Cô bé bán ve chai mua ước mơ đại học

Chủ Nhật, 11/03/2018, 16:05
Hầu hết những cô cậu học trò ở thành phố chỉ cần thi đỗ đại học là muốn gì được nấy: sắm xe mới, điện thoại thông minh mới hay đi du lịch với bạn bè... Nhưng với cô bạn Nguyễn Thị Cúc ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa thì hoàn toàn trái ngược, cùng với niềm vui cầm tấm giấy báo vào đại học trên tay là nỗi lo lắng không được đến trường vì gia đình quá nghèo.


Cúc sinh ra và lớn lên ở vùng đất thuần nông, gia đình có 6 anh chị em nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên lần lượt nghỉ học, đi làm thuê kiếm sống. Cô gái sinh năm 1995 này may mắn là 1 trong 2 người con của gia đình được đi học. Thế nhưng ít người biết Cúc đã phải đấu tranh, thậm chí giả câm giả điếc trước mọi lời trách móc, mỉa mai để được tiếp tục đến trường.

Cúc cho biết gia đình em thuộc diện nghèo của xã và 4 chị gái đều phải nghỉ học từ rất sớm đi làm phụ bố mẹ nuôi Cúc cùng cậu em út đi học, nên mẹ không muốn em đi thi đại học vì sợ Cúc đậu đại học rồi mà gia đình không có tiền cho em đi học thì còn tiếc hơn, khi ấy biết làm thế nào?

Dù vậy Cúc vẫn đăng ký và thi đại học. Em đậu vào khoa Ngoại ngữ Trường đại học Công nghiệp. Ngày cầm tấm giấy báo đại học trên tay, Cúc thấy vui sướng vì cánh cửa đưa em tới với một chân trời mới đã mở, nhưng em cũng lo lắng vì không biết phải thuyết phục như thế nào để gia đình đồng ý cho em ra Hà Nội học, và nếu được đi học thì bố mẹ sẽ phải vất vả thật nhiều với em...

Thương tấm lòng hiếu học của con, mẹ Cúc đã đồng ý. Nhưng vì nhà không có tiền, nên mẹ sẽ phải theo Cúc lên Hà Nội làm thuê lấy tiền nuôi con ăn học. Đó là sự hy sinh vô bờ bến chắp cánh cho ước mơ được đến trường của Cúc.

Mặc dù mẹ chấp nhận cho Cúc đi học nhưng các chị Cúc lại sợ người mẹ nhiều bệnh tật phải thêm vất vả khi theo Cúc đi học, hơn nữa cha già ở quê cũng không ai chăm sóc... nên hết lời khuyên nhủ Cúc từ bỏ giấc mơ giảng đường của mình.

Những người hàng xóm cũng cho rằng em ích kỷ, không thương bố mẹ, chỉ nghĩ tới bản thân... Cúc chia sẻ: "Mọi người ở quê cho rằng bây giờ học đại học cũng không kiếm được việc. Thêm nữa bạn bè bằng tuổi mình đều đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình chứ không đi học. Thế nên nhiều hàng xóm sang nói với mẹ đừng cho mình đi học”.

Đứng giữa vô vàn áp lực từ lời đàm tiếu, chê trách của mọi người rồi tiếp đến gánh nặng tiền học, nhưng với sự động viên và quyết tâm của mẹ, Cúc vẫn cố gắng tiếp tục học hành.

Ra Hà Nội, mẹ Cúc bắt đầu làm nghề đồng nát để kiếm tiền cho em đi học. Cái nghề mà nhiều người coi thường ấy đã giúp mẹ nuôi Cúc và sau này là cả em trai em ăn học. Phải mất một thời gian, mẹ con Cúc mới có thể làm quen với những cung đường Hà Nội, biết được những điều căn bản của nghề và có được những mối khách quen. Hai năm đầu tiên, khi có thời gian rảnh, Cúc lại tìm việc làm thêm tại các siêu thị hay cửa hàng để phụ tiền thuê nhà, tiền ăn, đỡ được cho mẹ phần nào nỗi lo.

Người mẹ tảo tần của Nguyễn Thị Cúc.

Với nhiều người, nghề buôn đồng nát là cái gì đó vất vả, nhọc nhằn đôi khi là bẩn thỉu vì tay chân suốt ngày lấm lem. Thế nhưng với Cúc thì em biết ơn nghề này hơn cả. Bởi nghề đồng nát đã giúp mẹ con em có cái ăn, trả tiền nhà và bám trụ lại với con đường học hành của mình.

Chính vì hiểu được nỗi vất vả của mẹ, Cúc luôn chăm chỉ học hành. Kết quả học tập của Cúc luôn đạt hạng khá giỏi. Cô gái nhỏ bé này còn phấn đấu và được chọn là một trong những sinh viên ưu tú tham gia Trao đổi sinh viên văn hoá giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc trong vòng một năm. Và để Cúc được sang Trung Quốc học, bố mẹ em đã bán đi con trâu duy nhất cũng là tài sản lớn nhất của gia đình.

Trong thời gian du học tại Trung Quốc, Cúc đã lấy được bằng HSK 4 (Bằng tiếng Hán có giá trị quốc tế); đồng thời là tình nguyện viên đắc lực hỗ trợ các bạn sinh viên khác đi du học sau này.

Sau khi trở về Việt Nam, Cúc nhanh chóng trở thành “đồng nghiệp” của mẹ sau mỗi giờ học. Bởi trường Cúc theo học ở Trung Quốc không dạy khá nhiều môn, nên khi trở về em phải học bù, thời gian vì thế cũng không còn phù hợp với những công việc làm thêm trước đây. Công việc vất vả giúp Cúc hiểu hơn giá trị của những gì mình đang may mắn có được, đặc biệt là cơ hội được học hành.

Để giúp mẹ, Cúc thường nhờ bạn bè hoặc tự đăng số điện thoại lên trang của Trường đại học Công nghiệp Hà Nội. Ai có nhu cầu mua bán sẽ gọi trực tiếp để mẹ ra lấy, không phải đạp xe nhiều nữa. Lâu dần, những cô cậu sinh viên trở thành khách quen của mẹ con Cúc. Đôi ba cân tài liệu, vài chiếc vỏ hộp nhựa cũ cũng trở thành nguồn sống của mẹ con Cúc. Nhiều người xung quanh biết hoàn cảnh của cô sinh viên nghèo, thấy tấm lòng hiếu thảo của cô con gái đối với mẹ cũng thường xuyên gom đồ đồng nát để giúp đỡ phần nào.

Cúc cho biết, hồi mới bắt đầu làm nghề đồng nát em không tránh khỏi những lúc tự ti, mặc cảm về bản thân. Nhưng giờ đây em thấy tự hào về nghề này vì nó đã cho em con chữ. Em rất tự hào vì có một người mẹ tuyệt vời. Cúc tươi cười nói: “Mới đầu đi mình cũng ngại nhưng lâu dần thành quen. Giúp được mẹ và kiếm thêm tiền thì mình chẳng phân biệt nghề nào cả. Các bạn ở lớp vẫn gọi mình là cô bé đồng nát đấy!".

Mẹ Cúc cũng cho biết: "Cúc là con gái mà chẳng ngại vất vả. Trước đi làm ở siêu thị rồi đi dạy thêm kiếm tiền cũng được. Giờ thời gian học hành choán hết chỉ có đi đồng nát giúp mẹ, chẳng sợ bẩn thỉu nặng nhọc, cũng chẳng thấy xấu hổ mà còn thấy tự hào. Nhiều lúc thấy con không được bằng bạn bằng bè tôi cũng tự trách bản thân. May sao con cái đều hiểu và giúp đỡ mẹ”.

Hiện tại, Cúc đã tốt nghiệp và kiếm cho mình được một công việc. Vậy là bố mẹ em đã yên tâm phần nào vì con gái đã tìm được việc làm. Có thể đồng lương mới đi làm của Cúc chưa đủ để phụ giúp gia đình, nhưng ít nhất đã có thể bớt đi gánh nặng trên đôi vai gầy của mẹ.

Như Sơn
.
.
.