Con đường từ khu ổ chuột tới đại học danh tiếng của hai anh em gốc Việt tại Mỹ

Thứ Năm, 06/03/2014, 08:00

Đối với nhiều người, “Giấc mơ nước Mỹ” là một điều gì đó rất hấp dẫn, là một sự bảo đảm cho một tương lai vững chắc sau này. Nhưng với hai cậu bé gốc Việt Johnny và George Huynh, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất của những ước mơ này, cuộc sống chỉ xoay quanh những khoản trợ cấp, tem thực phẩm, những ngôi nhà lụp xụp đầy những gián và chuột, những giờ lao động vất vả,… để nuôi sống cả gia đình. 

Hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn

Hai anh em George và Johnny Huynh hiện đang sống tại vùng Dorchester, nơi chìm trong tệ nạn, với 85% trẻ em không có đầy đủ cha mẹ, hầu hết đều không đi học và sớm sa vào nghiện ngập, trộm cắp. Căn nhà nhỏ, với phòng khách được sử dụng làm nhà kho, luôn tĩnh lặng bởi người mẹ không nói được tiếng Anh, và cả hai anh em hầu như không hiểu tiếng Việt. Cuộc sống trở nên khó khăn khi bố mẹ ly dị, mẹ lại không thể giao tiếp với các con, và mắc bệnh tâm thần – hệ quả của một phần cuộc sống cô lập và khó khăn tại đất khách quê người.

Ba năm trước, sóng gió ập đến với  hai cậu bé khi cảnh sát đến nhà với một người phiên dịch và thông báo rằng cha mình đã nhảy xuống từ cây cầu Tobin. Hai anh em ít gặp cha do cha mẹ ly dị, ký ức về cha cũng không nhiều nhặn gì, ngoài những lần đến gặp cha tại đồn cảnh sát mà không biết rõ lý do, hai cậu chỉ đoán là cha bị bắt do đánh đập vợ con. Bất chấp tất cả mọi chuyện hai anh em khẳng định rằng hai cậu vẫn rất yêu cha, bởi vậy cái chết của cha không khỏi khiến hai cậu bàng hoàng. Trước khi cảnh sát báo tin, hai anh em chỉ đơn giản nghe mẹ mình nói rằng cha đã tự tử. Johnny vẫn nhớ lúc cảnh sát trao lại di vật của ông David Huynh, nhìn chiếc ví ướt nhẹp, chợt nhận ra cha mình không biết bơi, cậu chỉ lặng lẽ về phòng và khóc cả đêm hôm đó. Trong khi đó, George ngồi bất động ôm lấy đầu rất lâu, cậu kể lại rằng chỉ nhớ một viên chức người châu Á đến nhà và mang theo một bức ảnh cha cậu.

Kể từ đêm đó, căn nhà càng thêm yên ắng bởi hầu hết thời gian mọi người đều ở trong phòng riêng của mình. Vì mẹ không thể làm việc cho nên cả nhà phải sống dựa vào khoản thu nhập ít ỏi 1.200USD mỗi tháng và trông đợi vào các khoản trợ cấp xã hội. “Chúng đang đứng bên bờ vực thẳm”, Emmet Folgert, đại diện Hiệp hội Dorchester Youth Collaborative, người đã hỗ trợ hai anh em rất nhiều, cho biết, “và bất cứ lúc nào cũng có thể trượt ngã”.

Hai anh em trên chuyến xe buýt số 19.

Không những phải trang trải cuộc sống và chăm sóc cho mẹ, hai anh em còn phải kiếm tiền để tự chi trả cho việc học tập tại trường trung học Boston Latin tại Boston. Đó là ngôi trường lâu đời nhất tại Mỹ, được thành lập vào năm 1635 trước cả Harvard. Ngôi trường luôn tạo cho học sinh một cảm giác của khát vọng nhưng thực tế số học sinh theo học tại trường không nhiều, chủ yếu là những đứa trẻ sinh sống tại Boston đến từ mọi chủng tộc, văn hóa xã hội. Giấc mơ nước Mỹ được ca tụng, và rất phổ biến tại trường, đặc biệt là trong các thính phòng, sát lớp học tiếng Anh của George. Ngày ngày, cậu được chiêm ngưỡng những bức phù điêu khắc tên những cựu sinh viên ưu tú của trường như Hancock, Emerson và Kennedy trong một gian phòng lớn. Nhìn những chỗ trống dành cho những tên tuổi tiếp theo của trường, hai anh em đều nung nấu một ý chí quyết tâm rằng mình hoàn toàn có thể chinh phục những thành công như họ, không quan trọng điểm khởi đầu từ đâu, tất cả chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của bản thân mình. Có lẽ chính quyết tâm ấy đã giúp hai anh em có thêm nghị lực để đối mặt với cuộc sống đầy khó khăn.

Cánh cửa đại học Yale rộng mở

Hồi tưởng lại quãng thời gian ấy, từ năm lớp bảy, mỗi sáng hai anh em tự mình phải thức dậy sớm để bắt xe buýt tới trường. George thường cố ngủ thêm phút nào hay phút nấy bởi cậu chỉ cần 10 phút để sửa soạn. George thường tắm vào ban đêm, và sẽ ăn sáng ở trường. Cậu thích bữa sáng ở trường hơn bởi cậu nhận ra rằng, không giống như ở nhà, cậu biết chắc ở trường luôn có đồ ăn cho cậu. Trái lại, cho dù có thức đến 2 giờ đêm để làm bài tập, Johnny thường dậy rất sớm, sửa soạn xong mọi thứ và ngồi chờ em trai mình, nếu quá trễ, cậu sẽ gõ cửa và đánh thức George. Hai anh em ra khỏi nhà khi chị gái và mẹ vẫn còn đang ngủ, bắt chuyến xe buýt số 19 tới trường. Chuyến xe buýt này đi từ Fields Corner và Grove Hall tại Dorchester đến Dudley và Ruggles tại Roxbury, và chỉ duy nhất một lần trong ngày, chuyến xe này sẽ đi đến trường Boston Latin bởi vậy hai anh em không thể để lỡ. Nhiều lần, hai anh em phải chạy lên đại lộ Geneva và đón đầu xe ra hiệu cho tài xế, mặc dù Johnny lúc ấy đã 17 và George 15 tuổi nhưng hai anh em trông rất nhỏ cho nên rất dễ bị bỏ sót lại.

Ngoài giờ học, hai anh em phải làm việc rất vất vả. Johnny không ngừng luôn tay luôn chân như thể cậu đang liệt kê một danh sách dài vô tận những công việc mình cần phải làm để giữ cho chúng không lộn xộn và sụp đổ xuống đầu mình. Trong khi đó, George lại ít nói và cũng ít chia sẻ. Trừ phi bị dồn ép, cậu sẽ chỉ nói đơn giản rằng những việc cậu cần làm là: xe buýt, trường học, những hoạt động sau giờ học, trở lại Dorchester bằng tàu, luyện tập bóng rổ, làm bài tập về nhà quá nửa đêm. Johnny dành hầu hết những buổi chiều gia sư cho những đứa trẻ người Việt, sau đó cậu sẽ đi về nhà, đầu cúi thấp và tay đút trong túi áo, cố tránh mọi rắc rối trên đường phố.

Phải cố gắng tự mình gánh vác cuộc sống, song hai anh em luôn là hai học sinh đứng đầu lớp của mình. Theo hai cậu, việc học không quá khó khăn, mà vấn đề chính là làm sao hai anh em có thể tự lo liệu cuộc sống, không chỉ cho riêng mình mà còn cho mẹ và chị gái, mà hầu như chẳng có ai để sẻ chia ngoài việc nương tựa lẫn nhau và dựa vào chính bản thân mình. Hai anh em tâm sự rằng mỗi lần bước lên xe buýt số 19, dường như là đến một thế giới khác vậy, nơi đó những đứa trẻ da trắng đến từ các vùng lân cận đang chơi cờ vua, vài đứa khác thì đọc sách hay làm bài tập về nhà, một số thì tranh thủ ngủ. Johnny thậm chí chỉ ước ao sở hữu một chiếc áo North Face – thứ mà những đứa trẻ Latin khác đều mặc: “Cháu ghen tị. Nhưng cháu chỉ có thể ghen tị mà thôi bởi cháu phải làm việc để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu trước đã. Đó là sự lựa chọn duy nhất của cháu”.

George Huynh (trái) và Johnny Huynh.

Nỗi khổ tâm về gia cảnh không phải là điều duy nhất đeo bám hai anh em, hai cậu cũng như bao cậu bé cùng tuổi đều khao khát được các cô bạn gái chú ý ở trường học, hay được đối xử công bằng giống như những đứa trẻ da trắng khác. Sự phân biệt đối xử của xã hội, sự tự ti về ngoại hình nhỏ bé bởi không được cha mẹ chăm sóc, thậm chí không có đủ thức ăn bỗng chốc lại trở thành một nỗi lo, một thử thách lớn với hai cậu bé. “Cháu chỉ muốn được hòa nhập. Cháu quá mệt mỏi khi mọi người chỉ coi cháu là một thằng nhóc nhà nghèo, lúc nào cũng chìm ngập trong khó khăn”, Johnny cho biết.

Dù gánh nặng tiền bạc đè trên vai, song hai anh em luôn coi trọng việc học bởi hai cậu biết rằng mình khao khát muốn một cuộc sống tốt hơn và chỉ có học tập tốt tại Boston Latin mới biến ước mơ của hai người thành hiện thực. Ước muốn của Johnny sau khi tốt nghiệp trung học chỉ là cậu bé muốn theo học tại một trường đại học địa phương chuyên ngành khoa học máy tính, bởi cậu được biết rằng đó là lựa chọn tốt cho một cuộc sống ổn định sau này, và cũng có vẻ hấp dẫn. Rồi sau đó, có thể cậu cũng sẽ kết hôn và nuôi một chú chó. Còn về phần George, người vẫn luôn theo đuổi sở thích bóng rổ, cậu mong muốn “có thể vào một trường đại học tốt, không phải phụ thuộc vào số tiền trợ cấp xã hội hằng tháng nữa và có thể sống theo cách riêng mà mình mong muốn”.

Câu chuyện về hai cậu bé cùng nghị lực vượt khó phi thường đã lay động Emmet Folgert, đại diện Hiệp hội Dorchester Youth Collaborative. Ông đã hỗ trợ hai anh em rất nhiều trong những năm qua, từ những khoản học phí, cho đến quần áo, hay những giờ nghỉ hiếm hoi tại những nơi làm thêm và cả việc chuyển nhà cho gia đình hai cậu. Ông từng nói với hai cậu rằng: “Các cháu nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, nhưng chú cũng nhận được rất nhiều từ các cháu. Các cháu đại diện cho những người phải đối mặt với khó khăn và đã vượt qua một cách xuất sắc”. Và Johnny đáp rằng: “Chúng cháu là những viên kim cương thô, hoặc chúng cháu chỉ chưa được mài giũa lúc này thôi nhưng rồi sẽ tỏa sáng”.

Có lẽ chính sự ý thức được giá trị của bản thân và khát vọng học tập để thay đổi cuộc đời đã giúp hai anh em mạnh mẽ vượt qua mọi thử thách của cuộc sống, để rồi George Huynh mới đây đã vinh dự được nhận vào trường Đại học Yale danh tiếng thế giới. Billy Baker - phóng viên báo The Boston Globe, một trong những phóng viên đầu tiên viết bài về hai anh em cách đây hai năm - đã viết trên Twitter của mình: “Tôi đã khóc khi nhận được tin nhắn của George báo em đã được nhận vào Yale. Bạn thấy đó, vấn đề không nằm ở chỗ bạn từ đâu đến, mà là bạn sẽ tiến xa được đến đâu”

Linh Linh
.
.
.