toàn. Trong số đó, không ít người sẽ chẳng biết được có một ông lão lầm lũi dọn sạch những chướng ngại vật nguy hiểm trên đường để đảm bảo sự an toàn cho rất nhiều người trong xã hội

Hà Chi
.
.
.