Cô giáo khuyết tật truyền cảm hứng sống cho mọi người

Thứ Hai, 20/11/2017, 15:28
Trong cuộc thi viết “Tấm gương nhà giáo Việt Nam năm 2017” - viết về những câu chuyện có thật, sinh động về tấm gương thầy giáo, cô giáo gương mẫu, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu; về gương sáng nhà giáo vượt khó phấn đấu vươn lên..., tác phẩm “Hoa hướng dương” của tác giả Hồ Thị Kim Hạnh, giáo viên Trường THPT Thiên Hộ Dương (Ðồng Tháp) đã giành giải Ðặc biệt.


Người làm nên điều đặc biệt nhất trong tác phẩm “Hoa hướng dương” không phải là tác giả bài viết mà chính là cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, một người không may bị tai nạn giao thông mất đi một phần thân thể, nhưng đã vượt lên nghịch cảnh của số phận để đứng vững trên bục giảng và đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác.

Cô Tâm sinh năm 1986 tại Đồng Tháp, tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán Trường đại học Đồng Tháp. Năm 2008, cô được phân công về dạy tại Trường THPT Tân Thành, một ngôi trường thuộc vùng sâu, vùng biên giới của huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.

Mặc dù điều kiện dạy học ở đây còn nhiều khó khăn, đặc biệt là với các cô giáo trẻ mới ra trường, nhưng cô Tâm đã quyết định gắn bó tương lai của mình với ngôi trường và với các em học sinh nơi đây.

Song một tai nạn giao thông oái oăm đã ập đến với cô. Dù tỉnh dậy sau ca phẫu thuật kéo dài, nhưng cô nhanh chóng nhận ra một bên chân mình đã không còn nguyên vẹn. Cô bị sốc nặng và suy sụp hoàn toàn.

Thế nhưng, ngay khi xuất viện về nhà cô Tâm đã cố tập đi bằng chân giả. Khi đã đi lại lựng khựng được, cô được Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp tạo điều kiện cho chuyển công tác về TP Cao Lãnh, giảng dạy tại Trường THPT Thiên Hộ Dương. Cảm thông với những khó khăn của cô Tâm, nhà trường đã phân công cô làm nhân viên văn phòng để cô đỡ phần đi lại. Được mấy tuần, do không chịu nổi cảm giác nhớ nghề, cô Tâm đã đến gặp Ban giám hiệu xin được đi dạy dù chỉ là một lớp. Trước quyết tâm đó, nhà trường đã đồng ý cắt một lớp để cô dạy.

Buổi đầu nhận lớp bị các em học sinh phản ứng không đồng tình, cô Tâm rất buồn, nhưng vẫn vào lớp, kể cho các em nghe về cô. Cô mong các em hiểu rằng vượt qua tất cả cô muốn đi dạy như bao giáo viên bình thường khác. Và cuối cùng thì các em cũng đã hiểu. Hết tiết học hôm đó, một học sinh đã gửi cho cô bức thư em vừa viết xong, thay mặt lớp xin lỗi cô vì những gì mà lớp đã làm và mong muốn cô hãy tiếp tục đứng lớp.

Sau thời điểm khó khăn ấy, cô Tâm vẫn vững vàng trên bục giảng. Từ việc chỉ được phân công dạy một lớp, cô bắt đầu được tin tưởng và phân công dạy hai lớp của hai khối.

Nhìn lại quãng đời đã qua, cô nói: “Sau tai nạn tưởng chừng tôi đã gục ngã, nhưng chính tình thương của đồng nghiệp, của học trò đã vực dậy tôi”.

Từ một người lành lặn trở thành người khuyết tật nên cô Tâm hiểu rất rõ nỗi đau, sự khó khăn của người khuyết tật. Vì vậy, ngoài những giờ đứng trên bục giảng, cô dành nhiều thời gian để đến thăm hỏi, động viên những người gặp tai nạn như cô. Ngoài ra, cô Tâm còn thành lập nhóm hoạt động thiện nguyện Nhất Tâm, dùng sự bất hạnh của chính bản thân mình truyền cảm hứng sống cho thật nhiều người kém may mắn để họ tiếp tục sống vui và có ích cho cuộc đời.

Nguyễn Thu Thảo
.
.
.