Cô giáo tí hon và quãng đường "thắp lửa" cho trẻ em nghèo

Thứ Hai, 05/09/2016, 13:24
Đi qua con đường xanh rợp lá, ngôi nhà ba gian nhỏ nhắn của cô Kiều Thị Ánh Tuyết (thôn Ngọc Bật, xã Cao Phong, Sông Lô, Vĩnh Phúc) là một nơi quen thuộc với trẻ nhỏ nơi đây. Trong suốt hơn 10 năm, lớp học kì lạ này vẫn luôn ê a tiếng trẻ nhỏ đọc chữ.

Lớp học kì lạ bởi Ánh Tuyết chỉ cao chưa tới 1m, có những em nhỏ còn cao hơn cả cô giáo. Nhưng với tình thương, sự quyết tâm và lòng yêu nghề tha thiết của mình, lớp học dành cho những học sinh nghèo không có tiền đi học thêm này đã trở thành nơi ươm mầm hy vọng cho nhiều em nhỏ…

Khó khăn và mặc cảm

Có lẽ cái tên của Kiều Thị Ánh Tuyết khiến ai nghe cũng phải liên tưởng đến một cô gái có vẻ đẹp mỹ miều. Ấy vậy mà cuộc đời của cô giáo này lại gặp đầy khó khăn và mặc cảm. Là con út trong một gia đình có truyền thống hiếu học, nhưng khi sinh ra cô không được may mắn như anh chị trong gia đình cũng như các bạn cùng trang lứa.

Cô Tuyết đang dạy cho các em nhỏ.

Tuổi mỗi ngày một tăng mà thân hình cô lại chẳng lớn thêm được bao nhiêu. Đến nay, dù đã 34 tuổi nhưng cô chỉ cao chưa tới 1m, chân tay ngắn tủn ngủn.

Thân hình thấp bé, mọi sinh hoạt của cô Tuyết đều không dễ dàng so với người bình thường. Không chỉ vậy, quá trình giao tiếp với bạn bè cũng khó khăn vô cùng bởi sự mặc cảm về vóc dáng xấu xí của chính mình.

Không vượt trội bằng ngoại hình nhưng bằng nghị lực của mình, cô Tuyết vẫn vượt qua được những khó khăn và là người duy nhất học hết cấp 3 so với bạn bè đồng trang lứa. Đó là điều mà cô giáo này vô cùng tự hào bởi đó là trường hợp đặc biệt, cần noi gương ở xã Cao Phong thời điểm đó.

Cô Tuyết tâm sự: "Những năm tháng tôi còn cắp sách đến trường, đi học đâu có dễ dàng và thuận lợi như bây giờ. Thông thường tôi phải đi bộ cả mấy cây số mới đến được trường. Đường thì xấu, người thì nhỏ con, tôi đi ba bước bằng người ta đi một bước, muốn được đi học thì phải cố gắng thôi".

Cô Tuyết kể, mỗi sáng phải dậy thật sớm để đi bộ đến lớp và chưa bao giờ nghỉ học, bỏ học hay lơ đãng trong những giờ lên lớp. Trong suốt 12 năm học phổ thông, cô đều là học sinh giỏi của trường và liên tục được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi môn Văn.

Vì đã phải chịu nhiều thiệt thòi khi thân hình nhỏ bé, lùn tịt nên cô luôn quyết tâm cố gắng học thật giỏi cho bằng bạn khiến mọi người khâm phục, kính nể. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, với ước mơ trở thành cô giáo, cô nộp hồ sơ dự thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nhưng dường như may mắn lại không đến với cô bởi hai lần thi đại học là hai lần rơi nước mắt bởi chỉ thiếu 0,5 điểm là có thể với tới ước mơ của mình. Cánh cửa sư phạm đóng trước mắt, cô quyết định học tại tỉnh nhà và thi vào trường cao đẳng văn thư lưu trữ.

Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng giỏi trên tay, cuộc đời như trêu ngươi cô một lần nữa khi đi đến đâu cũng không được nhận, chỉ bởi ngoại hình của mình. "Lùn và xấu xí", đó là câu nói quen thuộc trong những ngày đi xin việc mà cô nghe được.

Nhớ lại những ngày đó, cô như trào nước mắt: "Hơn một năm trời, xin việc khắp mọi nơi nhưng không ai nhận tôi. Người ta không chê tôi học dốt, bởi chỉ nhìn vào thành tích học tập của tôi là đủ biết. Nhưng hình thức của tôi khiến họ không muốn nhận, họ chê vừa lùn, vừa xấu".

Sau quãng thời gian xin việc mệt mỏi đó, đã có lúc cô nghĩ đến việc ném tấm bằng tốn công tốn sức có được, muốn buông bỏ tất cả mọi thứ. Đó là những ngày tháng mặc cảm với bản thân, thui thủi trong bốn góc phòng của cô gái tí hon.

Cuối cùng, nhớ tới niềm đam mê ngày nào, cô bàn với bố mẹ mình nhận dạy kèm ngoài giờ học cho 7 em học sinh học lực kém, có hoàn cảnh gia đình khó khăn trong thôn không lấy tiền. Đây cũng là dấu mốc quan trọng giúp cô tìm lại được lòng yêu đời, yêu nghề và cảm thấy sự tồn tại của mình trên đời vẫn còn có ý nghĩa.

Tháng ngày truyền lửa

Lớp học mở ra nhận được sự chào đón của bà con trong làng, người dân thôn Ngọc Bật dần quen gọi cô Tuyết với cái tên thân mật là cô Đạm hay "cô giáo tí hon". Và cứ thế, đều đặn vào những ngày cuối tuần, lớp học của cô giáo tí hon lại nhộn nhịp với những tiếng ê a của các em đọc bài.

Các em nhỏ trên đường tới lớp.

Bắt đầu mở từ năm 2005, cho đến nay đã hơn 10 năm hoạt động, lớp học ngày càng lôi cuốn các em nhỏ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Với cách dạy nhẹ nhàng, lôi cuốn, lớp học của cô khiến các em nhỏ thích thú và yêu việc học hơn.

Ban đầu, do chưa được đào tạo bài bản các nghiệp vụ sư phạm nên việc dạy dỗ các em nhỏ đối với cô Tuyết còn gặp nhiều khó khăn và bỡ ngỡ. Nhưng không nản chí, biết rõ sự hạn chế năng lực của mình, cô không ngừng học hỏi qua các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ sư phạm, thậm chí là sách tâm lý của lứa tuổi học sinh để hiểu được các em hơn, nhằm làm cho bài giảng thêm phần hấp dẫn.

Vượt lên mọi mặc cảm của ngoại hình, của số phận, bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân, lớp học của cô Tuyết đã trở thành địa chỉ tin cậy cho các bậc cha mẹ trong toàn xã. Lớp học của cô có lúc đã có hàng chục học sinh.

Có một điều đặc biệt đó là các em không cùng chung một trình độ nhận thức, mỗi em học một lớp với trình độ khác nhau. Bởi vậy, "giáo án" giảng dạy của cô cũng phải biến đổi linh hoạt, chủ yếu là tự biên, tự diễn cho phù hợp với từng em.

Trong lớp, có rất nhiều chương trình giảng dạy khác nhau: Em thì mới đang tập tô, tập viết; em thì đã bắt đầu học những bài toán khó, em thì mới học lớp một, em thì đã học lớp năm…

Dù lớp đông học sinh nhưng cô vẫn tận tình hướng dẫn cho từng em theo những cách riêng phù hợp. Em nào học kém thì cô giảng lại bài vở đã được học trên lớp.

Em nào học tốt cô giảng thêm những bài toán nâng cao. Vì thế, các em luôn coi cô gần gũi, thân thiết như người mẹ, người chị và gọi cô bằng cái tên thân thương là "bá lùn" hay mẹ Đạm.

Cô Tuyết chia sẻ: "Mang danh là giáo viên nhưng thực tế ở trên lớp cô và trò cùng giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ. Có những hôm gặp bài toán khó, cô trò mải mê ngồi giải mà quên cả ăn trưa.

Những bài khó quá không giải được tôi phải nhờ đến các bạn lớp cao hơn giải giúp, sau đó về truyền đạt lại một cách dễ hiểu nhất cho các em". Cũng theo cô Tuyết cho biết, lớp chủ yếu là học sinh nam nên các em rất nghịch ngợm nhưng nhờ cô dạy dỗ, em nào cũng ngoan ngoãn, biết lắng nghe và chịu khó học hỏi.

Do không có điều kiện về kinh tế, gia đình cũng thuộc diện khó khăn nên trong thời gian đầu mở lớp, cô Tuyết phải kê hai tấm phản lớn giữa nhà để cho các em ngồi quanh đó học bài.

Sau khi thông tin lớp học đặc biệt được nhiều người biết đến, đã có những nhà hảo tâm giúp đỡ và đóng góp cho lớp học của cô để các em học sinh có điều kiện học hành tốt nhất. Nhờ đó cô đã sắm được đầy đủ bàn ghế gỗ để các em ngồi học.

Với sự tận tâm ấy, niềm hứng thú học tập của các em nhỏ ngày càng tăng. Và rồi không phụ công lao dạy dỗ của cô, các em học sinh tiến bộ trông thấy.

Nhiều em từ học lực trung bình đã vươn lên thành học sinh khá, giỏi của trường và được đi thi học sinh giỏi các cấp: Em Kiều Mạnh Hoàng (học sinh lớp 5, trường Tiểu học Cao Phong A) đạt giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh; em Khổng Thị Phương Ly (học sinh lớp 4) đạt giải nhất học sinh giỏi huyện Sông Lô... Còn lại đa số các em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Nói về ước mơ toàn bộ trẻ em trong thôn được đến trường, được học hành đầy đủ, cô Tuyết từng mơ ước xây dựng một thư viện nhỏ để các em có nơi giải trí lành mạnh, được đọc sách miễn phí và nâng cao vốn kiến thức.

Đường vào lớp học bé nhỏ.

Việc mở lớp dạy học, tận tình giảng dạy, giúp đỡ các em nhưng không lấy bất cứ một khoản tiền nào từ gia đình học sinh khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Nhưng với cô giáo tí hon này, việc được giảng dạy, được nhìn các em trưởng thành từng ngày là một niềm vui lớn.

Chia sẻ về lớp học của mình, cô Tuyết cho biết: "Cuộc sống của tôi đã quá thiệt thòi và khổ cực. Hơn ai hết tôi rất thấu hiểu nỗi vất vả ấy. Chỉ hy vọng các em đủ nghị lực và lòng quyết tâm để vững bước trên những con đường vẫn còn rất nhiều chông gai trước mắt".

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.