Con đường hoàn lương của một đại ca nhiễm HIV

Thứ Tư, 23/05/2012, 15:45
Nguyễn Viết Toán, 35 tuổi ở thôn Lam Thủy, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, từng là đại ca có số má trong giới giang hồ, mang trong mình căn bệnh AIDS, sự sống chỉ còn được tính bằng khoảnh khắc. Trong phút giây ngắn ngủi còn lại ấy của đời mình, nhờ tình yêu thương của bố mẹ, người thân và đặc biệt là cô gái Huế Nguyễn Thị Tường Vân chân thành, anh đã hồi sinh mạnh mẽ. Vượt qua cái chết, không chỉ xây dựng tổ ấm uyên ương, anh còn hoàn lương, tạo dựng được một cơ ngơi bề thế, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục phận người khốn khó.

Từ đại ca đất Thủ đến căn bệnh AIDS

Nguyễn Viết Toán sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 người con ở thôn Lam Thủy, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng. Gia đình nông thôn thuần phác, lại đông con nên anh em Toán chỉ được học hết tiểu học thì ở nhà, phụ giúp bố mẹ bươn chải kiếm sống. Lớn thêm tý chút, không nghề ngỗng nên Toán đã sớm sa đọa.

Sau vài bận gây gổ đánh nhau khiến cho gia đình nhiều phen khốn đốn, năm 16 tuổi, Nguyễn Viết Toán theo chân chúng bạn lang bạt vào các tỉnh miền Nam kiếm sống. Đây cũng chính là bước ngoặt đã làm thay đổi số phận của chàng trai quê mùa.

Điểm dừng chân đầu tiên của Nguyễn Viết Toán là tỉnh Đắk Lắk, và công việc đầu đời mà chàng trai trẻ này kiếm ra tiền bằng chính sức lao động của mình là nghề thợ hồ. Chăm chỉ làm việc cật lực nên thành quả là ngoài việc ki cóp được một số tiền nhỏ, Toán còn trở thành một tay thợ lành nghề. Ba năm trời lúc cúc với vôi vữa, Nguyễn Viết Toán thấy ngán ngẩm nên quyết ra đi tìm miền đất hứa, và lựa chọn lần này của chàng trai trước ngưỡng cửa 20 của cuộc đời là Nông trường Cao su Phú Riềng, thuộc huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé (cũ).

Nhờ bà cô ruột, Toán được nhận làm quản lý công nhân trồng cao su, sau được đi học nghề lái xe rồi chuyển sang lái xe tải. Cũng chính trên những chặng đường rong ruổi này, tuổi trẻ ít va vấp đã tiếp xúc với nhiều cám dỗ cuộc đời và bước chân của Nguyễn Viết Toán đi từ chất phác sang con đường ăn chơi, nghiện ngập lúc nào không hay.

Đó là thời điểm khoảng năm 1998, khi Nguyễn Viết Toán nghe theo lời khích bác, rủ rê đã tham gia vào băng nhóm chuyên cướp giật và tự đặt tên là băng nhóm "Quạ Đen". Nhóm này quy tập được 12 thanh niên choai choai, vô công rồi nghề do một người người có biệt danh là "Hải lé" cầm đầu.

“Quạ Đen” nhanh chóng có tiếng vang bởi những trận ăn bay đường phố rợn người từ đấy, nhưng để lấy số má thực sự thì phải đến khi Nguyễn Viết Toán giành lấy cương vị cầm đầu thay “Hải lé”. Cứ sau mỗi phi vụ thành công, cả nhóm lại thể hiện tinh thần nghĩa hiệp sống chết có nhau bằng cách ăn chung, ngủ cùng và xài chung kim tiêm. Hậu quả là Nguyễn Viết Toán cùng đàn em đã bị nhiễm HIV lúc nào không hay biết. Khoảng ba năm sau thì băng nhóm "Quạ Đen" bị Công an triệt phá. Trong tổng số 7 thành viên bị bắt giữ thì có đến 5 người được thả ngay để gia đình lo việc hậu sự do bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối.

Nguyễn Viết Toán lúc ấy, với vai trò của một thủ lĩnh nên không tránh khỏi vòng lao lý. Sau khi mãn hạn tù trở về cuộc sống hoàn lương, anh quay trở lại với nghề thợ xây và nhanh chóng trở thành ông chủ thầu xây dựng ở Phú Riềng.

Vào năm 2005, Nguyễn Viết Toán bất ngờ đổ bệnh nằm liệt giường. Lúc ấy, anh mới biết mình đã nhiễm HIV, mọi thứ dường như sụp đổ hoàn toàn. Với tâm niệm, muốn về gặp gia đình, để sống những ngày cuối đời ở nơi chôn nhau cắt rốn nên Toán đã từ Phú Riềng trở về gia đình ở Quảng Trị. Cái ngày bố mẹ anh lên tận thị xã Đông Hà đón con, Toán chỉ còn là da bọc xương. Gia đình cũng đã chuẩn bị hậu sự.

Nhưng kỳ lạ thay, trong vòng tay yêu thương của người thân, sức khoẻ của Toán dần dần có tiến triển. Bất ngờ hơn nữa, trong lúc không ai ngờ đến thì một cô gái vốn bình thường đã tự nguyện xây dựng gia đình với Nguyễn Viết Toán, và họ đã viết nên một câu chuyện tình yêu đẹp tựa thiên cổ tích giữa đời thường.

Hồi sinh bởi tình yêu

Câu chuyện tình yêu giữa Nguyễn Thị Tường Vân và Nguyễn Viết Toán đẹp như cổ tích. Nhớ lại ngày Toán trở về nhà với căn bệnh không thuốc chữa, anh hoàn toàn suy sụp về tinh thần lẫn sức khỏe, toàn thân lở loét, dáng liêu xiêu. Gia đình và bạn bè ai cũng đinh ninh rằng sự sống của Toán nhiều lắm cũng chỉ có thể kéo dài được dăm tháng nữa.

Nhưng một điều khiến mọi người không thể ngờ là Toán đã vượt qua sự uy hiếp của tử thần bằng nghị lực phi thường của mình. Lấy lại được sức khỏe nhờ sự chữa trị đúng cách, Toán quyết định lao vào làm việc để bù đắp phần nào sự quan tâm chăm sóc hết mình của gia đình và bạn bè.

Biết Nguyễn Viết Toán có tài làm chậu cây kiểng, trụ trì chùa Hương Vân ở xã Hương Vân (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã lặn lội ra tận Quảng Trị thuê Toán vào làm chậu kiểng cho nhà chùa. Chính trong những ngày làm chậu kiểng ở chùa Hương Vân, anh Toán và chị Vân đã gặp nhau. Sau một thời gian tiếp xúc, sẻ chia với nhau những vui buồn trong cuộc sống, hai người đã trở nên thân thiết. 

Sự cảm thông và sẻ chia đã đưa hai tâm hồn đi đến tình yêu. Gia đình phản đối quyết liệt mối tình của hai người. Nhưng chị Vân quyết không nao núng, vì tình yêu, chị sẵn sàng vượt qua mọi rào cản để nguyện làm người nâng khăn sửa túi cho Nguyễn Viết Toán trong những ngày còn lại của cuộc đời.

Vượt qua tất cả những kỳ thị và khuyên ngăn của gia đình và bạn bè, Vân đã quyết định lập gia đình với Toán. Ngày 13/11/2008, đám cưới của hai người được tổ chức. Chị Nguyễn Thị Tường Vân xa xăm nhớ lại, ngày rước dâu, chị lên xe về nhà chồng trong niềm hạnh phúc lẫn buồn tủi đan xen.

Gạt nước mắt sau một phút chạnh lòng, chị Vân lại cười hạnh phúc đi bên chồng trong sự chúc mừng lẫn những lời sẻ chia, động viên của bạn bè và gia đình chồng. Trước đó, chị Vân và anh Toán đã được tư vấn những kiến thức để phòng tránh lây nhiễm HIV trong quan hệ chăn gối và cả trong cuộc sống thường nhật.

Trả nợ cuộc đời

Sau gần ba năm kể từ ngày tưởng đã trở về với cõi chết, Nguyễn Viết Toán vẫn khỏe mạnh, thân thể rắn chắc. Anh phấn khởi “khoe” ngay việc làm ăn đang phất lên như diều gặp gió của mình kể từ khi chuyển cơ ngơi từ Hải Lăng về thị xã Đông Hà. Giờ đây, vợ chồng Toán có rất nhiều cái mới, đáng kể nhất là từ hai bàn tay trắng anh đã trở thành ông chủ của một cơ sở đúc chậu cảnh lớn ăn nên làm ra ở Quảng Trị, với những mẫu chậu cảnh độc đáo.

Thị trường do cơ sở anh làm ra không ngừng được mở rộng nên doanh thu ngày càng được nâng cao. Toán bảo, nghề làm chậu cảnh đã giúp anh khẳng định mình trên thương trường và tạo điều kiện để anh giúp đỡ những người nghèo khó và những người cùng cảnh ngộ. Những chậu cảnh của anh làm ra được người làng trên xóm dưới khen đẹp và mua về chưng diện. Hữu xạ tự nhiên hương, tên tuổi của Nguyễn Viết Toán và những sản phẩm của anh nhanh chóng được nhiều người trong tỉnh biết đến.

Sau khi tạo được sản phẩm uy tín trên thị trường, Nguyễn Viết Toán bắt đầu nghĩ đến việc giúp đỡ những người nghèo khổ. Anh đầu tư mở rộng xưởng để đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm cho gần 10 người dân nghèo trong vùng. Những nông dân chân lấm tay bùn sau một thời gian được Toán dạy nghề đã nắm vững kỹ thuật đúc chậu cảnh. Tất cả những “chiêu độc” trong nghề Toán học hỏi từ nhiều nơi lần lượt được anh truyền dạy cho học trò. Ngoài được truyền nghề miễn phí, lao động tại cơ sở của anh còn được trả công cao, nên có điều kiện để thoát nghèo.

Một thời gian sau, Toán quyết định vay vốn ngân hàng di dời cơ sở đúc chậu cảnh của mình lên thành phố Đông Hà để việc sản xuất kinh doanh thêm phần thuận lợi, nhất là để có điều kiện tiếp sức cho những người cùng cảnh ngộ. Được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Trị giải quyết vốn, Toán cùng với vợ lập tức triển khai thực hiện dự án làm chậu cảnh ở TP Đông Hà.

Anh là người đầu tiên trong số những người nhiễm HIV ở tỉnh Quảng Trị mạnh dạn lập dự án vay vốn mở cơ sở sản xuất. Rồi cơ sở đúc chậu cảnh quy mô lớn của anh được dựng lên ở mặt tiền đường Lê Thánh Tông, thuộc khu phố 10, phường 5, TP Đông Hà.

Chỉ tay vào những chậu cảnh bắt mắt với những họa tiết tinh xảo, Nguyễn Viết Toán bảo sở dĩ sản phẩm của anh có thể “làm mưa làm gió” trên thị trường là do được thiết kế độc đáo, không “đụng hàng” với sản phẩm của bất cứ cơ sở nào. Tất cả chậu cảnh đều được đúc theo mẫu anh kỳ công thiết kế bằng máy tính nên sản phẩm nào cũng hoàn hảo. Vì vậy, hằng ngày trong khi nhiều cơ sở đúc chậu cảnh ở Đông Hà ế ẩm thì cơ sở của Toán luôn tấp nập khách đến mua, đặt hàng.

Hiện cơ sở của Toán đang giải quyết việc làm cho trên 15 lao động với thu nhập từ 4,5 - 7,5 triệu đồng/ người/ tháng. “Mình đang đi đến nhiều nơi để gặp những người nhiễm HIV mời họ về cơ sở của mình để học nghề và làm việc. Dự kiến thời gian tới cơ sở sẽ tạo việc làm cho khoảng 50 lao động”- Toán kể với đôi mắt ánh lên niềm tự tin.

Sau khi có chỗ đứng trên thương trường, vợ chồng Nguyễn Viết Toán và Nguyễn Thị Tường Vân tích cực đứng ra giúp đỡ những người bị HIV ở Quảng Trị. Với cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ Yêu thương, anh thường xuyên tư vấn cho cộng đồng về HIV, phát quà cho người nhiễm HIV ở bệnh viện, đến từng nhà chăm sóc người bệnh.

Hiện, hai vợ chồng đã chính thức làm thủ tục xin con nuôi, coi đó như thể là con đẻ của mình, để sợi dây tình cảm gia đình càng thêm bền chặt. Hơn thế nữa, phía gia đình chị Tường Vân cũng đã chấp nhận cuộc hôn nhân của con gái, đấy thực sự là cái kết có hậu của một đại ca một thời dọc ngang tung hoành chọc trời khuấy nước, nay trở về tìm lại khoảng trời bình yên cuộc đời bằng một mái ấm gia đình hạnh phúc

Thành Vinh
.
.
.